Sở hữu chéo ngân hàng: khó trị vì lợi ích nhóm

Nguyễn Nam

(VNTB) – Sau ngân hàng A là thấy bóng dáng ngân hàng A “phẩy” hoặc doanh nghiệp B – phần lớn là doanh nghiệp bất động sản… 


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết “nghị quyết trung ương nêu chấm dứt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, mạnh như thế, chứ không nói hạn chế nữa đâu”.

Góp ý về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), theo ông Vương Đình Huệ: “Quan trọng không phải 3% hay 5% mà trong luật các nước, anh có vốn sở hữu các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng là phải có nghĩa vụ báo cáo công khai hết để người ta biết được nhóm người có liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng ấy”.

Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Đơn cử như rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu). Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực, mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính.

Hay rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan, việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.

“Chẳng hạn như BaoVietbank và PVcombank có cổ đông là doanh nghiệp nhà nước sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ. Vụ việc bà Trương Mỹ Lan – Ngân hàng SCB; Tập đoàn Masan và nhóm cổ đông lớn tại Techcombank; nhóm cổ đông tại ACB… là những ví dụ khác.

Lưu ý là rất có thể đằng sau lưng của những doanh nghiệp ấy còn có các thế lực chính trị chống lưng. Đơn cử như từng có đồn đoán các ông lớn ngân hàng như Trầm Bê, Trần Bắc Hà là ‘kinh tài’ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Đặng Văn Thành là “kinh tài” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc… – một nhà báo chuyên trách mảng tài chính, hiện đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo, có ý kiến như vậy trong một hội luận về vấn đề này vào cuối giờ chiều ngày 5-6-2023.

Thực tế cho thấy sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam để lại từ lịch sử khi các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ một phần vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại cổ phần.

Vì thế, các mối quan hệ sở hữu chéo được hình thành chằng chịt giữa các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng thương mại nước ngoài, các quỹ tài chính, doanh nghiệp nhà nước, và doanh nghiệp tư nhân.

Chẳng hạn, thời điểm cuối 2011, có 8 ngân hàng thương mại cổ phần có quan hệ cổ phần với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, là Vietcombank sở hữu 11% tại ngân hàng Quân Đội, 8,2% tại Eximbank, 4,7% tại ngân hàng Phương Đông, 5,3% tại ngân hàng Sài Gòn.

Trong khi đó, tình trạng sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần hiện có ít nhất 6 ngân hàng thương mại cổ phần có cổ đông là một ngân hàng thương mại cổ phần khác. Chẳng hạn, Eximbank sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank, 8,5% cổ phần tại ngân hàng Việt Á.

Từ vụ việc nhà chức trách không đặt vấn đề để làm sáng tỏ ai là “trùm cuối” chiếm 80% vốn cổ đông ở công ty Việt Á trong vụ kit-test Covid, cho thấy vấn đề của hiện tại là làm sao để truy xuất nguồn gốc tài sản?

Cần phải làm sao trong việc minh bạch thông tin để bất kỳ ai cũng có thể tìm hiểu được cổ phần của ông A có dính dáng tới doanh nghiệp B, doanh nghiệp C; hoặc thậm chí doanh nghiệp X, Y, Z hay không, và các cá nhân chính khách đương quyền lẫn rời ghế quan chức có vốn góp cổ phần “danh nghĩa” ra sao…

Năm ngoái từ vụ ngân hàng SCB liên quan đến Vạn Thịnh Phát, người ta thấy đứng sau nhiều đại gia Việt đều có 1 ngân hàng, như bà chủ của VietJet Air là HD Bank, bà chủ Tập đoàn BRG thì SEA Bank, ông chủ sân golf ở phi trường Tân Sơn Nhất là Sacombank…

N.N.

VNTB gửi BVN

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn