Giới tranh đấu hoan nghênh chuyến công tác Việt Nam của Báo cáo viên LHQ

VOA Tiếng Việt

07/11/2023

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (phải) tiếp Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển, ông Surya Deva. Photo Baotintuc.vn

Giới tranh đấu cho nhân quyền hoan nghênh chuyến công tác của Báo cáo viên Đặc biệt LHQ tại Việt Nam, chuyến thăm đầu tiên từ năm 2017. Ông Surya Deva, chuyên gia nhân quyền phụ trách Quyền Phát triển, đang có mặt tại Việt Nam, và sẽ làm việc tại Hà Nội, Hà Tĩnh, và Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 6 đến 15 tháng 11.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng 05/2023, ông Deva sẽ đánh giá các nỗ lực của quốc gia trong việc thực hiện quyền phát triển, việc thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững, và xác định những thách thức còn tồn tại, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết trong một thông cáo hôm 6/11.

Ông cũng sẽ tìm hiểu việc Chính phủ Việt Nam thúc đẩy và đảm bảo sự tham gia hiệu quả của người dân vào quá trình xây dựng chính sách, và ra quyết định liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa ra sao. Chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt nhằm hỗ trợ Chính phủ củng cố luật pháp, chính sách và thực hành phù hợp với Tuyên bố về Quyền phát triển (năm 1986) và các tiêu chuẩn liên quan khác.

Báo cáo viên Deva viết trên trang X (Twitter) ngay khi đến Việt Nam: “Rất mong được gặp gỡ các quan chức chính phủ và các bên liên quan khác để đánh giá việc thực hiện Quyền Phát triển. Tôi sẽ xác định sự tiến bộ cũng như những thách thức đang diễn ra và đưa ra những khuyến nghị thiết thực!”.

Từ Tp. Hồ Chí Minh, cựu tù nhân chính trị Huỳnh Thị Tố Nga, chia sẻ ý kiến với VOA về chuyến công tác của ông Deva.

“Chuyến thăm của một chuyên gia LHQ như vậy thì rất đáng hoan nghênh để chúng ta có thể có những thảo luận về vấn đề nhân quyền nghiêm túc và thúc đẩy được nhân quyền ở Việt Nam. Đây là một vấn đề rất tốt cho đất nước của chúng ta”.

Bà Tố Nga, người mãn án tù hồi đầu năm nay, sau khi bị kết án 5 năm tù vì cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”, cho biết thêm:

“Tôi mong rằng LHQ sẽ thúc đẩy vấn đề nhân quyền và dân quyền để vấn đề này được rõ ràng và minh bạch, bởi vì nhà cầm quyền Việt Nam trước cộng đồng quốc tế họ cam kết nghiêm túc chấp hành và đề cao nhân quyền, nhưng thực tế ở trong nước thì họ không làm như cam kết. Trái lại, họ đang bóp nghẹt quyền được nói, quyền được đưa ra ý kiến mang tính xây dựng của người dân ở trong nước”.

Từ Nghệ An, nhà tranh đấu Nguyễn Viết Dũng, chia sẻ với VOA về tính thực tiễn của các chuyến khảo sát như thế này từ LHQ:

“Việc xuất hiện của một báo cáo viên đặc biệt (Special Rapporteur - SR) tại Việt Nam không phải là điều gì mới. Từ trước đến nay đã có nhiều xuất hiện của các SR của các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam nhưng các kết quả thu được sau chuyến thăm so với trước chuyến thăm cũng không quá khác biệt. Tôi đang nhắc đến các kết quả nhằm cải thiện môi trường thực sự cho Việt Nam, chứ không phải là các kết quả nằm trên các báo cáo được in trên các trang giấy”.

“Tuy nhiên, là một người hoạt động vì tự do cho Việt Nam, tôi luôn chào đón mọi chuyến thăm của các SR, đặc biệt là chuyến thăm VN của báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền phát triển, ông Surya Deva”.

Tổ chức nhân quyền Hiến Chương 19 (Article 19) gửi kiến nghị đến ông Deva hôm 2/11, nhấn mạnh rằng chuyến công tác này “là cơ hội đáng hoan nghênh để gây sức ép với chính quyền Việt Nam về mối quan hệ giữa tự do internet và quyền phát triển”.

“Chuyến thăm của ông Surya Deva là cơ hội tốt nhất để giải quyết các rào cản đối với việc thúc đẩy quyền phát triển ở Việt Nam, xem xét những thách thức đáng kể đặt ra đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và việc phủ nhận quyền tự do ngôn luận người dân Việt Nam”, tổ chức này cho biết trong một thông cáo.

Tổ chức này nói rằng quyền phát triển ở Việt Nam “hiện đang bị đe dọa bởi những nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế không gian công cộng, đặc biệt là trực tuyến. Trong khi internet và phương tiện truyền thông xã hội từng tạo điều kiện cho không gian dân sự rộng lớn hơn, thì những phát triển về pháp lý và công nghệ gần đây đã cho phép chính phủ đàn áp mạnh mẽ hơn”.

Một số gia đình tù nhân lương tâm Việt Nam hôm 3/11 cũng có buổi gặp gỡ trực tuyến với ông Deva, theo đài BBC và các trang Facebook của gia đình tù nhân Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu.

Trước khi hết thúc chuyến công tác tại Việt Nam, ông Deva sẽ tổ chức họp báo vào ngày 15/11/2023 tại một khách sạn ở Hà Nội. Đến tháng 9/2024, ông sẽ trình bày báo cáo của ông tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6/11 cho biết chuyến công tác của ông Deva được thực hiện theo lời mời của bộ này. Khi tiếp ông Deva, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nói rằng “cách tiếp cận của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”, theo Báo Tin tức. Ông Việt đồng thời “khẳng định Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể và động lực của quá trình phát triển”.

Nhiều năm qua Việt Nam dường như không chấp nhận yêu cầu các chuyến thăm của báo viên đặc biệt phụ trách lĩnh vực nhạy cảm như tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, quyền tự do lập hội và nhóm họp ôn hòa, về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt, về tra tấn, hạ nhục…

Theo thống kê của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, kể từ năm 2010 đến nay, có 24 lượt Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đề nghị thăm Việt Nam nhưng chỉ mới có 7 trong số này đến Việt Nam. Trong khi đó, các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn thì được Hà Nội chấp thuận viếng thăm như nợ nước ngoài, nghèo đói cùng cực, văn hoá, lương thực, y tế… Lần gần nhất, năm 2017, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về quyền lương thực Hilal Elver, có chuyến thăm Việt Nam.

Ông Surya Deva bắt đầu đảm nhận vai trò Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Quyền phát triển từ ngày 01/05/2023. Ông là Giáo sư tại Trường Luật Macquarie, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Luật Môi trường tại Đại học Macquarie, Australia.

Các Báo cáo viên đặc biệt là một phần của Thủ tục đặc biệt (Special Procedures) của Hội đồng Nhân quyền LHQ, đó là một cơ chế độc lập của Hội đồng nhằm giám sát và tìm hiểu tình hình thực tế để giải quyết các tình huống cụ thể của quốc gia, hoặc các vấn đề chuyên đề ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Các chuyên gia của Thủ tục đặc biệt làm việc trên cơ sở tình nguyện; họ không phải là nhân viên LHQ và không nhận lương khi làm việc. Họ độc lập, không liên quan đến bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào, và thực hiện công việc với tư cách cá nhân.

Nguồn: VOA Tiếng Việt


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn