"Lũ" thủy điện miền Trung: Nguyên nhân và giải pháp

Trọng Thành

clip_image002

(DR)

Các tỉnh miền Trung Việt Nam bắt đầu vào mùa bão năm nay lại tiếp tục hứng chịu nhiều thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, không chỉ thiên tai bão lũ gây lo sợ, mà người dân tại khu vực này còn phải gánh chịu thêm những thảm họa bất ngờ do các hồ đập thủy điện (cũng như các hồ chứa nước thủy lợi) gây ra. Lũ do người chập với lũ do trời là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết oan ức và thiệt hại vật chất vô cùng lớn tại nhiều tỉnh miền Trung. Các câu hỏi chính đặt ra là: Vì sao nhiều hồ chứa tại miền Trung là những nguồn gốc tiềm tàng của các trận lũ nhân tạo? Và chính quyền trung ương có trách nhiệm gì trước thực trạng đáng buồn này?

Riêng sau trận bão số 10 cuối tháng 9 vừa qua, đã xảy ra một loạt vụ thủy điện xả nước trùng với thời gian lũ do mưa bão. Ngày 30/09, hồ thủy lợi Vực Mẫu (Nghệ An) xả nước khiến 2 người chết, 1 người mất tích; trong khoảng từ ngày 01/10 đến 04/10, các thủy điện Đăk Mi 4, Sông Tranh 2, A Vương và một số thủy điện khác trong tỉnh Quảng Nam đồng loạt xả nước, gây ngập lụt đến hai mét trên cả một vùng rộng lớn, ít nhất 3 người chết; cũng ngày 04/10, 1 người chết tại tỉnh Phú Yên, trong thời gian thủy điện Sông Ba xả nước; tại Hà Tĩnh cùng ngày, thủy điện Hố Hô xả lũ khiến 2 người chết và 1 người mất tích...

Khác hẳn so với cách đây bốn năm, vào thời điểm nhiều người chết trong vụ thủy điện A Vương và một số thủy điện khác xả lũ, khi các cơ quan quản lý lên tiếng bác bỏ trách nhiệm, thì trong những vụ chết người mới đây, công luận ngày càng nhất trí hơn trong việc khẳng định phần trách nhiệm của việc các hồ chứa xả lũ lớn gây tai nạn chết người.

«Lũ thủy điện», «Khổ vì thủy điện», «Thủy điện đang hủy hoại cuộc sống của người dân như thế nào?» hay «Nhấn chìm cả thị xã vẫn đúng quy trình!»… là những hàng tít không hiếm gặp trên báo chí trong nước, cảnh báo nguy cơ thủy điện giết người.

Sau thập niên phát triển ồ ạt thủy điện để đáp ứng khẩn cấp nhu cầu phát triển kinh tế, cho đến nay Việt Nam đã có một mạng lưới nhà máy thủy điện rộng lớn, chiếm tới khoảng 40% tỷ trọng điện toàn quốc. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của loại hình năng lượng tái tạo này, thủy điện – đặc biệt tại khu vực miền Trung với những đặc thù về địa hình, sông ngắn, dốc, lưu vực nhỏ, hễ mưa lớn hầu như đều có lũ – là một mối họa lơ lửng. Nhiều người ví hàng nghìn hồ chứa tại các tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa tới Khánh Hòa, là «những quả bom nước khổng lồ» treo lơ lửng trên đầu người dân ở hạ lưu.

Bên cạnh vấn đề chất lượng hết sức đáng ngờ của rất nhiều công trình, được báo chí trong nước mô tả cặn kẽ, nhiều nhà chuyên môn còn đặc biệt chỉ ra: Thiếu quy trình xả lũ an toàn cho hạ du, cùng sự yếu kém của khâu dự báo lưu lượng nước từ thượng nguồn, hay việc «ăn gian» dung tích phòng lũ trong thiết kế hồ chứa (Flood prevention volume of reservoir), là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nạn lũ do người nhập vào lũ do trời, gây ra bao thảm họa không đáng có.

Trong tạp chí Khoa học về vấn đề «''Lũ'' thủy điện miền Trung: Nguyên nhân và giải pháp» tuần này, sau đây chúng tôi xin chuyển đến quý vị tiếng nói của Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, một chuyên gia về thủy lợi - thủy điện, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Quy trình xả lũ không hợp lý

GS Nguyễn Thế Hùng: Tôi thấy việc quy hoạch thủy điện ở Việt Nam có một vấn đề là, đáng ra phải quy hoạch, tính toán chi ly hơn; đo đạc về địa hình, tính toán về thủy văn và tất cả các vấn đề hiệu quả kinh tế - kỹ thuật đáng lẽ phải chi ly hơn. Nhưng hiện nay tôi biết được, nhiều công trình được làm một cách vội vàng, đánh giá tác động môi trường không đầy đủ, vừa thiết kế vừa thi công xen kẽ, ví dụ như Sông Tranh 2.

Đó là về phần các luận chứng kinh tế - kỹ thuật khi thi công công trình, còn khi vận hành, thì các nước tiên tiến có các quy định về liên hồ chứa, có các luật để bảo đảm việc này, còn Việt Nam chưa làm được như thế, nên khi lũ về thì chưa có quy trình xả lũ hợp lý, một số hồ không có dung tích phòng lũ. Cho nên mấy năm qua lũ lụt gây thiệt hại về người và của ở miền Trung rất nhiều. Báo chí, rồi người dân rất là bất bình đối với việc xả lũ như thế. Hiện nay nhà nước bước đầu đã ban hành các qui trình xã lũ.

Hình như Việt Nam không có đập nào có bố trí quy trình cứu trợ khi đập vỡ

Kỹ sư Đặng Đình Cung: Dù nghiên cứu thiết kế và xây dựng kỹ đến đâu chăng nữa, thì cũng có một xác suất nào đó một đập bị vỡ. Theo tường thuật tai nạn đăng trên các báo trong nước thì có thể khẳng định rằng chính quyền nơi có đập bị vỡ đã không chuẩn bị sẵn một quy trình đối phó với một tai nạn như vậy. Hình như ở Việt Nam không có đập nào mà có bố trí quy trình cứu trợ khi có tai nạn đập vỡ.

Đập thủy lợi là những công trình (thuộc loại) vững chắc nhất của nhân loại. Nhưng tỷ lệ những đập bị vỡ ở Việt Nam cao bất thường so với trung bình thế giới. Chúng tôi không đề cập đến hiện tượng tham nhũng rút ruột công trình, mà chỉ nói đến thiết kế sai hay/và xây cẩu thả. Nếu anh xây đập như là nông dân đẩy đất để làm bờ ruộng thì đập của anh sẽ không bao giờ vững chắc được.

RFI: Thưa Giáo sư, trước mắt làm thế nào khắc phục được các thiệt hại khủng khiếp do thủy điện xả lũ không đúng quy trình, trong mùa lũ năm nay và thời gian tới?

GS Nguyễn Thế Hùng: Nhà nước cần phải đưa ra những quy định chặt chẽ nhằm mục đích tối quan trọng là bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ lưu, vì mình làm thủy điện là mục đích để phục vụ công nghiệp, phục vụ đời sống của dân chúng. Nếu mình làm thủy điện vì lợi ích của tập đoàn, nhưng rồi làm thiệt hại cho lợi ích của dân chúng, thiệt hại về nhân mạng và tài sản, thì đó là mâu thuẫn. Trước mắt, chính phủ cần phải có quy định rõ ràng, về việc quản lý các hồ chứa trong mùa mưa lũ.

Thứ nhất phải có những dự báo và quy trình xả lũ bắt buộc, hợp lý, để giúp cho hạ lưu không có những đợt lũ đột ngột, khiến dân chúng không đề phòng kịp.

Không đủ trạm đo thủy văn trên thượng nguồn

Tôi biết, một trong những khó khăn là như thế này. Năm nào cũng bảo là lũ lụt về làm thiệt hại hàng tỷ, hàng tỷ đồng, nhưng hiện tại, các trạm đo thủy văn ở thượng nguồn rất là thưa thớt. Ví dụ tôi đơn cử ở Quảng Nam-Đà Nẵng, cái địa bàn rộng như thế, mà chỉ có lẻ tẻ mấy trạm đo mưa, thì không tài nào có thể dự báo được lũ về.

Phải có nhiều trạm đo mưa ở thượng nguồn, trên lưu vực của các hồ chứa, thì khi lũ về, các trạm đo mưa trên thượng nguồn, người ta dự báo, thì ở các hồ chứa người ta mới biết là dự báo mưa bao nhiêu, khi đó mới đưa ra quy trình xả nước hợp lý. Chứ như hiện nay, người ta cứ tích nước miết, các hồ chứa thường giữ mực nước hồ ở mực nước dâng bình thường, chừng nào người ta thấy nước dâng lên nhanh, thì người ta mới xả. Người quản lý hồ thủy điện sợ rằng: nếu xả nước hồ lớn hơn lượng nước đến hồ, mà mưa không về, tức là không có lũ về, thì hồ mất đi lượng nước đủ để phát điện và người chủ hồ cảm thấy bị thiệt hại. Cho nên thông thường, người chủ đập không dám xả nước trong hồ và đón lũ, và như vậy rất nguy hiểm. Do đó, một điều quan trọng là phải tăng cường các trạm thủy văn, đặc biệt là ở đầu nguồn của các hồ chứa, để có các dự báo tương đối chính xác hơn, từ đó giúp những người quản lý hồ chứa có các dự báo chắc chắn hơn.

Và việc quản lý liên hồ chứa phải được luật hóa, những ai vi phạm phải bị trừng trị theo những khung hình phạt rõ ràng, thì lúc đó sẽ giảm được thiệt hại về người và của cho nhân dân.

Để dự báo không khó, nhưng chính phủ phải quyết làm

RFI: Thưa Giáo sư, việc xây dựng đủ các trạm thủy văn trên thượng nguồn, thì có phải là việc có thể làm được ngay trước mắt không?

GS Nguyễn Thế Hùng: Xây dựng những trạm đo mưa cũng không có khó lắm đâu. Làm thì làm ngay cũng vẫn được thôi, nhưng bây giờ ở đây đã vào mùa mưa lũ rồi. Thông thường khi mình làm vào mùa hè. Tại những trạm như vậy, đặt thiết bị, những phương tiện để truyền tin về, thì việc đó không khó, nhưng vấn đề là phải có quyết tâm của chính phủ, thì mới làm được. Chứ cứ năm này qua năm kia, nói là thiệt hại hàng tỷ, tỷ, trong khi xây dựng các trạm, thì chẳng phải nhiều tiền lắm đâu so với thiệt hại do lũ lụt, nhưng lại không làm.

Cho nên, cái kiểu nói chuyện cứ như nửa đùa, nửa thật như thế là không được. Vì có nhiều cái rất là khó nói trong đó. Đại loại, có những cái mà tôi cho rằng không được minh bạch và có những tiêu cực trong đó.

Cần để người dân hạ lưu giám sát việc xả nước hồ chứa

RFI: Thưa Giáo sư, như Giáo sư nói, thì việc dự báo trước được lũ là điều hoàn toàn có thể làm được ngay, chứ không cần phải đợi đến sang năm? Mà mùa lũ này nếu không dự báo tốt, thì thiệt hại sẽ còn rất lớn.

GS Nguyễn Thế Hùng: Nếu bây giờ, đặt các trạm kịp thời, thì phải có một quyết tâm cao, một tinh thần trách nhiệm. Cần phải có sự giám sát của người dân, nếu không thì bên quản lý hồ chứa giống như anh vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Ví dụ như đối với các hồ nhỏ có tràn xả lũ gọi là «tràn xả lũ tự do», khi nước lũ về, thì các hồ này tự động xả lũ khi mực nước lũ lớn hơn đỉnh tràn tự do, nên người quản lý hồ không can thiệp vào việc xả lũ được. Đa số các đập thủy điện vừa và lớn ở miền Trung có bố trí các tràn xả lũ có cửa van điều khiển được, có thể chủ động xả nước trong hồ trước khi lũ về nhằm đón lũ, giảm mực nước lũ ở hạ lưu hồ. Và khi mực nước lên trên mực nước dâng bình thường cần phải xả, thì phải xả ngay. Chứ nhiều lúc, các hồ chứa, người quản lý không làm như thế; mà người ta làm theo kiểu, để nước đến chân mới nhảy. Người ta để đến khi nước dâng lên trên mực nước dâng bình thường đến một mức nào đó (thường là trên mực nước dâng bình thường một độ cao khá lớn, có khi đến mực nước gia cường), rồi khi đó thấy mưa tiếp tục, mực nước hồ tiếp tục dâng, sợ xả với lưu lượng nhỏ không an toàn cho đập, nên xả ào ào xuống với lưu lượng khá lớn; khi đó nếu ở hạ lưu (có mưa lớn), và một số hồ khác cũng xả thì lượng nước lên đột ngột dồn dập, gây tai họa rất lớn cho dân chúng ở hạ lưu hồ. Do đó, tôi thấy, mùa mưa lớn ở miền Trung đang bắt đầu, cần phải có sự giám sát của người dân ở vùng hạ lưu các hồ thủy điện, phối hợp với các cơ quan phụ trách hồ, chứ nếu giao hết cho người phụ trách hồ, và bảo họ làm đúng theo quy trình, thì lúc đó không ai giám sát được… Khi mà lũ về, có thể người ta xả lũ không đúng qui trình, xả nhiều mà nói là «ít», từ đó rất khó mà kết luận là bên nào có lỗi.

Thủy văn miền Trung rất đa dạng, cần nhiều phương tiện - thiết bị dự báo

RFI: Liệu việc điều tiết nước hồ một cách chặt chẽ, hợp lý có đang được áp dụng tại một số đập ở miền Trung?

GS Nguyễn Thế Hùng: Trên lý thuyết về qui trình điều tiết lũ (xả lũ) theo dự báo mưa thì rất dễ; nhưng trên thực tế không ai dám xả lũ theo dự báo mưa như hiện nay! Vì như tôi đã nói: Thứ nhất là người ta không dự báo thủy văn (mưa) chính xác cho các hồ cụ thể được; vì sự khác biệt là rất lớn giữa các địa điểm khác nhau, ngay trong một vùng như Quảng Nam-Đà Nẵng rất rộng lớn, có chỗ không mưa, có chỗ mưa ào ào như thác đổ, mà dự báo lượng mưa tỉnh Quảng Nam một cách chung chung, thì không ai biết được chính xác chỗ hồ chứa mình quản lý sẽ mưa như thế nào, lượng mưa phân bổ từng thời đoạn (giờ) là bao nhiêu? Ví dụ anh là chủ hồ, nghe dự báo một cách chung chung như thế, thì anh không biết đằng nào mà xả lũ. Thủy văn miền Trung rất phức tạp, vì mưa phụ thuộc vào địa hình, vào khí tượng. Ví dụ ở phía Nam và Bắc đèo Hải Vân, chỉ có một cái đèo mà mưa khác hẳn nhau.

Sự lộn xộn, Mạnh được Yếu thua của các cơ quan quản lý

Các nước tiên tiến họ bố trí các trạm đo mưa dày đặc, và kết hợp nhiều phương tiện để dự báo, dùng nhiều phương pháp để quan sát, đo đạc. Từ đó mới chủ động có dự báo tin cậy, để điều tiết lũ hồ hợp lý; còn Việt Nam, hiện nay, nói trên lý thuyết thôi, chứ không tài nào dự báo được với các trạm dự báo thưa thớt và các phương tiện như hiện có. Và khi lũ về thì người ta vẫn lại tích nước giữ trong hồ, vì có tâm lý kiểu «thấy nước là thấy tiền», thả nước đi là mất tiền thì tiếc. Do đó người ta thường tham giữ nước đầy hồ, và khi mực nước hồ lên đến mức báo động mưa lớn tiếp tục, sợ vỡ đập, thì đùng đùng xả lũ, gây thiệt hại cho hạ lưu.

RFI: Xin Giáo sư cho biết trách nhiệm quản lý của các cơ quan Nhà nước ra sao trong việc để diễn ra tình trạng như thế này.

GS Nguyễn Thế Hùng: Ở Việt Nam, việc quản lý rất là lộn xộn. Thứ nhất có Bộ Công Thương, rồi Bộ Tài Nguyên và Môi trường, rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bộ Tài nguyên quản lý nước, họ bảo nước là một tài nguyên, rồi Bộ Công Thương, bây giờ họ làm các công trình thủy điện, họ bán điện lấy tiền, thì họ xem điện như là một sản phẩm để buôn bán. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp thì quản lý đất đai, ruộng nước. Bây giờ, ví dụ một cái hồ có các mục tiêu phát điện, cấp nước tưới cho ruộng, rồi phục vụ nước công nghiệp, như vậy, có tới ba «người» cùng quản lý một đối tượng như thế thì lộn xộn quá.

Bây giờ ví dụ chuyện xả lũ xảy ra gây thiệt hại cho hạ lưu, thì ví dụ như «ông thủy điện» mà xả quá quy trình quy định, ví dụ như họ không hạ xuống mực nước hồ trước khi lũ về, thì chuyện đó ai chứng giám?! Phải có người làm trung gian chứng giám, còn nếu như ông quản lý thủy điện bảo ông ấy đã đưa nước hồ về rồi, thì rõ ràng là ông ấy vừa đá bóng, vừa thổi còi. Không có một cơ quan nào để họ giám sát, họ kiểm tra chéo bên nào nói đúng.

Trong nhiều trường hợp, mạnh được yếu thua, công lý không có. Ngay từ ban đầu, đã không có tiêu chuẩn để mà đưa ra xét cụ thể. Không có sự giám sát của địa phương, rồi sự hứa hẹn của cơ quan này, cơ quan kia. Có ký văn bản, nhưng cuối cùng không thực hiện, cuối cùng cũng không ai chịu tù tội, vì cái chuyện không tuân thủ cái văn bản đã được ban hành, đã ký kết.

***

Ngày 14/10 vừa qua, ngay trước khi trận bão số 11 Nari đổ vào các tỉnh miền Trung, chính phủ Việt Nam hỏa tốc ra «Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước» (21/CA TRU-TTg), thừa nhận một phần các nguyên nhân mà giới chuyên môn đã chỉ ra, như tình trạng kém về chất lượng của phần lớn các hồ chứa nước và thực tế nhiều chủ đập không có «phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập», «phương án phòng chống lũ lụt (cho) vùng hạ du», không có «hệ thống cảnh báo xả lũ cho vùng hạ du»…

Tuy nhiên, biện pháp kể trên dường như mới chỉ là giải pháp mang tính tình thế và phản ứng mang tính «hỏa tốc» rất có thể sẽ dừng lại ở câu chữ. Để giải quyết căn bản vấn nạn «» thủy điện, cùng những vấn đề liên quan đến tài nguyên nước nói chung, giới chuyên gia thường xuyên khẳng định cần phải kiên quyết thực thi các giải pháp thực sự căn bản. Một trong các giải pháp đó là hoàn chỉnh và thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, tuy nhiên, một bài viết mới đây của Tiến sĩ Tô Văn Trường, trên báo «Người đô thị» trung tuần tháng 10, cho biết cho đến nay trong số 9 liên hồ chứa của miền Trung, mới chỉ có quy trình vận hành liên hồ mùa lũ của lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, Sông Ba là được phê duyệt. Như vậy, hầu hết các công trình còn lại vẫn là mối lo lớn của hạ lưu mỗi khi mùa mưa đến, cho dù gần đây chính quyền trung ương và nhiều địa phương đã phải chấp nhận từ bỏ hàng loạt dự án thủy điện (theo một thông báo từ Bộ Công Thương ngày 14/10, 424 dự án thủy điện đã bị loại và hàng trăm dự án bị tạm dừng, tính đến tháng 9/2013).

Câu hỏi đặt ra là phải chăng thực trạng bê bối phổ biến và hiển hiện trong lĩnh vực thủy điện (cũng như rất nhiều lĩnh vực khác trong xã hội) vẫn chỉ là biểu hiện cho một xã hội mà ở đó, một tập thể lãnh đạo hùng hậu, nhưng thường là không có cá nhân nào thực sự chịu trách nhiệm, bên cạnh đó là vô vàn «sứ quân» mặc sức làm sao thì làm, để mọi hậu quả người dân thấp cổ bé họng và môi trường gánh chịu? (Xem thêm các bài "Nhìn lại tổng thể bài toán phát triển thủy điện" và bài "Thủy điện và lỗ hổng trong quy trình vận hành" của Tô Văn Trường).

Các tin bài liên quan

Vit Nam: Bão Nari làm 5 người chết, gây thit hi nng

Vit Nam: Không th coi thường các tiêu chun an toàn khi xây đập thy đin

Đập thy đin Sông Tranh 2 trong thế du sôi la bng

Vì hám li, các đập thy đin ti Vit Nam x lũ gây thit hi cho cư dân

Đập thy đin A Vương x lũ vô trách nhim

Kinh nghiệm cá nhân: Làm thế nào để ước tính chính xác và kịp thời lượng lũ về?

Việc dự báo được chính xác lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về có ý nghĩa quyết định đối với việc xả nước từ hồ chứa kịp thời, với lưu lượng hợp lý, không gây thiệt hại cho hạ lưu, đồng thời bảo đảm được có đủ nước cho vận hành thủy điện. Về mặt tổng thể cho khu vực miền Trung, đây dường như là một bài toán rất nan giải. Tuy nhiên, đã có những tìm kiếm cá nhân với những thực nghiệm bước đầu được coi là thành công, bằng những phương tiện khá đơn giản và chi phí không lớn, mà một giám đốc công ty thủy điện miền nam Trung Bộ muốn được chia sẻ:

«Khi có mưa nhiều và có khả năng lũ về, tôi đi thuê người dân đo nước mưa trên lưu vực sông ở thượng nguồn trong mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 12). Tôi chia lưu vực thượng nguồn thành nhiều phần nhỏ và ở mỗi phần nhỏ, thuê người ta đo mực nước dâng lên, để ước tính lượng nước sẽ về hồ là bao nhiêu. Rồi tôi phối hợp với các số liệu đo được tại hồ chứa nước thủy điện để ước tính lượng nước cần phải xả. Vì thời gian từ lưu vực sông về đến hồ thường là khoảng 8 đến 10 tiếng, đủ để mình xả nước trước một cách rất thoải mái. Mình ‘‘vận hành’’ xong như vậy là nước vẫn còn đầy hồ, chứ không phải là xả xong, rồi mình không còn nước nữa.

Để có được người đo nước trên lưu vực, tôi chọn một ông giáo viên, một viên chức có vẻ cần cù... Mình cung cấp dụng cụ và hướng dẫn họ, đưa cho họ điện thoại và tiền cước phí. Ngày nào họ đo nước thì mình trả tiền, ban đêm thì tiền gấp đôi ban ngày. Khi có mưa, thì cứ hai tiếng đo một lần. Trên phần lưu vực chỗ tôi, tôi chọn 8 điểm để đo, số điểm bao nhiêu là tùy theo diện tích của lưu vực mà mình tính. Lưu vực của tôi rộng 1.100 km².

Hiện tại, tôi đã có một phương tiện để đo mực nước riêng ở lòng hồ, chính xác tới centimet. Trong tương lai, tôi sẽ cố gắng để nâng mức độ chính xác lên tới milimet. Trước đây, hai tiếng đồng hồ tôi đo một lần, thì tôi nay đang cố gắng tăng tần số lên 15 phút/lần (những khi có mưa lớn, khả năng lũ nhiều về). Còn nếu tôi nâng được độ chính xác của đo mức nước ở hồ chứa lên tới milimet, tôi sẽ tăng tần suất đo từ 3 đến 5 phút/lần. Mục tiêu là để có thể vẽ được đường đồ thị nước về chính xác đến mức tối đa, tức là khả năng dự báo thật sát với thực tế. Hiện nay dự báo của Nhà nước là 6 giờ/đọc một lần.

Khi mưa về nhanh, ba phút là nước có thể lên vài milimet, nếu dùng dụng cụ đo bình thường, thì không thể xác định được sự thay đổi, vì thế tôi muốn nâng mức chính xác của dụng cụ tôi đang thử nghiệm hiện nay. Khi mình biết được chính xác nước về dồn dập hay đang chậm lại, hay bình thường, thì mình có thể xả nước ở hồ một cách linh hoạt.

Về nguyên tắc, anh phải xả lũ một cách từ từ, giống như là lũ tự nhiên, chứ không được xả lũ đột ngột. Mà để xả lũ được một cách tự nhiên, thì anh phải làm, phải học, nhưng mà đây là điều mà hiện nay người ta không lưu tâm».

Ông Phạm Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba (Phú Yên)

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn