Chùa hoặc chùa quốc doanh?

Nguyễn Thùy Dương

(Bài góp ý khá nặng, cân nhắc khi đọc)

Báo Tuổi trẻ online hôm qua có bài "Tăng ni không chứng minh được tài sản riêng, khi hoàn tục không được mang theo tài sản". Nhiều người đọc xong ủng hộ cách làm của Giáo hội, riêng cá nhân tôi thở dài và sợ. Tôi sợ nỗi sợ bao nhiêu năm qua của mình trở thành sự thật nếu Giáo hội quyết thực hiện những gì như trên báo đưa tin: "Hiến chương (của Giáo hội PGVN) sẽ hướng dẫn các chùa xin cấp con dấu từ Nhà nước, từ đó mới được giao đất và quyền sử dụng đất, cấp sổ đỏ theo quy định của Luật đất đai. Lâu nay có chùa có con dấu có chùa không, một số chùa chưa làm sổ đỏ".

Đối tượng nào được Nhà nước cấp con dấu?

Đối tượng được Nhà nước cấp con dấu là Pháp nhân. Chùa có phải là Pháp nhân không? Nếu Chùa đăng ký Pháp nhân thì chùa phải tuân theo Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự. Như vậy, nếu đăng ký Pháp nhân, chùa sẽ đăng ký Pháp nhân phi thương mại theo Luật Dân sự. Pháp nhân phải có sổ sách thu chi rõ ràng. Ai quản lý cái này? Dĩ nhiên là Chi cục Thuế. Trước giờ, Nhà nước không bắt kê khai, không thu thuế. Nhưng khi đăng ký Pháp nhân để có con dấu cho oách xà mâu thì khác. Khi anh là một pháp nhân, tiền cúng dường có phải là thu nhập chính của pháp nhân nhà chùa đó hay không? Dĩ nhiên cũng là phải vì chùa có phải là cơ sở kinh doanh đâu mà có nguồn thu khác. Vậy có thu, có chi. Vậy là kê khai cúng dường, chùa nào, bao nhiêu, thuế má sòng phẳng, minh bạch tài chính.

Khoản 1 điều 74 luật dân sự quy định tại điểm c về điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân là: Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

Nhưng để cất chùa thì phải cất trên đất Tôn giáo. Tới đây, mời Giáo hội đọc lại điều 159 và điều 181 Luật Đất Đai 2013 để suy nghĩ cho kỹ: "…Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

Đất Tôn giáo là đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Có nghĩa là tài sản là đất có cơ sở tôn giáo không thể sử dụng vào việc chịu trách nhiệm của pháp nhân trong các quan hệ pháp luật có liên quan. Đất Tôn giáo và cơ sở Tôn giáo gắn liền với đất Tôn giáo không thể là tài sản độc lập như những loại tài sản khác.

Tại Việt Nam, các cơ sở Tôn giáo được mặc định là sở hữu chung của Cộng đồng. Giáo hội PGVN không thể kêu nhà chùa lấy tài sản chung của Cộng đồng đi đăng ký Pháp nhân được.

Cứ cho là Giáo hội chịu làm vậy thì về Luật pháp cũng không được, do chùa thành lập trên đất Tôn giáo.

Chỉ có cách cất một cái giống chùa nhưng trên đất ở hoặc đất Thương mại rồi đăng ký sinh hoạt Tôn giáo trong đó có thu tiền cúng dường. Nhưng nếu làm vậy, Phật giáo VN sẽ tiến trên con đường tiệm cận với Phật giáo Nhật Bản. Tức là người tu được cưới vợ, sinh con, làm các nghi lễ có thu phí, nhận cúng dường và kê khai thuế. Giáo hội Phật giáo VN muốn vậy sao? Và đây là điều tôi lo sợ.

Đó là chưa kể, người phát ngôn thuộc Giáo hội trên báo Tuổi trẻ đang có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc suy đoán Vô tội của Pháp luật, khi có phát biểu: "Tăng ni không chứng minh được tài sản riêng, khi hoàn tục không được mang theo tài sản… Và nếu GH cũng đi theo hướng này thì GH cũng không coi Luật pháp ra gì. Tăng Ni không có trách nhiệm chứng minh tài sản riêng, mà Giáo hội phải chứng minh được cái gì của Giáo hội để giữ thôi. Giáo hội đòi thay đổi nguyên tắc suy đoán vô tội bằng cách buộc đối phương chứng minh vô tội là chuyện… kỳ cục.

Giáo hội thấy rối chưa? Con dấu do Nhà nước cấp phải có Pháp nhân, Pháp nhân phải có thu chi, kê khai, sổ sách, báo cáo, khấu hao tài sản, rồi bán ve chai ghi vào thu nhập khác hay ghi vào thanh lý? Ông A cúng dường riêng Thầy B tiền xăng xe, thầy B đi đổ xăng có lấy hoá đơn về không? Kê khai sao?

Rồi ông trụ trì mang tiền công đức đi mua xe hơi dưới tên ổng thì sao? Mua đồng hồ Patek Philippe đeo chơi thì là tài sản riêng hay chung? Ổng nghỉ tu lái xe, đeo đồng hồ rời khỏi chùa thì làm gì nhau? Thưa ra Toà thì GH phải chứng minh là tiền của chùa chứ ổng không có trách nhiệm chứng minh.

Giáo hội nên đọc kỹ Luật Tôn giáo, đọc kỹ lại Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN khóa VIII (2017-2022), trong đó có quy định rõ về Tài sản, quản lý Tài sản, Tài sản chung, Tài sản riêng… Một lời thật lòng, đừng đu trend, đừng thấy dư luận dậy sóng rồi chế ra cái này cái kia cho bắt kịp thời đại ra vẻ có cải tiến, có thay đổi. Tất cả đã có trước rồi, cứ theo đó mà thực hiện.

Không có bức tường nào không lọt gió. Không có Luật nào hoàn thiện tuyệt đối. Cách tốt nhất để tránh Tăng Ni mượn đạo tạo đời là thực hành tuyệt đối Giới Luật. Giới Luật không thực hiện được thì đừng bày vẽ chế thêm Luật.

“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, gia quy không thể đứng trên Quốc pháp. Hiến chương của Giáo hội tuyệt đối không thể bò lết trên Luật pháp của một Quốc gia. Giáo hội cũng không phải Quốc hội.

Trung ngôn nghịch nhĩ. Mong Giáo hội bình tâm suy xét cho kỹ.

Ngày 24/11/2022

N.T.D.

Nguồn: FB Nguyễn Thùy Dương

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn