Thi cử - điểm nghẽn lớn của giáo dục Việt Nam

Thái Hạo

Những ngày qua, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, câu chuyện đề khó - đề dễ trở thành tâm điểm của toàn xã hội. Nhưng theo tôi, bất luận thế nào, đó vẫn chỉ là những bàn bạc ở phần ngọn, bởi kỳ thi ấy dù có được tổ chức tốt đến đâu, đề hay ho đến thế nào chăng nữa, thì cũng chỉ làm cho chiếc vòng kim cô trở nên lấp lánh hơn, trong khi vấn đề cần làm là tháo bỏ nó.

1.

Tôi cho rằng, việc tổ chức những kỳ thi tập trung khổng lồ mang tính sinh tử, quyết định vận mệnh của một đời đi học và cũng là thước đo gần như duy nhất đối với chất lượng một nền giáo dục, không thể giúp nền giáo dục ấy “vươn mình”. Vì sao?

Vì việc tổ chức những kỳ thi quy mô lớn, có tính quyết định số phận học sinh, đã bóp méo mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học trong suốt quá trình học tập của học sinh – đặc biệt ở cấp THPT. Cụ thể:

Thi cử "sinh tử" bóp méo toàn bộ quá trình học: Khi điểm số kỳ thi quyết định mọi thứ (tốt nghiệp, đại học, cơ hội nghề nghiệp), thì quá trình học chỉ còn là công cụ để chuẩn bị cho kỳ thi; cả thầy và trò đều không “dạy để sống, để hiểu” mà chỉ “dạy để thi, để đậu”.

Hiếm ai có động lực học thật, dạy thật: Nếu thi là tất cả, thì mọi hình thức học khác ngoài luyện thi trở nên “xa xỉ” và bị gạt bỏ: học qua dự án, học vì đam mê, khám phá, tranh luận, sai rồi sửa, v.v.

Kỳ thi tập trung thì không thể đánh giá được sự đa dạng và phức tạp của con người: Mỗi học sinh có một cách học, một năng lực riêng, nhưng kỳ thi sinh tử chỉ có 1 kiểu đề - 1 thời gian - 1 thang điểm - 1 đáp án, dẫn đến đánh giá đồng loạt, phiến diện, phi nhân bản.

Mọi đổi mới khác đều bị lệch hướng hoặc bị vô hiệu hóa. Dù bạn có thay sách, đổi cách ra đề, “dạy học tích cực”, v.v. nhưng nếu một kỳ thi vẫn quyết định tất cả, thì nhà trường vẫn sẽ quay về luyện thi, dù bằng cách nào đi nữa.

2.

Có nhiều người sẽ cãi rằng: Nhưng hiện nay đã bắt đầu thi theo hướng đánh giá năng lực rồi, vấn đề đang được giải quyết đúng hướng còn gì! Không, nó sẽ có chút cải thiện, nhưng cái gốc bệnh còn đó. Vì sao?

"Đánh giá năng lực" mà vẫn chỉ tổ chức bằng bài thi giấy, thời gian giới hạn, làm trong một buổi, thì đó vẫn là thi kiến thức.

Đề thi gọi là “mở”, nhưng cách dạy - học - chấm điểm vẫn đóng, vậy học sinh vẫn luyện đề, học mẹo, còn giáo viên thì dạy trúng đề là giỏi.

Tâm lý xã hội không đổi: cha mẹ - học sinh vẫn chỉ nhìn vào điểm số, nên các nhà trường lại tiếp tục luyện thi.

Hệ thống chưa chuẩn bị đầy đủ: giáo viên chưa được huấn luyện bài bản về đánh giá năng lực, lại bị ràng buộc bởi chương trình - sách giáo khoa - thời khóa biểu cứng nhắc.

Tóm lại, gọi tên kỳ thi là “đánh giá năng lực” là không đủ, nếu bản chất vận hành của hệ thống vẫn y nguyên.

3.

Vậy phải chăng nên vứt kỳ thi tập trung - sinh tử ấy đi ngay? Khó, vì lúc này chúng ta còn thiếu quá nhiều điều kiện để có thể tổ chức một nền giáo dục “phát triển năng lực” và “đánh giá năng lực” đúng nghĩa. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc cố mạ vàng cái vòng kim cô mang tên “thi tập trung” kia để mong giáo dục cất cánh. Tư duy đúng là phải từng bước nới lỏng, thay thế để sớm tống tiễn nó vào lịch sử.

Trong thời điểm này, thay vì lựa chọn cực đoan giữ kỳ thi hay vứt bỏ hoàn toàn, ta có thể đi theo một lộ trình trung gian, khả thi, mang tính chuyển hóa, gồm:

Trao quyền đánh giá thực chất hơn cho nhà trường (nhưng có kiểm định độc lập): Giao cho các trường đánh giá tốt nghiệp THPT theo quá trình học tập (dự án, hồ sơ năng lực, sản phẩm...); Bộ Giáo dục có thể kiểm tra ngẫu nhiên, kiểm định chất lượng, nhưng không áp đặt kỳ thi chuẩn hóa cho tất cả.

Tuyển sinh đại học đa dạng hóa hình thức: Mỗi đại học tự chọn cách tuyển sinh, có thể xét hồ sơ, phỏng vấn, tổ chức kỳ thi riêng, hoặc phối hợp với trường phổ thông; không để toàn xã hội bị trói buộc vào 1 kỳ thi “quốc gia” duy nhất. Riêng về mảng này thì đã có những chuyển biến bước đầu theo hướng đòi hỏi nêu trên.

Đào tạo và đánh giá lại năng lực giáo viên: Không thể có giáo dục đánh giá năng lực nếu giáo viên không được đào tạo lại về dạy học phân hóa, về quan sát năng lực học sinh, về đánh giá đa phương tiện, về học qua dự án…

Thay đổi cách công nhận, tuyển dụng và khen thưởng: Nếu xã hội (cơ quan, công ty, chính quyền...) vẫn tuyển người dựa vào bằng cấp và điểm thi, thì mọi thay đổi đều vô nghĩa; phải thay đổi toàn bộ “văn hóa bằng cấp”, mới tạo động lực học thật, dạy thật.

Việc “đổi mới cách thi” hiện nay là bước đầu cần thiết – nhưng không đủ và có nguy cơ chỉ là vỏ bọc. Chỉ khi nào dám chuyển quyền đánh giá về cho trường học, dám thay đổi cơ chế tuyển dụng, và dám xây dựng hệ thống tin cậy đa chiều, thì ta mới thực sự thoát khỏi "vòng kim cô" thi cử.

4.

Nhiều người lại cãi rằng, vì sao có những nền giáo dục vẫn tổ chức các kỳ thi tập trung khổng lồ nhưng họ vẫn thành công?!

Thi – nếu thiết kế tốt – có thể là công cụ hữu hiệu để đánh giá, động viên, phát hiện năng lực. Nhưng chớ quên rằng, nếu kỳ thi trở thành mục tiêu duy nhất, định đoạt tất cả, thì nó không còn là công cụ mà trở thành chiếc roi điều khiển cả hệ thống giáo dục – và từ đó gây hại.

Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản – đều có kỳ thi đại học khổng lồ. Nhưng... Họ không dùng kỳ thi đó để thay thế toàn bộ quá trình giáo dục. Hệ thống trường học của họ vẫn tổ chức đánh giá năng lực thực chất, vẫn chú trọng rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống, hoạt động xã hội. Họ có nền quản trị giáo dục nghiêm túc, có kiểm định chéo, có đạo đức nghề nghiệp cao. Nên dù thi cử áp lực, người học không bị “luyện gà nòi” kiểu đối phó, giả tạo như ở ta. Thi cử ở họ dẫu khắt khe, vẫn có triết lý giáo dục đồng hành. Ví dụ: Nhật chú trọng giáo dục nhân cách và kỷ luật trước cả kiến thức. Hàn Quốc đang từng bước đa dạng hóa hình thức đánh giá...

Còn ở Việt Nam? Thi cử vừa nặng nề, vừa nghèo nàn, vừa độc đạo. Không có cơ chế đánh giá năng lực thực chất ngoài bài thi. Mọi động lực giáo dục đều bị “nuốt chửng” bởi kỳ thi ấy.

Ở các nước tiên tiến, kỳ thi chỉ là một phần trong tổng thể đánh giá, chứ không phải tất cả. Ví dụ: Mỹ: Có SAT, ACT – nhưng các trường ĐH ngày càng bỏ hoặc không bắt buộc, thay vào đó xét hồ sơ học tập, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu, bài luận cá nhân. Từ lâu, kỳ thi không còn là “cánh cổng sinh tử” như ở ta. Phần Lan: Vẫn có kỳ thi kết thúc THPT, nhưng không phải để loại trừ, mà để xác nhận trình độ. Trọng tâm vẫn là đánh giá quá trình, sản phẩm học tập và sự phát triển toàn diện. Singapore: Từng rất nặng thi, nhưng đang chuyển mạnh sang dạy học tích hợp, đánh giá năng lực mềm, giảm điểm số tiểu học, và thay đổi cách tuyển sinh theo hướng cá nhân hóa.

Tóm lại, không kỳ thi nào có thể giết chết một nền giáo dục, nhưng khi cả hệ thống dựa vào nó như một cánh cổng duy nhất, thì chính chúng ta – chứ không phải kỳ thi – đã giết chết giáo dục. Những nước tiến bộ có thể tổ chức thi quy mô lớn mà vẫn duy trì và phát triển được chất lượng, bởi vì họ xây dựng được một hệ sinh thái giáo dục lành mạnh, có mục tiêu sâu xa, có cơ chế đánh giá đa dạng, và có văn hóa học đường nhân bản. Còn ở Việt Nam, thi cử không chỉ là một phương tiện – nó là định mệnh. Và chính điều đó khiến giáo dục không thể đi xa, thậm chí phá nát mọi tham vọng cải cách.

5.

Trung Quốc thì sao, vẫn ngon lành đó thôi!

Trung Quốc là nơi thi cử trở thành tôn giáo thế tục! Trong suốt hàng chục năm, Trung Quốc đã và vẫn đang vận hành kỳ thi "Cao khảo" (高考) như một cỗ máy khổng lồ: hơn 10 triệu thí sinh mỗi năm chen vai thích cánh bước vào một kỳ thi quyết định tương lai cả đời. Chỉ 2–3 ngày để phân định ai được vào đại học trọng điểm, ai phải lui về các trường làng hoặc bỏ học đi làm.

Ở Trung Quốc, thi là nghi lễ trưởng thành. Là định mệnh. Là cánh cửa đổi đời duy nhất mà đại đa số dân nghèo nông thôn có thể đặt hy vọng.

Nhưng cũng chính vì thế, Trung Quốc phải sống chung với một nền giáo dục bị nghiền nát dưới áp lực thi cử. Học sinh học 14 tiếng/ngày, không được chơi, không được mơ mộng, không được sai lầm. Họ tồn tại như những cỗ máy thi – được lập trình để chọn đúng đáp án, chứ không phải để nghĩ, để cảm, để phản biện hay hoài nghi. Nghe nói có học sinh đã viết: “Chúng tôi không được sống, chúng tôi chỉ được phép thi”.

Cũng phải thấy rằng, sự thành công ngắn hạn trước mắt của Trung Quốc có điều kiện – và cái giá rất thật. Trung Quốc đúng là có thành tựu: họ có nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên, nhà khoa học. Họ có hàng trăm trường đại học lớn, đầu tư mạnh vào AI, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu. Nhưng đừng quên: Họ có nền văn hóa hiếu học hàng nghìn năm, một tầng lớp trí thức sâu dày từ truyền thống; họ đổ ngân sách khổng lồ vào nghiên cứu và đào tạo bậc cao…

Và quan trọng là hiện nay chính họ cũng đang cật lực cải cách hệ thống thi cử của mình – vì họ hiểu rằng, thi cử có thể giúp bạn đi nhanh một đoạn, nhưng không thể đưa bạn đến sáng tạo bền vững. Vì thế, họ đã: Bỏ thi xếp hạng ở tiểu học, THCS; Cấm luyện thi tràn lan; thử nghiệm tuyển sinh đại học bằng đánh giá hồ sơ, phỏng vấn, năng lực tổng hợp; đưa kỹ năng sống, tư duy phản biện, sáng tạo vào chương trình phổ thông.

Trung Quốc đang tháo chiếc vòng kim cô chính họ từng ràng buộc. Họ không tự mãn. Họ học từ thất bại của chính mình, hay ít ra họ kịp nhận ra vấn đề trước khi nó kịp nghiền nát họ.

6.

Trong khi chúng ta đang làm gì? Cố trang hoàng chiếc vòng kim cô thi cử?

Ta sợ không thi thì trò hư, thầy gian, trường vỡ trận. Ta vẫn một mực tin rằng chỉ có kỳ thi tập trung, giám sát nghiêm ngặt, mã hóa chấm điểm thì mới “khách quan, công bằng”. Nhưng công bằng gì ở một kỳ thi duy nhất, khiến mọi sự đa dạng của con người bị ép vào một khung trắc nghiệm và một dàn ý mẫu?

Ta dựng lên cái cổng sắt của kỳ thi ấy, và bắt mọi học sinh, mọi giấc mơ, mọi thiên hướng, mọi khả năng phải chui qua. Ai không chui lọt – bị loại. Ai chui qua được – được xã hội tán thưởng, dù sau đó có là người thiếu kỹ năng, thiếu đạo đức hay thiếu cả lý tưởng sống.

Với tôi, chừng nào những kỳ thi như thế còn ngự trị như định mệnh, thì giáo dục không thể tiến bộ. Vì thế, cần thôi trang hoàng chiếc xích sắt để mơ về một miền đất tươi đẹp, mà hãy từng bước phá bỏ nó và thay bằng một hệ sinh thái giáo dục - xã hội lành mạnh, tiến bộ, rộng mở.

Thế giới không nghèo các bài học giá trị cho ta dùng miễn phí.

T.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn