Chuyển đổi đất nước bằng con đường ôn hòa - gánh nặng nhọc nhằn trên vai (Phần 2)

Phan Thành Đạt

II. Tư tưởng dân chủ tự do được tiếp nối bằng con đường đấu tranh ôn hòa

Phương pháp đấu tranh bất bạo động để giành chính quyền đã được nhiều người Việt Nam đồng tình hưởng ứng, vì đây là con đường đúng đắn và tránh được mọi biến động trong đời sống chính trị, xã hội. Con đường dân chủ hóa đất nước đang được các trí thức thực hiện (A), tuy nhiên sẽ có nhiều khó khăn thách thức phải vượt qua (B).

A. Con đường dân chủ hóa đất nước của các trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XXI

Đầu thế kỷ XX, những người Việt Nam ưu tú đã đấu tranh cho độc lập tự do. Hôm nay, con cháu họ lại đang đấu tranh để xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ. Sẽ không có các cuộc cách mạng chuyên chính vô sản, sẽ không có bạo lực cách mạng một mất một còn. Đây là một cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng vừa thuyết phục, vừa gây sức ép đối với nhà cầm quyền, buộc họ phải từ bỏ học thuyết Mác-Lênin và cách lãnh đạo đất nước theo mô hình dân chủ tập trung. Một đảng lãnh đạo vĩnh viễn mọi lĩnh vực đời sống xã hội như thời Liên bang Xô viết trước đây và Trung Quốc hiện nay. Mục đích lâu dài là xây dựng một chế độ mới theo mô hình của phương Tây nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền cơ bản của con người và tạo cơ sở cho đất nước phát triển, thoát khỏi cảnh nghèo hèn như hiện nay.

An Nam đầu thế kỷ XX thời của Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu có 20 triệu dân. Việt Nam ngày nay, với dân số khoảng hơn 92 triệu dân, đông gấp gần 5 lần so với cách đây một thế kỷ. Những vấn đề an sinh xã hội, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo công bằng bình đẳng cho mọi người là những thách thức lớn cho chính quyền hiện nay và cho chính quyền mới trong tương lai gần. Vì vậy, lựa chọn một thể chế chính trị phù hợp để đáp ứng những đòi hỏi này đang được đặt ra cho các nhà trí thức yêu nước.

Các trí thức Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong sự nghiệp dân chủ hóa đất nước bằng con đường ôn hòa. 72 trí thức đã ký tên vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có gần 15.000 chữ ký ủng hộ. Các trí thức đưa ra bảy yêu cầu cơ bản nhằm thay đổi chế độ chính trị hiện nay. Họ lập ra Diễn đàn xã hội dân sự, nơi bày tỏ quan điểm về chính trị xã hội của người Việt Nam. Họ lên tiếng bảo vệ các tù nhân lương tâm và phản đối các đạo luật, các nghị định mơ hồ như điều 258, nghị định 72 nhằm kết tội những người có quan điểm đối lập. Nội dung các văn bản này vi phạm các quyền cơ bản của con người được Hiến pháp và các công ước quốc tế bảo vệ. Những nỗ lực này của các trí thức và các tổ chức xã hội độc lập đang làm thay đổi diện mạo đời sống chính trị, xã hội ở Việt Nam.

Chế độ xã hội mới trong tương lai phải tốt đẹp hơn chế độ xã hội hiện nay. Nếu không tất cả những cố gắng của nhiều người sẽ không đem lại lợi ích gì. Xã hội mới tốt đẹp thể hiện ở nhiều điểm. Đó phải là một xã hội dân chủ, văn minh và công bằng hơn trước. Con người có cơ hội phát huy tài năng, để đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đó sẽ là xã hội khác với xã hội chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm người như hiện nay. Sẽ không có xã hội tốt đẹp đến mức hoàn hảo để đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, nhưng người Việt cần xây dựng được một xã hội bảo đảm công bằng và tạo cơ hội cho các công dân ở mức độ tương đối.

Thay đổi xã hội bằng con đường ôn hòa hầu như không tạo ra những biến động, nghĩa là Người nông dân vẫn ra đồng cày cấy, nhưng ở những vùng thiên tai khắc nghiệt, họ sẽ được miễn thuế và được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn. Người đảng viên vẫn đến cơ quan làm việc nhưng sẽ không còn chi bộ, hay chủ nghĩa Mác-Lê nữa. Họ sẽ chọn một đảng mới phù hợp với mình, hoặc không theo đảng nào cả. Họ vẫn có quyền lãnh đạo, nếu có tài năng và được những người khác bầu chọn. Người bán hàng rong vẫn đi dạo trên phố, với trách nhiệm nuôi sống gia đình ở quê, nhưng sẽ có các tổ chức xã hội giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi khi cần thiết. Người lính vẫn nắm chắc tay súng bảo vệ biên giới và hải đảo, nhưng họ không phải trung thành với đảng. Nhiệm vụ cao quý của họ là bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo vệ nhân dân. Họ sẽ tuân theo mệnh lệnh của Nghị viện khi có chiến tranh và không theo lệnh một đảng phái nào cả, vì các đảng phái chỉ là tạm thời còn nhân dân và chủ quyền quốc gia là mãi mãi. Sẽ không có cảnh người dân phải chết oan trong đồn công an, vì pháp luật sẽ ngăn cấm các hình thức tra tấn, ép cung. Người công an sẽ bị sa thải khi vi phạm các nguyên tắc được đề ra. Công an và dân thường sẽ bị xử lý công bằng không thiên vị trước pháp luật, nhờ có nền tư pháp độc lập. Sẽ không còn thấy cảnh người dân khiếu kiện đất đai, tố cáo các cơ quan công quyền vi phạm luật đất đai vì không còn nguyên tắc "đất đai thuộc sở hữu toàn dân". Sẽ không có các vụ phá sản của các tập đoàn Nhà nước gây thấp thoát hàng tỷ đô la, trong khi ở một số nơi trẻ em vẫn phải nhịn đói đi học, hoặc ăn thịt chuột. Sẽ không có những vụ tham nhũng hàng triệu đô la, hay các kế hoạch tiêu tiền của dân hàng chục nghìn tỷ đồng trong khi nợ công đang đạt mức báo động. Cũng sẽ không có những người bất tài vô dụng nắm giữ quyền lực đến già, chỉ có những người có năng lực được lựa chọn qua bầu cử cạnh tranh mới được giao trọng trách. Nếu họ vi phạm luật pháp, sẽ bị xử lý và thay thế bằng những người mới... Vậy chế độ mới sẽ như thế nào? Đó phải là chế độ có nền kinh tế phát triển, có trình độ tri thức cao đóng góp cho thế giới. Trong chế độ đó, người già, trẻ em phải được ưu tiên chăm sóc. Con người được hưởng một nền giáo dục tự do, nhân bản. Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý xã hội, quy luật kinh tế thị trường tự do cần được đảm bảo. Các ngành kinh tế chủ đạo do Nhà nước nắm giữ sẽ dần dần được tư nhân hóa. Các quyền tự do về chính trị như tự do ứng cử, bầu cử cho các đảng phái khác nhau, tự do ngôn luận với báo chí tư nhân, tự do hội họp và biểu tình ôn hòa sẽ được Nhà nước tôn trọng.

Con đường đấu tranh ôn hòa để đạt được những mục tiêu trên là nhiệm vụ vẻ vang nhưng hết sức nặng nề đặt trên vai người trí thức. Nếu chế độ xã hội cũ được thay thế bằng một thể chế độc đoán kiểu mới, không có dân chủ tự do, tất cả những cố gắng của họ coi như thất bại. Nếu trong quá trình thay đổi, có những biến động lớn, gây đổ máu cho đồng bào và mọi thứ lại trở về như cũ. Người trí thức sẽ có tội với nhân dân. Vì thế, cần chuẩn bị một số kế hoạch có tính chiến lược từ sớm.

B. Một số giải pháp khắc phục những khó khăn trong sự nghiệp dân chủ hóa đất nước

Xây dựng nền dân chủ là sự nghiệp lâu dài phức tạp đòi hỏi công sức của nhiều thế hệ người Việt vì dân chủ là ước mơ của nhiều người Việt. Tuy nhiên, cũng có những người muốn giữ nguyên tình trạng đất nước như hiện nay, vì nếu thay đổi, họ sẽ bị mất quyền lợi, nhưng đây chỉ là một thiểu số.

Có những chế độ chính trị trên thế giới dễ chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ, nhưng cũng có các kiểu thể chế gặp rất nhiều trở ngại khi chuyển hóa sang con đường dân chủ do các yếu tố văn hóa, tôn giáo, vị trí địa chính trị... Ví dụ các nước coi đạo Hồi là quốc giáo sẽ khó có điều kiện trở thành các nền dân chủ mới, khi Hiến pháp phải tuân theo các nguyên tắc của kinh Koran. Triển vọng xây dựng một xã hội dân chủ đề cao các quyền tự do bình đẳng ở các nước Ả Rập không mấy sáng sủa, sau các sự kiện mùa xuân Ả Rập diễn ra tại khu vực này. Đạo Hồi có các quy định khác với các giá trị dân chủ phương Tây.

Các nước theo chế độ cộng sản cũng có nhiều khó khăn khi chuyển đổi sang thể chế dân chủ do người dân không được sống trong môi trường dân chủ, không có suy nghĩ và nhận thức theo cách dân chủ vì họ sống trong một chế độ kiểu khác quá lâu. Khi chế độ cộng sản không còn nữa, lối suy nghĩ theo nếp cũ vẫn còn đó, các cơ quan hành chính được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung, có bóng dáng của đảng khắp nơi vẫn giữ thói quen điều hành theo cách cũ, có nguyên tắc đã trở thành một nét văn hóa mới. Để thay đổi được nếp nghĩ của con người, phải mất một khoảng thời gian rất lâu, có khi mất từ một đến hai thế hệ.

Đề cao những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để làm át đi những thói hư tật xấu đã tồn tại trong một chế độ chính trị khép kín, thiếu minh bạch, là một giải pháp quan trọng. Văn hóa Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Xây dựng một thể chế chính trị hiện đại cũng góp phần làm cho văn hóa Việt Nam đẹp hơn và có sức ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng một chế độ dân chủ nhờ sự đóng góp của nhiều người Việt đang sinh sống trong và ngoài nước. Đất nước cần những người giỏi chuyên môn và giám chịu trách nhiệm trong từng lĩnh vực, nhưng đất nước không cần những vĩ nhân biết tất cả và dự đoán trước tất cả. Bởi vì khi con người tin tưởng vào tài năng lãnh đạo xuất chúng của các vĩ nhân và nghe theo những lời giáo huấn hay chỉ bảo của họ, đó là sự khởi đầu của một chế độ độc tài.

Một khi hệ thống luật pháp được xây dựng hoàn thiện, các cơ quan hành chính được tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả. Ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp được tổ chức hợp lý, có sự phân chia quyền lực rõ ràng. Tòa án Hiến pháp được thiết lập với vai trò chuyên trách bảo vệ các giá trị của Hiến pháp, loại bỏ các đạo luật vi hiến. Báo chí được hoạt động tự do, các tổ chức dân sự có tiếng nói trong đời sống chính trị, xã hội, khi đó nền dân chủ sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Một yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước thành công là nhiệm vụ đào tạo con người. Người viết bài này cho rằng, đất nước cần đào tạo một đội ngũ lãnh đạo giỏi về chuyên môn, hiểu biết về dân chủ, có năng lực quản lý kinh tế, xã hội. Một yếu tố không thể thiếu được là người lãnh đạo phải biết sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, để tiếp cận với tri thức của thế giới. Một số trường đặc biệt chuyên đào tạo các viên chức cao cấp ở Pháp như Trường hành chính quốc gia (l’Ecole nationale d’Administration), Trường đào tạo các công chức cho ngành tòa án (l’Ecole nationale de la magistrature), có thể là mô hình đáng học hỏi cho Việt Nam. Những người được tuyển chọn vào học phải thực sự ưu tú, để đạt được như vậy cần có các kỳ thi tuyển công bằng minh bạch, tránh trường hợp ưu tiên con ông cháu cha như hiện nay.

Kết luận

Khi bênh vực cho Phan Bội Châu đang bị giam giữ trong nhà tù thực dân, Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm Những trò lố hay Varene và Phan Bội Châu, tác giả tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ trong tù giữa nhà trí thức nổi tiếng và một nhà lãnh đạo thực dân. Nguyễn Ái Quốc viết: "Ông biết đấy, có những người đang tôn thờ những điều trước đây họ đã đốt cháy và cho là nhảm nhí thì giờ họ đốt cháy những điều đã tôn thờ, nhưng mọi việc có sao đâu. Nhờ chúa, nền dân chủ của chúng tôi vẫn rất là tốt". Hoàn cảnh đã có nhiều thay đổi, và nhận thức chính trị của con người cũng phải thay đổi theo cho phù hợp.

Trong bài viết mới đây có tiêu đề Manuel Valls và nền chính trị Pháp, tôi có bàn đến thái độ nhập nhằng chính trị của thủ tướng Pháp, khi lấy hình tượng con dơi để bàn về thái độ chính trị của Manuel Valls. Có thể sẽ có người cho rằng, tôi đang phê bình đến mức gay gắt các nhà trí thức và những người có quan điểm chính trị không rõ ràng. Trước hết, đây là một sự hiểu lầm và tôi cần có trách nhiệm giải thích: Tôi luôn tôn trọng những người trí thức, tôi tự nguyện đứng về phía họ và ủng hộ họ trong tiến trình dân chủ ở Việt Nam. Tôi luôn đánh giá cao các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, chủ các trang mạng độc lập, tôi đã học được rất nhiều ở họ. Cho dù phải làm việc trong một môi trường thiếu tự do, nhưng họ vẫn dũng cảm phản ánh được nhiều vấn đề nhức nhối của đời sống, nhằm góp phần cho đất nước tốt lên. Tôi cũng quý trọng những người tốt đang giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước khi họ ủng hộ những thay đổi chính trị ở Việt Nam. Tôi không phê phán gay gắt hay "chửi" ai cả. Khi sử dụng phong cách viết tự do của phương Tây, theo văn hóa phương Tây và có suy nghĩ theo kiểu phương Tây, nhưng bài viết lại gửi đến cho người Việt Nam, trong một số hoàn cảnh dễ gây hiểu lầm vì văn hóa phương Tây và văn hóa Việt Nam có những sắc thái khác nhau, trong một số trường hợp cần tránh. Tôi đã có sơ suất trong trường hợp này. Đây cũng là bài học cho bản thân. Vậy tôi muốn nhắn gửi điều gì khi bàn về thái độ nhập nhằng chính trị. Trước hết những lời nhắn gửi này không dành cho các nhà trí thức, các nhà văn, nhà báo ủng hộ tự do... vì họ không phải là đối tượng của các bài viết của tôi. Viết cho những người đã có trình độ và hiểu rõ việc mình đang làm không có ý nghĩa bằng viết cho những người khác có thái độ thờ ơ. Những lời nhắn gửi của tôi dành cho những người ấy, những người không quan tâm đến tình hình đất nước, tự đặt mình đứng ngoài cuộc.

Người Việt Nam hay sống theo tình cảm, nhiều khi họ đặt tình cảm cao hơn lý trí, cao hơn luật pháp. Trong nhiều trường hợp, họ giải quyết các vấn đề theo tình cảm, chứ không theo luật pháp. Chính vì thế, xã hội sẽ không thể có công bằng, bình đẳng, đã đến lúc, mỗi người Việt Nam chúng ta cần có thái độ rõ ràng, dứt khoát để giảm bớt những thói hư tật xấu của con người. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng đất nước như hiện nay. Vì theo Einstein "Xã hội không bị phá hủy bởi những người làm điều xấu, nhưng xã hội bị phá hủy bởi những người quan sát và sau đó không làm gì cả".

P.T.Đ.

Tài liệu tham khảo

1. http://indomemoires.hypotheses.org/7297

2.http://www.forumvietnam.fr/forum-vietnam/le-vietnam-son-passe-son-histoire/12519-admirateurs-de-j-j-rousseau-au-vietnam-print.html

3.http://www.lemonde.fr/idees/article/2011/10/13/les-mysteres-de-l-ouest_1587074_3232.html

4.http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/befeo_0336-1519_1969_num_56_1_3997

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn