Đài Loan chọn tổng thống mà Trung Quốc có ác cảm. Tiếp theo là gì?

Rupert Wingfield-Hayes

BBC News, Đài Loan

Bắc Kinh gọi ông Lại Thanh Đức là “kẻ gây rắc rối” và một “kẻ ly khai” nguy hiểm. Nay, ông ấy sẽ trở thành vị tổng thống tiếp theo của Đài Loan.

Chụp lại hình ảnhÔng Lại Thanh Đức trong một cuộc vận động tranh cử ở Đài BắcNguồn hình ảnh: Getty Images

Việc Trung Quốc tuyên bố Đài Loan thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình không có gì mới – Bắc Kinh gọi hòn đảo này là một phần lãnh thổ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu thống nhất Đài Loan. Nhưng vào năm ngoái mối đe dọa này đã được tăng cường.

Thế nhưng, bất chấp những lời cảnh báo tiếp tục từ phía Trung Quốc đối với việc bỏ phiếu cho Đảng Dân tiến cầm quyền (DPP), hàng triệu người dân Đài Loan đã đến các điểm bỏ phiếu trong bầu trời đầy nắng và ấm áp hôm thứ Bảy 13/1 chỉ để thực hiện điều đó.

Họ chọn bầu vị bác sĩ chuyển sang làm chính trị gia, cựu phó tổng thống 64 tuổi làm người dẫn dắt Đài Loan đi trong mối quan hệ dễ chọc giận Trung Quốc.

Đây là nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có đối với DPP, một đảng phái chính trị mà Bắc Kinh coi là quá thiên về hướng vi phạm vào giới hạn chịu đựng của Bắc Kinh - chủ đề Đài Loan độc lập.

Cách ông Lại ứng phó với Bắc Kinh và cách Bắc Kinh phản ứng với ông Lại sẽ định hình nhiệm kỳ tổng thống của ông. 

Bà Thái 3.0 – hay sự khởi đầu hoàn toàn mới?

Ông Lại đã cam kết nhiệm kỳ của ông sẽ là sự tiếp nối tám năm của người tiền nhiệm, bà Thái Anh Văn.

Thậm chí trong bài phát biểu hôm thứ Bảy 13/1, ông đã rất thận trọng trong ngôn từ và đề nghị đối thoại, hợp tác.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Lại thường nhắc đi lặp nhắc lại công thức của bà Thái, đó là “không cần tuyên bố độc lập, bởi vì Đài Loan đã là một nhà nước có chủ quyền độc lập – tên là Trung Hoa Dân Quốc  Đài Loan”.

Tuy nhiên, ông Lại đã từ lâu được xem một người cứng rắn hơn người tiền nhiệm theo đường lối thận trọng Thái Anh Văn.

Ông đã kinh qua những cấp bậc trong đảng DPP, với tư cách thành viên của thành phần “làn sóng mới”, ủng hộ Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập.

Ông Lại và phó tổng thống Đài Loan, bà Tiêu Mỹ Cầm là những người bị Bắc Kinh có ác cảm và ngờ vực sâu sắc. Hai người đã bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc lục địa và Hong Kong. 

Bà Tiêu, có mẹ là người Mỹ và cha là người Đài Loan, cũng là đại diện mới nhất của Đài Loan tại Hoa Kỳ.

Vì vậy, Trung Quốc cực kỳ không có khả năng đồng ý có bất kỳ cuộc đối thoại nào với tân tổng thống Đài Loan. Hai bên đã không thiết lập đường dây liên lạc chính thức nào kể từ năm 2016. Trung Quốc đã dừng kênh liên lạc này vào thời điểm đó, do bà Thái bác bỏ việc thừa nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc đại lục.

Kết quả hôm thứ Bảy 13/1 cũng đồng nghĩa với chuyện sẽ tiếp tục diễn ra tình trạng rất căng thẳng vốn đã tồn tại trên eo biển Đài Loan, với việc tàu thuyền và máy bay quân sự của Trung Quốc xâm nhập gần như thường nhật.

Bắc Kinh có thể phát đi tín hiệu không hài lòng với một màn phô diễn sức mạnh quân sự lớn, như họ đã từng làm khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc vào năm 2022. Đài Bắc khi đó đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành tập trận giả định bao vây đánh chặn hoàn đảo này.

Trung Quốc cũng có thể gia tăng áp lực về kinh tế và quân sự, bằng cách lôi kéo thêm các quốc gia nhỏ, vốn hiện vẫn công nhận Đài Loan là quốc gia có chủ quyền, và trừng phạt thêm những công ty, sản phẩm và người Đài Loan.

Chiến lược của ông Lại trong việc đối đầu với sự đe dọa quân sự từ Trung Quốc là tiếp tục những gì bà Thái đã thực hiện.

Ông Lại đã hứa chi tiêu ngân sách nhiều hơn cho nền quân đội của Đài Loan, tiếp tục chương trình tự đóng tàu ngầm, và thiết lập một mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Bà Thái đã đặc biệt thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ với Washington.

Nhưng sẽ có những quan ngại từ Mỹ về việc nhiệm kỳ tổng thống của ông Lại sẽ mang tính khiêu khích hơn, khi mà ông vốn là một chính trị gia ủng hộ việc Đài Loan độc lập.

Tuy nhiên, người cùng liên danh tranh cử với ông Lại là bà Tiêu lại là một sự tái đảm bảo đối với chính quyền của ông Biden. Bà nhiều khả năng sẽ đảm nhận vai trò đi đầu trong việc thuyết phục Hoa Kỳ rằng có thể tin tưởng vào việc ông Lại sẽ không khiêu khích Bắc Kinh.

‘Tập Cận Bình phải học cách im lặng’

Dù ông Lại có đi nước cờ cẩn trọng đến mức nào, thì Bắc Kinh không thể làm ngơ trước thông điệp mà chiến thắng của ông mang đến.

Các cuộc thăm dò cho thấy đây là cuộc chạy đua rất sít sao nhưng DPP đã chiến thắng với tỷ lệ cách biệt lớn hơn kỳ vọng.

Chụp lại hình ảnhÔng Lại Thanh Đức (trái) được trông đợi sẽ tiếp nối chính sách của người tiền nhiệm Thái Anh Văn (giữa). Ở bìa phải hàng đầu là bà Tiêu Mỹ Cầm, một ngôi sao đang lên của Đảng Dân tiến, là phó tổng thống đắc cửNguồn hình ảnh: Getty Images

“Họ đang nói với Trung Quốc là chúng tôi sẽ không lắng nghe các người nữa, tương lai của chúng tôi là sẽ do chính chúng tôi định đoạt, vì vậy Tập Cận Bình cần phải học cách im lặng trong cuộc bầu cử của chúng tôi”, một người ủng hộ DPP trẻ tuổi nói với BBC sau khi kết quả trở nên rõ ràng.

Ông Hầu Hữu Nghi (Hou You-ih) và Quốc dân Đảng (KMT), đảng đối lập chính, đã tiến hành một chiến dịch cho thấy những nỗi lo sợ rất thật của người dân Đài Loan về khả năng Trung Quốc tấn công hòn đảo. 

Nếu Quốc dân Đảng chiến thắng thì việc đó có thể dẫn tới việc Trung Quốc nhẹ giọng trong việc ra những tuyên bố chống Đài Loan và đe dọa quân sự, và rất có khả năng Bắc Kinh sẽ đồng ý đối thoại với ông Hầu.

Ông Tập đã gặp ông Mã Anh Cửu, cựu Tổng thống Đài Loan, thuộc Quốc dân Đảng hồi năm 2015. Đó là lần đầu tiên mà hai lãnh đạo Đài Loan và Trung Quốc đã gặp mặt trực tiếp kể từ khi cuộc nội chiến Trung Quốc chấm dứt vào năm 1949.

Thế nhưng những người phản đối Quốc dân Đảng thì cáo buộc đảng này có thái độ khuất phục trước Trung Quốc và không bảo vệ hòn đảo một cách nghiêm túc, khi ngăn chặn việc gia tăng ngân sách quốc phòng và giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự xuống còn bốn tháng.

Nỗi lo sợ còn từ việc chính phủ của Quốc dân Đảng có thể khiến Đài Loan dễ bị tổn thương hơn. Các đồng minh mạnh của Đài Loan như Mỹ, đã viện trợ vũ khí cho hòn đảo này sẽ đặt câu hỏi về lý do tại sao họ nên cam kết bảo vệ cho Đài Loan nếu chính hòn đảo này không biết tự vệ một cách nghiêm túc.

Đài Loan hiện có mức ngân sách dành cho phòng vệ là 2,5% GDP, thấp hơn nhiều so với Mỹ, hay các quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc trước những thách thức an ninh nghiêm trọng.

Vì vậy, các cử tri dường như đã đưa ra một lựa chọn rõ ràng. Họ hiểu được sự nguy hiểm từ Bắc Kinh và họ thật sự muốn đối thoại. Thế nhưng Quốc dân Đảng không lấy lòng được các cử tri trẻ tuổi, những người ngày càng tự nhận mình là người Đài Loan hơn là Trung Quốc.

Và điều này bất chấp sự thật là Quốc dân Đảng hiện nay hiếm khi nói đến thống nhất, hoặc thậm chí “một Trung Hoa”, thay vào đó nói rằng muốn bảo vệ nền hòa bình và an ninh của Đài Loan thông qua mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh.

Vài tháng qua, rõ ràng Đài Loan đã chịu những tổn thất lớn nhất. Các cuộc bầu cử tạo ồn ào trong dư luận, và nền dân chủ còn non trẻ và niềm háo hức mạnh mẽ khi đi bỏ phiếu.

Nền dân chủ tương tự đó cũng khiến sự bất mãn với Đảng Dân tiến ngày càng trở nên rõ rệt – giá nhà ngày càng tăng, đồng lương thì không tăng và cơ hội việc làm ngày càng bị thu hẹp, đã đẩy các cử tri trẻ ngày càng rời xa đảng này.

Và đó là lý do tại são Đảng Dân tiến có thể bị mất thế đa số trong Quốc hội. Quốc dân Đảng thì có liên minh với đảng thứ ba, là Đảng Nhân dân Đài Loan, có khả năng tập hợp các ghế trong quốc hội để giúp siết chặt sự kiểm soát đối với việc ban bố luật – là một cơ hội để ngăn chặn chương trình nghị sự của ông Lại Thanh Đức.

Con đường phía trước vẫn không có gì là bằng phẳng cho Tổng thống Lại. Bên ngoài chính phủ và quốc gia láng giềng khổng lồ của ông vốn vẫn dành cho tân tổng thống Đài Loan một sự ác cảm, nhiệm kỳ của ông ấy sẽ còn bị định hình bởi một cuộc bầu cử khác ở phía kia của Trái Đất.

Ông sẽ phải sẵn sàng cho một đồng minh từ Nhà Trắng rất khác biệt nếu Donald Trump tái đắc cử, trở thành tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ.

R.W.H.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn