Nhìn lại Công hàm Phạm Văn Đồng 1958

clip_image001

Duy Tân Joële Nguyễn

Gửi cho BBC Việt ngữ từ Pháp

Ngày 14/9 năm nay đánh dấu 54 năm công hàm ngoại giao do Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Phạm Văn Đồng ký để phúc đáp tuyên bố của CHND Trung Hoa hôm 04/9 năm 1958 về hải phận 12 hải lý của nước này.

clip_image002

Tuyên bố 14/9/1958 của ông Phạm Văn Đồng tiếp tục gây các bàn cãi sau 54 năm

Công hàm của cố Thủ tướng Bắc Việt Nam khẳng định Chính phủ ở miền Bắc Việt Nam "ghi nhận và tán thành" tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc quyết định về hải phận này và "sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm" của Việt Nam "triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý" của Trung Quốc.

Văn kiện này, vẫn được Trung Quốc coi là "cơ sở pháp lý" hậu thuẫn cho lý lẽ của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo với Việt Nam, tiếp tục gây tranh luận trong công luận trong và ngoài nước ở Việt Nam.

Nhân dịp này, BBC giới thiệu bài viết của học giả Pháp, bà Duy Tân Joële Nguyễn, chuyên gia chính trị học và luật quốc tế, người đã có nhiều nghiên cứu về tranh chấp trên Biển Đông, để bạn đọc tham khảo:

Quyền lợi quốc gia trên biển

Với Grotius, luật gia Hà Lan vào thế kỷ 17, biển thuộc về tất cả mọi người. Đồng thời, trong một phân tích có liên quan mà có thể được mô tả như là tiên báo, Sir Walter Raleigh, đã viết: "Ai nắm giữ biển là nắm giữ sự giàu có của thế giới, ai nắm giữ sự thịnh vượng của thế giới nắm giữ thế giới”.

Từ giữa thế kỷ 20, nhiều quốc gia giáp biển đã tán thành phân tích này. Các vấn đề địa chiến lược và kinh tế cũng đã trở nên ngày càng tường minh.

clip_image003

Trong 'Công hàm Phạm Văn Đồng' lãnh đạo VNDCCH không nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa

Công ước LHQ về Luật Biển, có hiệu lực vào tháng 11/1994, thừa nhận chủ quyền của các quốc gia trên lãnh hải của họ nhưng đặc biệt là quyền khai thác các vùng nước, đất đai và tầng ngầm trên một khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý (370 km) tính từ bờ biển của họ.

Quy định quyền sở hữu theo luật pháp quốc tế về nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, dầu khí đã dẫn đến sự xuất hiện của vô số các cuộc xung đột giữa các quốc gia ven biển.

Vì vậy, Cuốn 'Bản đồ địa chính trị về không gian hàng hải' (Atlas géopolitique des espaces maritimes) đã viết vào năm 2010 rằng:

"Trong vòng 50 năm qua, hàng chục triệu cây số vuông vùng biển trước đây tự do về chủ quyền đã bị các nhà nước kiểm soát , điều đã dẫn đến cuộc đại chinh phục lãnh thổ lớn nhất mọi thời đại”.

Các quốc gia từ đây đều tính toán đến các được mất có tính chiến lược quân sự để bảo vệ các vùng cung cấp tài nguyên và để đảm bảo các tuyến đường thương mại và cung cấp các nguồn lực.

Trung Quốc, nhận thức các quyền lợi mà nước này có thể thấy được, đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn biển Đông (la Mer orientale), bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi một tấm bản đồ được gọi là "đường lưỡi bò" và viện dụng sức mạnh (chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 sau một trận chiến trên biển, trái với Hiến chương của Liên hợp quốc, và có các hành vi thù địch thường xuyên từ đó tới nay).

Chính trong bối cảnh này, chứ không phải trong bối cảnh tồn tại vào năm 1958, cần phân tích cuộc xung đột giữa Trung Quốc và các nước có chung biên giới trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam, về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đặc biệt hơn, trên khía cạnh pháp lý, theo quy định của pháp luật quốc tế, về tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng vào ngày 14/9/1958.

Hành động chính trị trong bối cảnh

"Với rất nhiều thận trọng và ngoại giao, không có thời điểm nào, bản tuyên bố nhắc tới hai quần đảo, vốn là chủ đề hiện nay về xung đột tuyên bố chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam"

Duy Tân Joelle Nguyễn

Ngày 14/9/2012 tròn 54 năm việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng phúc đáp một tuyên bố của Trung Quốc ngày 4/9/1958, thiết lập phạm vi 12 dặm về lãnh hải từ đất liền của nước này, bao gồm hai quần đảo nói trên.

Ông lưu ý "ghi nhận và tán thành" trong bản tuyên bố về quyết định của Trung Quốc. Ông bổ sung trong công hàm rằng: "Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”.

Đối với Trung Quốc, bản tuyên bố 1958 này phải được xem xét như sự công nhận pháp lý của Việt Nam về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này (Hoàng Sa, Trường Sa.)

Mớ các xung đột trong khu vực này kể từ đầu thế kỷ 20 làm cho việc phân tích trở nên vô cùng phức tạp đối với bản tuyên bố này, vốn chỉ là một hành động chính trị và ngoại giao mà không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo.

1. Khi Trung Quốc lập bản tuyên bố ngày 04 tháng 9 năm 1958, nước này đang ở trong một bối cảnh xung đột cao với Hoa Kỳ. Lại có cuộc chiến Triều Tiên năm 1950. Các cuộc tấn công các đảo Quemoy và Matsu năm 1954-1955 và năm 1958 để giải phóng Đài Loan, đã dẫn đến phản ứng của Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan.

clip_image004

Trung Quốc muốn dùng công hàm 1958 để ép Việt Nam công nhận chủ quyền của mình trên Biển Đông

Vì Trung Quốc không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc vào lúc các cuộc thảo luận phát triển luật biển khởi đầu, bằng tuyên bố này, Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan và giành quyền tuyên bố của mình trên hai quần đảo thuộc về Việt Nam.

Nhưng theo luật pháp quốc tế, rõ ràng việc khẳng định chủ quyền này không có cơ sở. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, trong Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản, 46 tiểu bang đã từ chối công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các hòn đảo, bất chấp các phản đối của Trung Quốc. Đây là chủ quyền mà Trung Quốc không tuyên bố khi ký kết hiệp ước hòa bình song phương với Nhật Bản. Ngoài ra, Hiệp định Genève năm 1954 quy định việc tuân thủ của các quốc gia ký kết, bao gồm cả Trung Quốc, đối với: "nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.

2. Tuy nhiên, trong tình huống này, và vì lý do các mối quan hệ đặc biệt đã tồn tại giữa Trung Quốc và Bắc Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ có thể phúc đáp. Tuy nhiên, với rất nhiều thận trọng và ngoại giao, không có thời điểm nào, bản tuyên bố nhắc tới hai quần đảo, vốn là chủ đề hiện nay về xung đột tuyên bố chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Hậu thuẫn của Trung Quốc, trong 19 năm xung đột giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, đã "đánh bẫy" chính phủ, như sự thừa nhận sau đó của ông Phạm Văn Đồng.

Hành động chính trị không hợp luật quốc tế

"Khi ông Phạm Văn Đồng đã thực hiện tuyên bố này, ông không đề cập các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông đã thực hiện một tuyên bố đơn phương"

Bà Duy Tân Joelle Nguyễn

Đây là lập luận hậu thuẫn nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bác bỏ nguyên tắc theo luật pháp quốc tế được viện dẫn bởi Trung Quốc bắt buộc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo.

Trước hết, vào năm 1958, khi ông Phạm Văn Đồng thực hiện tuyên bố này, ông không đề cập các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông đã thực hiện một tuyên bố đơn phương. Ông không liên đới Việt Nam vào đó, điều mà ông không thể làm. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là Chính phủ có thẩm quyền đối với vùng lãnh thổ: "Chúng tôi không thể từ bỏ cái gì mà chúng tôi không có thẩm quyền".

Cần phải nhớ rằng Trung Quốc chỉ quan tâm đến các quần đảo này vào cuối thế kỷ 20 (1909) trong khi nó đã được tìm thấy từ thế kỷ 18, Vương quốc An Nam đã quản lý có hiệu lực các quần đảo này; sau đó, trong thời kỳ thuộc địa, Pháp đã quản lý chúng, và sau Hiệp định Genève, Nhà nước Nam Việt Nam, cho đến tận năm 1975, luôn luôn khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo này.

Bác bỏ nguyên tắc ngăn chặn

Trong pháp luật quốc tế, ngăn chặn là một nguyên tắc theo đó một nhà nước phải được coi như liên hệ với hành vi của nó trong quá khứ, và do đó không thể khẳng định một tuyên bố mới, không thể tuyên bố hoặc hành động mâu thuẫn với những gì mà nhà nước đó đã tuyên bố hoặc thực hiện từ trước, để bảo toàn tính chất chắc chắn pháp lý và sự tin cậy giữa các quốc gia. Tuy nhiên, ngăn chặn không có nghĩa là một nhà nước bị ràng buộc bởi tất cả những gì mà nhà nước đó đã tuyên bố.

clip_image005

Theo lý luận, có bốn điều kiện phải được đáp ứng.

(i) Tuyên bố hoặc quyết định phải được thực hiện bởi một cơ quan có thẩm quyền một cách rõ ràng và không lập lờ nước đôi.

(ii) Nhà nước tuyên bố "ngăn chặn" phải chứng minh rằng nhà nước này đã có được lòng tin trong cam kết mà nhà nước này đã thực hiện và hành động đúng theo;

(iii) Nhà nước phải chứng minh rằng quốc gia của mình đã bị thiệt hại hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi.

(iv) Nhà nước đã cam kết phải thực hiện nhất quán và luôn luôn nhất quán.

Kết quả là, nhà nước phải bày tỏ ý định quả quyết muốn được ràng buộc bởi cam kết này và sẽ tôn trọng nó.

Phân tích của chúng tôi đối với tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng thấy nó không hội đủ nguyên tắc ngăn chặn nói trên, một số điều kiện còn thiếu, đặc biệt, dự định nhằm công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không hề được trình bày một chút nào trong bản tuyên bố này.

Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không còn phải là những tuyên bố của năm 1958. Các lợi ích địa chiến lược và kinh tế đang chi phối chính trị Trung Quốc.

Sự thể hiện ý chí về quyền lực, dựa trên sự hồi sinh của các giá trị Khổng giáo, vốn là phương thức phục hồi chủ nghĩa quốc gia dân tộc trong người dân Trung Quốc cũng đang gặp lại sự đáp ứng đối lại từ lòng yêu nước của người dân Việt Nam.

Tất cả những nhân tố này, không nghi ngờ gì, sẽ làm cho việc giải quyết tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông trở nên vô cùng khó khăn.

D.T.J.N.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, bà Duy Tân Joële Nguyễn, học giả và chuyên gia về chính trị và tư pháp quốc tế từ Pháp.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn