Thư giãn cuối tuần: Gừng càng già càng cay

Thiện Tùng

Đọc chính luận, nghị luận, bình luận… về thế sự riết căng cái đầu quá, tôi đọc truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy xả bớt. Quả như người ta nhận xét, Trang Thế Hy là nhà văn chi tiết, ông viết văn không phải bằng bút lông mà bằng bút thép. Nói theo thuật ngữ bóng đá, từ trung lộ, với động tác giả, ông dẫn bóng vượt qua hàng hậu vệ đối phương, vào vùng cấm địa, sút ghi bàn. Đọc một số tác phẩm của ông, đọng lại trong tôi 4 chi tiết, kể lại hầu đọc giả “giải nhiệt” cuối tuần :

1/- … Đạo diễn Hải cho người phụ nữ khoảng 30 tuổi bán giải khát trước cửa nhà mình. Liên cư với nhà Hải là nhà của gã ma cô, ông này sở hữu một cô gái có ngoại hình ăn khách nhưng lại câm điếc. Hàng ngày, người bán giải khát phải chứng kiến cái điệp khúc: bữa nào cô gái tiếp khách được tiền, gã ma cô vui, cô gái cười và ca hát ú ớ theo nhạc điệu một hai bài hát nhứt định nào đó; bữa nào ế khách thì gã cằn nhằn, đánh đập, cô gái khóc nức nở.

Một hôm, nghe cô gái khóc tức tưởi, người bán giải khát hỏi thăm dò ông Hải:

- Anh nghe xem, vậy là cô gái ấy cười hay khóc?

- Làm sao tôi có thể phân biệt được! – Hải đáp.

- Lạ thật, không phân biệt được tiếng cười hay khóc mà cũng làm đạo diễn.

2/- … Nhớ lại thời thơ ấu, mẹ tôi bảo tôi ra tiệm mua nước mắm. Ra đến ngã ba, tôi thấy người ta bu đông nghẹt xem gánh hát Sơn Đông mãi võ đang làm trò xảo thuật và bán thuốc đủ loại. Họ câu khách bằng cách nhắc đi nhắc lại: pha cụp liệt cuối cùng là “xử tội Hà Bá”. Con Hà Bá họ trùm kín trong chăn. Do tính hiếu kỳ, tôi cố nán lại chờ xem mặt mũi con Hà Bá ra làm sao. Chờ mãi, hết keo nầy họ gầy keo khác mà không đến lượt xử tội Hà Bá.

Thấy con đi lâu không về, mẹ tôi đi tìm. Thấy tôi đang nhí nhố trong đám đông chờ xem xử tội Hà Bá, chẳng những không la rầy, bà còn khích lệ tôi nán lại xem tiết mục rùng rợn nầy.

Đến tiết mục cuối cùng xử tội Hà Bá, một người làm trò ảo thuật giả bộ vấp té trầy chân, nhăn mày nhíu mặt, người bán thuốc cầm gói thuốc dán giơ cao, nói to: “Có ngay, thần dược có một không hai, trầy đâu dán đó, êm ái, khỏi tức thì…”.

Mẹ tôi nói: “Thôi đi con, ta ra tiệm mua nước mắm về ăn cơm, đã đứng bóng rồi, họ gạt mình để bán thuốc chớ không có hà bá hà biếc gì đâu!”.

Trên đường về, tôi hỏi mẹ tôi:

- Hà Bá có thật không mẹ?

- Sao không, cái bọn nói mà không làm là lũ Hà Bá đấy.

3/- … Làng tôi có 2 cái đình thờ Thần do vua phong - ở đầu làng một cái và cuối làng một cái. Giữa làng có cái miễu thờ bà Chúa Xứ do dân phong. Hàng năm, vào ngày lễ Kỳ yên, quan làng rước gánh hát về hát cúng Thần. Theo giao kết, để cho công bằng trong việc đi lại của dân làng, năm này hát ở đình đầu làng thì năm sau hát ở đình cuối làng. Do xây đựng lâu đời, hai cái đình mối mọt, xiêu vẹo, dân làng nghèo khó không đóng góp được tiền bạc công sức để tu sửa. Kỳ yên năm nay, hai cái đình đều quá tệ, sợ rước gánh hát về dân làng chen lấn sập sập gây họa, ban Hội Tề họp tới họp lui vẫn bế tắc. Cuối cùng, ông bộ Nghiêm nêu ý kiến:

- Vậy thì rước gánh hát về hát ở miếu bà Chúa Xứ. Do dân khu vực nầy làm ăn khấm khá đóng góp tiền, miếu mới vừa được sửa, cái võ ca và cái sân đàng trước đủ rộng chứa cả gánh hát và dân làng.

- Cũng được, nhưng phải dẹp bàn thờ bà Chúa Xứ, thỉnh hai sắc Thần ở 2 cái đình về đây - ý kiến của vị Hương Cả.

- Sao lại dẹp bà Chúa Xứ? – bộ Nghiêm thắc mắc.

- Thần là vua phong, còn bà Chúa Xứ là dân phong, không phải cấp ngang- Hương Cả lý giải.

- Dầu do dân phong, nhưng bà Chúa Xứ biết phò hộ cho dân trong khu vực mình cai quản làm ăn khấm khá thì phải được tôn kính, nếu không xếp Bà cao hơn cũng xếp ngang hàng với 2 ông Thần vô trách kia mới phải ? – bộ Nghiêm lý giải.

Cuối cùng, Ban Hội tề thống nhứt hát ở miếu, bà Chúa Xứ và 2 vị Thần được xếp ngang bà Chúa Xứ.

4/- … Nhà văn Trang Thế Hy đến thăm thầy đờn nổi tiếng Tư Chơi ở Sài Gòn, hai người đang nhâm nhi rượu đàm đạo, bỗng có chàng trung niên tay xách cây đờn kìm (đờn nguyệt), tay xách 2 chai rượu ngoại vào cửa ngả đầu chào. Sau bước chào hỏi, chủ khách đề huề, ông Tư Chơi nói:

- Vốn chưa quen, cháu tìm bác có việc chi?

- Chẳng những cháu nghe danh mà còn thường nghe cả tiếng đàn của bác Tư trong dĩa hát. Vì sự ngưỡng mộ, cháu tìm đến tặng bác Tư cây đàn kìm được nghệ nhân khảm ốc và 2 chai rượu.

- Chỉ thế thôi hay có điều kiện gì? – ông Tư Chơi nghi ngờ, hỏi vặn.

- “Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”. Nay đã kỳ hình, cháu chỉ xin bác Tư vừa thử cây coi ưng ý hay không, vừa đàn một vài bản cho cháu thỏa lòng ngưỡng mộ - chỉ thế thôi.

- Điều kiện ấy rất dễ khi bác còn đương thời, nhưng rất khó khi bác đã hết thời …!

-Thời vận gì, anh đàn cho cháu nó nghe một vài bản để đáp công nó lặn lội tới đây – ông Hy nói.

- Xem nè, tay run thế nầy mà đờn cái nỗi gì nữa?! Bác không muốn làm cho cháu thất vọng, hãy giữ những gì vốn có. Bác biết thân phận mình nên đã “gác kiếm”. Làm người phải biết “hạ cánh” đúng lúc, dây dưa mãi chỉ làm trò cười cho thiên hạ?

4/4/2014

T.T

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn