40 năm sau: Lịch sử đang lặp lại

Nguyễn Quang Dy 

“Có lẽ chúng ta đã tạo ra một quái vật Frankenstein”
(Richard Nixon nói với William Safire (bình luận gia của New York Times) năm 1994, trước khi chết). 
40 năm sau Chiến tranh Việt Nam, cuối cùng người Mỹ và Việt Nam đang làm những gì mà họ đáng lẽ phải làm từ năm 1978 khi nước Việt Nam thống nhất rất cần hòa giải và hợp tác với Mỹ (là kẻ thù cũ) để tái thiết và đối phó với hiểm họa mới từ Trung Cộng (là anh em bạn thù); hoặc từ năm 1945 khi nước Việt Nam mới do Hồ Chí Minh đứng đầu đang cố giành sự ủng hộ của Mỹ để hóa giải sự thù nghịch của nước Pháp thực dân và Trung hoa Dân quốc; hoặc từ năm 1875 khi vua Tự Đức cử ông Bùi Viện sang Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ để chống lại ý đồ nước Pháp thực dân muốn biến Annam thành thuộc địa. Nhưng hai nước đã để tuột mất những cơ hội lịch sử, bây giờ phải “trở về tương lai”, sau khi bị bầm dập bởi cuộc chiến tranh sai lầm đẫm máu, và lãng phí quá nhiều thời gian, sức lực và mạng sống vào những trò chơi hậu chiến điên khùng, bao gồm cái gọi là “Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba” không kém khốc liệt giữa “anh em bạn thù” và những đồng minh mới của họ.

Đấy là phác thảo nhanh bức chân dung đầy bi kịch của quan hệ Việt-Mỹ. Thật trớ trêu là tương lai quan hệ Việt-Mỹ lại gắn liền với tương lai của Biển Đông, mà tương lai của Biển Đông nay lại gắn liền với quan hệ Trung-Việt, cũng như quan hệ Trung-Mỹ. Để làm rõ những khía cạnh đầy uẩn khúc của những mối quan hệ này, hãy bình tâm xem lại một số bối cảnh lịch sử có liên quan và một số biến chuyển gần đây, như những dấu hiệu mới.  
Ngăn chặn Trung Quốc: Trở về tương lai?    
Ai quan tâm đến lịch sử chắc vẫn nhớ 60 năm về trước (sau chiến tranh Triều Tiên và Điện Biên Phủ), Mỹ đã triển khai chiến lược Ngăn chặn Trung Cộng bằng cách sử dụng SEATO (South East Asia Treaty Organization) làm cơ chế an ninh tập thể ở Đông Nam Á. Chẳng có gì sai khi Mỹ ngăn chặn Trung Quốc lúc đó cũng như bây giờ khi họ hung hăng trỗi dậy và bành trướng ở khu vực, bằng cách “xoay trục sang Châu Á” để tái cân bằng lực lượng, và sử dụng TPP (Tran-Pacific Partnership) làm khuôn khổ hợp tác mới ở khu vực. Nhưng mục đích kinh tế của TPP có lẽ không quan trọng bằng mục đích chiến lược.
Nói cách khác, đây là trò “rượu cũ bình mới”. “Rượu cũ” là mối đe dọa tiềm ẩn của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán (không hề thay đổi). “Bình mới” là Trung Quốc nay áp đặt “Đường Lưỡi bò” và dùng dàn khoan để lấn chiếm Biển Đông, và ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo và công trình quân sự tại các đảo san hô mà họ chiếm ở Hoàng Sa và Trường Sa, hòng kiểm soát Biển Đông (như “lợi ích cốt lõi”). “Rượu cũ” là Mỹ “Ngăn chặn” Trung Cộng, và “bình mới” là trò chơi TPP (thay cho “SEATO”). Quan hệ Trung-Việt đầy phức tạp vừa là đối tác chiến lược (cùng ý thức hệ), vừa là đối thủ chiến lược (do tranh chấp chủ quyền). Đó là mối quan hệ bất bình thường (vừa yêu vừa ghét) như “anh em thù địch”. Nhưng lúc này thật là dại dột và bất khả thi, nếu Việt Nam cố duy trì nguyên trạng mối quan hệ bất bình thường đó bằng cách đong đưa và đi trên dây để cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ.
Cách đây 60 năm, Mỹ đã ngăn chặn một Trung Quốc nghèo nàn (như con “hổ giấy”), tuy ngoài mặt thách thức Mỹ nhưng trong bụng rất muốn bắt tay. Còn bây giờ, Mỹ đang ngăn chặn một Trung Quốc giàu có như một “quái vật kinh tế và quân sự”, vừa muốn giữ nguyên trạng (bên trong), lại vừa muốn thay đổi nguyên trạng (bên ngoài), thách thức vai trò cầm đầu của Mỹ. Trước đây, Mỹ ngăn chặn Trung Quốc bằng cách đánh Việt Nam (tưởng là kẻ thù ý thức hệ). Còn bây giờ Mỹ ngăn chặn Trung Quốc đang hung hăng trỗi dậy bằng hợp tác với Việt Nam (như đối tác chiến lược mới).
Đây là một sự chuyển đổi đầy kịch tính, để sửa chữa một sai lầm lớn mà cả hai nước đã mắc phải. Chiến lược Ngăn chặn và chiến tranh Việt Nam là hai chuyện khác nhau, không nên nhầm lẫn. Đáng lẽ Mỹ không nên can thiệp vào Việt Nam bằng “một cuôc chiến tranh sai lầm, tại một địa điểm sai, vào một thời điểm sai, với một kẻ thù sai” (Omar Bradley, 1951). Nhưng phải 20 năm sau cuộc chiến, ông Robert McNamara mới công khai thừa nhận sai lầm này (trong cuốn sách xuất bản năm 1995). Thực ra, ngay từ năm 1965, ông George Ball (trợ lý Ngoại trưởng) đã nhìn thấy trước một cuộc chiến sai lầm, đã cảnh báo và khuyên can Tổng thống John Kennedy đừng quyết định đưa quân sang Việt Nam để can thiệp trực tiếp.
Nhưng đáng tiếc là không ai muốn nghe George Ball, mà người ta còn cười nhạo ông ấy. Theo tôi, George Ball giỏi không kém gì George Kennan. Họ là những người Mỹ thông minh, dũng cảm, có tầm nhìn xa. Nếu Chính quyền biết lắng nghe họ, thì nước Mỹ đã tránh được bao tổn thất về xương máu và nguồn lực tại Việt Nam (và Iraq sau này). Việt Nam và Iraq là những bài học đẫm máu, còn tiếp tục ám ảnh người Mỹ. Thomas Vallely (cựu chiến binh, Giám đốc chương trình Việt Nam tại Harvard) đã nói rất đúng (trong tư liệu TV, 1985), “chúng ta không nên làm cái việc sai lầm là đưa thanh niên đến chỗ chết, chỉ vì lòng tự hào của mấy ông già”.
Khi ông Archimedes Patti (cựu sĩ quan OSS) ký tặng tôi cuốn sách “Why Vietnam” (Bangkok, 1990), tôi có hỏi ông ấy, “lúc đó họ có đọc sách của ông không”. Ông Patti nói với ánh mắt buồn rầu, “chẳng ai đọc nó cả, chẳng ai nghe tao cả”. Trong một lần báo chí phỏng vấn (năm 1981), ông Patti đã nói rất rõ, “Theo tôi, chiến tranh Viêt Nam là một sự lãng phí khồng lồ. Trước hết, nó không cần phải xảy ra. Hoàn toàn không. Không đáng tí nào cả. Trong suốt những năm chiến tranh Việt Nam, không ai đến gặp tôi để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra năm 1945 hoặc 1944. Trong suốt những năm tôi làm việc ở Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại Giao, và Nhà Trắng, không một ai có quyền hành đến gặp tôi cả…” 
Điều đó làm tôi nhớ lại sự kiện “Blood Telegrams” (mà chắc nhiều người đã quên). Ông Archer Blood, Tổng lãnh sự Mỹ tại Dacca (thủ phủ Đông Pakistan lúc đó) đã gửi điện khẩn về Washington (ngày 6/4/1971, có 29 cán bộ ngoại giao Mỹ ký tên) cảnh báo về nạn “diệt chủng có chọn lọc” đang biến Dacca trở thành “thành phố ma” (3/4 dân số bị giết hoặc bỏ chạy). Họ công khai phản đối chính sách của Mỹ ủng hộ chính quyền quân sự (của tướng Yahya Khan) đàn áp dã man người Bengali đòi độc lập cho Bangladesh. Nhưng Tổng thống Nixon và Tiến sĩ Henry Kissinger lúc đó đã lờ đi, vì muốn tướng Yahya Khan làm cầu nối với Trung Quốc để Tổng thống Nixon đến Thượng Hải bắt tay Mao Chủ tịch, như một “bước ngoặt lịch sử”. Tôi xin trích một đoạn bức điện đó, “Chính phủ chúng ta đã không lên án việc đàn áp dân chủ. Chính phủ chúng ta đã không lên án tội ác. Chính phủ chúng ta đã không có biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ công dân của mình, trong khi đó ra sức làm vừa lòng chính phủ do người Tây Pakistan nắm quyền và làm giảm bớt đi mọi sức ép tiêu cực của dư luận quốc tế đối với chính phủ Pakistan. Chính phủ chúng ta đã chứng tỏ một điều mà tất cả mọi người đều coi là phá sản về đạo đức…”.   
Tham dự tích cực: Trò chơi kết thúc?   
Tôi không biết Tổng thống Nixon thực sự nghĩ gì khi ông ta bắt tay Mao Chủ tịch tại Shanghai năm 1972. Nhưng tôi tin ông Nixon đã một lần nói thật khi ông ấy nhận xét một cách chí lý (năm 1994, trước khi ông ấy chết), “Có lẽ chúng ta đã tạo ra một quái vật Frankenstein”. Ông Nixon lúc sắp chết đã trở thành “thiên tài”! Thực tế là phải 42 năm sau, đến tận 2014, đa số người Mỹ mới nhận ra “hệ quả không định trước” này và bắt đầu lo ngại về sự trỗi dậy “không hòa bình” của Trung Quốc (tuy vẫn tranh cãi về nguy cơ xung đột Trung-Mỹ).
Công bằng mà nói, không nên đổ lỗi cho ông Nixon vì Dr Henry Kissinger mới chính là kiến trúc sư của chính sách Trung Quốc, từ “Shanghai Communique” để cho Mỹ rút quân khỏi Việt Nam “trong danh dự” và chia sẻ quyền lực với Trung Quốc tại Đông Á, đến “Constructive Engagement” để thay thế “Containment” giúp Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình”, và “China Card” để biến Trung Quốc thành đồng minh “trên thực tế” chống Liên Xô, và cuối cùng “China Lobby” để vận động hành lang ủng hộ Trung Quốc trong mọi chuyện làm ăn khác.
Trong nửa thế kỷ qua (nói chính xác là qua 8 đời Tổng thống Mỹ, cả Cộng hòa lẫn Dân chủ), Washington vẫn cho rằng chủ trương “Can dự tích cực” là cách duy nhất để khuyến khích Trung Quốc cởi mở dần trong quá trình mà ông Kissinger gọi là “co-evolution” (hay diễn biến hòa bình) theo các giá trị của Mỹ, và “trỗi dậy trong hòa bình”. Chỉ gần đây, người Mỹ mới bắt đầu thất vọng như bị bạn tình Trung Quốc phản bội. Các chuyên gia về Trung Quốc bắt đầu nói đến sự cần thiết phải “ngăn chặn” Trung Quốc, và hai bên bắt đầu coi nhau như đối thủ (thay cho đối tác). “Đồng thuận Washinton” về lợi ích của “Constructive Engagement” bắt đầu đổ vỡ.
Điều này làm ta nhớ lại trận Trân Châu Cảng (7/12/1941) khi hạm đội Mỹ tại đây đã bị hải quân Nhật đánh đắm, nhưng đa số người Mỹ lúc đó vẫn không tin là Nhật Bản dám khởi chiến. Có lẽ “Đồng thuận Washington” giống như một con voi quá lớn và quá chậm để dễ dàng chuyển động. Không biết người Mỹ có thật ngây thơ về Trung Quốc không, hay là cái bóng của ông Kisinger quá lớn, nhưng gần nửa thế kỷ qua, chính sách của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương vẫn xoay quanh “cái trục Trung Quốc” mà ông Kissinger đã thiết kế.
Dù nguyên nhân Trung Quốc trỗi dậy ngày cànghung hăng (như đầu gấu tại khu vực) có phải do chính sách “Can dự tích cực” hay không, thì nhiều người cho rằng Mỹ và Trung Quốc khó tránh khỏi chiến tranh lạnh (thậm chí xung đột). Gần đây, tỷ phú George Soros lập luận rằng nếu không nhân nhượng Trung Quốc về vấn đề tài chính sống còn đối với họ, thì lãnh đạo Trung Quốc có thể phải dùng đến xung đột vũ trang để tồn tại, dễ gây ra chiến tranh thế giới mới. Điều này làm ta nhớ lại chính sách “Appeasement” của chính phủ Anh (Neville Chamberlain) đã thỏa hiệp quá nhiều với Hitler (tại Munich, năm 1938). “Constructive Engagement” nếu đi quá đà, mà không có điều kiện khắt khe ràng buộc, sẽ phản tác dụng hơn cả “Appeasement”.
Michael Pillsbury (một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc) nhận xét, “Trung Quốc không đạt được hầu hết những mong muốn màu hồng của chúng ta”. David Lampton (một học giả về Trung Quốc tại Johns Hopkins) kết luận, “Quan hệ Trung-Mỹ đã đi đến chỗ đổ vỡ”. Robert Blackwill (một chuyên gia về an ninh quốc tế tại Belfer Center, Harvard) cho rằng “Constructive Engement với Trung Quốc chỉ giúp cho đối thủ mạnh lên”. Kevin Rudd (cựu Thủ tướng Australia, một chuyên gia về Trung Quốc) đã tóm tắt quan điểm của người Trung Quốc về mục tiêu của Mỹ là “nhằm cô lập, ngăn chặn, làm suy yếu, phân hóa Trung Quốc, và phá hoại lãnh đạo chính trị của Trung Quốc”. Ông ấy còn khuyến nghị “Constructive Realism” để thay cho “Constructive Engagement”.
Tôi cũng không rõ liệu cao kiến của ông Kevin Rudd, tuy có thực tế hơn, nhưng liệu có hiệu quả hơn không, khi điều chỉnh quan trọng gần đây của Washington vẫn tỏ ra “quá ít và quá muộn”. Thái độ cứng rắn hơn của Mỹ (điều máy bay quân sự đến Biển Đông) là một tín hiệu tích cực và lời cảnh báo rõ ràng đối với Trung Quốc, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ thuyết phục Bắc Kinh phải thực sự nghiêm túc, và chưa đủ thuyết phục các nước Asean đang bị Trung Quốc bắt nạt và phân hóa cần phải dựa vào Washington hơn là Bắc Kinh. Ít nhất đó là cách hiểu (không chính thức) về thái độ nhìn nhận của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La gần đây (May 29-31, 2015).
Biển Đông: Một thùng thuốc súng? 
Hơn một năm nay, từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào Biển Đông và ráo riết xây dựng các công trình quân sự và đảo nhân tạo trên các đảo san hô họ chiếm tại Hoàng Sa và Trường Sa, để chuẩn bị thiết lập khu vực nhận diện phòng không, đe dọa tự do hàng hải, thì Biển Đông đã nóng lên như thùng thuốc súng. Quốc hội Mỹ và giới nghiên cứu đã chuyển biến mạnh,  buộc Chính quyền Obama phải có thái độ cứng rắn hơn, đưa máy bay quân sự và tàu chiến vào Biển Đông để răn đe, bất chấp Trung Quốc phản đối. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã thực sự lo ngại. Một số nước đồng minh của Mỹ (như Japan và Australia) đã thay đổi hẳn thái độ, sẵn sàng tham gia tuần tra hải quân trên Biển Đông.
Trong khi bức tranh địa chính trị tại khu vực thay đổi nhanh và rõ nét hơn, thì tương lại Biển Đông vẫn mù mịt và bất định. Liệu đối đầu Trung-Mỹ tại Biển Đông có dẫn đến chiến tranh thật không, hay chỉ là chiến tranh lạnh? Liệu Trung Quốc và Mỹ có thể thỏa thuận với nhau để chia sẻ quyền lực (như trước đây)? Liệu căng thẳng Trung-Việt có dẫn đến chiến tranh không, hay tiếp tục nhùng nhằng (không hòa không chiến) và Trung Quốc tiếp tục chiến thuật “cắt lát gặm dần” như “chuyện đã rồi”, không đánh vẫn thắng? Và cuối cùng, liệu sức ép của Mỹ và cộng đồng thế giới, cũng như quá trình dân chủ hóa tại Trung Quốc, có đủ sức xoay chuyển thái độ của Bắc Kinh, và hóa giải được xung đột lợi ích tại Biển Đông để biến thùng thuốc súng này thành khu vực hợp tác hòa bình và cùng khai thác?
Một số chuyên gia về Trung Quốc theo thuyết “cái bẫy Thucydides” (Graham Allison đặt tên) cho rằng xung đột Trung-Mỹ là khó tránh khỏi, và Biển Đông có thể là cái ngòi nổ cho Thế chiến thứ Ba. Một số khác theo thuyết phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế (phái Neo-liberalism) lập luận rằng chiến tranh Trung-Mỹ rất khó xảy ra vì hai nền kinh tế khổng lồ này đã quá phụ thuộc vào nhau, nên khả năng cùng bị hủy diệt do chiến tranh là một sự răn đe hiệu quả. Số còn lại đưa ra nhiều giả thuyết và kịch bản khác nhau, chủ yếu dựa trên phân tích học thuật, thường làm rắc rối hơn là làm sáng tỏ vấn đề, và góp phần làm cho Biển Đông nóng hơn (trên mặt báo và các diễn đàn nghiên cứu) như thêm gia vị vào các thực đơn nghiên cứu.
Graham Allison dựa vào thực tế lịch sử để rút ra quy luật, chủ yếu nhằm cảnh báo về một nguy cơ tiềm tàng khó tránh, để biết mà phòng tránh chứ không phải để kết luận như đinh đóng cột rằng chiến tranh nhất thiết sẽ xảy ra. Trong thế giới đầy biến động khôn lường và đầy biến số này, không ai có thể chắc chắn về một điều gì như hằng số.
Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia trong thế giới phẳng là một thực tế hiển nhiên. Trong trường hợp quan hệ Trung-Mỹ thì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng lớn hơn. Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau càng lớn thì mâu thuẫn cũng càng lớn và rủi ro cũng càng cao, rất khó kiểm soát. Sự khác biệt về hệ thống giá trị cơ bản giữa hai quốc gia này như mặt trăng và mặt trời. Trong khi Mỹ dẫn đầu thế giới trong việc phát triển phương tiện truyền thông xã hội, thì Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong việc kiểm soát nó. Trong khi Mỹ muốn Trung Quốc áp dụng hệ thống giá trị của mình, thì lãnh đạo Trung Quốc coi đó là lật đổ.
Nếu cả hai xu hướng chính là “cái bẫy Thucydides” và “phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế” cùng tồn tại trong quan hệ Trung-Mỹ thì nó có thể triệt tiêu lẫn nhau, dẫn đến nhùng nhằng (không hòa không chiến) như chiến tranh lạnh kiểu mới (như xu hướng thứ ba). Nếu tình huống này thắng thế, thì Trung Quốc càng có lợi, tiếp tục “cắt lát” để gặm nhấm, biến thành “chuyện đã rồi”, và cuối cùng đạt được mục tiêu kiểm soát Biển Đông mà không tốn một viên đạn.
Có lẽ cả Trung Quốc và Mỹ đều quá bận tâm về các vấn đề chính trị nội bộ nên muốn hướng dư luận vào các vấn đề chính trị quốc tế. Họ cũng có thể gây căng thẳng tại vài nơi trên thế giới để thử gân nhau. Nhưng có lẽ lúc này cả hai đều không muốn và không sẵn sàng chiến tranh tổng lực. Kết quả có thể là chiến tranh lạnh kiểu mới, một dạng chiến tranh nửa dơi nửa chuột (hybrid warfare) hoặc mượn tay người khác (proxy warfare). Tuy nhiên, khi căng thẳng được đẩy lên thành kịch tính thì rủi ro càng lớn, và hai bên cần một cơ chế kiểm soát rủi ro để tránh sử dụng vũ lực. Dù sao, người ta cho rằng chiến tranh lạnh vẫn còn hơn là “Thế chiến thứ 3”.
Trong khi chưa biết là chiến tranh lạnh hay Thế chiến thứ Ba, thì các học giả về Trung Quốc cho rằng màn chót của chế độ Trung Cộng có lẽ đã bắt đầu. Bề ngoài, Trung Quốc có vẻ giàu có và hùng mạnh, nhưng nó che đậy một hệ thống đã đổ vỡ bên trong. Không phải chỉ có ông Gordon Chang lâu nay dự báo “Trung Quốc sắp sụp đổ”, mà cả Giáo sư Paul Krugman (được giải Nobel kinh tế) cũng báo động rằng “Trung Quốc đã kịch đường” (tới điểm giới hạn). Đáng chú ý là cả Giáo sư David Shambaugh (một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc tại George Washington University) đã tuyên bố “màn chót của chế độ Trung Cộng đã bắt đầu”…
Chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng quyết liệt của ông Tập Cận Bình để cứu chế độ (hay củng cố địa vị) đang đẩy màn chót đến nhanh hơn. Việc tăng cường đàn áp càng bộc lộ sự rạn nứt của hệ thống và đẩy nhanh quá trình sụp đổ. Thay vì mở cửa, ông Tập Cận Bình đang tăng cường kiểm soát gấp đôi. Giới tinh hoa ở Trung Quốc sẵn sàng ra đi hàng loạt nếu hệ thống bắt đầu sụp đổ. Theo Elizabeth Economy (Council on Foreign Relations) 2/3 (hoặc 64%) người Trung Quốc có tài sản trên 1.6 triệu USD đang di cư hoặc định như vậy.
Anh em bạn thù: Làm sao để thoát? 
Định mệnh về địa lý
Dù muốn hay không, Việt Nam vẫn phải sống cạnh người láng giềng khổng lồ, như một định mệnh về địa lý, không thể thay đổi được. Vì vậy về lâu về dài, Việt Nam phải tìm cách chung sống hòa bình tử tế với các nước láng giềng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Là một nước nhỏ hơn, muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình, Việt Nam phải thay đổi và mạnh lên để Trung Quốc phải tôn trọng. Nếu Việt Nam yếu đi trong khi Trung Quốc mạnh lên, thì chắc chắn Việt Nam sẽ mất độc lập, chủ quyền vì trở thành miếng mồi ngon cho tham vọng bành trướng bá quyền Trung Quốc. Đáng tiếc tình trạng hiện nay đúng là như vậy. Không phải Việt Nam chỉ mất đất biên giới và hải đảo tại Biển Đông, mà có thể sẽ mất tất cả, để “trở về tương lai” như thời kỳ Bắc thuộc.
Tương quan lực lượng
Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang thách thức vai trò số một của Mỹ, và muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc không chỉ là con quái vật kinh tế, mà còn là con quái vật quân sự và ý thức hệ, với tham vọng bành trướng bá quyền như đầu gấu trong khu vực. Họ đang lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hướng dân Trung Quốc vào “Giấc mộng Trung Hoa”, hòng che đậy những mâu thuẫn cơ bản đang đe dọa sự tồn tại của chế độ. Biển Đông chỉ là một mảnh trong ván cờ lớn của họ. Trung Quốc muốn giữ chặt Việt Nam trong cái bẫy ý thức hệ, như một nước chư hầu, không được thân với Mỹ và Phương Tây. Vì vậy, Việt Nam phải mạnh lên, để thoát khỏi cái bẫy ý thức hệ đó. Nếu không mạnh được như Israel, thì chúng ta cũng phải đi theo hướng đó. Để khai thác được cái mỏ người hơn 90 triệu dân, chúng ta phải nâng cao dân trí, đổi mới thể chế kinh tế và chính trị. Việc này không thể một sớm một chiều mà cần vài thập kỷ (Đáng tiếc là chúng ta đã đánh mất ít nhất bốn thập kỷ).
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Chủ nghĩa dân tộc luôn là động lực chính trong quan hệ quốc tế. Trong lịch sử, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và Trung Quốc đã chứng tỏ sức mạnh và sức sống tiềm tàng, như những đối thủ truyền kiếp. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bành trướng bá quyền là hiểm họa cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Khi chủ nghĩa dân tộc trở thành cực đoan và bá quyền, nó như con quái vật, xô đẩy các nước vào lò lửa chiến tranh. Chủ nghĩa dân tộc thường bị các chế độ độc tài thao túng để kích động lòng yêu nước và huy động dân chúng ủng hộ các tham vọng cực đoan của họ, hoặc che đậy những mâu thuẫn xã hội và xung đột nội bộ.
Người Đức thông minh tài giỏi như vậy, nhưng cũng bị Hitler và đảng Quốc Xã cực đoan thao túng, dẫn đến thảm họa chiến tranh thế giới. Người Trung Hoa có bề dày lịch sử và văn hóa như vậy, nhưng cũng bị Mao và các phái cộng sản cực đoan thao túng, dẫn đến thảm họa Cách mạng Văn hóa. Người Khmer hiền lành như vậy, nhưng cũng bị Pol Pot và Khmer Đỏ thao túng, trở thành nạn nhân của họa diệt chủng. Nguy cơ xung đột tại Biển Đông là do chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa bành trướng bá quyền. Muốn tránh thảm họa chiến tranh và xung đột, cần phải nâng cao dân trí và dân chủ hóa.
Dân chủ hóa   
Đối với các xã hội chuyển đổi (như Trung Quốc và Việt Nam), dân chủ hóa là quy luật tất yếu và quá trình cần thiết để xã hội phát triển. Quá trình này nhanh hay chậm tùy thuộc vào đặc điểm chính trị và xã hội của từng nước. Dân chủ hóa thường song hành với quá trình phát triển tầng lớp trung lưu và dân trí. Nó vừa là động lực để đổi mới và phát triển kinh tế, vừa là đối trọng để hạn chế chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín. Do đặc điểm lịch sử, văn hóa phức tạp nên quan hệ Việt-Trung vừa bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bành trướng bá quyền, vừa bị trói buộc bởi ý thức hệ cộng sản cực đoan. Chỉ có dân chủ hóa và nâng cao dân trí thì Việt Nam và Trung Quốc mới có thể thoát khỏi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và nguy cơ xung đột. Sự phát triển bùng nổ của internet và truyền thông xã hội dựa trên kỹ thuật số gần đây có vai trò rất lớn trong quá trình này, như một cuộc cách mạng truyền thông.
Cất cánh kinh tế 
Tuy Trung Quốc và Việt Nam có thể chế chính trị giống nhau (do Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo), nhưng kinh tế hai nước phát triển không giống nhau, làm quan hệ trở thành bất bình đẳng và lệ thuộc. Trong khi kinh tế Trung Quốc cất cánh với tốc độ tăng trưởng 2 con số trong suốt 3 thập kỷ, thì kinh tế Việt Nam không cất cánh lên được, thậm chí còn tụt hậu. Mặc dù đều độc tài và tham nhũng, nhưng Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ và nhanh chóng theo kinh tế thị trường, trong khi Việt Nam vẫn duy trì “định hướng XHCN”, dựa vào các doanh nghiệp nhà nước tham nhũng và yếu kém làm chủ đạo, dẫn đến thua lỗ và phá sản (như Vinashin và Vinalines). Trong khi Trung Quốc vơ vét tài nguyên khoáng sản toàn cầu để nuôi con quái vật kinh tế khổng lồ, xuất khẩu hàng hóa ra khắp thế giới để tích lũy tư bản, thì Việt Nam không công nghiệp hóa và nội địa hóa sản xuất, chỉ bán rẻ tài nguyên khoáng sản lấy tiền nhập siêu hàng tiêu dùng. Đây cũng là một bi kịch quốc gia. Nếu không thay đổi cơ bản về thể chế kinh tế và chính trị, để hội nhập vào thị trường thế giới, thì Việt Nam khó tránh khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc và mất chủ quyền tại Biển Đông.
Đối tác chiến lược. 
Muốn đối phó với một láng giềng lớn chuyên bắt nạt (như Trung Quốc), Việt Nam phải liên kết với đối tác chiến lược mạnh hơn (như Mỹ) làm đối trọng và răn đe. Đó là quy luật tất yếu ai cũng biết, nhưng vận dụng như thế nào là một chuyện khác. Có nhiều bài học lịch sử. Ví dụ, không nên dựa hẳn vào bên này để chống bên kia, gây thù chuốc oán, như trước đây Việt Nam đã dựa hẳn vào Trung Quốc để chống Mỹ, rồi sau này lại dựa hẳn vào Liên Xô để chống Trung Quốc. Nhưng cũng không nên có quan hệ đối tác chiến lược với quá nhiều nước, mà chẳng nước nào có khả năng đương đầu với Trung Quốc để bênh vực Việt Nam. Nó giống như câu thành ngữ “lắm mối tối nằm không”. Việc giữ cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ bằng cách đi trên dây không phải là một chiến lược lâu dài. Càng không phải là một cái cớ để trì hoãn quan hệ đối tác chiến lược sống còn với Mỹ khi Trung Quốc đã lộ rõ bộ mặt thật là mối đe dọa chung đối với khu vực. Không nên nhầm lẫn mục tiêu chiến lược với phương tiện chiến thuật. Nếu không có quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và gia nhập TPP, Việt Nam dễ bị Trung Quốc bắt nạt và đô hộ. Muốn có quan hệ đối tác chiến lược hiệu quả, trước hết người Việt Nam phải đoàn kết và tự cường mạnh lên, để các đối tác tôn trọng và tin cậy. Quan hệ đối tác chiến lược sẽ trở thành vô nghĩa nếu không dựa trên tầm nhìn chiến lược và lòng tin chiến lược.      
N.Q.D.
6/2015 
Tham Khảo 
  1. “Hitting China’s Wall”, Paul Krugman, the New York Times, July 18, 2013
  2. “Pivot 2.0”, A Report of the CSIS Asia Program, CSIS, Jan 2015
  3. “The Coming Chinese Crackup”, David Shambaugh, the Wall Street Journal, March 6, 2015.
  4. “Revising US Grand Strategy Toward China”, Robert Blackwill & Ashley Tellis, Special Report, Council on Foreign Relations Press, April 2015
  5.  “The Future of US-China Relations under Xi Jinping”, Kevin Rudd, Summary Report, Belfer Center, Harvard Kennedy School, April 2015,
  6. “A Tipping Point in US-China Relations is upon us”, David Lampton, speech at the Carter Center conference, May 6-7, 2015
  7. “Retaining America’s balance in the Asia-Pacific: Countering China’s Coercion in South East Asia”, Patrick Cronin, Crongressioanl Testimony, May 13, 2015
  8. “China’s Place in US Foreign Policy”, Karl Eikenberry, the American Interest, June 9, 2015
  9. “Can China Be Contained”, Andrew Browne, the Wall Street Journal, June 12, 2015
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-6-15
Nguồn: http://viet-studies.info/kinhte/NQuangDy_LichSuDangLapLai.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn