Trung Quốc vươn ra biển trong tranh chấp với Nhật

Peter J. Brown

Cymbidium, X-Cafe chuyển ngữ
Việc Việt Nam đệ trình giới hạn thềm lục địa 200 hải lý của nước mình lên Liên Hợp Quốc là một hành động dũng cảm, khuyến khích Nhật Bản cũng đệ trinh chủ quyền hòn đảo Okinotori của họ lên Liên Hợp Quốc. Theo ông Peter J. Brown, Nhật Bản hiện nay ở trong tình trạng biết ơn Việt Nam, dù một cách gián tiếp, vì Việt Nam đang vạch trần những mâu thuẫn kỳ quặc mà họ đã khám phá trong trường hợp Trung Quốc đối với Nhật Bản. Rõ ràng Biển Đông là vấn đề ở đâu Trung Quốc cũng gặp rắc rối mà lại cứ đòi giải quyết song phương chứ không “quốc tế hóa” thì liệu có lấy thế đè người mãi được không?
Bauxite Việt Nam
Quốc khi
Dù chỉ là một cặp đảo tí hon nằm cách thủ đô khoảng 1.770 ki lô mét về phía Nam và có địa chỉ bưu điện ở Tokyo, đảo Okinotori của Nhật trở thành điểm tranh chấp với Trung Quốc.
Trung Quốc từ chối cho Okinotori là một hòn đảo và thay vào đó, họ gọi nó là đá san hô vòng, đá san hô ngầm, hay đơn giản là tảng đá. Làm như vậy, Trung Quốc hy vọng làm tắc nghẽn dự định của Nhật tạo nên vùng đặc quyền kinh tế ở nơi đó. Tranh chấp về đảo Okinotori, mà người Nhật gọi là Okinotorishima vẫn dai dẳng vì nó liên quan đến quan ngại chiến lược và chủ quyền trên tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng có diện tích gần tương đương với tổng số mặt đất của bốn đảo chính của nước Nhật.
Tại một hội nghị về phát triển tài nguyên dưới đáy biển được tổ chức ở Đại học Kyushu vào tháng 12 trước, những chuyên gia từ Trung Quốc, Nhật, và Nam Hàn có đề cập đến đáy biển giàu chất kim loại cô-ban và măng-gan chung quanh Okinotori. Dù Trung Quốc cũng thường nhắc đến “tài nguyên thiên nhiên phong phú” trong vùng nhưng các chi tiết không được biết đến.
Ở Hội nghị Biển Đông Á tại Manila vào tháng 11 năm ngoái, đệ trình của Nhật lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Giới hạn thềm lục địa (United Nations Commission on the Limits of the Continental Shelf, CLCS) vào tháng 3 năm 2009 được đem ra bàn thảo. Hồ sơ này đề cập đến bảy vùng biển giữa Nhật và Phi Luật Tân bao gồm 740.000 ki lô mét vuông. Ngoài khả năng tranh chấp chung với Hoa Kỳ và Cộng hòa Palau không liên quan đến Okinotori, Nhật phải giáp mặt với cả Trung Quốc lẫn Nam Hàn, hai quốc gia đệ đơn thưa lên CLCS vì những hành động của Nhật ở đảo Okinotori.

Khi Đảng Dân chủ dẫn đầu bởi Thủ Tướng Yukio Hatoyama lên cầm quyền năm ngoái, họ tuyên bố ngay lập tức là Nhật sẽ bỏ ra 7 triệu đô la vào năm 2010 để xây một căn cứ trên đảo Okinotori với hy vọng thiết lập một thế đứng nữa trên đảo. Ngân khoản này trông có vẻ như là một số tiền to tát, nhưng nó chỉ đại diện cho dưới 3 phần trăm tổng số mà Nhật đã chi phí từ trước đến nay để duy trì cái đảo xa xôi này. Trong hai thập niên vừa qua, Nhật đã tiêu hơn hai trăm triệu đô la.
Nhật Bản hiện nay ở trong tình trạng biết ơn Việt Nam, dù một cách gián tiếp. Trong giây phút này, Việt Nam đang vạch trần những mâu thuẫn kỳ quặc mà họ đã khám phá trong trường hợp Trung Quốc đối với Nhật Bản.

Việt Nam, cùng với các quốc gia Đông Nam Á khác đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc trong vùng Nam Hải. Năm ngoái vào cuối tháng 8, Chính phủ Việt Nam nộp bản tường trình quốc gia cho CLCS về giới hạn hải phận của họ “tại 200 hải lý cách bờ biển quốc gia trong vùng phía Bắc Biển Đông (tên người Việt đặt cho Nam Hải).
Việt Nam và Mã Lai cũng đệ trình thông cáo chung lên CLCS về hải phận của hai nước “tại 200 hải lý cách bờ biển trong vùng phía Nam Biển Đông”.
Bản tường trình quốc gia của Việt Nam và bản tường trình chung của Việt Nam và Mã Lai có trước khi Quốc hội Nhật phê chuẩn một đạo luật trong năm 2010 cho phép Chính phủ trung ương quản trị và kiểm soát đảo Okinotori và xa hơn nữa, đảo Minamitori về phía Đông Nam của Tokyo, xa hơn đảo Okinotori khoảng 290 cây số.
Trong khi Trung Quốc cho những hành động của Nhật là không đúng luật, họ lại lo lắng nhìn lén về phía Việt Nam gan dạ hơn.
Phát ngôn viên Giang Dư của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trong buổi họp báo vào tháng Giêng “Xây hạ tầng cơ sở sẽ không thay đổi vị thế pháp lý của đá san hô ngầm Okinotori và điều đó vi phạm luật hàng hải quốc tế”.
Nhật công bố chủ quyền trên đảo Okinotori, còn được gọi là Đảo san hô Douglas hay Parece Vela vào năm 1931 như là một phần của làng Ogasawara thuộc về địa phận Tokyo, và chính thức đặt tên đảo là Okinotorishima.
Giáo sư Peter Dutton của Viện Hàng hải học Trung Quốc thuộc về Đại học Hải chiến Hoa Kỳ cho biết “Việc Nhật khai thác vùng đặc quyền kinh tế và hải phận chung quanh đảo Okinotorishima được dựa trên vài yếu tố. Thứ nhất, các học giả Nhật xác nhận Okinotorishima là một đảo hội đủ điều kiện dưới Quy ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (United Nations Convention on the Law of the Sea, UNCLOS) như là vùng đặc quyền kinh tế và hải phận ở điểm là nó có sinh hoạt kinh tế mặc dù diện tích trông có vẻ không rộng hơn 10 mét vuông khi thủy triều lên cao”.
“Trong tình trạng hiện tại của luật quốc tế, lý lẽ này giỏi nhất chỉ được ủng hộ một cách yếu ớt. Chính phủ Nhật dường như nhận ra điều này và bắt đầu tìm một căn bản pháp lý thứ nhì, đó là Nhật đã có những liên quan lịch sử lâu đời trên đảo Okinotori, các vùng biển kế cận, và những tài nguyên dưới đáy biển chung quanh. Theo quan điểm của Nhật, những liên quan này đã tích tụ theo thời gian để trở thành quyền lợi được pháp luật bảo vệ”.
Trung Quốc dựa vào Điều số 121 của Quy ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mà nó định nghĩa đảo là “khu đất được thành lập một cách tự nhiên, bao quanh bởi biển, và ở trên mặt nước khi thủy triều lên cao”. Theo điều khoản này, Trung Quốc xem Okinotori như là một tảng đá – đá không thể duy trì sự cư trú của con người hay đời sống kinh tế – vì một tảng đá chính nó không thể được dùng để xác nhận vùng đặc quyền kinh tế hay sự tiếp nối của hải phận dưới nước trong vùng biển tương đối nông.
Với hành động như thể là một pháp nhân dưới Quy ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, Trung Quốc bỗng dưng mở ngỏ cửa cho Việt Nam, và Việt Nam chộp lấy ngay cơ hội.
Tầm quan trọng chiến lược của đảo Okinotori không thể không gây chú ý vì nó nằm tại trung điểm của hải lộ giữa hai căn cứ quân sự Hoa Kỳ khổng lồ trên đảo Guam và Đài Loan. Trong khi quyền lợi chiến lược đối nghịch của Trung Quốc và Nhật đưa đẩy vụ tranh chấp này, nhu cầu hải hành tự do của Trung Quốc càng ngày càng gia tăng.
GS Dutton nói “Trung Quốc hay dùng tiểu xảo pháp lý để bất hợp thức hóa các chiến dịch quân sự ngoại quốc trong vùng đặc quyền kinh tế ở các quốc gia duyên hải. Trung Quốc chống đối những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ được dựa trên quan điểm pháp luật này. Mặt khác, trong khi lực lượng hải quân của họ đã gia tăng trong hai thập niên qua, chiến lược làm chủ kết quả biến cố trong toàn Đông Á của Trung Quốc trong lúc khủng hoảng cũng thay đổi. Trong thời gian khủng hoảng, Trung Quốc có tham vọng thách thức các lực lượng hải quân bên ngoài để dành kiểm soát vùng biển giữa chuỗi đảo thứ nhất và thứ nhì” (Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải. Chuỗi đảo thứ nhì bao gồm Biển Nhật, Phi Luật Tân và Indonesia).
Nói theo một cách tối thiểu, điều này đưa Trung Quốc vào một vị trí khó xử.
GS Dutton nói “Để phù hợp với lời yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt mọi hành động quân sự trong và ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không thể thi hành những hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật chung quanh đảo Okinotori. Vì lý do đó, để bảo vệ quyền lợi bảo an của họ, Trung Quốc từ chối công nhận chủ quyền của Nhật”.
Trước nước cờ của Việt Nam, mục đích chính của Nhật là lịch sự làm ngơ những phản đối của Trung Quốc, và điều tiên quyết là bảo đảm làm cách nào đảo Okinotori không chìm dưới biển.
Yukie Yoshikawa, nhà nghiên cứu thâm niên tại Trung tâm Reischauer về Đông Á ở Washington, DC cho biết “Bản chất của vụ tranh chấp không thay đổi. Nhật đang trồng san hô trên đảo Okinotori để giữ tình trạng ‘đảo’, trong khi Trung Quốc tiếp tục chỉ trích và khẳng định là đó là ‘cục đá’ để không cho Nhật thiết lập vùng đặc quyền kinh tế”.
Trồng san hô chỉ là một trong những biện pháp mới nhất của Nhật, nó bao gồm đổ hàng tấn xi măng trị giá 280 triệu đô la để bọc hai đảo con và dùng lưới bằng kim loại titan trị giá 50 triệu để bao chúng lại.

Vào năm 2005, Nhật dựng một tấm biển to ghi địa chỉ để ai đặt chân lên đảo cũng biết ngay là mình đến “Số 1, Đảo Okinotori, Làng Ogasawara, Tỉnh Tokyo.” Ngay sau khi tấm biển được dựng lên, Thống đốc Tokyo, ông Shintaro Ishihara được chụp ảnh đang phất cờ và hôn tấm biển. Lúc đó ông có đeo áo phao nổi.
Việt Nam lắc đầu chán nản khi Trung Quốc cố gắng thuyết phục cả Á Châu là những gì Nhật đang làm thật sự mang nguy hại đến các quốc gia láng giềng của họ.
Wang Hanling, một chuyên gia về môn hàng hải và luật quốc tế tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc nói “Nếu cố gắng của Nhật thành công, những quốc gia khác sẽ không được phép đánh cá hay chia sẻ tài nguyên thiên nhiên trong vùng mà hiện nay được xem như hải phận quốc tế. Ngoài ra, đối với những quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Nam Hàn, tự do hành hải của các tàu bè dọc theo những hải trình chính trong vùng sẽ bị cản trở. Điều đó sẽ tạo ra rủi ro cho an ninh quốc gia của họ”.
Khi đối phó với Nhật, đôi khi Trung Quốc còn nêu lên vấn đề công bằng, một chiến thuật phải làm Hà Nội phì cười.
Jin Yongming, một nhà khảo cứu tại tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Thượng Hải nói “Sự công nhận chủ quyền của Nhật trên Okinotori mà nó nằm giữa Đài Loan và Guam là nhằm vào vị trí có tính cách quan trọng chiến lược cho lợi ích của Nhật. Nhưng nước cờ này gây tổn hại đến quyền lợi hải hành và hải hình của các quốc gia khác trong vùng biển chung quanh đảo Okinotori, và điều này đi ngược lại với nguyên tắc công bằng”.
Lý do tại sao Trung Quốc bắt đầu nhận thức ra là thái độ mà họ dùng trong trường hợp này có thể có tác động ngược đang trở nên càng rõ ràng. Việt Nam vẫn khai có chủ quyền trên Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là đảo Tây Sa ở Nam Hải, trong khi Trường Sa, hay Trung Quốc gọi là Đảo Nam Sa đều bị Trung Quốc, Việt Nam, Phi Luật Tân, Brunei và Mã Lai khai có chủ quyền.
Vào đầu năm 2009 hoặc có thể trước đó, Việt Nam bắt đầu phá đổ lập luận “đá san hô và đảo” được Trung Quốc đưa ra cho là theo đúng thủ tục Quy ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển trong vụ chống đối Nhật. Thế thì chẳng khác gì VN nói “Trung Quốc, khoan đã, anh đi ngược lại chính cái mà anh đang cãi về chủ quyền của chúng tôi ở Biển Đông”.
Theo Việt Nam, lúc thì Trung Quốc bảo Okinotori không thể là vùng đặc quyền kinh tế hay dùng để xác định hải phận vì nó là đảo san hô vòng, đá san hô ngầm, hay tảng đá và không có một đời sống kinh tế tự lập. Nhưng lúc khác, Trung Quốc lại cho “những quần đảo” ở Biển Đông tất cả đều có đời sống kinh tế tự lập để họ có thể bào chữa cho đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế và hải phận rộng 200 hải lý bao gồm 80 phần trăm Biển Đông của họ.
Tất cả đều không đúng, hay không đến cái giới hạn mà nó cho phép Trung Quốc tiếp tục con đường họ đang đi. Chủ quyền của các đảo trong Biển Đông thật ra không phải là điều thiết yếu cho kết cục vì Việt Nam cho rằng “Không một quốc gia nào có thể khai chủ quyền trên 80 phần trăm Biển Đông dựa trên lời khai có chủ quyền trên các đảo này”.
Nói cách khác, nếu nhìn kỹ, ai cũng có thể khám phá hàng chục Okinotori tí hon rải rác khắp Nam Hải. Trung Quốc chỉ hy vọng là thế giới còn lại – hay ít ra cái thế giới còn lại đang theo dõi Trung Quốc đang phá Nhật – sẽ làm lơ.
Dutton cho biết “Hình như Việt Nam đang đánh tiếng là họ sẽ hài lòng nếu có chủ quyền trên các đảo và sẽ để yên hầu hết Nam Hải làm hải phận quốc tế. Cái ẩn ý của quan điểm của Việt Nam là họ được củng cố chủ quyền của họ trong khi Trung Quốc không có, và hầu hết Nam Hải sẽ tiếp tục để cho tất cả các quốc gia đến đánh cá hay khai thác tài nguyên dưới đáy biển. Điều này không phải là chủ đích đòi hỏi chủ quyền trên Nam Hải của Trung Quốc”.
Trong cùng lúc đó, nếu Trung Quốc đang cố gắng phản công cái sách lược thông minh của Việt Nam này thì cố gắng của họ không được hiệu nghiệm cho lắm. Thật ra, ở đây, Trung Quốc có vẻ đang làm ngơ Việt Nam.
Dutton tiếp “Cương vị này tạo thêm một khó khăn cho Trung Quốc mà họ vẫn chưa bắt đầu giải quyết một cách công khai”.
Quyết định của Bắc Kinh xây một khu nghỉ mát hạng sang trên Hoàng Sa ở Nam Hải cũng không giúp được gì. Yoshikawa nói “đầu tháng Giêng 2010, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy dự án mà họ cho là tạo nên căng thẳng và làm tình trạng thêm phức tạp”.
Tuy thế, khi Chen Bingde, tổng tư lệnh Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc và thành viên của Ủy ban Quân sự trung ương gặp Nguyễn Chí Vinh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ở Bắc Kinh vào đầu tháng 3, không ai nói về sự tranh chấp này, ít ra là không công khai.
Trung Quốc rất siêng năng về những vấn đề hàng hải khác dù bất cứ chống đối nào từ đâu đến. Điển hình là vào tháng trước, Trung Quốc hoàn tất 13 cơ sở trên đảo và rặng san hô trong Đông Hải trong quá trình bành trướng và phát triển vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Một hải đăng mới trên đảo Waikejiao là một công trình sau cùng.
Yoshikawa tiếp theo “Vì Nhật và Trung Quốc có khuynh hướng nhìn ngoại giao theo khía cạnh quan hệ – hơn là theo chính sách dựa trên biến cố như của Washington – nếu hai quốc gia hòa thuận, điều đó có thể đúng trong lúc này, vấn đề đảo Okinotori sẽ được dàn xếp để mối quan hệ của họ không bị thuyên giảm”.
Không chắc Nhật sẽ chịu bất cứ một hậu quả nào trong khi tiếp tục những dự tính của họ về Okinotori. Yoshikawa tiếp theo “tôi không nghĩ điều đó xảy ra trong tương lai gần vì đây là vấn đề phụ, hầu như bị ảnh hưởng bởi quan hệ tổng quát Nhật Trung”.
Tuy nhiên, không cần biết có làm Nhật khó chịu hay không, Trung Quốc có một lý do thật tốt để kiên gan trong cố gắng của họ ở đây. Dutton kết luận “Trung Quốc chả làm gì được về xác nhận chủ quyền của Nhật trong khi chính họ xác nhận chủ quyền ở Nam Hải. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục phản đối một cách khéo léo ngõ hầu duy trì tự do hành động quân sự trong vùng biển chung quanh Okinotori.
Nguồn: Asia Times 04.03.2010

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn