Quyền im lặng: muộn còn hơn không!

Nguyễn Đăng Quang

 Kỳ Họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII  đang thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi.  Tranh luận sôi nổi nhất là về quy định“Quyền im lặng ”. Nhiều ý kiến đồng tình, song cũng không ít ý kiến phản đối. Về những ý kiến phản đối, nhiều người rất ngạc nhiên khi thấycó cácý kiến của một số vị ĐBQH “có máu mặt”, phần lớn trong số này làĐB cấp tướng của ngành Công an. Đáng nhẽ các ĐBQH này phải là những người nếu không khởi xướng thì chí ít cũng phải là những ĐB đầu tiên giơ tay tán thành điều luật này mới phải!Do vậy đã có nhiều bài viết cả trên báo in cũng như trên báo mạng cho rằng các vị này hoặc là trình độ hạn hẹp yếu kém, hoặc là muốn giành thuận lợi cho ngành mình và đẩy khó khăn, thiệt thòi cho người dân gánh chịu! Thậm chí, hôm 27/5/2015, tại diễn đàn QH có một ĐB tên Đỗ Văn Đương, Tiến sỹ luật, mộtthành viên của Đoàn ĐBQH Thành phố HCM, ông này không là ĐB thường mà là ĐB chuyên trách, còn là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Ông này lớn tiếng cho rằng: “Quyền im lặng không phải là quyền con người!” Ông ta sau đó còn to mồm hơn để chính trị hóa vấn đề, khi khẳng định:“Quyền im lặng gọi đúng ra là “quyền im mồm”. Vì thực chất đây (xin trích nguyên văn) là:“Âm mưu diễn biến hòa bình, là chống lại nhân dân”.Có lẽ đọc đến đây, nhiều bạn thắc mắc muốn biết ông này mặt mũi xuôi ngược ra sao, ông ta có bằng Tiến sỹ luật thật hay không? Ông ta đại biểu cho ai?v.v…Nhà văn Mai Tú Ân trong một bài viết mới đây coi các ĐBQH này“Không phải là những đại biểu của dân”.  Mai Tú Ân nhẹ nhàng giễu cợt, gọi họ chỉ là những ông nghị “Ngồi nhầm chỗ”!
Vậy “Quyền Im lặng” là gì?Trước hết phải khẳng định “Quyền im lặng” không phải là “Quyền im mồm” như ĐB Đỗ Văn Đương suy diễn, càng không phải là “Âm mưu diễn biến hòa bình, chống nhân dân” như ĐB Đương quy chụp! “QUYỀN IM LẶNG ở đây là quyền của nghi phạm không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội”.
Trước khi tìm hiểu về QUYỀN IM LẶNGtheo nội hàm nói trên, ta hãy đề cập đến một thực trạng đau lòng trong cuộc sống:Đó là rất nhiều trường hợp không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới: Do ít hiểu biết về pháp luật, đồng thời do bị dọa dẫm, khủng bố về tinh thần mà nhiều người bị tình nghi, nhất là đối với vị thành niên, người dân tộc thiểu số, người  vốn yếu bóng vía, v.v…khi bị Công an triệu tập lần đầu tiên đã mất bình tĩnh, thậm chí hoảng loạn, dẫn đến không làm chủ được hành vi. Nhiều trường hợp đã tự sát ngay tại nơi lấy lời khai hoặc tại nơi tạm giam,tạm giữ. Lại có những trường hợp do bị CQĐT bức cung, ép cung hay bị tra tấn, nhục hình hoặc do bị cả 2 hình thức trên mà nhiều nghi can buộc phải nhận những hành vi, tội lỗi mà mình không thực hiện hoặc những tội danh mà mình không hề phạm phải.  Thực tế đau xót này dẫn đến oan khiên cho nhiều người dân vô tội mà ở nước ta gần đây nhất là vụ án oan sai điển hình Nguyễn Thanh Chấn. Vụ án oan khiên này đã bộc lộ rất rõ thực trạng vi phạm pháp luật không chỉ của 1 mà của cả 3 cơ quanthực thi pháp luật ở nước ta là Điều tra (Công an), Truy tố(Viện Kiểm sát) và Xét xử (Tòa án). Vì vậy,nhằm mục đích tránh oan sai cho người dân và để nghiêm cấm các Cơ quan điều tra và thực thi pháp luật sử dụng các thủ đoạn nghiệp vụ như mớm cung, ép cung, bức cung hoặc tra tấn, nhục hìnhnhằmép những người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo…phải nhận tội,rất nhiều quốc gia trên thế giới hàng trăm năm quađã áp dụng nguyên tắc SUY ĐOÁN VÔ TỘI.
Vậy nguyên tắc SUY ĐOÁN VÔ TỘI là gì?  Nguyên tắc nàybao gồm 3 nội dung cơ bản sau:
  • Các nghi phạm khi bị CQĐT bắt giam phải được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực và đúng pháp luật của Tòa án.
  • Việc thu thập, điều tra và tìm ra chứng cứ để chứng minh một ai đó phạm tội là nhiệm vụ và trách nhiệm của CQĐT chứ không thể là lời khai hoặc thú nhận của nghi phạm.
  • Mọi chứng cứ nghi ngờ về tội phạm của người bị tình nghi nếu không được chứng minh thì phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi (nghĩa là phải coi người đó là vô tội).
Ở các quốc gia có nền tư pháp tiên tiến, lấy quyền và lợi ích của người dân làm trung tâm, CQĐT muốn kết tội một nghi can nào đó thì phải chứng minh người đó có tội qua cácchứng cứphạm tội của họ. Luật pháp nước họ không cho phép dùng lời khai trong biên bản lấy cung mà các nghi can bị buộc phải nhận trong thời gian họ bị giam giữ tại CQĐT để làm căn cứ buộc tội họ. Nếu CQĐT không chứng minh được người đó có tội theo đúng quy trình pháp lý thì phải coi người đó là không phạm tội!
Để thực hiện nguyên tắc SUY ĐOÁN VÔ TỘI trong Tố tụng hình sự, đa phần các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều cho phép áp dụng quy định QUYỀN IM LẶNG đối với các nghi can khi bị tạm giam, tạm giữ. Song những người này vẫn phải khai báo về nhân thân của họ như họ tên, ngày tháng năm sinh, trình độ học vấn,nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, địa chỉ nơi sinh sống, nơi làm việc hoặc kinh doanh buôn bán, các tiền sự, tiền án đã mắc phải,v.v… chứ không phải là họ được “quyền im mồm” như ĐB Đương võ đoán! Họ có quyền giữ im lặng, không trả lời và không thừa nhận những cáo buộc mà CQĐT cố tình ép buộc họ phải nhận dù có hay không có mặt luật sư hoặc người làm chứng. QUYỀN IM LẶNG gắn liền với nguyên tắc SUY ĐOÁN VÔ TỘI bảo đảm cho người bị giam giữ không bị ép cung, bức cung và không bị tra tấn hay nhục hình. Nguyên tắc này có tác dụng giúp ngăn chặn tối đa oan, sai. Do vậy khi những người bị tình nghi sử dụng quyền này thì CQĐT, dù muốn cũng không thể thực hiện việc ép cung, bức cung thậm chí tra tấn, nhục hình để buộc họ nhận tội, mà phải bằng các biện pháp nghiệp vụ đích thực nhằm tìm ra và thu thập các chứng cứ, bằng chứng để  chứng minh can phạm đó là thực sự có tội.Đương nhiên, những kẻ phạm tội cũng sẽ được hưởng quy định này. Chắc chắn chúng sẽ lợi dụng quyền này để “im như thóc” nhằm gây khó khăn cho CQĐT. Song ngược lại,trong thực tế của công tác điều tra tội phạm, nhiều khibọn tội phạm cao tay còn “hăng hái hoặc ra vẻ ăn năn hối lỗi”, tự giác và chủ động khai báo để dẫn dắt CQĐT đi theo hướng có lợi cho chúng. Chúng ta nên nhớ, càng là tội phạm chuyên nghiệp, nguy hiểm thì chúng càng gian manh, xảo quyệt, càng khai nhận nhiều để dẫn dắt CQĐT đi lạc hướng, hòng xỏ mũi các cơ quan thi hành pháp luật!Nhưng  dù bọn tội phạm có xảo quyệt, gian ngoan đến đâu cũng không thể che mắt được các CQĐT giỏi, dày dạn kinh nghiệm và có trình độ nghiệp vụ cao. Trước sau các CQĐT này cũng sẽ tìm ra những chứng cứ và bằng chứng để chứng minh nghi phạm nào là thủ phạm thực thụ, buộc chúng không thể quanh cochối cãi mà phải tâm phục, khẩu phục nhận tội trước Tòa!
Trở lại cuộc tranh luận trên diễn đàn Quốc hội về QUYỀN IM LẶNG, số ĐBQH phản đối quy định này, rất may, chỉ là số ít so với số tán đồng. Trong đa số các ĐBQH tán đồng, tôi rất tâm đắc với ý kiến của ĐB Lê Thị Nga. Bà Nga là Thạc sỹ luật học, hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp lý của Quốc Hội. Bà nói (xin trích nguyên văn): “Thực hiện quyền này sẽ giúp giảm tối đa oan, sai. Nếu bỏ lọt tội phạm chỉ sai một lần, thì làm oan sai sẽ nhân đôi số lần sai vì đã bao hàm cả bỏ lọt. Việc dùng mọi biện pháp (kể cả vũ lực) buộc nghi can phải khai nhận tội mà mình không thực hiện, sau đó hợp thức hóa, ngụy tạo chứng cứ cho phù hợp với diễn biến lời nhận tội, rồi lấy đó làm chứng  cứ buộc tội trước Tòa – đây chính là nguyên nhân gốc rễ của những vụ án oan làm chấn động dư luận như vừa qua”.  Có lẽ không chỉ tôi mà rất nhiều cử tri khác không chỉ coi bà Nga là một luật gia giỏi mà còn là một ĐBQH chuyên nghiệp, một Đại biểu thực sự là của dân!
Nguyên tắc SUY ĐOÁN VÔ TỘI gắn liền với quy định QUYỀN IM LẶNG  đã được Liên Hợp Quốc thừa nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền 1948 và Công ước Quốc tế về quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR) năm 1966. Nguyên tắc SUY ĐOÁN VÔ TỘI trong đó bao gồm nội dung QUYỀN IM LẶNG được Nhà nước Việt Nam chúng ta gián tiếp cam kết áp dụng qua việc nước ta gia nhập và phê chuẩn 2 Văn kiện quan trọng này của LHQ vào ngày 24/9/1982.
Chỉ riêng vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn cũng đã quá đủ để cho nghành Tư pháp nước ta rút ra bài học xương máu, nhanh chóng từ bỏ tư duy lạc lõng để chủ động bắt kịp thế giới văn minh, thực thi ngay quy định QUYỀN IM LẶNG và nguyên tắc SUY ĐOÁN VÔ TỘI sau khi được Quốc hội thông qua.  Những người phản đối nguyên tắc nàyđã tự cho thấy rõ họ là ai, và trình độ, tư duy của họ thấp lùn đến mức nào! Thiết tưởng, việc luật hóa để áp dụng và thực thi nguyên tắc này bây giờ cũng đã là quá muộn, song còn tốt hơn là không bao giờ!
Hà Nội, ngày 24/6
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn