Thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo


KTS Ngô Huy Giao
“Cơ quan thiết kế phải lập phương án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Chưa lập phương án tổng thể, không thể “cắt đất chia phần”. Bởi làm như vậy là trái với chủ trương chỉnh trang đô thị, gây thêm áp lực cho hạ tầng, đặc biệt là giao thông, dẫn đến phá vỡ cảnh quan đô thị” – Ngô Huy Giao.

BVN xin mạnh dạn bổ sung thêm một vài ý vào mấy lời khuyên chí lý của một nhà chuyên môn lão thành: khi một ông Thứ trưởng Bộ Xây dựng mà dám nói xưng xưng rằng, với bản quy hoạch vừa lập xong của Hà Nội (mở rộng), rồi đây người ta sẽ có nhiều hồ ao tiếp tục đào tại các khu vực Phú Xuyên, Chúc Sơn, Hòa Lạc, Xuân Mai và theo hướng có nhiều địa điểm vui chơi giải trí như ở Hồ Gươm”; “khi đó Hồ Gươm sẽ không còn là số một nữa mà còn có cả chục cái Hồ Gươm khác!” (http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Thoi-Su/Ho-Guom-Se-Khong-Con-La-So-Mot.html) thì có nghĩa là hàm ẩn trong câu nói đó một thái độ hãnh tiến và khinh khỉnh ngầm, rằng cái Hồ Gươm mà hơn năm trăm năm qua cả một dân tộc tôn thờ như một biểu tượng anh linh của đất nước, và ngày nay ai cũng xem là một cảnh quan quý giá, kỳ thực chẳng có tí tẹo nào đáng coi là quý nữa. Đâu đã hết, phía sau lời chê bai đầy ẩn ý ấy, sẽ gói còn thêm một ẩn ý thứ hai: rồi đây, chính bọn ta sẽ cho chúng nó (các công ty, tập đoàn... những kẻ rất nghèo văn hóa mà hết sức giàu về bạc tiền) tha hồ xây dựng chồng chất tầng này tầng khác lên quanh hồ Gươm! Nghĩa là các ngài dùng lời lẽ tô son điểm phấn cho một quy hoạch chưa đâu vào đâu để an tâm hủy hoại hòn ngọc của Thủ đô (với mục đích gì thì ai cũng biết rồi). Ngay vị đương kim Chủ tịch thành phố được KTS Ngô Huy Giao coi là “đồng nghiệp” đã chẳng từng nói một câu làm người dân yêu quý Hồ Gươm rụng rời: mục tiêu đầu tiên của việc quy hoạch xung quanh Hồ Gươm vẫn là xây dựng thành trung tâm thương mại, dịch vụ đã, sau đó mới đến văn hóa, cây xanh... (http://vneconomy.vn/20100310024457692P0C17/khu-vuc-ho-guom-phai-tro-thanh-trung-tam-thuong-mai.htm).

Xét cho cùng, họ cùng một duộc với nhau cả đấy.

Ngay dưới bài của KTS Ngô Huy Giao, xin mời bạn đọc xem thêm một bài phỏng vấn khác đối với KTS Quy hoạch Lê Mạnh Cường để bạn đọc hiểu tâm trạng chung của giới chuyên môn lo lắng như thế nào về số phận của một thành phố “rồng cuộn hổ chầu” nay đang trong tay vần vũ của một đám các tân quan có chức quyền chứ chưa bảo đảm là có cái gì khác.

Bauxite Việt Nam


Kính gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

Day dứt và lo lắng, tôi viết thư này gửi lên ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội, xuất thân là đồng nghiệp đáng kính, vị Kiến trúc sư đầu tiên giữ trọng trách đứng đầu Thủ đô.

Năm 2008 và 2009, Hà Nội nổi lên mấy dự án kiến trúc chẳng làm đẹp lòng người: Khách sạn lấn vào đất Công viên Thống Nhất, Trung tâm Thương mại thuộc đường 19/12, Trung tâm thương mại - Tài chính cao tầng ven Hồ Gươm, nhà cao tầng vượt giới hạn... Ông và các nhà lãnh đạo TP đã quyết tâm xử lý. Kết quả, những "di sản" do người tiền nhiệm để lại đã được khắc phục. Sau đó UBND TP phát động cuộc thi: "Tìm ý tưởng quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị Hồ Gươm và vùng phụ cận" do ông làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo.

Dù quy hoạch kiến trúc khu vực quanh Hồ Gươm đã được quy định phải khống chế chiều cao phù hợp hợp với cảnh quan của Hồ Gươm....Ảnh: vn.360plus.yahoo.com



Chúng tôi hồ hởi và tin tưởng. Bản thân tôi cũng dự thi. Nhưng hơn một năm qua, Hồ Gươm vẫn bình lặng, chưa có thiết kế chính thức khai thác ý tưởng do cuộc thi mang lại. Nay UBND TP lại thỏa thuận cho Tập đoàn Điện lực lập dự án Trung tâm Thương mại tại phố Trần Nguyên Hãn và phố Lý Thái Tổ (tuy có độ lùi xa mép nước Hồ Gươm nhưng vẫn là ven đường Đinh Tiên Hoàng trong không gian Hồ Gươm) với chiều cao 24m và 32m.

Tôi xin được trình bày đôi điều suy nghĩ:

1- Tập đoàn Điện lực dai dẳng bám vào mảnh đất kim cương phía Đông Hồ Gươm, là hợp quy luật kinh tế tư bản. TS. Arvanitis, nhà vật lý học, nhà khoa học kinh tế Hoa Kỳ đề xuất 5 định luật kinh tế, mà định luật thứ ba là: "Các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Họ tìm cách lách luật, luôn tìm kẽ hở" (KH-TQ số 1-2/2010). Đó là một thực tế đang diễn ra trước mắt chúng ta.

2- Theo Quyết định số 448/BXD-KTQH ngày 03/8/95 (hiện đang còn hiệu lực) do Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc thừa ủy quyền Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó) ký, phê duyệt quy hoạch chi tiết Hồ Gươm và phụ cận. Khu đất điện lực thuộc lô đất ký hiệu L15, giới hạn bởi các đường Đinh Tiên Hoàng - Trần Nguyên Hãn - Lý Thái Tổ - Lò Sũ diện tích 28.000m2 với các thông số - tầng cao trung bình: 3,8; hệ số sử dụng đất: 2,39, chiều cao công trình không quá 15m, lui về phía đường Lý Thái Tổ có thể cao hơn, nhưng không quá 7 tầng.

Để rộng mở cho các giải pháp xử lý, trong thuyết minh thiết kế đã viết: "Có thể điều chỉnh chức năng công trình cho phù hợp với tình hình xã hội phát triển nhưng vẫn phải khống chế chiều cao cho phù hợp với cảnh quan Hồ Gươm".

Theo thông báo của UBND TP (Hà Nội mới 29/3/2010): "... Tuân thủ quy hoạch kiến trúc khu vực quanh Hồ Gươm... bám sát chỉ đạo của Thủ tướng về việc xây dựng tại khu vực nội đô... Mục tiêu của xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao gắn với chỉnh trang đô thị..."

... Thế nhưng những công trình lộn xộn cao, thấp vẫn ung dung mọc lên quanh khu vực phụ cận Hồ Gươm. Ảnh: my.opera.com

Điều khó hiểu ở đây là tuân thủ theo quy hoạch kiến trúc nào? Thói quen hiện nay là người ta chỉ nghiên cứu cục bộ khi có yêu cầu của chủ đầu tư, như vậy không thể gọi là quy hoạch chi tiết. Cần nói rõ thêm những thông số trên chỉ là nền để thẩm mỹ kiến trúc phát triển. Thể lệ quản lý đô thị hiện hành giai đoạn thỏa thuận để nghiên cứu khả thi là cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định, cơ sở pháp lý, nghiên cứu đô thị cho các giai đoạn tiếp sau.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, thì cơ quan thiết kế phải lập phương án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chưa lập phương án tổng thể, không thể "cắt đất chia phần". Bởi làm như vậy là trái với chủ trương chỉnh trang đô thị, gây thêm áp lực cho hạ tầng, đặc biệt là giao thông, dẫn đến phá vỡ cảnh quan đô thị.

Theo báo cáo của PPJ đã được Thủ tướng đồng ý thì các khu nhà ở cũ khi xây dựng lại không được cao quá 8 tầng, thế mà khu phụ cận Hồ Gươm lại vọt lên tới 10 tầng. Vậy đó là giảm tải hay chất thêm tải?

3- Tại Hội nghị tổng kết ngành xây dựng năm 2005, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê phán "kiến trúc tùy tiện". Muốn chấm dứt sự "tùy tiện", nhất thiết phải quản lý đô thị theo quy hoạch, có thiết kế hoàn chỉnh hợp pháp. Vậy vì lý do nào đó cuộc thi "Tìm hiểu ý tưởng" chưa được thiết kế chính thức có giá trị pháp lý, vẫn có thể từng bước nghiên cứu định hướng để có cơ sở giải quyết những yêu cầu cấp thiết xã hội đòi hỏi? Rõ ràng, thỏa thuận mới này không phù hợp: Chức năng công trình, quy mô, khối tích... khiến dư luận phải lên tiếng.

Cách đây khoảng hơn chục năm, nguyên Chủ tịch UBND TP, TS Lê Ất Hợi đã kiên quyết giữ không gian linh thiêng này. Ông tâm sự với giới KTS: "Họ mang đô la vào đòi xây dựng quanh Hồ Gươm, không được đồng ý, họ đã bỏ đi...". Ông đã giữ được vẹn toàn không gian Hồ Gươm. Nay đến lượt các nhà "tư bản" (chủ đầu tư) nội địa, đang tìm cách chiếm lĩnh không gian kim cương này mà ngay cả Trung Hoa cẩm tú cũng khó có nơi nào sánh kịp (cố GS. Trần Quốc Vượng).

4- Là người đứng đầu Thủ đô diện tích 3.334km2, dân số 6,5 triệu đang mở rộng trong điều kiện cực kỳ khó khăn, ông có "ngàn công, vạn việc", cần bộ máy tham mưu giỏi và có bản lĩnh. Người xưa nói:" "Thần thiêng nhờ bộ hạ. Ông hiện có 2 khối KTS tham mưu:

- Thứ nhất là các KTS đang giữ nhiệm vụ trong bộ máy quản lý đô thị, họ đủ năng động và tài giỏi. Cái khó của họ là chịu nhiều "sức ép". Có những dẫn chứng "sức ép" mà không thể dài dòng trong thư này.

- Thứ hai là khối KTS tập hợp trong đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Họ không nhận "sức ép" nào. Lấy ý kiến họ là phù hợp với chủ trương tăng cường giám định, phản biện xã hội hiện nay.

Tôi xin được trích dẫn thư cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi giới KTS : "Xã hội chờ đợi Hội KTS làm tốt vai trò của mình, vai trò của cơ quan phản biện, hoạt động hết sức độc lập và chỉ dựa vào trí thức chuyên môn, kiên trì bảo vệ những giá trị lao động sáng tạo".

Mấy lời tâm huyết, tôi mong được ông xem xét.

Xin kính gửi lời chào trân trọng!

NHG

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-04-14-trang-page

Quy hoạch Hà Nội như vậy: Lo quá!

Hiền Anh

LTS: Kiến trúc sư Quy hoạch Lê Mạnh Cường, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tốt nghiệp khoa Quy hoạch - ĐHKT HN năm 1972, công tác tại Viện Quy hoạch HN, chuyên nghiên cứu về quy hoạch TP HN. Năm 1998, là đồng Chủ nhiệm Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô HN đã được Thủ tướng CP phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg, ngày 20/6/1998 (gọi tắt là QHC 108). Sau 38 năm công tác, là KTS Quy hoạch, đã gắn cả cuộc đời với công tác nghiên cứu quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng HN, ông có nhiều suy nghĩ và trăn trở về Đồ án Quy hoạch chung HN 2030 tầm nhìn 2050 đang được dư luận rất quan tâm.

Nhiều vấn đề lớn chưa được thống nhất

KTS Quy hoạch Lê Mạnh Cường (đứng giữa , áo gilê mầu trắng) và các thành viên Hội KTS Hà Nội bên tượng đài Chiến Thắng Sông Lô ngày 3-4-2010

- Trải qua vai trò là đồng chủ nhiệm một đồ án quy hoạch HN đã được Thủ tướng CP phê duyệt- là cơ sở để phát triển đô thị HN trong 10 năm qua, ông cho biết quy trình khảo sát, nghiên cứu, lập và trình duyệt đồ án đó diễn ra thế nào?

Đồ án QHC 108 đã được nghiên cứu trong thời gian khoảng 30 tháng (từ tháng 01/1996 đến tháng 6/1998), chia làm 3 giai đoạn: (1) Lập nhiệm vụ thiết kế trong 6 tháng. (2) Nghiên cứu khoảng 18 tháng. (3) Hoàn chỉnh hồ sơ, khoảng 6 tháng để trình Quốc hội thông qua và Bộ Chính trị xem xét trước khi Thủ tướng CP phê duyệt.

Trong thời gian nghiên cứu, Bộ Xây dựng (trực tiếp là Vụ quản lý KT-QH) và UBND TP HN (Văn phòng KTS trưỏng, nay là Sở QH-KT) đã phối hợp với nhau khá chặt chẽ. Tổ công tác chuyên trách gồm 20 KTS và Kỹ sư các chuyên ngành của hai viện: Viện Quy hoạch ĐT và NT (Bộ Xây dựng) và Viện Quy hoạch Xây dựng HN; do 2 KTS đồng chủ nhiệm, đồng tác giả. Tổ công tác là nhóm nghiên cứu, tư vấn chính. Tư vấn phụ gồm: Daewoo (Hàn Quốc), Bechtel (Mỹ), SOM (Mỹ), OMA (Hà Lan).

Cách tổ chức quy củ, quy trình chặt chẽ nên triển khai khá thuận lợi, tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp ngay từ đầu, đặc biệt là ý kiến của Bộ Chính trị và Quốc hội. Các ý kiến khá thống nhất trong suốt quá trình nghiên cứu cũng như thẩm định và phê duyệt sau này. Do vậy, không phải chỉnh sửa nhiều lần gây lãng phí cả về công sức cũng như thời gian.

- Trong bối cảnh HN mở rộng, với bản quy hoạch chung HN đến 2030 tầm nhìn 2050 (Gọi tắt là QH mở rộng HN, ông có so sánh sự khác biệt nào về quy trình nghiên cứu?

Có một số khác biệt như: Việc báo cáo Quốc hội và Bộ Chính trị lại gần như ở giai đoạn cuối cùng. Tư vấn chính là người nước ngoài, chưa từng nghiên cứu tiếp cận với HN. Tư vấn phụ là các chuyên gia trong nước, trong đó vai trò của HN lại hầu như không có, rất mờ nhạt.

Với cách tổ chức như trên, và quy trình như thế nên đến thời điểm chuẩn bị phải trình Quốc hội, Đồ án vẫn còn nhiều vấn đề lớn chưa được thống nhất ngay trong nội bộ nhóm nghiên cứu; giữa các chuyên gia nước ngoài với trong nước; giữa các chuyên gia trong nước với nhau.

- Theo ông vấn đề nào là lớn , là cơ bản nhất còn tồn tại cần khắc phục trong bản Quy hoạch mở rộng HN?

Có 4 vấn đề: (1) Quy mô dân số và định hướng phát triển không gian; (2) Phân bổ mạng lưới công nghiệp; (3) Vị trí trung tâm hành chính Quốc gia; (4) Trục Thăng Long.

Đi ngược lại với động lực phát triển kinh tế xã hội

- Ông có thể nêu rõ hơn về quy mô phân bổ dân số trong các đô thị vệ tinh với những trải nghiệm của ông từ các khảo sát tại các đô thị trên thế giới?

Việc tổ chức không gian và phân bổ dân cư gần như đi ngược lại với động lực phát triển KTXH: Các vùng phát triển công nghiệp chủ yếu ở phía Bắc và phía Đông. Trong khi định hướng để phát triển các đô thị lại ở phía Tây và phía Nam như: Sơn Tây , Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên. Các đô thị vệ tinh này chỉ có một số các cơ sở như: Trường đại học và cao đẳng, một số trung tâm y tế, dịch vụ nghỉ dưỡng với quy mô nhỏ. Công nghiệp hầu như chưa có.

Các đô thị vệ tinh mới xuất hiện ở phía Tây , Đô thị lõi mở rộng cũng nằm phía Tây TP cũ (trái). Các trung tâm CN- nơi tạo ra nhiều việc làm và là động lực phát triển kinh tế lại ở phía Đông (phải)

Thực tế Khu công nghệ cao Hòa Lạc, làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng vậy, đã triển khai được hơn 10 năm nhưng đến nay mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Lập quy hoạch mà vẫn duy ý chí, thiếu cơ sở khoa học như vậy có thể làm mất đi cả một giai đoạn phát triển và hàng nghìn tỷ đồng đầu tư không hiệu quả. Và điều quan trọng nhất là sẽ làm mất đi cơ hội, vận hội của cả một đất nước, khi đã bỏ lỡ thì không gì bù đắp nổi.

Nước Pháp mà cụ thể là vùng Ile-de-France sau hơn 40 năm xây dựng 05 TP vệ tinh, cuối cùng cũng chỉ thành công ở 02 TP là Cergy-Pontoin và St-Quentin, do hai TP này có nhiều việc làm và khá năng động. Còn 03 TP khác không được như dự tính.



Vùng Il-de -France , 2 vòng tròn đỏ là Cergy-Pontoin ở Tây Bắc và St-Quentin ở Tây Nam Paris

- Ông lấy ví dụ về nước Pháp có vẻ hơi xa xôi, bởi lẽ HN ta năm 2007 xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, thu ngân sách khoảng 3 tỷ US . Trong khi GDP của vùng Ile-de France năm 2006 là gần 700 tỷ USD - tương đương với GDP của cả nước Hà Lan. Đó là chưa kể vị thế của các nhà quy hoạch đô thị của Pháp rất cao. Vậy Hà Nội ta dựa vào động lực phát triển nào là cơ bản ?

Yếu tố cơ bản nhất có thể tạo lập đô thị đó là các khu công nghiệp, nhất là nước ta đang ở giai đọan đầu của CNH-HĐH. Tổng diện tích dành cho công nghiệp TP có đến 8.000ha, nhưng cơ sở khoa học và điều kiện thực tế để có thể lấp đầy diện tích này lại không có. Quy mô quá lớn so với khả năng quỹ đất, cơ sở để có thể hình thành: Mê Linh dự tính 1.000ha, thực tế chỉ có khoảng 700ha; Sóc Sơn tổng 3 cụm công nghiệp có 300ha, phân bổ đến hàng nghìn. Công nghiệp Long Biên - Gia Lâm dự tính 1.000ha nhưng không thể còn đất để xây dựng. Đặc biệt là khu công nghiệp Phú Xuyên còn dự tính đến 2.000ha; trong khi đó Đồ án lại thể hiện là vùng Hành lang xanh.

Ảnh hưỏng các vùng kinh tế ven biển , hành lang nối hải cảng với vùng Nam Trung Hoa với Hà Nội

Ngưòi nào mạo hiểm đầu tư nhà máy vào trong vùng khả năng ngập úng lại rất cao như vậy? Rủi ro có thể nhìn thấy ngay khi lập dự án. Nhập nguyên liệu vào bằng loại hình vận tải nào? Xuất đi bằng gì? Đến cảng nào? Đường bộ không thuận, cảng ở xa, phí vận chuyển rất lớn... Không có tính cạnh tranh trong thời kỳ mà hàng hóa đang khủng hoảng thừa. Đó là điều cần phải cân nhắc.

- Theo ông, vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia và TP ở đâu sẽ thuận lợi?

Nên chuyển Trung tâm hành chính (TTHC) của TP về Tây - Hồ Tây, lấy trục không gian này làm chủ thể của một trung tâm HN mới, dành lại Hồ Gươm và khu vực phụ cận làm khu Văn hóa truyền thống cho HN 1.000 năm.

TT Hành chính Quốc gia và TP : so sánh các vị trí Ba Vì ,Tây Hồ Tây, và Phương Trạch ( Bắc Sông Hồng)

Đối với TTHC Quốc gia nên tập trung ở phía Bắc sông Hồng (trung tâm Phương Trạch), sẽ khai thác được lợi thế về đất đai cảnh quan và hàng nghìn tỷ đồng chúng ta đã đầu tư trong suốt thời gian qua.

Ý tưởng này hầu như các Đồ án trước đây và cả Đồ án lần này đều đề xuất một Trung tâm lớn cho HN tại khu Phương Trạch. Tại đây có địa hình cao ráo, cảnh quan đẹp, có sông Thiếp, đầm Vân Trì, có hồ (dự kiến tại đồ án 108). Ở phía Nam là khu bãi Tầm Xá có diện tích xấp xỉ Hồ Tây (khoảng 500ha) đón gió sông Hồng và hồ thổi vào khu trung tâm, khí hậu tốt, cảnh quan đẹp, phù hợp cho trước mắt và cả mai sau, tạo động lực để phát triển phía Bắc sông Hồng

Nhìn người để nghĩ về ta

Nhìn ra ngoài, TP Thượng Hải (Trung Quốc) là một thành công về quy hoạch: một bên là khu phố cũ ở phía Tây, còn khu phố hiện đại được xây dựng ở phía Đông, tạo thành một TP hai bên sông nổi tiếng bởi tháp Đông Phương Minh Châu và các tòa nhà văn phòng cao tầng, trung tâm thương mại cỡ lớn thế giới.

Phương án chấp thuận khi BC lần 3 chưa có Trục Thăng Long , chỉ xuất hiện trong BC lần 4 (tháng3/2010)

Dự kiến đưa TTHC Quốc gia về Mỹ Đình trong giai đoạn trước mắt là không tương xứng với tầm của một TTHC Quốc gia, nhất là sau này, dự kiến đưa về khu vực Ba Vì thì lại quá xa TP hiện tại.

Còn quốc gia Malaysia xây dựng TTHC Putrajaya cách Kuala Lumpur khoảng 30km, Hàn Quốc xây dựng TTHC Quốc gia ở Punđang cách Seoul khoảng 30km cũng vậy, đều không thành công. Australia xây dựng Canbera hoàn toàn mới, không có các trung tâm thương mại dịch vụ lớn, chỉ là TTHC Quốc gia, tách ra khỏi khu vực thành phố cũ, đến nay được coi là thành phố buồn tẻ, thiếu sức sống nhất thế giới.

- Theo phân tích của ông thì TTHC Quốc gia không nên ở Ba Vì, thì trục Thăng Long sẽ đóng vai trò gì?

Có lẽ đây không phải ý tưởng của các chuyên gia PPJ mà là ý tưởng của chúng ta. Một ai đó ngẫu hứng nghĩ ra mà không dựa theo một cơ sở khoa học nào hoặc một luận lý nào về tâm linh cho thấu đáo. Vì vậy, trục không gian chẳng có cảnh quan, cũng chẳng có điểm khởi đầu và kết thúc. Hai bên trục, nhất là đoạn từ vành đai 4 đến chân núi Ba Vì chiếm đến 2/3 chiều dài đường mà không có công trình gì ngoài cây xanh sinh thái, làng mạc.

Vào đến cuối đường Hoàng Quốc Việt lại kết thúc một cách ngẫu nhiên và vô tình. Trục giao thông dài gần 30km lại quá thẳng, vừa căng cứng, vừa thô bạo, không hài hòa với mạng lưới giao thông đã có và đề xuất. Trong đồ án này, tôi thấy không có cơ sở thuyết phục nào khi đề xuất trục đường quá lớn như thế.

Trục Thăng Long , chỉ xuất hiện trong BC tháng lần 4 - tháng 3/2010

Thực lòng, tôi rất lo cho TP chúng ta, nếu theo kế hoạch và tiến độ được đặt ra trong Nghị quyết số 12/NQ-CP, thì không còn đủ thời gian để chỉnh sửa và cập nhật nữa. Sau này khi Đồ án được duyệt, việc thường xuyên phải báo cáo xin Chính phủ cho điều chỉnh cục bộ sẽ là tất yếu không thể tránh khỏi trong quá trình triển khai thực hiện. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư và hiệu quả đầu tư phát triển Thủ đô...

HA

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-04-12-quy-hoach-ha-noi-nhu-vay-lo-qua

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn