Không những chỉ là một chuyển hướng chiến lược: Đã đến lúc phải nhìn nhận việc Obama tái định nghĩa rộng rãi chính sách an ninh quốc gia của Mỹ

David Rothkopf, Foreign Policy, November 28, 2011

Chính quyền Obama đang làm một việc khá phi thường. Trong khi gần như toàn bộ chính phủ Mỹ và thẳng thắn mà nói, hầu hết các chính phủ quan trọng trên thế giới, đang lâm vào tình trạng bế tắc vì tê liệt chính trị, trở thành nạn nhân cho sự bất động của chính mình, thì Tổng thống Obama và toán an ninh quốc gia của ông đang thiết kế một sự thay đổi sâu rộng, hướng về tương lai, và trông khá ngoạn mục.

Nỗ lực này đã được bàn đến trong một bài báo của Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon trên tờ Financial Times nhan đề “Mỹ đang trở lại Thái Bình Dương và sẽ bảo vệ luật lệ trong vùng”. Chủ trương này đã được chứng tỏ trong chuyến viếng thăm châu Á vừa rồi của Obama và sẽ được nhấn mạnh hơn nữa bằng chuyến thăm viếng lịch sử của Bộ trưởng Ngoại giao Clinton tại Myanmar vào cuối tuần này.

Trên bề mặt, sự thay đổi chiến lược này có thể được coi như điều mà Bà Clinton gọi là “một sự chuyển hướng” từ Trung Đông sang châu Á trong vai trò trung tâm của chính sách đối ngoại Mỹ. Nhưng như bài báo vắn gọn của Donilon đã diễn tả khá đầy đủ, sự chuyển hướng này là sâu rộng và quan trọng hơn người ta có thể thấu hiểu một cách trọn vẹn.

Mở đầu bài báo, Donilon viết rằng các vị tổng thống phải phấn đấu dữ dội lắm mới mong khỏi vướng vào việc quản lý các cuộc khủng hoảng đến độ không nhìn ra được các mục tiêu chiến lược của quốc gia. Sau khi liệt kê một loạt các khủng hoảng kinh dị mà Tổng thống Obama đã và đang đối phó, Donilon ghi nhận rằng dẫu sao vị Tổng thống Mỹ cũng đủ sức theo đuổi “việc quân bình các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chúng ta – và tái gia hạn các liên minh lâu đời của chúng ta, kể cả NATO – để đảm bảo rằng sự tập trung trí óc và nguồn lực của chúng ta đáp ứng được các lợi ích chiến lược quan trọng nhất của quốc gia chúng ta”. Châu Á, như Donilon quả quyết, đã trở thành “trọng điểm” của chiến lược này.

Đi sâu hơn nữa, bài báo cho thấy rằng có nhiều khía cạnh khác của sự chuyển hướng này chưa được chú ý bằng sự khẳng định dễ hiểu mặc dù mới mẻ về sự nhìn nhận của chính quyền Obama rằng – xin vắn tắt để nêu bật tính tương phản – đối với Mỹ, Trung Quốc là quan trọng hơn Iraq. Bởi vì, mặc dù Donilon có nhắc đến những hiệp định về an ninh khu vực và quyết định của chính quyền Obama nhằm theo đuổi một chiến lược phòng thủ “được phân bố rộng rãi hơn, uyển chuyển hơn và bền vững hơn” ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng điều đáng chú ý nhất trong bài báo là những từ được sử dụng và các đề tài được nhắc đến thường có tính cách kinh tế.

Donilon coi những ưu tiên của chúng ta trong khu vực này như được gắn chặt với “an ninh, thịnh vượng, và nhân quyền”. Ông định nghĩa những nhu cầu an ninh dựa vào các quan tâm liên quan thương mại và lưu thông hàng hải. Ông bàn về các liên minh như thể chúng là “nền tảng của sự thịnh vượng khu vực”. Và luận điểm cốt lõi mà ông muốn đưa ra là: “Trong tư cách thành viên của một trật tự kinh tế cởi mở, các quốc gia phải tuân theo một thứ luật chơi, bao gồm một nền mậu dịch tự do và công bình, những sân chơi bằng phẳng trong đó các doanh nghiệp có thể cạnh tranh nhau, sở hữu trí tuệ được bảo vệ khắp nơi và tiền tệ được thị trường định giá”.

Thiết lập, tôn trọng và thi hành những luật lệ quốc tế là một chủ đề cốt lõi khác của bài báo và của những tuyên bố do Obama, Clinton, Donilon, và các nhân vật khác thương xuyên nhấn mạnh.

Như vậy thông điệp của bài báo không những chỉ là Mỹ đã thay đổi các ưu tiên trong khu vực. Mà còn là, chính quyền Obama đã bắt đầu định nghĩa lại quan niệm về an ninh quốc gia một cách rộng lớn hơn. Định nghĩa này tìm lại cội nguồn của nó trong lịch sử Mỹ liên quan đến vấn đề thương mại. Chính [vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ] George Washington, đã tranh luận rằng lý do duy nhất nếu cần có một chính sách đối ngoại chính là để bảo vệ các lợi ích thương mại. Nhưng đó là một thời đại ít phúc tạp hơn và đó là một nước Mỹ rất khác với ngày nay. Chúng ta đang có những quan tâm an ninh rất thực. Chủ nghĩa cực đoan bạo động (violent extremism) vẫn còn là một mối đe dọa cho các lợi ích quốc gia của Mỹ tại Trung Đông và nhiều nơi khác. Nhưng vị đương kim Tổng thống trong một thời gian tương đối ngắn ngủi đã làm được nhiều điều ngoài việc “tái quân bình lực lượng”. Ông đã tái lập quân bình lực lượng, nhìn nhận sự tác động qua lại sâu sắc và thiết yếu (the deep and essential interplay) giữa các lợi ích kinh tế và an ninh của chúng ta.

Sự kiện vị cố vấn an ninh quốc gia của Obama đã đứng ra bênh vực luận điểm này… cũng như vị ngoại trưởng của ông từng tuyên bố trong các bài diễn văn đọc tại New York và Hong Kong gần đây về cùng một chủ đề… chứng tỏ rằng tất cả sự chuyển hướng này đã chiếm vị trí trung tâm. Việc các quan chức trong hội đồng an ninh quốc gia thường đi tiên phong trong việc đưa ra các thông điệp đối ngoại là tương phản rõ nét với một số người tiền nhiệm gần đây của Obama, kể cả Cựu Tổng thống Bill Clinton, người cũng muốn có một định nghĩa rộng rãi hơn cho chính sách đối ngoại.

Như vậy, “chuyển hướng chính sách” thực sự bao gồm nhiều chiều hướng (multi-dimensional). Chúng ta không những đang kết thúc các cuộc chiến tại Trung Đông, không những tránh né các các trận địa chiến cổ điển chống khủng bố mà lại còn nắm vững thêm các chiến thuật đánh chính xác bằng máy bay không người lái, dựa vào tình báo và biệt kích là chính, không những khép lại các chính sách tự coi mình là ngoại lệ (exceptionalist) có quyền hành động đơn phương (unilateralist) để tiến tới các đường lối đa phương, dựa vào luật lệ quốc tế, không những chấm dứt lối chi tiêu bạt mạng về quốc phòng để nhắm tới lối chi tiêu phù hợp với khả năng tài chính của mình, không những chấm dứt luận điệu một chiều “ai không theo ta là chống ta” để tiến tới những chính sách cởi mở đối với nhiều thực tế phức tạp hơn (như đối với Trung Quốc, một quốc gia vừa là đối thủ vừa là đối tác của chúng ta), nhưng chúng ta lại còn có động thái rõ ràng để nhìn nhận rằng các nền tảng của an ninh quốc gia Mỹ cũng có tính chất kinh tế và một số công cụ mạnh nhất của chúng ta cũng là kinh tế.

Cần phải chấm dứt luận điệu cho rằng trong một cách nào đó vì có nhà tù Guantanamo hay vì cần phải truy lùng bọn khủng bố mà Obama đã phần nào giống Bush. Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ là sâu rộng và kết quả gần như chắc chắn sẽ làm cho Mỹ trở nên hùng mạnh hơn về lâu về dài.Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, những người duy nhất hình như chưa hiểu được thông điệp này là những ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà. Căn cứ vào cuộc tranh luận vừa qua, các ứng cử viên này tỏ ra là những người duy nhất tại Mỹ còn luyến tiếc các chính sách an ninh hoảng loạn, bạt mạng, nguy hiểm và vô hiệu quả của thời Tổng thống Bush.

D. R.

Nguồn: http://rothkopf.foreignpolicy.com

Trần Ngọc Cư dịch.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn