Việt Nam khó xử khi đối mặt với kỷ nguyên Trump vì thặng dư thương mại với Mỹ

Zachary Abuza

2024.11.11

Photo: Amanda Weisbrod/RFA

Khi mà công chúng Việt Nam tò mò theo dõi cuộc bầu cử Mỹ thì giới lãnh đạo Hà Nội có lẽ lại nhìn kết quả với tâm trạng lo lắng.

Trong khi chính sách “ngoại giao cây tre” của Hà Nội trong việc xây dựng mối quan hệ chiến lược cân bằng với các cường quốc trên toàn cầu đã mang lại cho họ sự thoải mái nhất định, thì Việt Nam lại dễ bị tổn thương hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác ở Đông Nam Á, trước những thay đổi trong chính sách kinh tế và thương mại của Hoa Kỳ, chưa kể đến chính sách an ninh.

Thặng dư thương mại thường xuyên và ngày càng tăng của Việt Nam với Hoa Kỳ hiện có thể sẽ là vấn đề hàng đầu trong mối quan hệ song phương.

Năm 2017, năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Trump, Việt Nam có thặng dư thương mại 38,3 tỷ USD với Hoa Kỳ. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, đến năm 2020, năm cuối cùng ông Trump nắm quyền nhiệm kỳ trước, thặng dư thương mại đã tăng lên 69,7 tỷ USD.

Điều đó đã khiến chính quyền Trump gán cho Việt Nam cái mác “nước thao túng tiền tệ”. Dù chính quyền Biden nhanh chóng giải quyết tranh chấp tiền tệ với Hà Nội, nhưng thâm hụt thương mại tiếp tục phình to.

Năm 2023, Hoa Kỳ thâm hụt 104,6 tỷ USD thương mại song phương với Việt Nam và trong chín tháng đầu năm nay, thâm hụt thương mại đã lên tới 96 tỷ USD.

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong câu chuyện này, và cũng là thứ sẽ thu hút sự chú ý của chính quyền sắp tới, là việc Việt Nam không hề gia tăng nhập khẩu từ Mỹ.

Năm 2017, Hoa Kỳ xuất khẩu 8,1 tỷ USD hàng hóa sang Việt Nam. Xuất khẩu vào năm 2022 là 11,3 tỷ USD, nhưng sau đó đã giảm, tổng cộng chỉ còn 9,8 tỷ USD vào năm 2023. Hoa Kỳ xuất khẩu nhiều dịch vụ sang Việt Nam để bù đắp một phần thâm hụt song phương, nhưng dù sao, Hà Nội đã không khôn ngoan khi để thâm hụt thương mại gia tăng.

Vào ngày 2 tháng 8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định không trao cho Việt Nam quy chế “kinh tế thị trường”.

Đây là ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền Hà Nội và đại sứ quán của họ ở Washington. Việt Nam đã thuê một công ty luật để thay mặt mình vận động hành lang các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia và Canada, để xếp Việt Nam vào hạng nền kinh tế thị trường.

Đừng kỳ vọng sự tiến triển

Hà Nội “thất vọng” với quyết định này, nhưng thật ngây thơ khi nghĩ rằng trong một năm bầu cử mà các bang chiến trường lại là các bang công nghiệp ở vùng trung tây, Washington sẽ xếp nước này vào loại nền kinh tế thị trường, trong khi phần lớn nền kinh tế Việt Nam vẫn được bảo hộ hoặc thuộc sở hữu nhà nước.

Báo Economist xếp hạng Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ tư từ những sự thay đổi của chính quyền Trump, khi thặng dư thương mại của nước này với Hoa Kỳ lớn thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Trong khi quy chế nền kinh tế thị trường vẫn là ưu tiên ngoại giao của Việt Nam, Hà Nội chắc chắn sẽ không đạt được tiến triển nào trong những năm tới.

Việt Nam sẽ muốn tiếp tục theo đuổi hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ.

Các hiệp định thương mại tự do là một trong những chương trình nghị sự chính sách quan trọng của Việt Nam, nước này đã tham gia bốn Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương, bao gồm Hiệp định thương mại tự do ASEAN, FTA ASEAN-EU, RCEP, cũng như các FTA song phương với Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thế nhưng, Hà Nội cũng không nên hy vọng gì ở lĩnh vực này.

Khi chính quyền Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017, họ đã đưa ra triển vọng về một hiệp định thương mại song phương, nhưng chưa bao giờ thực hiện.

Điều đó phần nào giải thích tại sao Hoa Kỳ chỉ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 vào Việt Nam – mặc dù một số khoản đầu tư của Hoa Kỳ đi qua ngả Singapore. Nếu các công ty lo ngại về khả năng áp thuế cao, như Trump đã tuyên bố, điều đó sẽ làm giảm thêm đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Đối với Việt Nam, tầm quan trọng của việc giao thương với Hoa Kỳ là không phải là nói quá. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 22,1% GDP của Việt Nam, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 80% GDP, khiến Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước các tác động bên ngoài.

Thường trực Ban bí thư Lương Cường (giữa), Tổng bí thư Tô Lâm (phải), Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) trước lễ khai mạc khoá họp của Quốc hội tại Hà Nội hôm 21/10/2024. AFP

Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ còn quan trọng vì một lý do khác: nó xóa bỏ thâm hụt thương mại khổng lồ hàng năm của Việt Nam với Trung Quốc.

Trong khi thương mại đang trở thành vấn đề khó chịu trong mối quan hệ song phương, Hà Nội đã chủ động liên hệ với chính quyền sắp tới.

Vào tháng 9, Tập đoàn Trump đã đạt được thỏa thuận đầu tư một tỷ USD vào một sân golf và khách sạn ở tỉnh Hưng Yên, ngoại ô Hà Nội. Hưng Yên là quê hương của Tổng Bí thư Tô Lâm và những nhân vật chủ chốt thân cận của ông.

Bỏ qua vấn đề nhân quyền

Những vấn đề nhức nhối truyền thống trong mối quan hệ song phương – bao gồm nhân quyền, quyền lao động, tự do tôn giáo – lại không phải là vấn đề đối với chính quyền Trump.

Về lĩnh vực nhân quyền vốn đã bị hạn chế rất nhiều và dự kiến ​​sẽ trở nên tồi tệ hơn trước Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 14 vào tháng 1 năm 2026, Hà Nội sẽ vui mừng khi trong bốn năm sắp tới sẽ không chịu sức ép về vấn đề này.

Có lẽ trở ngại duy nhất mà Việt Nam sẽ gặp phải trong vấn đề nhân quyền nằm ở phía các công ty công nghệ.

Các yêu cầu nội địa hóa việc lưu trữ dữ liệu, và vô số luật quản lý mạng xã hội của Việt Nam không được các gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ hoan nghênh. Nếu có bất kỳ sự phản kháng nào đối với Hà Nội thì nó sẽ xảy ra ở lĩnh vực này và phần lớn là được thúc đẩy bởi lợi ích doanh nghiệp.

Về mặt năng lượng và môi trường, Việt Nam sẽ có mối quan hệ phức tạp với chính quyền mới, cả hai đều phủ nhận biến đổi khí hậu và không muốn bị ràng buộc bởi các hiệp định đa phương về giảm khí CO2.

Đối với một quốc gia như Việt Nam, hiện đang phải hứng chịu ngày càng nhiều các cơn bão lớn và an ninh lương thực bị đe dọa do xâm nhập mặn vào Đồng bằng sông Cửu Long, điều này là rất đáng lo ngại.

Nhưng Việt Nam đã đi ngược lại kế hoạch chuyển đổi năng lượng của mình và thay vào đó tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Hà Nội sẽ phải đối mặt với sự cắt giảm đáng kể trong hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Có lẽ lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác nằm ở các khoáng sản chủ chốt.

Sau vụ va chạm năm 2010 giữa một tàu đánh cá Trung Quốc và tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản gần quần đảo Senkaku, Trung Quốc đã tạm thời cắt xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Nhật.

Dù điều này đã dẫn đến sự phát triển khai thác mỏ đất hiếm ở nhiều quốc gia khác, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục nắm gần như độc quyền tinh chế loại khoáng sản này.

Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai sau Trung Quốc, ước tính khoảng 22 triệu tấn. Tuy nhiên, đất nước này có khả năng tinh chế rất hạn chế. Hiện nay, các điều kiện đầu tư vào lĩnh vực này vẫn rất kém.

Dịch chuyển địa chính trị

Người dân Việt Nam có xu hướng thích Trump vì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, điều này dẫn đến việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước như Việt Nam và Ấn Độ.

Nhưng trên thực tế, Việt Nam bị gắn chặt với chuỗi cung ứng của Trung Quốc, và bất kỳ cuộc đối đầu thương mại hoặc quân sự lớn hơn nào cũng sẽ có hại cho nền kinh tế Việt Nam.

Hoa Kỳ và Việt Nam có rất ít hợp tác về khía cạnh an ninh, do đó Hà Nội khó có thể cảm nhận được ngay lập tức tác động từ những thay đổi chính sách đột ngột của Hoa Kỳ. Việt Nam sẽ âm thầm tiếp tục hiện đại hóa quốc phòng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Cho dù Hà Nội đã vận dụng một cách lão luyện chính sách ngoại giao đa cực, dẫn đến việc không quá phụ thuộc vào Washington, nhưng có một điều không thể chối cãi, không ai duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiều hơn Hoa Kỳ.

Việt Nam cũng sẽ phải thích ứng với bất kỳ cấu trúc an ninh khu vực mới nào phát sinh từ sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ dưới thời Trump, người đã công khai bày tỏ thái độ coi thường các liên minh và quan hệ đối tác.

Việc Mỹ triệt thoái có thể dẫn đến sự hung hăng từ Trung Quốc, bởi quốc gia này quá lớn và có khả năng đe dọa đơn phương.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ phải đánh giá lại mối quan hệ của họ với Washington và sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính mình. Nhưng họ cũng sẽ phải tăng cường hợp tác an ninh với các nước như Việt Nam.

Chính quyền Trump sẽ đẩy nhanh việc hình thành trật tự thế giới đa cực, điều mà Hà Nội, với quan hệ đối tác gần đây với nhóm các nước đang phát triển BRICS, muốn thấy.

Đồng thời, Việt Nam nhận thức được rằng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ bị suy yếu trong những năm tới.

Z.A. 

---

*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

  

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn