Đảng tự thua

Hy Văn

Tiếng vỗ tay dòn giã của “các thế lực thù địch”, cái khua tay của quần chúng nhân dân, tiếng nấc nghẹn ngào của ngài Tổng bí thư hay sự cau có của một hệ thống. Nhưng nếu chú ý kỹ xem, có một nụ cười bí hiểm, cái nhếch mép ấy làm bao trái tim cộng sản chân chính tan nát. Đảng đang thua, thua với chính mình.

Lỗi hệ thống

Bấy lâu nay, có một thằng chủ quan nhưng được người ta lắt léo như một thực thể khách quan: lỗi hệ thống. Tuy nhiên hệ thống đó lỗi ra làm sao, thì quanh quẩn vấn là thủ tục hành chính phiền phức này nọ, có một lỗi mà không phải ai cũng đặt nó ra bàn nghị sự, đó chính là quyền lực không được kiểm soát.

Quyền lực của cơ quan hành pháp mà Đảng vừa chỉ đạo vừa tham gia tạo ra nhiều khoảng trống giúp người quản lý có cơ hội để lạm quyền, tham nhũng và những rủi ro điều hành. Chúng ta thử nhìn các điều luật của Quốc hội ban ra, luôn luôn có chỗ cho các phạm vi “đặc biệt”, “tùy vào tính chất nghiêm trọng”, “thấy cần thiết”… mà những người có quyền được phép hành động theo “chẩn đoán” của riêng họ. Trong giai đoạn 5 năm qua, Việt Nam đầu tư hàng tỷ đô vào các dự án xây dựng bằng vốn nhà nước hoặc được nhà nước bảo lãnh, nhưng có đến phân nửa các dự án đó là do thủ tướng và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư, đó là chưa kể các dự án mà Quốc hội ra quyết định đầu tư thì cơ quan đề xuất vẫn là từ bên chính phủ, điều hành vẫn là thủ tướng, đa số những người có trình độ trong Quốc hội để thẩm định tính khả thi của nó lại là người thuộc các bộ, ngành liên quan. Với tỷ lệ gần như tuyệt đối các dự án được thông qua tại Quốc hội làm cho quyền lực của thủ tướng và nhóm ‘chạy’ dự án rất lớn, lớn đến mức mà khả năng gây sức ép lên các nhà băng giải ngân một cách đều đặn, bất chấp tiến độ bị chậm và phát sinh dày đặc. Một khi đã đầu tư tràn lan, lại phải chịu sức ép trách nhiệm của người quyết định đầu tư và nhóm lợi ích đi cùng, lẽ dĩ nhiên bảo bối điều hành các nhà băng, các tổ chức tín dụng được đưa ra làm cứu cánh. Nhưng tiền không phải từ trên trời rơi xuống, một khi gây sức ép lên nó để chạy theo các dự án của riêng mình mà không được kiểm soát, tất yếu sẽ dẫn đến sự đổ bể và rối loạn trong thị trường kinh doanh tiền tệ. Khủng hoảng lãi suất của ngân hàng vào tháng 2/2008, hệ lụy của nền kinh tế từ đó đến nay chính là do hệ thống trao quyền sai địa chỉ và không giới hạn.

Mặc cho Đảng có rất nhiều ban bệ, từ ban kiểm tra các cấp, hội đồng nhân dân, các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, mặt trận tổ quốc, báo chí,… nhưng các cơ quan này lại hoạt động chồng chéo lên nhau, sống bằng nguồn tài chính cấp phát và được đề bạt cân nhắc từ chính trong đội ngũ lãnh đạo các cấp. Thiếu tính độc lập và minh bạch trong hoạt động đã làm cho các cơ quan kiểm soát này bị thao túng, đánh dập. Đáng tiếc công cuộc chỉnh đốn Đảng đã không hề đả động đến vấn đề cốt lõi của các cơ quan vốn có này, trong khi lập lại Ban nội chính hay Ban kinh tế TƯ chưa rõ hiệu quả đến đâu. Quá khứ cho thấy, các cơ quan này khi còn tồn tại thì tham nhũng chưa bao giờ được kiểm soát và lạm quyền cũng không vì thế mà bớt đi. Giai đoạn ngân sách tài chính eo hẹp, nguồn thu bị co lại, thật là phung phí tiền bạc khi chúng ta vẫn tiếp tục nuôi những đứa con rơi trong khi lại đẻ thêm những đứa con dị dạng.

Đảng tự thua

Hội nghị Trung ương 6 khép lại, có thể thấy những vấn đề tồn đọng trở nên rất đỗi nặng nề.

Bộ chính trị vốn là cơ quan quyền lực tối cao, nhưng khác với Trung Quốc, Đảng lại không phân quyền đủ mạnh để giải quyết các vấn đề tổ chức một cách dứt khoát và nhanh lẹ. Yếu kém, khuyết điểm đã được thống nhất đồng ý từ đội ngũ lãnh đạo lại bị TƯ bỏ phiếu không chấp nhận cho thấy sự phân rã lợi ích đang làm cho sức mạnh của Đảng đi xuống.

Trong cái thế nan của hệ thống, Đảng nhận ra rằng, hy sinh nhân vật “X” là không thể đảm bảo cho tương lai tốt đẹp hơn. Người dân có thể có chút niềm tin vào sự mạnh tay của Đảng, nhưng nó chỉ là tức thời, vì bản chất của vấn đề lại sẽ nhanh chóng bộc lộ ngay sau đó. Đảng đã ‘khôn ngoan’ khi không phế truất đồng chí “X”, vì không ai có thể giải quyết vấn đề tốt nhất bằng người đã tạo ra nó, vốn có thói quen điều hành bằng ý chí cá nhân. Một lần nữa, Đảng lại đánh cược vào sự sửa sai của một đồng chí.

Nỗi thất vọng của Đảng cũng là gánh nặng cho tương lai của người dân, Đảng dùng tiền của dân để kinh doanh nhưng kết quả lại lỗ nặng, không có giải pháp mang tính đột phá thì lẽ dĩ nhiên các thế hệ kế tiếp phải giải một bài toán nặng nề. Có thể, nhờ chính sách tuyên truyền bấy lâu nay, sự thờ ơ chính trị và mịt mù các thông tin với ngân khố quốc gia, Đảng cứ việc trùm chăn để giải quyết trên vận mệnh của cả một dân tộc, song nó càng làm cho dân mất niềm tin vào Đảng, và chính trong Đảng cũng sẽ không ngăn chặn được sự tự xê dịch của bản thân. Thực sự chua xót cho những người lãnh đạo khi lãnh trên mình trách nhiệm lịch sử trong giai đoạn khó khăn này.

Giải pháp nào?

Đảng không thể đặt hy vọng và đặt cược sự quản lý hiệu quả vào những cá nhân, quan điểm về sự thoái hóa biến chất, thiếu phẩm chất đạo đức cách mạng chỉ là để giải quyết một mặt của vấn đề, một khi cơ chế đã trở nên lỗi thời dù có vời cả thánh thần cũng không tài nào cứu giúp được. Lý Quang Diệu trở nên xuất chúng không bởi chỉ cách điều hành của nội các ông ta mà đi đôi với nó là hệ thống chính sách và mô hình nhà nước hiện đại.

Đây là lúc Đảng cần nhìn thẳng vào sự thật, kinh tế thị đường định hướng xã hội chủ nghĩa là một dị dạng trong nền kinh tế thế giới hiện nay, nó còn là vách ngăn đối với sự phát triển của quy luật tự nhiên. Những lúc khó khăn nhất là lúc mà không gian quyền lực phải được san sẻ cho các thành phần khác trong xã hội, chính sách NEP của Lenin là minh chứng cho khả năng giải quyết vấn đề luôn chứa đựng trong không gian tự do mà người dân được mở rộng. Người dân càng được tự do, càng được tiếp cận các thông tin minh bạch sẽ càng giúp cho họ đa dạng hóa cách làm giàu. Gánh nặng hàng tỷ đô la nợ nần vì quản lý kinh tế dở trong hơn một nhiệm kỳ qua sẽ nhanh chóng được giải quyết khi kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, thặng dư lên cao, nguồn thu của nhà nước cũng vì thế được đảm bảo.

Song song, nhà nước cần thực sự pháp quyền, bắt buộc người điều hành chỉ được làm những gì pháp luật quy định, không tạo ra khoảng không gian lớn đang được trao cho các cơ quan hành pháp như hiện nay. Đảng nên điều hành đất nước dưới những bộ máy được dân chúng bầu ra, còn không sẽ chẳng bao giờ dân chúng san sẻ trách nhiệm với những người tự cho mình cái quyền thống trị họ, và khi đó mọi sự đổ bể mà Đảng lãnh, hậu quả thật xót xa.

Tài năng của TƯ Đảng và Bộ chính trị chắc chắn không thể bằng tài năng của chín mươi triệu người dân. Chỉ có cách trao cho dân nhiều quyền hơn, vốn đáng ra đã thuộc về họ, thì Đảng mới cứu được chính mình. Hãy đặt niềm tin ở nhân dân, nhất định Đảng có lãi.

H.V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn