Công nhân bị ép nhưng không thể lên tiếng

Nhóm phóng viên tường trình từ VN

clip_image002

Một công ty treo bảng tuyển dụng công nhân sau Tết. RFA photo

Thời giá tiếp tục leo thang, đồng tiền rớt giá và đồng luơng èo ọp không bao giờ đuổi kịp thời giá. Đó là một sự thật cay đắng đối với giới lao động nghèo và những công nhân làm ở các khu công nghiệp tại Việt Nam. Trong thời gian đầu của năm 2016, đã có nhiều cuộc đình công của giới công nhân nhằm phản đối sự bất công trong chế độ lương bổng và những quyền lợi của người lao động. Và tiếng nói của người lao động Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay vẫn lọt thỏm giữa những bất công, chèn ép và nghèo khổ mặc dù họ đã nỗ lực hết sức mình. Vì sao?

Công đoàn và công an không đứng về phía lẽ phải

Một công nhân tên Thiệt, đang làm việc tại khu công nghiệp Tân Thuận, Sài Gòn, chia sẻ: “Lương thì cũng được bốn triệu, năm triệu, đồng lương như vậy thì cũng gói gém thôi chứ không đủ sống. Lúc mới vô lương căn bản được hai triệu mấy, thực lãnh cũng được ba triệu mấy, thì biết bao nhiêu mà đủ, mình phải gói ghém mà tiêu thôi.”

Theo anh Thiệt, sở dĩ người lao động trong các khu công nghiệp tại Việt Nam luôn phải đình công hay biểu tình là vì chế độ lương bổng chưa bao giờ đáp ứng đủ như cầu tối thiểu của họ. Với mức lương dao động từ hai triệu rưỡi đồng cho người mới làm việc đến bảy triệu đồng cho những lao động lâu năm đã lên cấp quản lý nhóm trong lúc giá điện, giá nước, tiền học phí cho con cái và chi phí đi lại, ăn uống hằng ngày luôn vượt quá số tiền lương vốn ít ỏi.

Hơn nữa, chính sách về lương do nhà nước qui định cũng như luật lao động Việt Nam không bao giờ bảo vệ được cho người lao động nếu không muốn nói là những chính sách này luôn đẩy người lao động về phía thế kẹt, chịu thiệt thòi. Nghĩa là mọi qui định về hợp đồng, cam kết hầu như có lợi cho giới chủ công ty.

Chính vì kiểu làm luật lập lờ và không rõ ràng, tạo ra nhiều kẽ hở để giới chủ buộc thế công nhân khi ký hợp đồng. Nên làm việc, công nhân chỉ có một lựa chọn duy nhất là làm và làm, miễn sao đừng bị chủ quở trách, tăng ca liên tục nhưng đồng lương vẫn thiếu trước hụt sau mà không dám thắc mắc hoặc yêu cầu gì bởi chỉ cần lên tiếng sẽ bị đuổi việc. Bên cạnh đó, nếu có một chỉ thị tăng lương tối thiểu cho người lao động thì chắc chắn phía chủ công ty sẽ có cách để giảm một số khoản tiền như bồi dưỡng tăng ca, chi phí độc hại, thậm chí bảo hiểm xã hội. Và cuối cùng, đồng lương tăng chẳng là bao nhiêu so với trước.

Trường hợp của các công nhân công ty Nissey tại khu công nghiệp Tân Thuận, Sài Gòn vì công ty này đã cắt giảm phụ cấp hai trăm ngàn đồng trên một tháng của công nhân để rồi sau đó tăng lương theo chỉ thị nhà nước với mức hai trăm bốn tám đến hai trăm sáu tám ngàn mỗi tháng là một điển hình.

Anh Thiệt cho rằng sở dĩ người lao động luôn bất mãn và luôn đình công, biểu tình bởi vì hai nguyên nhân chính, đó là các cán bộ công đoàn không những đứng về phía người lao động mà lại đứng về phía giới chủ. Bởi tất cả những gì công đoàn hành xử với người lao động bấy lâu nay đều có chung chủ đích là làm cho công nhân quên đi nỗi bất bình do bị thiệt thòi và cảm thấy sợ hãi giới chủ cũng như công đoàn. Họ luôn làm cho công nhân lo sợ mất việc nhiều hơn là an tâm để làm việc.

Bên cạnh sự thiếu vắng tiếng nói bảo vệ người lao động từ phía công đoàn nhà nước, sự lơ là của công an và đội ngũ này luôn đứng về phía giới chủ cũng là một sức ép lớn khiến người lao động Việt Nam luôn sống và làm việc trong môi trường lo lắng và sợ hãi. Sợ bị đuổi việc, sợ bị trừ lương, sợ bị gài thế để vào đồn công an.

Nghĩa là hầu hết các cuộc đình công hay biểu tình của người lao động nhằm phản đối sự bất công trong chính sách lương, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… đều có thể bị đánh tráo thành “gây rối trật tự công cộng” hoặc “tập trung gây ảnh hưởng đến môi trường lao động chung, cản trở giao thông”… Và công an có thể bắt nóng một số người khiến cho cuộc đình công, biểu tình bị gián đoạn hoặc chấm dứt.

Người lao động giữa trùng vây khốn khó

Chị Tuyết, một công nhân người Quảng Trị, đang làm việc tại khu công nghiệp Tân Thuận, Sài Gòn chia sẻ: “Thì hồi xưa làm dưới Bình Dương rồi chuyển lên Đồng Nai rồi lên Sài Gòn theo chồng. Không có bảo hiểm xã hội vì mình làm vài ngày rồi họ ký hợp đồng thử việc hai tháng rồi mới ký hợp đồng chính thức nhưng họ có ký đâu. Ra Tết thì mình tìm chỗ khác, họ ra khỏi thì mình vào, mình ra thì họ vô thế chỗ của mình, thì cứ đuổi qua đuổi về rứa đó!”

Theo chị Tuyết, mức lương hiện tại không những không đủ trang trải cho các sinh hoạt hằng ngày, tiền nhà trọ và cho con đi học mẫu giáo mà ngay cả chế độ bảo hiểm cho người lao động cũng có lắm vấn đề để nói. Trong đó vấn đề thuốc quá hạn, khám chữa bệnh qua loa và người lao động muốn được cấp thuốc tốt thì phải bí mật nhét phong bì vào túi nhân viên y tế, hoặc những bữa cơm trưa mà người lao động chỉ dám nuốt vội để có cái trong bụng mà làm việc tiếp.

Chị Tuyết nói rằng nếu kể về nỗi khổ của người lao động trong các khu công nghiệp thì có lẽ đây là câu chuyện dài. Bởi đã sống từ Bình Dương đến Đồng Nai và Sài Gòn, dịch chuyển qua nhiều khu công nghiệp để tìm việc vì nhiều lý do, trong đó có lý do bị cắt hợp đồng sau mỗi dịp Tết vì hết việc làm, chị nghiệm ra được một vấn đề mà theo chị là giống như một chân lý. Đó là người lao động chỉ có hai lựa chọn, hoặc là nghỉ việc đi tìm một nơi làm khác nếu không hài lòng về nơi đang làm, hoặc là đấu tranh để tìm ra lý lẽ và sau đó cũng nghỉ việc.

Nhưng có vẻ như cả hai lựa chọn này đều dẫn đến một kết quả chung là người lao động bị mất việc và mọi chế độ lương bổng, đền bù hay bảo hiểm xã hội đều bị cắt. Với kinh nghiệm sáu lần bị công ty cắt hợp đồng sau Tết với lý do thiếu việc làm và không giải quyết bất kỳ khoản bảo hiểm xã hội nào và cũng không biết kiện ai vì ngay cả công đoàn công ty cũng cho chị biết là thời gian làm việc của chị chưa đủ tích lũy cho bảo hiểm xã hội. Để rồi sau khi số công nhân làm việc một năm giống chị bị cắt hợp đồng, công ty lại tuyển số công nhân khác vào làm việc để Tết năm sau lại cắt hợp đồng.

Chị Tuyết cay đắng nhận ra là hầu hết người lao động ở các công ty, các khu công nghiệp đến rồi đi nhưng công đoàn thì ở lại. Chính vì công đoàn là kẻ ở lại nên công đoàn luôn gắn bói với giới chủ. Và giới chủ cũng luôn ưu ái cho công đoàn nhà nước thông qua các khoản phụ thu. Trong các khoản phụ thu này, có cả chi phí quản lý công nhân và điều hợp, thương lượng với công nhân một khi có cuộc đình công, biểu tình phản đối giới chủ.

Còn với người lao động, công đoàn đáng sợ hơn mọi thứ. Bởi mọi cuộc biểu tình hay đình công của công nhân đều có nguyên nhân từ chỗ công đoàn không nói được tiếng nói của người lao động, không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người lao động. Ngay cả những bữa cơm thiếu thốn dinh dưỡng và thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chị Tuyết cho rằng công đoàn vẫn cử người xuống quan sát, giám sát nhưng dường như họ không có ý kiến gì. Thậm chí cán bộ công đoàn còn trở thành người bảo vệ cho giới chủ, cho các nhà thầu cung cấp cơm trưa cho công nhân.

Vì không có công đoàn bảo vệ, công an lại bảo vệ cho giới chủ và sẵn sàng dập tắt mọi cuộc biểu tình, đình công của giới lao động. Điều này đã đẩy người lao động vào chỗ bốn bề khốn khổ trùng vây. Từ vật giá leo thang, đồng lương ít ỏi, lương tâm giới chủ có vấn đề, công đoàn không có trách nhiệm, công an trở thành cánh tay nối dài của giới chủ… Người lao động Việt Nam vẫn chưa tìm ra lối thoát!

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/workers-be-forced-but-can-not-to-speak-ttvn-03282016090817.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn