Nông dân cần lợi nhuận, chẳng cần đứng đầu

Nam Nguyên, Phóng viên RFA

Việt Nam sẽ vẫn xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo trong năm 2012, nhưng thật ngạc nhiên khi nông dân cho biết lợi nhuận của họ không những không tăng theo vật giá mà còn giảm hơn năm ngoái khá nhiều.

VIETNAM-ECONOMY-FARM-RICE-TRADE

Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng ở huyện Phú Nhuận, tỉnh Tiền Giang hôm 06 tháng 7 năm 2010. AFP photo

Thực tế chua chát

Lần đầu tiên Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với gần 1,4 triệu tấn gạo, vượt con số 1,2 triệu tấn của toàn bộ thị trường châu Phi, kế tiếp là Philippines với 830 ngàn tấn, sau đó là Malaysia, Indonesia và Cuba. Đây là tổng lượng xuất khẩu gạo 8 tháng vừa qua.

Theo thông báo chính thức của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính từ đầu năm tới hết tuần lễ đầu tháng 9 các doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 5,2 triệu tấn gạo trị giá 2,3 tỷ USD. Tin ghi nhận các doanh nghiệp đã ký nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo trong 2 tháng 7; 8 và khả năng trọn năm xuất khẩu 7 triệu tấn hoặc vượt qua con số này là trong tầm tay. Tuy vậy VFA cho biết giá gạo xuất khẩu nói chung giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ mới bắt đầu tăng mạnh vào cuối tháng 8.

Lúa gạo Việt Nam năm nay đứng đầu thế giới, nghe nói vượt Thái Lan, mình nông dân đâu cần chi chuyện đó chỉ cần lợi nhuận của mình thôi.

Nông dân ĐBSCL

Năm nay Việt Nam vẫn có thể giữ vững vị trí thứ nhì của mình trong tốp 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tuy vậy, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long từng nhận định trên báo chí là xuất khẩu gạo hàng đầu để làm gì, khi giá lúa năm 2012 thấp hơn 2011. Đây là một thực tế chua chát đối với nông dân ở vựa lúa miền Tây. Ông Tám – một người trồng lúa ở vùng sông nước Cửu Long phát biểu:

“Lúa gạo Việt Nam năm nay đứng đầu thế giới, nghe nói vượt Thái Lan dù giá trị không bằng chỉ vượt số lượng thôi. Mình nông dân đâu cần chi chuyện đó, chỉ cần lợi nhuận của mình thôi. Nếu so với năm rồi, thì giá lúa thua năm rồi, năm ngoái có giá hơn. Trong khi đó, vật tư đầu vào lại cao hơn năm rồi, từ phân bón thuốc trừ sâu rồi tới xăng dầu mấy mặt hàng này nông dân phải đi mua chứ làm sao có được. Mặt hàng xăng dầu nhảy quá cao kéo dài tới vụ đông xuân nông dân cần bơm nước ra cần tới xăng dầu”.

Trong cuộc họp ngày 7/9 ở Saigon, các giới chức Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiết lộ những điều khác thường. Ngoài chuyện Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo Việt Nam và tạm thời trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ gạo Việt Nam, còn có chuyện thương nhân chuyển hơn 400.000 tấn gạo qua Campuchia để bán tiếp qua Thái Lan. Đây là chuyện chưa từng có vì trước kia mỗi năm khoảng 1 triệu tấn lúa từ Campuchia được thương lái và người dân đưa qua biên giới tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Năm nay vì giá lúa gạo Thái Lan quá cao do chính sách của chính phủ nước này trợ giá mua lúa cho nông dân, nên thương nhân Thái Lan đã mua gạo 5% tấm chất lượng cao của Việt Nam để thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

VIETNAM-ECONOMY-FOOD-RICE

Sàng gạo trong một cửa hàng bán gạo lẻ ở TPHCM, ảnh chụp trước đây. AFP photo.

Do những yếu tố tăng xuất khẩu đột biến, một khối lượng gạo lớn được xuất qua đường tiểu ngạch ở biên giới phía bắc và biên giới Tây Nam nên từ cuối tháng 8 giá lúa đồng bằng sông Cửu Long tăng rất cao. Tuy vậy vụ hè thu đã cơ bản kết thúc ở vựa lúa miền Tây, đại đa số nông dân đã bán hết lúa ngay khi thu họach với giá thấp, mức giá được mô tả là là chỉ lời chút ít, hòa vốn hoặc bị lỗ trước và trong thời gian 1 tháng VFA mua tạm trữ từ 15/7 đến 15/8. Nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long mô tả sự việc này:

“Lúa hè thu bán hết rồi, bán lấy tiền xoay sở mọi chuyện khó khăn, thiệt thòi lắm… lúa trữ lại giờ nằm trong tay thương lái và doanh nghiệp. Lúa hè thu nông dân thu hoạch xong là bán hết… Hiện nay giá lúa nhảy lên, giá từ 5.200đ-5.300đ một Kg lúa tươi OM 4218”.

Như vậy với đợt tăng giá lúa hiện nay, hầu như chênh lệch giá rơi vào một số thương lái và doanh nghiệp trữ được lúa, còn người nông dân thực tế chẳng được gì từ khối lượng 400.000 tấn gạo bán tiểu ngạch qua biên giới Campuchia để từ đó qua Thái Lan.

Quyền lợi nhóm

Khi giá gạo xuất khẩu tăng không phải toàn bộ doanh nghiệp xuất khẩu có lợi, các chuyên gia đề cập tới điều gọi là quyền lợi nhóm trong xuất khẩu lúa gạo. Chỉ có những doanh nghiệp cốt cán chi phối thị phần xuất khẩu lớn có một lượng kho trữ nhất định thì mới hưởng lợi chênh lệch giá. Tại Việt Nam có tình trạng nghịch lý là có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng thương mại xuất khẩu gạo xong rồi mới đi mua gạo nên nếu giá lúa gạo nội địa tăng thì doanh nghiệp có thể bị lỗ vốn. Tình trạng thiếu kho trữ là một căn bệnh trầm kha ở đồng bằng sông Cửu Long. Điều này được TS Phạm Văn Tấn chuyên gia công nghệ sau thu hoạch hiện làm việc ở miền Nam mô tả:

Chiến lược lúa gạo đòi hỏi phải có tồn trữ trên 6 tháng, vì một khi dự kiến thị trường biến động mới có thể điều tiết.

TS Phạm Văn Tấn

“Có khoảng 2,5 tới 3 triệu tấn kho là những kho hai mái như nhà bình thường thôi… hầu hết những kho đó là không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để có thể chứa lúa quá 6 tháng mà chỉ đáp ứng chứa trong ba tháng thôi. Như vậy rõ ràng không thể đáp ứng chiến lược lúa gạo đòi hỏi phải có tồn trữ trên 6 tháng, vì một khi dự kiến thị trường biến động mới có thể điều tiết khi nào cần bán ra lượng nhiều khi nào cần hạn chế để tránh bị khách hàng quốc tế ép giá”.

Chính vì vậy người cầm trịch hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam là chủ tịch VFA Trương Thanh Phong mới có nhận định trái ngược tại phiên họp 7/9/2012. Theo đó việc các doanh nghiệp ồ ạt ký hợp đồng xuất khẩu gạo trong thời gian qua không phải là việc đáng mừng, vì giá xuất khẩu có thể tiếp tục tăng. Ký hợp đồng mà không có gạo trong kho, ký xong mới đi mua gạo, thì khi giá lúa gạo nội địa tăng doanh nghiệp có khả năng bị lỗ hoặc vỡ hợp đồng.

Từ 30/9/2012 sắp tới nếu không có sự gia hạn hoặc thay đổi, sẽ chỉ có các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh và xuất khẩu gạo mới được họat động trong lãnh vực này. Một trong những điều kiện là doanh nghiệp phải có kho trữ, phương tiện sấy lúa và xay xát. Các chuyên gia hy vọng khi thực hiện quy định này sẽ giảm tình trạng bát nháo trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng như tiến tới định hình một chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong tương lai.

N.N.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn