Pháp luật nghiêm minh khác với cai trị hà khắc

Nguyễn Ngọc Chu

Hầu hết các nước ở châu Âu như Pháp, Đức, Italia… đều không phạt lái xe ở mức dưới 0,5 phần nghìn (cồn trong máu), tương đương với 0,25 miligam/1 lít khí hơi thở. Séc, Rumania, Slovakia, Hungary yêu cầu mức 0,0. Thuỵ Điển, Na Uy, Ba Lan là 0,2. Và Anh quốc có giới hạn cao đến 0,8 [1].

Như vậy, Việt Nam cùng nhóm 0,0 với Séc, Rumania, Slovakia và Hungary. Nhưng đó là nói về mức độ cồn trong máu. Còn xét về hình phạt thực chất thì Việt Nam nặng hơn nhiều.

Có 3 điều KHÁC BIỆT CĂN BẢN giữa hình phạt của Việt Nam với các nước châu Âu.

1. Hình phạt Việt Nam hà khắc hơn nhiều lần

Chẳng hạn như Đức, là nước thuộc nhóm có có hình phạt nghiêm khắc của châu Âu, thì khi nồng độ cồn trong máu bằng hoặc vượt 0,5 phần nghìn (0,05%) thì bị pht 500 Euro, tước bằng lái xe 1 tháng và trừ đi 2 điểm cho vi phạm lần đầu [2]. Mức lương tối thiểu ở Đức năm 2020 là 1.584 Euro [3], mức lương trung bình là 4.105 Euro [4]. Như vậy khoản tiền phạt chiếm 1/3 tháng lương tối thiểu, và 1/8 tháng lương trung bình.

Trong khi đối với người lái xe ô tô ở Việt Nam, vượt quá 0,5 đến 0,8 phần nghìn, mức phạt là 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 16 - 18 tháng. Còn với người lái xe máy mức phạt tương ứng là 4-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 16-18 tháng [5].

Xét về lương, thì công chức loại C3 bậc 1 sau khi được nâng lương từ 1/7/2023 là 2.430.000 đồng [6] [7]. Như vậy mức phạt xe máy bằng 1,64 tháng lương công chức C3 bậc 1. Còn mức phạt xe ô tô bằng 6,58 lần lương tháng công chức C3 bậc 1.

Từ đó để thấy, mức phạt của Việt Nam vô cùng khắc nghiệt về tài chính và thời hạn tước bằng.

2. Hình phạt giao thông ở Việt Nam có thúc đẩy gia tăng đưa hối lộ và nhận hối lộ hay không?

Nếu ở các nước như Đức, Singgapore và nhiều nước khác, cảnh sát giao thông không nhận tiền hối lộ từ vi phạm luật giao thông, thì ở Việt Nam tình thế khác hẳn. 

Một thực tế diễn ra nhiều năm, rất nhiều người trải qua thực tiễn, là khi bị phạt vi phạm giao thông, người vi phạm thường nhờ người quen giúp, hay tìm cách đưa tiền lót tay cho cảnh sát giao thông. 

Ở Việt Nam, cảnh sát giao thông giải quyết trực tiếp tại hiện trường với người vi phạm giao thông, chứ không phải gửi hoá đơn về nhà cho người vi phạm và trừ tiền trong tài khoản. Bởi thế, tiền phạt càng cao càng thúc đẩy người vi phạm tìm cách hối lộ. Và như vậy mức độ đưa hối lộ và nhận hối lộ sẽ càng gia tăng lên.

3. Ảnh hưởng đến lưu thông và hiệu quả công việc

Biện pháp kiểm tra nồng độ cồn của Việt Nam đang thực hiện, chủ yếu là biện pháp thủ công, ít ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Nên làm chậm tốc độ giao thông, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của người dân và của cả lực lượng cảnh sát. 

Tất nhiên là hình phạt hà khắc sẽ làm giảm bớt vi phạm, nhưng không trị được gốc của bệnh. Cũng là người Việt Nam, nhưng khi sang châu Âu và Hoa Kỳ thì tuân thủ luật giao thông, nhưng ở Việt Nam thì lại vi phạm thường xuyên. Tại sao vậy? Câu hỏi này gợi nhớ lại điển tích. 

Khi tể tướng nước Tề là Án Anh đang được vua Sở tiếp thì quân lính đưa một người ăn cắp bị trói đi qua. Sở vương hỏi “là người nước nào, tội gì”. Lính canh đáp là “người nước Tề, ăn trộm ngựa”. Sở vưởng hỏi Án Anh “sao người Tề lại hay trộm cắp như vậy?”. Án Anh trả lời đại ý:

"Cây quýt trồng ở phương bắc thường cho quả ngọt, trái sai, nhưng khi đem trồng ở phương Nam thì quả đã chua, lại còn ít nữa. Tại sao thế? Đó là do thuỷ thổ vậy. Người nước Tề giữ đạo luân thường, xưa nay vốn không trộm cắp, nhưng khi sang làm dân nước Sở lại sanh tật xấu. Tại sao thế? Âu cũng là do thuỷ thổ vậy" [8].

Điều nêu trên dẫn đến một cách tiếp cận tổng hợp. Muốn giảm tỷ lệ vi phạm giao thông một cách cơ bản, thì phải thay đổi “thuỷ thổ” , tức là cải tạo đồng bộ toàn xã hội, chứ không phải chỉ phạt vi phạm giao thông cho thật nặng. Trong đó, rất quan trọng là các biện pháp để cảnh sát giao thông không thể nhận được hối lộ tiền mặt từ người vi phạm giao thông. Trong hoàn cảnh tham nhũng là quốc nạn, cách phạt vi phạm giao thông hiện nay không giải quyết gốc rễ vấn đề.

Pháp luật nghiêm minh khác với cai trị hà khắc. Ở thời đại số hoá và trí tuệ nhân tạo của thế kỷ 21 không thể áp dụng theo các biện pháp kiểu “Thương Ưởng” của thế kỷ 4 trước công nguyên. Ngoài những hệ luỵ tiêu cực đã đề cập ở trên, thì cách phạt vi phạm giao thông hiện hành càng góp phần làm tăng thêm số lượng cảnh sát giao thông. Rất cần phải xem xét lại một cách căn bản các biện pháp chống vi phạm giao thông. Không thể bỏ qua kinh nghiệm thực tế của nhiều nước văn minh đã đi trước. Càng không thể đốt cháy giai đoạn.

TÀI LIỆU DẪN

[1] https://etsc.eu/.../blood-alcohol-content-bac-drink.../

[2] https://driveegermany.com/drink-driving-limit-in-germany.../

[3]https://www.google.com/search...

[4] https://www.iamexpat.de/.../salary-payslip-german-minimum...

[5] https://thuvienphapluat.vn/.../muc-phat-loi-vi-pham-nong...

[6] https://luatvietnam.vn/.../cong-chuc-loai-c-566-90823...

[7] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chi-tiet-bang-luong...

[8] https://vi.wikipedia.org/wiki/Y%E1%BA%BFn_Anh

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn