Chuyện chưa biết nhiều về dự án bauxite Tây Nguyên

Bài 6: Hai dự án thí điểm Tân Rai và Nhân Cơ, “trót sinh” thì “phải dưỡng”!

Lê Trung Thành

Đây là bài cuối cùng trong chùm 6 bài của KS Lê Trung Thành điều tra hiện trạng Dự án Bauxite Tây Nguyên, dành cho Bauxite Việt Nam. Ở bài viết cuối cùng này tác giả có một phần kết in đậm, rút ra một vài nhận xét sau khi đã đi xong một vòng từ Tân Rai, Nhân Cơ, tuyến đường bộ chạy qua Lâm Đồng, Đồng Nai, tuyến đường sắt còn nằm trên giấy... cho đến cảng Kê Gà. Lời kết luận của tác giả không giấu được những tiếng thở dài ngao ngán trước một màn kịch mà hồi kết xem ra chưa thấy gì là “có hậu” dù rằng Dự án nay chỉ mới gần gần bước vào giai đoạn... “thí điểm sản xuất” mà thôi.

Đất nước ta đã trải qua bao nhiêu năm cố gắng làm ăn theo cung cách hiện đại cho đúng quy trình công nghệ mà các nước tiên tiến cũng như các nước phát triển quanh ta đều đã đi qua và để lại hết sức nhiều kinh nghiệm quý giá. Khốn thay, cứ giao cho khối kinh tế nhà nước của chúng ta thực thi là y như mọi kinh nghiệm đều đổ sông đổ bể. Và nhân dân ta hết keo này đến keo khác cứ phải è cổ gánh lấy những hậu quả tày đình, nợ mẹ chồng chất nợ con, phải xù nợ lần này rồi chắc sẽ còn lần khác, khiến đời sống của đại đa số dân chúng ngày càng xơ xác, uy tín của Nhà nước cũng giảm di, mà “cục nợ” thì không biết bao giờ mới rứt đi được. Giờ đây, cứ nghe những tiếng Vinashin, Dung Quất... là ai nấy đều hết hồn, tưởng như lưỡi hái thần chết đang lấp ló sau lưng mình, đòi nợ chính tính mệnh của mình. Nay lại thêm một cái tên Bauxite Tây Nguyên, một cái tên không còn kèm theo tâm trạng hào hứng, những lời tán dương, vồ vập – và cũng có cả những lời chửi rủa như giọng lưỡi của một Lê Dương Quang đối với nhân sĩ trí thức, khi họ chân thành kiến nghị Nhà nước xét lại cái dự án chứa nhiều hiểm hoạ ấy – mà chỉ còn là sự thảng thốt lo lắng vì trăm món tiền không biết lấy đâu ra để tiếp tục thực thi tiến độ của cái gọi là “dự án thế kỷ” này.

Tác giả Lê Trung Thành cho biết Nhà nước đang chuẩn bị cho một dự thảo để chính thức công bố chuyển đổi quy hoạch Dự án Bauxite Tây Nguyên thành một Dự án vẫn trong “tình trạng thí điểm” nhưng là thí điểm lâu dài, nghĩa là cũng coi như tạm thời dừng lại ở mức từ nay đến 2012 sẽ đạt được và cứ cầm cự với nhau như thế cho đến 2020 có xét đến 2030, để xem mỗi năm có bớt dần con số lỗ nặng đi không chứ lãi thì cố nhiên không ai dám mơ tưởng tới.

Vâng, là những người từng đứng ra khởi xướng các bản Kiến nghị mà lần nào xướng lên cũng có đến hàng mấy ngàn người ký, yêu cầu xoá bỏ ngay từ gốc cái dự án “chết người” đó, giờ đây chúng tôi cứ tự hỏi: Tại sao một Nhà nước vì dân như Nhà nước chúng ta mà không một việc nào chịu nghe dân lấy một lần cả? Giá mà ngay từ tháng Tư năm 2009 (và có thể các tháng sau đó), các vị, những khuôn mặt chức quyền tiêu biểu – và cũng tiêu biểu cho trách nhiệm đối với dân với nước – bớt “vênh” đi một tí, chịu khó liếc nhìn vào bản Kiến nghị của chúng tôi một tí, chịu khó lật đi lật lại những tờ giấy mỏng manh mà chúng tôi thực lòng muốn lọt vào mắt các vị, và chỉ một lần thôi đặt lấy vài câu hỏi ngay thẳng cho chính lương tâm mình, rằng vì sao mà dân chúng phản đối cái dự án to tát của mình sôi nổi thế nhỉ?... Thì biết đâu...

Nhưng nói làm gì nữa khi sự đã rồi. Thôi, dầu sao thì chiếc xe đã lao xuống dốc mà nay biết phanh lại kịp thời cũng là cả một sự dũng cảm đáng mừng. Hy vọng Dự án Bauxite Tây Nguyên sẽ không đi đến cái kết quả... thê thảm là một Vinashin chưa có hồi kết, cũng không phải là dạng một tổ hợp Dung Quất mà nghe nói “bên trong còn lắm điều hay”, và trang mạng của chúng tôi mong rằng, trong một tương lai không xa, sẽ tìm được người chuyên trách và có đủ lương năng để được gặp lại độc giả xung quanh những điều đang còn đầy “bí ẩn” của cái công trình không kém tai tiếng cũng như tiền của và độ dài thời gian để rồi đến nay vẫn cứ... bảo trì và... bảo trì.

Nguyễn Huệ Chi

Trong quá trình triển khai các dự án Bauxite Tây Nguyên, công tác thăm dò quặng bauxite có vị trí khá quan trọng nhằm đánh giá chính xác trữ lượng phục vụ cho việc lập báo cáo chuẩn bị đầu tư của TKV.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép thăm dò nhiều mỏ bauxite ở Đắc Nông và Lâm Đồng sau khi thẩm định hồ sơ khảo sát các Công ty cổ phần địa chất và khoáng sản (GEOSIMCO), Liên đoàn địa chất Trung Bộ, Công ty cổ phần tin học và công nghệ môi trường (VITE), Công ty cổ phần đá quý, vàng Lâm đồng… là những đơn vị tham gia thăm dò nhiều đề án ở mỏ Nhân Cơ, Gia Nghĩa, Bắc Gia Nghĩa, Đắc Song, mỏ 1-5, Quảng Sơn, Tân Rai, Bảo Lộc … Đây là những đề án nằm trong quy hoạch nên được điều tra, nghiên cứu khảo sát kỹ lưỡng và hai dự án tổ hợp alumin Tân Rai, Nhân Cơ được triển khai thiết kế nhờ vào các dữ kiện thăm dò trữ lượng và xác định thời gian khai thác của dự án khoảng 30 năm không kể tới 3-4 năm đầu xây dựng, mua sắm và lắp đặt thiết bị. Mỏ Tân Rai trải rộng trên diện tích 220 km2, tổng trữ lượng hơn 500 triệu tấn quặng nguyên khai. Phần phía Tây của mỏ có diện tích 42 km2 được thăm dò chi tiết có trữ lượng gần 149 triệu tấn. Ngày 21.6.2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp cho tổ hợp Tân Rai giấy phép khai thác trong phạm vi 1.619,5 ha, thời hạn 29 năm.

Không quá nghèo như Đắc Nông, nhưng tỉnh Lâm Đồng cũng chẳng dư dật giàu có gì. Ngoài du lịch, trồng rau, trồng hoa thì các ngành công nghiệp Lâm Đồng hàng năm chỉ đạt giá trị trên dưới 4.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ở mức 240-250 triệu USD… Chính vì vậy, khi TKV xây dựng dự án Tân Rai, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng hết lòng ủng hộ và phản ứng quyết liệt trước những ý kiến, những đề nghị tạm ngưng dự án. Niềm hy vọng vào khoản thuế xuất khẩu alumin, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… xấp xỉ 700 tỷ đồng mỗi năm cộng với tin mừng sẽ có đường sắt khổ đôi từ Đắc Nông kéo xuống Bảo Lộc, Di Linh xuôi về Bình Thuận, mở ra nhiều ý tưởng mới lạ cho quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế của Lâm Đồng trong tương lai không xa.

Hơn thế nữa, tổ hợp alumin Tân Rai với công suất 650.000 tấn/năm hoạt động sẽ thúc đẩy dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hydrat nhôm, công suất 300.000 tấn/năm đã được phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận cho TKV hợp tác với Công ty Itochu và Sumitomo Chemical (Nhật Bản) vào ngày 17.9.2008. Trước đó, ngày 17.7.2006, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản đồng ý cho thành lập liên doanh giữa Tổng công ty Hóa chất Việt Nam và hai đối tác Nhật Bản là Nippon Metal và Tập đoàn Sojitz đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản suất hydrat nhôm, ô xít nhôm công suất 550.000 tấn/năm.

Nếu các dự án này được triển khai thì Lâm Đồng có thêm 16.000 việc làm, trong có có tới một nửa dành cho những người có trình độ đại học, cao đẳng của nhiều chuyên ngành, nó đồng nghĩa với việc tập trung nguồn nhân lực cao cấp tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhiều thập kỳ tới. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có dự án Tân Rai chuẩn bị hoạt động vào quí II-2012 sau nhiều lần hẫng hụt vì tổng thầu EPC-Chalieco chậm tiến độ, mà nguyên nhân rất chính đáng (?) đưa ra là vì “mưa kéo dài” mặc dù từ cuối năm 2010, người ta đã đưa thông tin “tổ hợp hoàn thành 98% công việc” rồi!

Chậm đưa tổ hợp Tân Rai vào khai thác đã làm vỡ kế hoạch rao bán 50.000 tấn alumin đầu tiên vào dịp cuối năm 2011 và bán 350.000 tấn vào năm 2012 trên thị trường alumin thế giới. Lời rao của TKV kèm theo điều kiện “ai trả giá cao hơn” thì được ưu tiên ký kết hợp đồng dài hạn. Còn xét về mặt lâu dài, TKV lại chọn Yunnan Metallurgical để ký biên bản ghi nhớ có nội dung: TKV sẽ bán cho Công ty TNHH Luyện nhôm Vân Nam (Yunnan Aluminium Industry Co.Ltd) mỗi năm từ 600.000-900.000 tấn alumin trong thời hạn 30 năm, có đàm phán giá từng giai đoạn. Điều đó có nghĩa là, về mặt nguyên tắc, toàn bộ sản phẩm của hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ sẽ xuất khẩu sang Vân Nam – Trung Quốc, cho dù tại miền Tây Nam tỉnh Vân Nam, họ cũng đang xây dựng một nhà máy sản xuất 800.000 tấn alumin mỗi năm. Bán, mua là chuyện bình thường, nhưng giá cả thế nào mới là việc đáng quan tâm bởi nó liên quan đến sự sống còn của hai nhà máy Tây Rai và Nhân Cơ, nó cũng sẽ là lời giải, là đáp số cuối cùng của những bài toán và giải tỏa những nghi ngờ của các nhà kinh tế, xã hội học và dư luận xã hội mấy năm nay.

Sau năm 2008, sức tiêu thụ nhôm trên thị trường thế giới bắt đầu chững lại và giảm nhanh so với 5-6 năm trước đây. Hiện nay giá bán một tấn nhôm dao động từ 2.000-2.200USD, cụ thể là giá nhôm LME chính thức ngày 8.12.2011 trên thị trường Luân Đôn (nguồn của London Metal Exchange-http//www.co.uk) như sau: Mua bằng tiền mặt: 2.059USD, mua kỳ hạn 3 tháng: 2.069USD, mua kỳ hạn 15 tháng: 2.170USD, kỳ hạn 27 tháng: 2.270USD. Nếu tính giá alumin bằng 13% giá nhôm thì giá bán một tấn khoảng 295USD.

Nếu tạm bỏ qua giá thị trường Trung Quốc thường hạ 10-12% so với giá thế giới thì với giá 295 USD một tấn, sản phẩm của TKV không mang lại hiệu quả kinh tế. Tại cuộc tọa đàm trực tuyến do báo điện tử Vnexpress tổ chức cuối tháng 10.2010, Các ông Nguyễn Mạnh Quân – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công thương và ông Nguyễn Thanh Liêm – Trưởng ban nhôm-titan của KTV đã công bố chi phí giá thành một tấn alumin của tổ hợp Tân Rai là 265USD và 287USD ở Nhân Cơ. Số liệu này chưa tính đúng, tính đủ nhiều loại chi phí, đặc biệt là chi phí vận tải đường bộ và bốc xếp ở cảng. Nếu năm 2009, cước vận tải bình quân 2.000đ/1km thì đến nay đã tăng tới 3.800-4.000đ/1km. Một tấn alumin về đến Gò Dầu phải trả 800.000đ cộng với 33.000đ tiền bốc xếp xuống hầm tàu tại cảng Gò Dầu, tổng cộng xấp xỉ 40USD/tấn. Chỉ cần thêm một loại chi phí thôi, giá bán alumin (giá F.O.B) đã thấp hơn giá thành sản xuất vài ba chục đô la một tấn! Chưa hết, trong vài năm đầu tiên, sản lượng còn thấp hơn công suất thiết kế nên chi phí tăng thêm 30-40% do phải trả lãi vay thương mại, khấu hao tài sản cố định… Điều đó cho thấy ở tổ hợp Tân Rai trong những năm 2012, 2013, 2014, mỗi năm có thể lỗ khoảng 40-50 triệu USD và giảm dần khi đạt tới công suất 600.000-650.000tấn/năm. Ở tổ hợp Nhân Cơ, khoản lỗ cộng thêm 10-15% so với lỗ ở Tân Rai do cung đường vận chuyển dài hơn 60-70km.

Ngoài ra, mức độ rủi ro còn nhiều yếu tố khác, kể cả giá bán than của chính TKV đang đề nghị tăng thêm, nếu được chấp thuận giá mới, mỗi năm, với gần một triệu tấn than cám và than cục cung ứng cho hai tổ hợp Tân Rai và Nhân Cơ, chi phí sản suất sẽ tăng theo vì than chiếm tới 45% chi phí trực tiếp trong dây chuyền chế biến alumin.

Trước kia, khi còn đương nhiệm, cựu lãnh đạo TKV – Đoàn Văn Kiển hùng hồn tuyên bố, các số liệu của dự án mới là dự báo, phải làm thực tế mới biết lỗ, lãi, năm ăn, năm thua… và đời dự án kéo dài 30, 40 năm, thậm chí 50 năm nên lúc lãi, lúc lỗ là chuyện… bình thường! Đi theo ông Kiển, các quan chức Bộ Công thương liên quan và lãnh đạo TKV tiết lộ phải bỏ tiền ra mua số liệu đáng tin cậy để tự ru ngủ mình bằng “giá alumin từ 2011-2020 sẽ tăng từ 340-650 USD/tấn alumin như cơ quan nghiên cứu thị trường Metalbuleten cung cấp!

Buôn tài không bài dài vốn!

TKV đã giật gấu vá vai, đắp đổi từ nhiều nguồn vẫn không đủ tiền đầu tư xây dựng dự án nên Chính phủ đã rủ lòng từ bi vốn có để cứu hai tổ hợp Tân Rai và Nhân Cơ, đứng ra bảo lãnh cho TKV trong khi nợ công đầm đìa và hậu quả của sự kiện Vinashin “xù nợ” nước ngoài gây nhiều hệ lụy xấu cho việc đàm phán sắp xếp vốn. Tìm được nhà hảo tâm giữa lúc kinh tế thế giới suy thoái đã khó thì TKV lấy đâu ra tiền bù lỗ và thanh toán lãi và trả nợ gốc hàng năm hay lại buộc Chính phủ cho vay tiền giống như Chính phủ từng trả nợ thay cho các nhà máy xi măng???

Có lẽ đã nhìn thấy nhiều hậu quả tiêu cực và những khó khăn, phức tạp không dễ tìm giải pháp khắc phục một sớm một chiều nên Bộ Công thương đã có những chuyển biến thể hiện trong bản dự thảo Quy hoạch thăm dò và khai thác, chế biến alumin, nhôm giai đoạn tới 2020, xét đến năm 2030. Về cơ bản, Bộ Công thương giữ nguyên hai tổ hợp Tân Rai và Nhân Cơ. Khi có điều kiện thì xét đến việc mở rộng và tăng công suất của hai dự án thí điểm. Tuy nhiên, duy trì hoạt động trong điều kiện thu không đủ chi quả là một đòn cân não đối với những người tham gia quản trị và khai thác dự án. Tất nhiên, đã có quá nhiều lời cảnh báo của các nhà khoa học, những chuyên gia am tường lĩnh vực khai thác khoáng sản, những người có tâm huyết thực sự chân thành góp ý kiến trong quá trình triển khai dự án bauxite Tây Nguyên. Tiếc thay, dư luận xã hội ồn ào, gay gắt chỉ có tác dụng nhất thời, không đủ sức can ngăn các nhà lãnh đạo từ bỏ một chiến lược vốn được vạch ra một cách vội vã, duy ý chí và bảo thủ nhưng dẫu chưa trọn vẹn thì ít nhất dư luận xã hội đã có một chiến thắng “tầm trung bình” là Chính phủ chấp nhận “thí điểm hai dự án” thay cho kế hoạch phát triển tức thời 5-7 nhà máy lớn ở Đắc Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước. Số vốn dự định đầu tư cũng giảm còn 1/4, 1/5… và sắp tới, sẽ có một bản quy hoạch mới khác hẳn bản quy hoạch đã được phê duyệt năm 2007.

Cũng cần đề cập một chút về vấn đề nhiều nhà khoa học xã hội, lịch sử quan tâm tới rừng đầu nguồn, tới công tác bảo tồn văn hóa bản địa Tây Nguyên… Khi triển khai Dự án Bauxite tại Đắc Nông và Bảo Lộc – Lâm Đồng, khu vực hai dự án tọa lạc trên thực tế không có rừng nguyên sinh, không có rừng phòng hộ. Ở Nhân Cơ có hơn 4 ha đất rừng sản xuất nằm trong phạm vi giải tỏa. Trong 220 hộ di dời, có 11 hộ người M’Nông, người Hoa và người Nùng di cư từ các tỉnh miền Bắc vào Nhân Cơ.

Còn vấn đề dư luận xã hội quan tâm nhất là công nhân và chuyên gia Trung Quốc ở hai vùng đất đó lâu hay mau, dài hay ngắn cứ đeo đẳng mấy năm nay. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói với cử tri TP. Hồ Chí Minh là “người Trung Quốc chỉ có mặt lúc xây dựng dự án, sau khi hoàn thành, bàn giao, họ sẽ về nước hết”. Thực tế cho thấy, khi Tân Rai, Nhân Cơ hoạt động, Nhà thầu Chalieco để lại 7-10 chuyên gia kỹ thuật giúp nhân viên kỹ thuật Việt Nam theo hợp đồng đã ký kết trong thời hạn ba năm nên vấn đề an ninh quốc phòng không có gì đáng lo ngại.

***

LỜI KẾT

Quý vị đã theo dõi 6 bài viết với nội dung hệ thống hóa lại toàn cảnh Dự án Bauxite Tây Nguyên của TKV đã và đang thực hiện ở Tân Rai và Nhân Cơ.

Những mục tiêu to lớn, mang tầm chiến lược của các nhà lãnh đạo thể hiện trong bản quy hoạch 2007 đã phải giảm thiểu trước sự phản kháng mạnh mẽ của xã hội, của giới nhân sỹ, trí thức và nhiều nhà hoạt động, nghiên cứu kinh tế, lịch sử, văn hóa. Mạng lưới truyền thông chính thức của nhà nước, của cộng đồng dân cư mạng đã viết hàng ngàn bài báo nói về dự án này. Ngoại trừ một số tin bài quá khích thì phần lớn là những tiếng nói trung thực, chân thành góp ý cho Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh ấy trang mạng Bauxite Việt Nam ra đời và từ đó đến nay đã kiên trì, bám sát hướng đi đã chọn, trở thành nơi đăng tải những ý kiến phản biện của giới trí thức chân chính. Nhiều bản kiến nghị của tập thể, cá nhân, nhiều ý kiến chất vấn Chính phủ trên diễn đàn Quốc hội cho thấy chưa có dự án nào thu hút sự quan tâm của xã hội lớn như thế nên Bộ Chính trị và Chính phủ đã có một số điều chỉnh tích cực, quyết định chỉ làm thí điểm hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ đồng thời chưa hợp tác với nước ngoài góp vốn xây dựng dự án.

Dù đã lắng nghe, dù có thay đổi một phần kế hoạch nhưng hậu quả xấu của “thí điểm” không hề nhỏ và sẽ đeo đẳng, kéo dài trong nhiều năm tới, gây tổn thất chủ yếu về tiền của, công sức và ô nhiễm môi trường. Đến bây giờ, khi chỉ còn vài tháng nữa Tân Rai bắt đầu hoạt động và sau hai năm, đến lượt Nhân Cơ khai thác… những khó khăn, những tai nạn, những thách thức sẽ lần lượt phơi bày cụ thể hơn, chi tiết hơn và báo giới còn tốn nhiều giấy mực để loan tin…

Dù thua lỗ, dù thiếu vốn, sang tháng 4, tháng 5 năm 2012 những mẻ alumin cũng sẽ xuất xưởng, được đóng gói, xếp lên xe ô tô, chở về cảng Gò Dầu tỉnh Đồng Nai xuất khẩu sang Trung Quốc – một bạn hàng khó hiểu.

Lối về cảng Gò Dầu xa hơn đường đã vạch để làm mới chừng 30-40km nhưng trong hoàn cảnh TKV không có tiền xây cảng Kê Gà và làm mới hơn trăm cây số đường bộ, dù muốn hay không (bởi quá tốn kém chi phí vận chuyển) TKV vẫn phải sử dụng trong năm, mười năm tới.

Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai – chủ sở hữu cảng Gò Dầu A và B – mỗi năm bốc xếp 4-5 triệu tấn hàng rời, hàng bao. Cầu tàu, bến bãi đủ phục vụ bốc xếp than từ miền Bắc vào chở lên Tân Rai và ngược lại, bốc xếp alumin xuống tàu xuất khẩu.

Nếu có điều kiện, chỉ cần có vài ba chục triệu USD là hiện đại hóa cảng, tàu trọng tải 25.000-30.000 tấn ra vào dễ dàng đáp ứng nhu cầu xếp dỡ toàn bộ khối lượng hàng hai chiều của Tân Rai và Nhân Cơ khoảng 2-2,5 triệu tấn/năm, nên TKV yên tâm có cơ sở hậu cần lâu dài mà không phải lo lằng quá nhiều đến việc đầu tư xây dựng mới.

Hai dự án thí điểm chắc chắn đều thua lỗ nhưng bỏ thì thương, vương thì tội!

Âu cũng là chuyện thường tình của các doanh nghiệp nhà nước thoải mái tiêu tiền mà không cần phải suy tính thiệt hơn.

TKV đã sinh non: Tân Rai và Nhân Cơ ra đời không đủ hình hài, ốm đau, què quặt thì cha mẹ nó phải cố gượng gạo mà dưỡng dục, chờ thời…

Biết đâu, sẽ có một ngày TKV dùng nguồn điện của nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 sẽ biến alumin thành nhôm đúc một con ngựa có tim và một ngày đẹp trời nào đó nó sẽ từ biệt hạ giới bay lên, bay xa!!!

L. T. T.

Một số hạng mục công trình đang được hoàn thiện tại dự án nhà máy Alumin Tân Rai. Ảnh tư liệu

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các quan chức Chính phủ làm việc với Tập đoàn TKV và lãnh đạo chính quyền Đắc Nông, Lâm Đồng tại Nhân Cơ, Tân Rai, Kê Gà

clip_image008

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn