Lợi nhuận và lòng yêu nước

Nguyễn Lê Hiểu Mai

clip_image001  

Hoàng đế Quang Trung

 

Việc đa phương hóa quan hệ đi liền với cơ chế thị trường không chỉ đưa dân tộc đến trước ngưỡng cửa của sự thay đổi trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, mà còn tạo điều kiện cho người dân đứng trước nhiều cơ hội để làm giàu. Lợi nhuận là hai chữ đi liền, thậm chí nhiều khi còn là linh hồn của cơ chế thị trường. Trong xã hội Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ hai chữ “lợi nhuận” lại trở nên thống thiết và đáng yêu như thời điểm này.

Khi một vấn đề được cực đoan hóa, thì cái mệnh đề đối lập với nó nếu ra đời cũng trở nên cực đoan, hoặc trong người khởi xướng, hoặc trong người tiếp nhận, đó là hiện tượng “đi từ cực đoan này đến cực đoan khác”, hay lấy một cực đoan chống lại một cực đoan. Sự ham hố lợi nhuận, không chỉ là tác động của cơ chế thị trường, mà một mặt, đấy là tác động của sự kìm nén những ham muốn trong giai đoạn trước đó.

Cơ chế mới tác động một cách sâu sắc đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó, rất mạnh mẽ đến một vấn đề hết sức quan trọng, vấn đề bảo đảm một phần rất lớn khả năng tồn tại của một xã hội: vấn đề đạo đức, theo một nội hàm rất rộng, trong đó có trách nhiệm trước đất nước, trước lịch sử.

1. Vài năm trước, người ta phát hiện một công ti sản xuất mì chính nước ngoài đã qua mặt các nhà chức trách trong hàng chục năm liền để xả rác thải chưa qua xử lí xuống sông Thị Vải, trực tiếp làm ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến đời sống của cư dân ở lưu vực con sông này, thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Những nguy cơ về môi trường đã được xác định, nhưng đấy chỉ là cái trước mắt. Ai có thể bảo đảm được rằng những rác thải mà sông Thị Vải đã phải oằn mình gánh chịu không để lại những di hại và di hận trong thế hệ tương lai. Đứng trước hiện thực đó, nhiều người Việt Nam đã lên tiếng, nghĩa là họ có cách phản ứng của họ trong lúc chờ cơ quan chức năng có kết luận chính thức. Tuy nhiên, đấy chỉ là những tuyên ngôn, tuyên bố mà ta vẫn gọi là dư luận. Đã không xuất hiện phong trào tẩy chay Vedan như mong muốn của một số người. Vedan vẫn tiếp tục được tiêu dụng trên thị trường. Chỉ có một số không nhiều lắm các thương nhân ở Hà Nội không nhập hàng Vedan. Đấy là nỗi cô đơn của họ trong cuộc chiến chống lại sự xâm hại môi trường, sự xâm hại tương lai, và đó là một cách thể hiện lòng yêu nước. Họ dám bỏ đi phần lợi nhuận lẽ ra phải có để góp một chút sức lực bảo vệ môi trường tự nhiên của Tổ quốc thân yêu.

2. Cách nay có lẽ phải đến vài chục năm, nhiều vùng nông thôn rộ lên phong trào bắt rắn, sau đó là mèo, để bán sang Trung Quốc với giá đắt. Đã có một thời gian dài tại một số địa phương không ai có thể nhìn thấy một cá thể rắn, dù là nhỏ, cũng như rất hiếm khi nhìn thấy một cá thể mèo trưởng thành. Một phiền phức nữa ở đây là ngày đêm ở các làng quê vốn yên bình bỗng trở nên bất an vì tiêng chó sủa, ánh đèn pin của những kẻ săn rắn, những kẻ trộm mèo. Kết quả là không lâu, chuột ra sức hoành hành, mùa màng, thóc gạo bị phá hoại, môi trường bị nhiễm bẩn, sinh thái mất cân bằng một cách nghiêm trọng, để rồi về sau người ta thấy một vài trang web rao bán mèo đuổi chuột điện tử thông minh của Trung Quốc có “giá siêu rẻ”: chỉ 100.000 đồng một con. Sau câu chuyện của mèo, rắn là câu chuyện ốc bươu vàng, vẫn là con đường bán sang Trung Quốc. Nhà nhà nuôi ốc bươu vàng. Trên tất cả các mép ruộng, bờ ao, óng lên sắc hồng của trứng ốc; mùa màng, nhất là lúa má, rau muống bị tàn phá một cách nặng nề. Thế rồi, đùng một cái, thị trường Trung Quốc từ chối ốc bươu vàng. Từ đó đến nay, công cuộc tiêu hủy loài sinh vật gây hại này vẫn chưa kết thúc. Mới đây lại là câu chuyện rùa tai đỏ. Rùa tai đỏ đứng đầu trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, thế nhưng có những doanh nghiệp vẫn hồn nhiên mua về hàng chục vạn con, để đến mức một người dân ở xã Phú Thành, thuộc huyện Trà Ôn, Vĩnh Long đã phải thốt lên “chúng tôi từng khổ vì nạn ốc bươu vàng, bèo tây, giờ lại rùa tai đỏ, dừng để một người ăn mà trăm người phải gánh lấy hậu quả” (ông Huỳnh Thanh Lang, phú thành, Trà Ôn, Vĩnh Long –http://baomoi.com và gần đây là câu chuyện người dân ở một số tỉnh phía bắc đi tìm bắt đỉa, nuôi đỉa bán sang, vẫn là Trung Quốc với giá 1000000 đồng/ 1kg. Liệu đến bao giờ thì những doanh nhân, doanh nghiệp trên lãnh thổ của ông bạn láng giềng này sẽ dừng việc mua đỉa, để chúng ta lại phải bắt đầu một chiến dịch diệt đỉa tốn nhiều tiền bạc và công sức? Bên cạnh việc thu mua các loài động vật là việc thu mua các loài thực vật, từ những loại gỗ quý như sưa, đinh hương… đến các loại cây vốn không liệt vào hàng gỗ quý như cây phượng. Tất cả những việc thu mua ấy, đã thu hút không ít lao động, không ít nhà kinh doanh vào cuộc và kết quả là môi trường sinh thái của đất nước bị đảo lộn, hủy hoại một cách nghiêm trọng, mà không ít lần dư luận đã dấy lên những băn khoăn, cảnh báo.),

3. Song song với quá trình sinh lợi bằng việc hủy hoại môi trường sống, có một cách thu lợi khác cũng đang ngày đêm được một bộ phận thương lái thực hiện một cách tích cực, dẫu họ chắc chắn ý thức được những tác hại ghê gớm sinh ra từ lợi nhuận ấy. Đó là viêc thu mua, nhập lậu, tuồn vào thị trường những thực phẩm, vật dụng có chất độc hại, như các loại mĩ phẩm, mũ bảo hiểm không an toàn, các thức ăn chứa chất độc hại như nguyên liệu bột cá có chất melamine, các loại thịt, lòng lợn,, gà, bò, trứng, gạo giả… (và điều đáng nói là các loại hàng hóa ấy đều có nguồn gốc từ Trung Quốc). Tệ hơn là hành động này không chỉ xuất hiện một lần hay một dạo, mà lặp đi lặp lại rất nhiều, rất khó kiểm soát và khống chế. Thông tin về trứng gà nhập lậu và làm giả từ hóa chất Trung Quốc được tiết lộ từ một đại lí ở Phú Hữu, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, rằng chỉ cần bỏ ra 12 hay 13 ngàn đồng mua một chục trứng gà lai, cho một lượng hóa chất, lập tức số trứng ấy sẽ biến thành gà nhà bán với giá ba ngàn năm trăm hoặc ba ngàn bảy trăm đồng một chục, đấy là cách kiếm tiền siêu lợi nhuận. Vậy mới có chuyện một số thông tin trên mạng internet cho biết có thời kì, mỗi ngày có chừng 1 triệu đến 1,5 triệu quả trứng Trung Quốc được tuồn về Đông Ngàn, (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội); còn báo Đất Việt ngày 30/ 10/ 2008 thì cho biết ở Lạng Sơn thời kì ấy mỗi đêm có đến một đến 2 tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc, đặc biệt trong số đó có cả gà nhiễm virut H5N1, và đã có ngày, để chống nguy cơ dịch bệnh, cơ quan chức năng tỉnh này đã tiêu hủy 267.000 quả trứng, 245.000 gà con, 3 tấn tim gà vịt… Bên cạch cách đầu độc trực tiếp vào thể chất con người ấy, một số doanh nghiệp còn không biết vô tình hay cố ý, đầu độc giới trẻ Việt Nam về cả tâm hồn lẫn thể chất bằng việc bán các đồ chơi siêu rẻ và siêu độc, và chủ yếu là đồ chơi bạo lực.

Không ai có thể làm ngơ trước đồng tiền, bởi đó là một trong những phương tiện đảm bảo cho chúng ta một cuộc sống thoải mái hơn, dễ thở hơn. Nhưng đồng tiền nấu là điểm mạnh của kinh tế thì lại là điểm yếu của đạo đức. Có những kẻ biết lợi dụng sức hấp dẫn của đồng tiền để gây nhiễu loạn, không chỉ môi trường sinh thái, giá cả thị trường, mà còn là thể chất, và đặc biệt tâm hồn con người. Không biết một số người nghĩ gì khi sử dụng những đồng tiền phi pháp kiếm được bằng cách bán rẻ lương lâm, thậm chí bán rả tương lai, bán rẻ Tổ quốc? Tuy nhiên, đấy chỉ là những “câu chuyện nhỏ của tôi”. Còn bao nhiêu câu chuyện động trời về tài nguyên, môi trường, an ninh quốc phòng và lợi nhuận, trong quan hệ với đối tác nước ngoài, mà dẫu biết cũng không thể nói, dẫu nói cũng khó thể thay đổi.

4. Điều thu vị nghiệt ngã của cuộc sống là, luôn luôn tồn tại những bức tranh đối lập. Chẳng thế mà trong lịch sử đất nước hàng ngàn năm vẫn tồn tại hai kiểu người ở hai phía. Một kiểu sẵn sàng bán rẻ lương tâm, đạo đức và bán rẻ Tổ quốc trong khi số khác lại ra sức đưa cả chút tàn hơi để giữ lấy từng tấc đất, từng tấc danh dự của dân tộc. Thời Trần, một số quý tộc hoàng tộc quỳ gối trước quân xâm lược Nguyên - Mông, để về sau phải trả giá cho hành động đê hèn của mình, thì, về sau, dẫu có mang tiếng soán ngôi đoạt vị, bất trung, bất nghĩa, cha con Hồ Quý Li lại dám đứng trong thế nước mong manh mà chống lại nhà Minh hùng mạnh để cùng nhau tuẫn tử. Thời cuộc hôm nay đã khác nhiều, nhưng một điều không thể khác là trách nhiệm của con người trước tổ quốc và nhân dân. Trong khi người ta bán đi nhiều thứ của lương tâm, của Tổ quốc chỉ vì lợi nhuận trước mắt, có món lợi tí hon, có món lợi khổng lồ, thì chúng ta vui mừng vẫn còn những con người ưu tú sẵn sàng hi sinh tất cả để giữ cho Tổ quốc từng tấc đất, từng mẩu sóng. Những ngư dân một dải biển miền trung, nhất là những ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi… cho dù bị các tàu lạ, rồi tàu Trung Quốc tấn công bắt bớ, cướp bóc, giam cầm, đánh đập… đến không chỉ thừa sống thiếu chết mà còn tan cửa nát nhà, vẫn một lòng bám biển, đứng nơi đầu sóng ngọn gió, trước mọi đe dọa của kẻ bất lương, chỉ với ý chí dẫu mất hết tất cả nhưng phải khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc mình. Đấy là những người lương dân thấp cổ bé họng, sống một kiếp sống lang thang theo đúng nghĩa của từ này. Nhưng họ là những anh hùng, những chàng Thạch Sanh, những Yết Kiêu của Việt Nam khi dám đưa chiếc thân nhỏ bé của mình ra đánh cược với bạo tàn, với hi vọng góp sức khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, và như thế còn mơ gì lợi nhuận? Và gần đây, những thủy thủ trên tàu Bình Minh 02 cũng đã góp một chiến tích vào tiếng nói yêu nước ấy. Đó là những người đáng khâm phục và trân trọng. Có lẽ cũng phải nhắc thêm rằng, những hành động phản đối Trung Quốc gần đây, sau vụ tàu Bình Minh 02, đã cho thấy biết bao người không cần lợi nhuận, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, xứng đáng là hậu nhân của một đất nước gian lao mà anh dũng, dẫu đó là những người có mặt trong đoàn “biểu tình ôn hòa” hay góp tiếng trên báo chí. Họ đã làm những gì thuộc sức lực của họ, dẫu nhiều khi, biết đâu nguy hiểm đang rình chờ? Tổ quốc tồn tại đến ngày nay, và còn tồn tại đến bao giờ, tất cả đều chính từ những con người như thế.

N. L. H. M.

Nguồn: vanhoanghean.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn