Lời kêu cứu của bà con vườn rau Lộc Hưng

VNTB - 12.11.2023 

(VNTB) – Ngày thứ bảy 11-11-2023 đã đi qua trong căng thẳng trước nguồn tin chính quyền sẽ ‘đổ quân’ gây áp lực với bà con khu vườn rau Lộc Hưng. Những ngày cuối tuần, ở các con hẻm gần khu vườn rau Lộc Hưng đã được ‘chăm sóc’ kỹ bởi lực lượng công an sắc phục lẫn thường phục. Phía nhà chức trách nơi đây đang đến các khu xóm nơi mà người dân vườn rau Lộc Hưng đang ở trọ để ‘vận động’ ra phường để làm thủ tục đền bù cho chuyện đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng đã bị nhà nước ‘cưỡng chế’ ở tuần lễ giáp Tết Kỷ Hợi 2019. 

Một đại diện của nhóm bà con vườn rau Lộc Hưng đang theo đuổi về pháp lý vụ việc này cho biết như sau bằng văn bản hẳn hòi: 

“Trong khi lãnh đạo ngoài trung ương Hà Nội có văn bản đề nghị UBND TP.HCM gặp mặt trao đổi với bà con dân oan vườn rau Lộc Hưng để tìm giải pháp dung hoà tốt giữa 2 bên chính quyền và người dân, thì UBND quận Tân Bình lại giở chiêu trò “Phép vua thua lệ làng”, dám ngang nhiên không tuân thủ đề nghị của Trung ương mà đi dán thông báo rằng sẽ khởi công công trình ngay trên mảnh đất vườn rau Lộc Hưng vào tháng 12 này, khi chưa có sự đồng ý của người dân đang sinh sống tại đây. Chúng tôi là dân oan vườn rau Lộc Hưng cực lực lên án dã tâm này của UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM. Trong khi phái đoàn Liên hiệp quốc về nhân quyền đang có mặt tại TP.HCM mà UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM lại âm mưu, cấu kết với nhau để toan tính thi công công trình trái pháp luật trên khu đất vườn rau Lộc Hưng của chúng tôi, chứng tỏ UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM coi thường sự bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và có âm mưu phá hoại sự bang giao đó, khiến cho Việt Nam bị thế giới coi khinh. Đó là tội ác của UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM. Vì tình thế rất cấp bách, chỉ còn 1 tháng nữa là UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM sẽ khởi công công trình trên khu đất vườn rau Lộc Hưng của chúng tôi, nên trước mắt, trong tình thế đặc biệt nghiêm trong này, chúng tôi những dân oan vườn rau Lộc Hưng, có các đề nghị sau: 

1-  Đề nghị ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, tiếp tục có văn bản chính thức ngăn cản hành vi trái pháp luật của UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM trên khu đất vườn rau Lộc Hưng thuộc quyền sở hữu của chúng tôi. Vì chính ông trước đây, sau khi trực tiếp đối thoại với chúng tôi nhiều lần, đã có văn bản như thế mà hiện nay UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM ngang nhiên bỏ ngoài tai, không coi đề nghị của ông ra gì. 

2- Đề nghị Ban thanh tra chính phủ lập đoàn công tác xuống làm rõ ngọn ngành về mảnh đất vườn rau Lộc Hưng để có hướng xử lý rốt ráo. 

3- Đề nghị UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM chấm dứt ngay việc tuyên truyền trái pháp luật, cũng như bỏ ngay dã tâm đòi khởi công công trình trên khu đất vườn rau Lộc Hưng của chúng tôi vào tháng 12 này”. 

Tóm tắt về chuyện… khiếu nại – khiếu kiện của bà con vườn rau Lộc Hưng:

Ngày 17-1-2019, với sự trợ giúp pháp lý của nhóm luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, người dân Lộc Hưng đã cùng nhau mang đơn kêu cứu khẩn cấp đến một số cơ quan Nhà nước tại TP.HCM. 

Tại trụ sở Ban tiếp công dân thành phố (thuộc Văn phòng UBND TP.HCM), đại diện cơ quan này đã tiếp xúc với 5 người, đại diện cho 172 hộ dân hiện diện tại Ban tiếp công dân thành phố (theo số liệu ghi trong biên bản tiếp công dân). Cũng theo biên bản tiếp công dân, đại diện các hộ dân đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp bà con tại khu vườn rau Lộc Hưng – phường 6 quận Tân Bình – để giải quyết ngay việc cưỡng chế khoảng 200 căn nhà vào ngày 4 và 8-1-2019. 

Đại diện Ban tiếp công dân thành phố ghi nhận ý kiến và sẽ xem xét xử lý theo quy định. Cuộc tiếp xúc diễn ra từ 8g đến 8g15p cùng ngày. 

Một trong năm đại diện tham gia cuộc tiếp xúc là bà Nguyễn Thị Thái, cũng là hộ cuối cùng có nhà bị lực lượng cưỡng chế giật sập. “Tôi không dám nhìn”, bà Thái bần thần. Người đàn bà 64 tuổi gắn bó với vườn rau từ khi theo cha mẹ di cư vào Nam năm 1954. Bà lớn lên ở đây. Lấy chồng ở đây. Sinh con cũng ở đây. Sáu người con, 5 đứa cháu cũng thế. Ngồi bên đống đồ đạc ngổn ngang, bà cho biết gia đình không nhận được “miếng giấy” (thông báo cưỡng chế - PV) từ chính quyền. Đồ đạc chạy không kịp. Cái gì còn cái gì mất cũng không biết. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ mới “thấy” cảnh màn trời chiếu đất. Không biết nương tựa vào đâu. Hai vợ chồng đã lớn tuổi. Sống nay chết mai. Chỉ thương đàn con đàn cháu không biết bám víu vào đâu. Năm cháu, sáu con chưa kể dâu rể đều sống cùng với vợ chồng già. “Tôi khổ thì mọi người cũng khổ”, bà Thái nghẹn ngào, không biết nói gì thêm. 

“Ngoài đường” – là hai chữ mà bà Ngô Thị Nga dùng để diễn tả nơi tá túc của gia đình khi chỉ còn non tháng nữa là đến Tết cổ truyền. Bà về làm dâu vườn rau Lộc Hưng từ năm 1986. Trồng rau mà sống. Trải qua hằng chục năm canh tác, đất đai ngày càng bạc màu, chưa kể cánh đồng thường xuyên ngập úng do nước mưa, nước thải… Không thể tiếp tục canh tác, năm 2012 gia đình cất nhà trọ cho thuê để làm kế sinh nhai. Cũng như bà Thái, bà Nga cho biết không nhận được thông báo từ chính quyền trước khi tiến hành cưỡng chế. “Còn chút xà bần cũng không bán được. Tiền nhận rồi phải trả lại vì xe của bên mua không được phép vào”, bà Nga uất ức.

… Giờ thì cứ đến cuối tuần thì họ lại lục tục trở về, rì rầm cầu nguyện trước đài Đức Mẹ. Công trình duy nhất còn vẹn nguyên trên “vườn rau Lộc Hưng”.

VNTB gửi BVN

---

Đc thêm:

Sắp đến cái tết thứ 5 phải ‘tha hương’ của bà con ‘vườn rau Lộc Hưng’ 

Thới Bình  - 12.11.2023

(VNTB) – Tết Kỷ Hợi 2019, với người dân vườn rau Lộc Hưng, coi như không có Tết vì ai cũng phải tứ tán.

Tháng Chạp, năm Mậu Tuất, lực lượng chức năng TP.HCM đưa máy ủi, máy cẩu vào cưỡng chế khu vực “Vườn rau Lộc Hưng”. Tết Kỷ Hợi 2019, với người dân vườn rau Lộc Hưng, coi như không có Tết vì ai cũng phải tứ tán cho… ‘tỵ nạn’ vì nhà cửa, đất đai đã bị nhà chức trách san bằng như… Mậu Thân 1968. 

Từ 1954, vườn rau Lộc Hưng đã là nơi trú ngụ của bao nhiêu gia đình, bao nhiêu thế hệ từ Bắc vào Nam khai hoang sinh sống. Chuỗi thời gian dài của khiếu nại – khiếu kiện đủ các cấp từ thành phố đến tận trung ương. Nhóm luật sư công giáo và cả ngoại đạo đã hỗ trợ người dân pháp lý ngay từ các thủ tục ban đầu. Báo chí thì phía truyền thông nhà nước ‘nói vo’ rằng chính quyền không sai. Báo chí nước ngoài và mạng xã hội thì phân tích đa chiều về đúng - sai ở các bên liên quan. Giờ chỉ còn hơn tháng nữa là bước sang năm 2024. Tin tức mới nhất về vụ “vườn rau Lộc Hưng”, qua ghi nhận từ báo chí nhà nước, chỉ cần ‘phân tích ngược dòng’, sẽ không khó nhận ra cái sai ở đây thuộc về chính quyền, nhưng đó là một sự đã rồi… 

Sáng 11-11-2023, UBND quận Tân Bình bắt đầu niêm yết dự thảo phương án hỗ trợ người dân canh tác trên khu đất công cộng ở phường 6 (quận Tân Bình) – khu vực ‘vườn rau Lộc Hưng’ tại 2 địa điểm: trụ sở UBND phường 6 (số 356A đường Bắc Hải) và điểm sinh hoạt khu phố phường 6 (số 771 Cách Mạng Tháng 8). Tổ công tác của hội đồng hỗ trợ dự án sẽ làm việc tại trụ sở UBND phường 6 để tiếp nhận kê khai của người dân, giải thích về chủ trương, chính sách, dự thảo phương án hỗ trợ và các vấn đề có liên quan đến dự án tại khu đất này. 

Theo thông báo thì người dân có thể đến 2 địa điểm trên để được hướng dẫn kê khai hoặc kê khai bổ sung và cung cấp hồ sơ liên quan đến quá trình canh tác tại khu đất. Bên cạnh đó, tổ công tác cũng xuống từng hộ dân để trao dự thảo phương án hỗ trợ. Đại diện UBND quận Tân Bình cho biết dự thảo phương án hỗ trợ sẽ nêu rõ số tiền mà từng hộ dân sẽ nhận được, những hộ dân đã tạm ứng sẽ nhận thêm phần hỗ trợ bổ sung. 

Phía chính quyền địa phương tiếp tục đưa ra lập luận: khu đất này trước đây do chính quyền Pháp sử dụng làm bãi an-ten. Sau khi đất nước thống nhất, nhà nước trực tiếp quản lý toàn bộ khu đất và ngành bưu điện tiếp quản, quản lý. Đến năm 2008, UBND TP.HCM giao quận Tân Bình quản lý toàn bộ khu đất để đầu tư xây dựng công trình công cộng. Thực tế có một số hộ dân canh tác rau trên một phần diện tích của khu đất và trong quá trình canh tác, nhiều hộ dân đã tự ý xây dựng công trình trái pháp luật… 

Giả dụ như tất cả lập luận của chính quyền là đúng hết, bởi đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, và ‘bên thắng cuộc’ luôn có quyền khi đi kèm là họng súng; song chỉ xét với mỗi yêu cầu mà chính quyền quận Tân Bình đang yêu cầu người dân trong “hướng dẫn kê khai hoặc kê khai bổ sung và cung cấp hồ sơ liên quan đến quá trình canh tác tại khu đất”, cho thấy “kiểm đếm” là một thủ tục phải thực hiện trước khi Nhà nước chính thức tiến hành việc thu hồi đất đã không được thực hiện khi cưỡng chế giải tỏa khu vườn rau Lộc Hưng hồi giáp Tết Kỷ Hợi 2019. 

Kiểm đếm đất đai được hiểu là công việc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành, nhằm mục đích xác định hiện trạng sử dụng đất, thống kê nhà ở, tài sản gắn liền với đất để lấy thông tin phục vụ cho hoạt động đền bù, giải tỏa. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật đất đai 2013 và điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì trước khi có quyết định thu hồi đất, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo kế hoạch kiểm đếm cho người dân được biết: Chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp; Chậm nhất là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Điểm d khoản 1 Điều 69 Luật đất đai 2013 quy định, nếu người dân không đồng thuận thực hiện kiểm đếm thì UBND cấp xã và ban bồi thường, giải phóng mặt bằng phải tổ chức vận động, thuyết phục. Trong vòng 10 ngày kể từ khi được vận động, thuyết phục mà vẫn không được đồng ý thì Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định kiểm đếm bắt buộc. Nếu người có đất vẫn không thực hiện thì tiến hành cưỡng chế kiểm đếm. Tuy nhiên ở ‘vườn rau Lộc Hưng’ đã không theo lộ trình pháp luật về đất đai, mà chính quyền đã đưa lực lượng dân sự kết hợp vũ trang để đập phá toàn bộ nhà cửa, khiến tài sản của các gia đình đang sinh sống ở vườn rau Lộc Hưng chịu thiệt hại nặng nề.

T.B.

VNTB gửi BVN



Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn