Đoạn trường mà đi

Lần đón đưa Tập Cận Bình tháng Mười Hai này có thể sẽ kéo Việt Nam vào một ngõ tối. 

Nguyễn Anh Tuấn 

Nguồn ảnh: TTXVN. Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

Vậy là sau nhiều đồn đoán thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đến Hà Nội, ba tháng sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden vốn đã nâng cấp quan hệ của hai nước lên mức “chiến lược toàn diện” theo một thang phân loại nhập nhằng của Hà Nội. [1]

Ở chuyến thăm lần thứ ba này của họ Tập trong tư cách người đứng đầu Trung Quốc, tiệc trà cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày biện, tuy là trong nhà thay vì ngoài trời như hồi 2017, có vẻ cho phù hợp với tình trạng sức khỏe suy yếu của chủ nhà. Ông Trọng có thể cũng đã rút kinh nghiệm từ lần thưởng trà trước, nên không bình phẩm so sánh gì trà Tàu trà Việt nữa, tránh được những chuyện ồn ào không cần thiết. 

Dù báo chí trong nước đồng loạt đăng tải thông tin về chuyến thăm trên trang nhất, phía Việt Nam cũng dùng những từ có cánh nhất để mô tả mối quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” với Trung Quốc, song có lẽ vẫn không giúp chuyến thăm trở nên bớt nhàm chán trong mắt những người theo dõi. Thật vậy, nội dung tường thuật trên báo chí về cuộc hội đàm cấp cao của đôi bên đầy những ngôn từ sáo rỗng, khẩu hiệu, vốn có thể được sử dụng để mô tả bất kỳ buổi hội đàm nào trước đó của hai nước. 

Tuy nhiên, để ý k thì vẫn có vài điểm mới đáng lưu tâm.

Lần đầu tiên Tập Cận Bình đăng bài trên báo Nhân Dân

Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi bài đăng báo Nhân Dân ngay trước thềm chuyến thăm của ông đến Việt Nam. [2]

Trong bài viết không quá dài này, ông Tập đã 18 lần đề cập đến châu Á với khẳng định rằng tương lai của châu Á nằm trong tay của người châu Á và gắn những sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc như “cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại” và “Vành đai - Con đường” với tương lai của châu lục này. 

Với những người Việt Nam từng là nạn nhân của các hiện tượng bá quyền khu vực, không rõ lời kêu gọi về một châu Á của người châu Á có gợi liên tưởng đến thuyết Đại Đông Á của Đế quốc Nhật xưa kia hay không, [3] chỉ biết là Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã thường xuyên đề xuất chia đôi thế giới, bắt đầu từ Thái Bình Dương, với Hoa Kỳ. [4]

Tuy nhiên, hành động gửi bài viết trước chuyến đi cũng phần nào cho thấy sự khiêm nhường hiếm thấy của họ Tập. Điều này cũng phù hợp với những diễn biến mới đây ở San Francisco trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh APEC khi Chủ tịch Trung Quốc tỏ ra nhún nhường khác với thường lệ - một động thái được cho là kế hoãn binh của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ nhằm mua thời gian giải quyết các vấn đề chính trị và kinh tế nội địa đang hồi khó khăn, [5] nhằm tránh tình thế nội ưu ngoại loạn (neiyou waihuan) đã tạo nên Thế kỷ Ô nhục đáng quên của Trung Hoa trước đây (1840 - 1949). [6] [7]

Cộng đồng chung vận mệnh có đuôi

Tin về chuyến thăm của họ Tập râm ran từ đầu tháng Mười. Reuters trong bản tin ngày 6/10của mình cho biết chuyến thăm có thể diễn ra vào cuối tháng Mười đầu tháng Mười Một và họ Tập dự kiến sẽ mang đến Hà Nội một giao kèo về “cộng đồng chung vận mệnh”. [8]

Dù nội dung của cái gọi là “cộng đồng chung vận mệnh” vẫn chưa có gì rõ ràng, điều này phù hợp với mong muốn của Trung Quốc muốn thấy Việt Nam coi quan hệ với họ là cao nhất, đặc biệt là phải cao hơn Mỹ. 

Giới chức Việt Nam có vẻ lo ngại việc đưa cụm từ này vào Tuyên bố chung giữa hai nước và đang thảo luận về việc này, theo các nguồn tin nói với Reuters thời điểm đó. [9]

Sự thận trọng này là có cơ sở. Không chỉ tiềm ẩn những ràng buộc từ phía Trung Quốc, cụm từ “chung vận mệnh” có thể kích động những phản ứng không mong muốn từ công chúng sôi sục tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam.

Không rõ đây có phải là lý do khiến chuyến thăm bị trì hoãn so với kế hoạch Reuters tiết lộ không, song giờ đây có thể xác nhận là Việt Nam đã đồng ý tham gia sáng kiến này của Trung Quốc, nhưng với một số điều chỉnh. 

Thay vì cụm từ nhạy cảm “cộng đồng chung vận mệnh”, đôi bên sẽ dùng một diễn giải rối rắm hơn và cũng ít bị phản ứng hơn là “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”, theo cách dịch tiếng Anh của sáng kiến này. 

Quan trọng hơn, Việt Nam nhấn mạnh một số nguyên tắc định hướng cho “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt - Trung” này, bao gồm: tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình. [10]

Nói như chính ông Trọng khi diễn giải cái gọi là “ngoại giao cây tre” với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” thì gốc ở đây là các nguyên tắc phải kiên định. [11] Với Mỹ phải luôn khẳng định “tôn trọng thể chế chính trị của nhau” còn với Trung Quốc là “tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. [12]

Tình báo, tôn giáo và phi chính phủ

Ngoài điểm nhấn về cộng đồng chia sẻ tương lai Việt - Trung, bản Tuyên bố chung lần nàykhông có quá nhiều điểm khác biệt so với bản được đưa ra cách đây một năm nhân dịp ông Trọng đi Bắc Kinh. [13] Điều này cũng dễ hiểu, bởi một năm không phải thời gian quá dài để những nội dung hợp tác đôi bên có những thay đổi đáng kể, đặc biệt là với mối quan hệ được gò nắn thận trọng của Việt Nam với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu tâm là lần đầu tiên đôi bên nhắc đến việc “đi sâu hợp tác về bảo vệ an ninh chính quyền và an ninh chế độ bằng cách tăng cường (1) giao lưu tình báo nhằm chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu" của các thế lực thù địch, phản động, và (2) hợp tác trong việc phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về tôn giáo, quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Nếu như bản Tuyên bố chung năm ngoái lần đầu tiên nhắc đến việc hợp tác chống “diễn biến hòa bình” và “cách mạng màu” thì có thể thấy nay phạm vi hợp tác của đôi bên về an ninh chính trị đã được mở rộng hơn nhiều, trong đó phần nói về “giao lưu tình báo” có thể gây nhiều quan ngại. [14]

Phần về “hợp tác quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài” cũng làm liên tưởng đến làn sóng đàn áp các tổ chức phi chính phủ gần đây ở Việt Nam, vốn bắt đầu bằng một đợt cải sửa quy định pháp luật về tài chính và hoạt động của các NGO theo hướng tăng quyền giám sát cho Bộ Công an theo mô hình Trung Quốc. [15]

Tương tự, nội dung “hợp tác phòng chống vi phạm pháp luật về tôn giáo” không khỏi khiến người ta nhớ về hồ sơ vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng của cả hai quốc gia xã hội chủ nghĩa. Những cách thức kiểm soát tôn giáo như lập hội quốc doanh hay mở trại lao cải, bắt bớ tín đồ hay ngăn cản truyền giáo đều đã và đang được áp dụng ở cả hai quốc gia, không rõ tới đây sẽ còn leo thang đến đầu khi bộ máy an ninh hai nước tăng cường hợp tác với nhau. [16]

Cùng đội sổ trong nhiều bảng xếp hạng về vi phạm nhân quyền, dễ hiểu là Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên gặp phản ứng bất lợi trên các diễn đàn quốc tế. [17] Bởi vậy, cũng lần đầu tiên trong một tuyên bố chung, hai nước đề cập đến việc tăng cường cơ chế tham vấn nhân quyền giữa hai bộ ngoại giao, nhằm ứng phó với những hiện tượng mà cả hai cùng lên án là “chính trị hóa nhân quyền” và “dùng nhân quyền can thiệp công việc nội bộ nước khác”.

Vài gợi mở

Kết thúc chuyến thăm, Tập Cận Bình có thể hài lòng vì ít nhất theo cách hiểu của Trung Quốc, Việt Nam vẫn thừa nhận quan hệ với Bắc Kinh là ưu tiên số một, cao hơn Mỹ một bậc. Ở chiều ngược lại, ông Trọng có thể tìm được thêm lý do để tin vào câu nói ưa thích của chính mình, rằng chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế lớn như thế, khi mà chỉ trong vòng vỏn vẹn ba tháng, hai người quyền lực nhất hành tinh đã đến Hà Nội gặp ông để nâng cấp quan hệ. [18]

Tuy nhiên, mọi chuyện trên thực tế có thể không giống như vậy. Hoa Kỳ không quá quan tâm đến cách Hà Nội đặt tên cho mối quan hệ, điều họ cần là vị thế ngang với Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam, như lời Tổng thống Joe Biden tiết lộ trước khi đến Hà Nội. [19] Họ đã đạt được điều đó cách đây ba tháng và chưa rõ sẽ phản ứng thế nào khi giờ đây lại đang chứng kiến vị trí của mình tụt xuống một bậc so với người Trung Quốc. 

Ngay cả khi khuôn khổ cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc vẫn còn chưa rõ ràng, như chính cái tên của nó, điều đáng quan tâm hơn là hấp lực của mô hình độc đoán Trung Quốc đang ngày càng lớn với Việt Nam. Điều này thể hiện qua những cam kết hợp tác an ninh sâu rộng trong bản tuyên bố chung mới nhất. Ám ảnh an ninh thường trực của Tập Cận Bình – với đặc trưng tăng cường kiểm soát xã hội và đảo ngược những cải cách kinh tế và chính trị, rồi đây có thể sẽ hiện diện rõ ràng hơn trong đường lối trị quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam. [20]

Hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Trung Quốc lâu nay diễn ra một cách tự nhiên đến từ sự tương đồng trong mô hình quản trị xã hội và những thách thức mà mô hình này gặp phải. Nếu bối cảnh quốc tế biến động quá lớn, mối hợp tác này có thể sẽ khiến quan hệ hai nước gắn bó với nhau một cách bền chặt bất ngờ, vượt lên trên mọi bất đồng chủ quyền biển đảo, như những gì đã xảy ra sau khi Liên Xô sụp đổ khiến hai đảng cộng sản gắn bó với nhau bằng những lo ngại sinh tồn. 

Quốc tế bao vây, kinh tế đình trệ, dân tình bất bình, gia tăng đàn áp: Việt Nam có thể một lần nữa đi vào ngõ tối của lịch sử.


Chú thích về tựa bài:

"Ma đưa lối quỷ dẫn đường

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi"

Lấy từ Truyện Kiều, là đoạn Tam Hợp Đạo Cô khi được Giác Duyên hỏi về tương lai của Thúy Kiều đã trả lời rằng nàng Kiều còn phải trải qua nhiều kiếp nạn nữa, và nguyên do không chỉ đến từ bên ngoài mà còn từ chính bản thân Thúy Kiều cứ khăng khăng buộc mình vào một chữ tình. Với giới lãnh đạo đảng, vòng kim cô ý thức hệ có thể trở thành một thứ ràng buộc như vậy làm họ mù quáng chọn toàn chỗ đoạn trường mà đi.

"Lại mang lấy một chữ tình

Khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong

Vậy nên những chốn thong dong

Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng

Ma đưa lối quỷ dẫn đường

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi."

N.A.T.

---

Nguyễn Anh Tuấn là một nhà phân tích chính trị và nhà hoạt động dân chủ từ năm 2011. Ông có bằng thạc sĩ chính sách công (Đại học Việt - Nhật). Hiện ông đang cư trú tại Canada.

Nguồn: Luatkhoa.com

  

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn