“Được lòng dân thì mất lòng quan”

Phương Loan

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình kể, khóa 10, ông phát biểu gay gắt về chống tham nhũng, nhưng gần đây hạn chế hơn. “Không đổ lỗi cho khách quan, nhưng mình nói người ta có tiếp thu?”.
Từ ông Dương Trung Quốc đến ông Lê Quang Bình, người nào cũng nhìn thấy lề lối làm việc của QH là chưa ổn. Thực chất của những điều chưa ổn này là ở chỗ, QH chỉ là để làm vì chứ “quyết” lại là ở phía sau sân khấu. Mà phía sau sân khấu là cả một “lâu đài” nói theo Franz Kafka. Thế thì dân còn nhờ cậy vào đâu nữa. Cứ chờ đấy mà xem các khóa QH sau sẽ “cải tiến” được những gì. Hay là lại sẽ có những ông Dương Trung Quốc, Lê Quang Bình mới, để rồi đến khi mãn khóa các ông ấy sẽ lại dốc những bầu tâm sự khiến người nghe chỉ còn biết… tắc lưỡi và kính trọng.
Bauxite Việt Nam
Nếu được chọn, tôi đã không ra QH


ĐBQH Lê Quang Bình
Cả một đời gắn bó với trận mạc, từ chiến trường Quảng Trị đến Mậu Thân, Nam Lào, Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh đến chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Đến khi vào QH, ông có gặp khó khăn gì không?
Cả đời tôi quen cuộc sống và tác phong người lính. Tham gia QH là do quân đội cử, Đảng phân công, dân bầu thì làm. Còn nếu được chọn, cá nhân tôi sẽ không chọn ra QH.
Cuộc sống người lính tuy gian khổ, hy sinh, nhưng chức trách, quyền hạn rõ ràng, có trên có dưới, có điều lệ, kỷ cương. Ra QH, cái lợi là tôi có điều kiện tiếp cận thông tin nhiều, rộng hơn, có điều kiện đi một số nước, tầm nhìn rộng ra cả thế giới, nhưng ở QH khó làm việc.
Tâm tư mình muốn làm cho tốt nhưng nhiều lúc không dễ. QH là cơ quan quyền lực cao nhất, luật của chúng ta nói thế. Nhưng làm cho đúng luật khó lắm.

Khó như thế nào và do đâu, thưa ông?
Luật của ta quy định QH là cơ quan quyền lực cao nhất, với rất nhiều nhiệm vụ cũng là quyền: làm và sửa Hiến pháp, luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cả đối nội và đối ngoại; giám sát tối cao toàn bộ bộ máy nhà nước. Thế nhưng, thực tế, từng công việc cụ thể thế nào lại không rõ.
Như ở lĩnh vực quốc phòng – an ninh, từ Hiến pháp đến luật đều nêu chung chung. Cái cụ thể, có khi Đảng ra nghị quyết, có khi luật không quy định cụ thể, giao Chính phủ quy định, thế nhưng quy định thế nào Ủy ban không được biết.
Đi làm nhiệm vụ giám sát, nhưng soi vào luật, luật chung chung, còn quy định cụ thể mình lại không được biết, thì thử hỏi, giám sát thế nào?
Trước khi tham gia QH, ông đang là Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 3 ở Tây Nguyên. Công việc của một Tư lệnh Quân đoàn và một Chủ nhiệm Ủy ban giống và khác thế nào, thưa ông?
Tư lệnh hay Chủ nhiệm thì vẫn vì mục tiêu chung, vì lợi ích dân tộc, trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật mà thôi.

"Tâm tư mình muốn làm cho tốt nhưng nhiều lúc không dễ." - ĐBQH Lê Quang Bình
Thế nhưng, trong quân đội, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, còn ở QH, QH không phải là cấp trên của ai. Hiệu lực và hiệu quả quản lý vì thế khác nhau.
Trong quân đội, vào chiến dịch, cấp trên giao rất rõ đến thời gian nào thì phải giải phóng được một thành phố hay tiêu diệt được một đơn vị địch. Trong khoảng thời gian đó, quy định rất rõ cần bao nhiêu quân, súng đạn, xe pháo. Chiến thắng, thưởng huân chương, thất bại, anh mất chức.
Ra ngoài này, công việc hay đấy, nhưng khi làm mới thấy khó. Tôi làm QH đã gần 3 kì, mà có thêm vài kì nữa, làm tốt cũng chẳng ai khen. Cái khuyết cũng rất ít, mà chủ yếu do mình tự nhận.
Nói là bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng từ khi ban hành quy định đến nay, ta có làm được đâu, dù chỉ để tham khảo.
“Bắc gạo chờ cơm người”
Còn nhớ kỳ họp trước, ông lên tiếng “đòi” Chính phủ gửi báo cáo cho QH và các ĐBQH  về các dự án bô-xít ở Tây Nguyên. Việc phải đi đòi như thế có thường xảy ra không, thưa ông?
Chuyện yêu cầu Chính phủ như vậy là thường. Chương trình xây dựng luật do Chính phủ đưa ra, trình với QH. Thế nhưng, để thực hiện chính chương trình ấy, QH thường xuyên phải đôn đốc, “đòi nợ”.
Phần nhiều, QH không có tài liệu mà làm. Các UB đến ngày họp mới có tài liệu. Đến Thường vụ cũng thế.

"Chúng tôi thường đùa, làm đại biểu là “bắc gạo chờ cơm người”. Có lúc Ủy ban dài cổ ngồi chờ, bày việc khác ra mà làm. Khi có tài liệu thì lại làm ngày làm đêm".
Chúng tôi thường đùa, làm đại biểu là “bắc gạo chờ cơm người”. Có lúc Ủy ban dài cổ ngồi chờ, bày việc khác ra mà làm. Khi có tài liệu thì lại làm ngày làm đêm.
“Nhiều khi, ngày mai Ủy ban họp để thẩm tra thì hôm nay các bộ mới chuyển tài liệu đến. Nếu không có quá trình nghiên cứu, thu thập trước đó, đến cuộc họp mới nhận được tài liệu thì đến đọc văn bản cũng chưa chắc đã hết chứ nói gì đến có ý kiến phản biện. Chúng tôi có nói vui với nhau là Ủy ban phải vừa chạy vừa xếp hàng.”
- Trịnh Huy Quách (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn)
Sát kỳ họp, cuối cùng các Ủy ban cũng nhận được, nhưng không có thời gian, thẩm tra, vì thế không sâu được.
Có người nói, với cách làm luật hiện nay, quyền, lợi của bộ, ngành được “cài” vào trong luật. Thời gian thẩm định như thế, làm sao các Ủy ban gạn được những lợi ích riêng đó?
Đúng là Chính phủ xây dựng luật, lại giao về một bộ cụ thể. Bộ lắm việc, giao cho vị Thứ trưởng nào đó, rồi rút cuộc, nó chạy về một vụ chức năng nào đó. Ban soạn thảo luật đông nhưng thực tế có mấy người làm!
Người ta được giao làm luật như thế, thì cố nghĩ làm thế nào để được nhiều quyền nhất, lợi nhất và ít trách nhiệm nhất.
Ở Chính phủ có Bộ Tư pháp canh cửa, kiểm tra. QH cũng có cơ quan chủ trì, phối hợp thẩm tra, điều hòa các vấn đề đó.
Đã tính hết, nhưng thực tế, ta vẫn còn nể nang nhau. Tình trạng phổ biến vẫn là bộ nào chủ trì thì giành nhiều quyền hơn, trong khi nghĩa vụ, trách nhiệm đẩy cho người khác.
Thời gian từ lúc trình đến lúc thông qua ngắn, nên chất lượng luật không cao được.
Không biết khi nào hết ‘mật’
Quay trở lại câu chuyện làm ĐBQH. ĐBQH có nhiều kênh khác nhau để thông tin, nhưng dân hầu như chỉ biết hoạt động của đại biểu do mình bầu ra qua phát biểu ở Hội trường?
Đi tiếp xúc cử tri, tôi thấy người dân theo dõi kỹ hoạt động của đoàn ĐBQH. Cử tri Thanh Hóa rất khen ĐB Lê Văn Cuông dám nói, chịu nói. Họ cũng phê bình, nhắc đại biểu không thấy phát biểu, thậm chí ngồi ngủ gật.
Họ chú ý các hình ảnh của đoàn xuất hiện trên truyền thông, nhất là các gương mặt ĐBQH.
Cử tri theo dõi đại biểu chỉ qua kênh đó. Còn hàng ngày, hàng tháng, người dân không biết đại biểu làm gì, trừ các đợt tiếp xúc cử tri và các kì họp.

"Không biết khi nào hết "mật"" - ĐBQH Lê Quang Bình
Thế nhưng, có nhiều đại biểu nghe, đọc nhiều lắm nhưng lại đem nói ở chỗ khác, không ở Quốc hội.
Vả lại, đại biểu còn nhìn nhau. Nhiều Bộ trưởng, Ủy viên Thường vụ có tư tưởng nói làm gì, bởi dự nhiều cuộc họp, nói nhiều, phát biểu ở QH cũng không có gì khác.
Khóa 10, tôi phát biểu gay gắt về chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng gần đây hạn chế hơn. Không đổ lỗi cho khách quan, nhưng mình nói người ta có tiếp thu?
Đại biểu dựa vào bằng chứng trên báo chí, nhưng có lúc báo đăng đúng, lúc chưa, dẫn tới chỗ người ta đánh giá thiếu ý thức chính trị, thông tin thiếu cơ sở. Phức tạp lắm!
Là đại biểu là phải nói nhưng nói gay gắt một tí, tâm lý lãnh đạo của ta chưa quen.
Vẫn có số ít người không muốn cho ĐB phát biểu. Có người phát biểu trên hội trường, bị lãnh đạo tỉnh đó gọi lên nhắc nhở phát biểu cẩn thận.
Nhiều ĐB trăn trở, muốn làm cho tốt, nhưng để làm được còn nhiều ràng buộc, mà trước hết là ràng buộc ngay ở chính mình, mình không thoát ra được.
Thế nên, nói hay không nói là trăn trở chung của đại biểu. Như nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An từng nói: vấn đề nêu lên “được lòng dân thì mất lòng quan”.

"Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An từng nói: vấn đề nêu lên “được lòng dân thì mất lòng quan”".
Đương nhiên, ở QH, đại biểu phải nói. Nhưng ai cũng bảo việc nói hay không nói đều vì dân, bởi họ bảo, không nói vì ổn định xã hội cũng là vì dân, khuấy vấn đề lên là mất lòng dân!
Cái gì công khai, cái gì mật, cái gì nội bộ trong nhà bảo nhau, cái gì xử lý công khai không rõ, làm khó đại biểu. Cứ như trong quân đội, giai đoạn chuẩn bị cho một trận đánh là mật, nhưng nổ súng rồi thì công khai hết. Ở QH, không biết lúc nào là hết mật.
Quyết theo phong trào
Chuyện quyết ở QH thì sao, thưa ông?
ĐB còn nể nang khi quyết. Chuyện mở rộng Hà Nội là ví dụ cụ thể.
Nếu được bàn, trình sớm, có thời gian để nghiên cứu, tính kỹ, có thể kết quả lá phiếu sẽ khác. Để chất lượng quyết định đúng thì nên có thời gian. Sát kỳ họp mấy ngày mới có tờ trình, Ủy ban Pháp luật gấp gáp thẩm tra ngoài giờ, trình ra QH cũng gấp.
Xem xét Luật Thủ đô sắp tới cũng vậy. Đưa mục tiêu thông qua trước lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, thông qua ngay như vậy phải chuẩn bị kỹ.
Theo ông, ĐB muốn quyết được và quyết có chất lượng thì cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Một là, chất lượng đại biểu phải nâng. Cơ cấu cũng cần tính nhưng phải lấy chất lượng làm chính. Quyết việc hệ trọng quốc gia mà chất lượng ĐBQH không cao, làm sao quyết được!
Tiếng nói của ĐBQH phải nặng. Ở địa phương mà đến anh Giám đốc sở đại biểu cũng không đụng đến thì làm đại biểu thế nào?
Hai là, QH phải có đủ thời gian để thẩm định, thẩm tra. Dự thảo phải gửi trước đến các đại biểu. Cần thiết và có điều kiện thì đưa ra lấy ý kiến cử tri, sau đó mới trình.
Khi chất lượng không cao, thời gian chuẩn bị ngắn, đại biểu sẽ quyết theo phong trào.


"Điều trăn trở nhất là làm sao QH có thực quyền, hoạt động có chất lượng, không hình thức".
Điều ông trăn trở nhất là gì?
Là làm sao QH có thực quyền, hoạt động có chất lượng, không hình thức.
3 kỳ tham gia QH, tôi thấy QH cũng đã đổi mới từng bước, nâng chất lượng.
Như trong chất vấn, ở khóa 10 còn khó lắm. Thủ tướng không bao giờ ra chất vấn, chỉ phát biểu ý kiến với tư cách lãnh đạo, chứ không phải báo cáo với những người bầu ra mình. Bây giờ thì khác…
Tiến bộ là thế, nhưng để QH làm cho đúng chức năng cơ quan quyền lực cao nhất thì còn khó.
Theo ông, phải làm gì để QH có thực quyền?
Trước hết là phải nâng cho được chất lượng đại biểu.
Và quan trọng hơn, Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo, biết lắng nghe ý kiến ĐBQH, và QH trước khi quyết.
Hỏi ý kiến QH, lắng nghe, để rồi cuối cùng Đảng quyết định cũng không hề làm mất vai trò của Đảng.
Ví dụ chuyện mở rộng Hà Nội, sẽ hay hơn nếu giao cho Chính phủ trình sớm văn bản được soạn thảo kỹ lưỡng, cẩn thận, để QH thảo luận dân chủ, Đảng lắng nghe cho hết lý lẽ, góc cạnh rồi khi ấy, Đảng mới ra Nghị quyết, lãnh đạo QH quyết theo chủ trương đã được bàn thảo đó.
Chuyện nhân sự nay mai cũng thế. QH bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, UBTV QH, phê chuẩn các thành viên Chính phủ.
Nên chăng, Đảng ra tiêu chuẩn, tiêu chí, thậm chí có thể cả con người cụ thể nữa, nhưng không nên đưa cứng, để QH tham gia thảo luận. Trung ương và Bộ Chính trị lắng nghe, thăm dò, và chỉ sau đó mới ra quyết định. Sau đó QH bầu theo Nghị quyết của Đảng.
Làm được điều đó, QH sẽ tiếp tục phát triển, đổi mới, tăng chất lượng và hiệu quả hoạt động.
  • Bài: Phương Loan – Ảnh: Lê Anh Dũng
Nguồn: daibieuquochoi.vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn