Internet Việt Nam mong manh thế nào?

Lưu Quý - Hoàng Khánh - Thanh Hạ - Thu Hằng

Tuyến cáp quang biển sắp bị thanh lý đang là sợi dây nguyên vẹn duy nhất kết nối Việt Nam với mạng lưới Internet toàn cầu.

clip_image002

Trong 5 cáp quang biển kết nối Việt Nam với thế giới, SMW-3 là sợi cáp già cỗi nhất, dự kiến được “nghỉ hưu” vào năm 2024. Nhưng nay, sợi cáp lại trở thành “con đường lành lặn" duy nhất giữ kết nối Internet qua biển cho hơn 70 triệu người dùng Việt Nam.

Đây là lần thứ hai trong 24 năm hoạt động, SMW-3 rơi vào tình cảnh này. Lần đầu năm 2007, khi một trong hai tuyến cáp của Việt Nam bị cắt trộm. Và lần này, khi 4 trên 5 tuyến cáp quang biển cùng lúc gặp sự cố. Điểm khác biệt là 16 năm trước, số người dùng Internet Việt Nam chỉ 17,7 triệu, còn nay đã tăng hơn 4 lần, đặt áp lực lớn lên sợi cáp già nua này.

Hệ thống cáp quang biển Việt Nam

Internet Việt Nam hiện phụ thuộc chính vào 5 tuyến cáp quang biển. Tuy nhiên, 4 tuyến lần lượt đứt một phần hoặc toàn bộ trong ba tháng qua.

Ngày 24/11/2022, tuyến cáp AAE-1 mất hướng đi Hong Kong. 17 ngày sau, tuyến AAG mất tất cả các hướng.

Ngày 21/1/2023, tuyến có băng thông lớn nhất - APG - mất các hướng đi Malaysia và Singapore. Một tuần sau, tuyến cáp IA mất hướng đi Singapore.

SMW-3 là tuyến cáp quang biển duy nhất còn nguyên vẹn nhưng sắp đến hạn thanh lý.

SMW-3 sẽ kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình sau 25 năm hoạt động theo niên hạn được khuyến nghị.

“Tội nghiệp SMW-3 cũ kỹ và sắp ngừng hoạt động lại đang cô đơn gồng gánh lưu lượng quốc tế của Việt Nam”, philBE, nhà quan sát chuyên theo dõi hệ thống cáp ngầm toàn cầu, nêu ý kiến trên Twitter hôm 3/2.

Ở góc độ người dùng Internet, anh Vũ Nhất An, Giám đốc công nghệ một công ty startup tại Thanh Xuân, Hà Nội, nêu giả thiết: “Nếu SMW-3 ra đời sớm một năm, có thể lúc này Việt Nam sẽ không còn tuyến cáp quang biển nào”.

Kết nối mong manh

“Chưa khi nào bực mình và mất niềm tin vào kết nối mạng như hiện nay”, anh Vũ Nhất An than phiền sau hai tháng vật lộn với tốc độ Internet ngày càng chậm và đứt đoạn.

Công ty anh An đang sử dụng bốn đường truyền mạng cùng bộ cân bằng tải, nhưng đội ngũ không thể đạt hiệu suất cao khi mọi tác vụ đều thực hiện qua mạng lưới Internet thiếu ổn định. Ngay cả việc cơ bản như soạn thảo văn bản trên Google Docs đôi khi cũng không thể hoàn thành. Về nhà, anh phải tắt Wi-Fi, dùng 4G.

Điều hành một nền tảng số có hơn 3 triệu lượt truy cập mỗi tháng, Nhất An cho biết một tháng nay, bộ phận chăm sóc khách hàng nhận phản hồi tăng vọt. “Có những người không biết mạng yếu do đứt cáp, chỉ nghĩ là website bị lỗi, bị sập và khiếu nại”, anh kể khổ khi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho lỗi không phải do mình gây ra.

“Con đường” kết nối ra thế giới của những người dùng như An đang hẹp hơn bao giờ hết khi phải “chen chân” cùng 2/3 dân số Việt Nam trên lượng băng thông ngày càng co lại. Khảo sát của VnExpress từ 30/1 đến 6/2 trên 13,9 nghìn người cho thấy, 95% khẳng định tốc độ mạng chậm hơn, 4% không nhận ra khác biệt và 1% thấy mạng nhanh hơn.

Việt Nam có gần 70 nghìn doanh nghiệp công nghệ số, một triệu công ty truyền thống ứng dụng công nghệ trong hoạt động. Trong bối cảnh đó, kết nối Internet từ “nên có” đã thành “phải có”. Khi gặp sự cố mạng, doanh nghiệp phải tự khắc phục những tổn thất không được báo trước. Nhưng trách nhiệm chưa từng được đề cập.

Lý giải nguyên nhân tốc độ chậm, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết do có nhiều tuyến cáp đứt nên các hướng kết nối quốc tế “có thể phải đi vòng”.

“Chất lượng Internet trong vài tuần sẽ có hiện tượng chập chờn, chậm cục bộ một số dịch vụ. Nhà mạng cần thời gian để bù đắp phần dung lượng bị mất cũng như việc chuyển hướng kết nối, làm tốc độ truy cập giảm", ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội, nói.

“Sợi chỉ” giữa đại dương

Trong giai đoạn hoạt động ổn định, tốc độ Internet của Việt Nam là một điểm sáng. Theo thống kê của Speedtest tháng 12/2022, tốc độ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam đạt 82 Mb/giây, đứng thứ 46 trên tổng số gần 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, còn Internet di động là 42 Mb/giây, đứng thứ 51.

Điều này cho thấy vấn đề của Internet Việt Nam nằm ở khả năng ứng phó trong tình huống khẩn cấp.

Người dùng mạng Việt Nam hiện kết nối với thế giới qua ba con đường chính: cáp quang biển, cáp đất liền và Internet vệ tinh. Tuy nhiên, đường cáp chạy dưới biển luôn là “mạch máu” khi chiếm 99% lưu lượng truyền thông tin xuyên lục địa. Cáp đất liền thường dùng cho khách hàng có nhu cầu kết nối cao, thuê kênh riêng để phục vụ. Còn kết nối vệ tinh chỉ dùng cho các khu vực hiểm trở, khó tiếp cận.

Tốc độ tăng người dùng Internet qua các năm và thời gian phát triển cáp quang

clip_image004

Người dùng Internet Việt Nam (triệu)

Ý thức tầm quan trọng của hạ tầng này, gần 30 năm qua, Việt Nam nỗ lực gia tăng cả số lượng cáp và băng thông để đuổi theo tốc độ phát triển người dùng Internet. Thế nhưng, những sợi cáp quang biển đường kính 7 cm với 8 lớp bọc vốn như “sợi chỉ” mong manh giữa đại dương.

Biển Đông là một trong những vùng có hoạt động hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Cáp quang biển dù được bọc bởi các lớp gia cường bằng thép cũng không thể tự bảo vệ nếu bị mỏ neo của tàu chở hàng chục nghìn tấn móc và rê đi. Theo thống kê của Uỷ ban bảo vệ cáp quốc tế (ICPC), từ năm 1959 đến 2021, 41% các vụ đứt cáp là hoạt động đánh bắt cá, 16% do mỏ neo của tàu thuỷ, 0,1% do bị cá tấn công.

Đến đầu năm 2023, thế giới có 552 tuyến cáp đang hoặc sắp khai thác. Mỗi năm, hệ thống này gặp khoảng 100 sự cố, theo Telegeography. Trong khi đó, thống kê của Viettel cho thấy các tuyến cáp quang biển mà Việt Nam khai thác đứt trung bình 10 lần mỗi năm.

Như vậy, với 5 tuyến cáp đang hoạt động, Việt Nam khai thác chưa đến 1% số cáp toàn cầu, nhưng gặp lượng sự cố bằng 10% cả thế giới.

Theo đại diện Viettel, nguyên nhân là vùng biển Đông Nam Việt Nam có mực nước nông trong khi tàu bè hoạt động nhộn nhịp, neo đậu trái phép trên vùng có tuyến cáp đi qua.

Cáp quang dễ hỏng nhưng khó sửa, bởi các nhà mạng Việt Nam cũng hoàn toàn ở thế bị động trong việc hồi phục các sợi cáp này. Ba tháng kể từ thời điểm sợi cáp đầu tiên gặp sự cố, mới chỉ APG và AAG có kế hoạch sửa chữa vào cuối tháng ba hoặc đầu tháng tư, tức sau gần nửa năm. Hai cáp còn lại chưa hẹn ngày khắc phục.

Toàn bộ 5 “mạch máu” Internet của Việt Nam đều thuộc những liên minh do nhiều quốc gia và công ty viễn thông quản lý, cùng đặc thù tuyến cáp trải dài trên vùng biển. Do vậy, việc khắc phục không thể diễn ra trong vài ngày và phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài. Nhà mạng Việt Nam “lực bất tòng tâm".

Theo đại diện Viettel, với trung bình 10 sự cố mỗi năm, mỗi lần mất khoảng một tháng khắc phục, các nhà mạng thường chỉ khai thác được ba trên năm tuyến. Do đó, nhà mạng luôn phải duy trì cả các đường dự phòng, với tỷ lệ hoạt động 60%, dự phòng 40%, dẫn đến kém hiệu quả chi phí, tăng tải lực lượng vận hành khai thác. Đây được cho là vấn đề bức bối nhất trong hiện trạng mạng cáp biển hiện nay.

“Hạ tầng cáp quang biển hiện chưa đủ dùng”, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn tại Việt Nam thừa nhận. Khi có sự cố, doanh nghiệp buộc phải lo hạ tầng ứng cứu, phần lớn qua hệ thống cáp trên đất liền, kết nối phía Bắc cũng như phía Tây Nam Việt Nam. Dung lượng này trước hết được ưu tiên cho các kênh thuê riêng và kết nối 3G, 4G. Đó là lý do nhiều người thấy mạng di động vẫn hoạt động tốt, trong khi mạng cố định gần như đứng im.

Tự chủ Internet

Hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam nỗ lực nhiều giải pháp để nâng cấp hạ tầng Internet nhằm đáp ứng lượng người dùng tăng lên theo cấp số nhân, từ 1,9 triệu năm 2002 lên 72,1 triệu, tức tăng 38 lần. Số người sử dụng Internet đứng thứ 13 thế giới, nhưng tỷ lệ dân số trên cáp thì không theo kịp tốc độ phát triển này.

Nếu tính cả hai đường cáp sắp đi vào hoạt động là ADC (2023) và SJC2 (2024), Việt Nam sẽ kết nối trực tiếp vào bảy đường cáp quang biển của thế giới. Con số này không lớn nếu so với trung tâm kết nối gần Việt Nam nhất là Singapore (39 đường), hay những quốc gia lân cận như Malaysia (25 đường), Philippines (24 đường), Thái Lan (13 đường). Trong khi đó, số người dùng Internet Việt Nam lớn gấp nhiều lần.

So sánh số lượng tuyến cáp quang và người dùng Internet của Việt Nam với các nước

clip_image008

Dự báo của các công ty viễn thông như Huawei, Cisco và Viettel cho thấy, nhu cầu về lưu lượng truy cập mạng quốc tế của Việt Nam dự kiến tăng 30%-50% mỗi năm. Để đáp ứng, kết nối quốc tế cần mở rộng gấp 10-40 lần hiện tại nếu các dự báo tăng trưởng khả quan.

Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng các sự cố cáp quang biển đặt ra câu hỏi về việc Việt Nam cần bổ sung, đa dạng hoá các tuyến cáp biển kết nối quốc tế, cả về số lượng cũng như hướng đi, trạm cập bờ, nhằm có được chất lượng ổn định hơn.

Trả lời VnExpress, nhà phân tích Marvin Tan của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường viễn thông Telegeography đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường Internet lớn nhất ở châu Á và đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, việc bổ sung hai tuyến cáp ADC và SJC2 như kế hoạch hiện tại có độ trễ nhất định. “Việt Nam thực sự cần hai tuyến cáp này để có thể thực hiện các hoạt động trực tuyến”, nhà phân tích này nói.

Định hướng nâng cấp toàn bộ hạ tầng của chính phủ, kinh tế và xã hội lên nền tảng số, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đầu tư để hạ tầng viễn thông đi cùng nhịp với các nước trên thế giới. Còn các nhà mạng cũng đặt ra kế hoạch cho trạm cập bờ mới tại Quy Nhơn - điểm vào của hai tuyến ADC và SJC2.

clip_image010

Hai cáp quang biển ADC và SJC-2 sẽ lần lượt hoạt động vào 2023 và 2024

Viettel cho biết họ hiện có lưu lượng quốc tế 8,1 Tbps, vừa được bổ sung 700 Gbps lên 8,9 Tbps. Khi ADC hoạt động, dự kiến trong quý ba, nhà mạng này sẽ khai thác 18 Tbps dung lượng tuyến, giúp nâng gấp ba lần dung lượng hiện tại. VNPT cũng tham gia xây dựng tuyến SJC2 với dung lượng sở hữu 18 Tbps, dự kiến khai thác trong năm 2024. Theo kế hoạch đến 2030, các nhà mạng này sẽ có thêm từ 2 đến 4 tuyến cáp biển mới.

Hubert Souisa, chuyên gia tư vấn về hạ tầng, khuyến nghị trong 5 năm tới, Việt Nam cần xác định rõ nguyên nhân của các sự cố để tìm cách giảm thiểu, đồng thời phát triển các tuyến cáp ngầm thay thế.

Chuyên gia này ủng hộ ý tưởng Việt Nam cần sở hữu riêng ít nhất một tuyến cáp để linh hoạt hơn trong vận hành và khắc phục sự cố, tăng tự chủ với Internet. Ông gợi ý phát triển tuyến cáp mới với khu vực như Malaysia, Thái Lan, cùng các điểm cập bờ khác nhau ở Việt Nam để tăng tính đa dạng và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, ông Marvin Tan cho rằng sự tham gia của liên minh từ nhiều nước sẽ mang lại giá trị khác, đó là khả năng chia sẻ chi phí sửa chữa, xin giấy phép khi cần triển khai bảo trì và giúp tiến trình được thúc đẩy nhanh hơn.

Còn với những người dùng như anh Nhất An, sau gần hai tháng sống trong cảnh mạng “rùa bò", đã dần quen với việc chuyển đổi qua lại giữa các kết nối mạng, giảm dần thời gian sử dụng khi không cần thiết. Tuy nhiên, anh cho rằng việc này không thể kéo dài mãi khi mọi hoạt động của người dùng đều liên quan đến Internet.

“Tôi không quan tâm có nhiều hay ít cáp quang biển, điều chúng tôi cần là một kết nối ổn định”, An nói.

*Nguồn dữ liệu: TeleGeography, Viettel, Ookla, Sách trắng CNTT-TT, Kepios

L.Q. – H.K. – T.H. – T.H.

Nguồn: vnexpress.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn