Ấn đền Trần ở Hưng Hà, Thái Bình khắc những chữ gì? Nghĩa là gì? Gốc gác từ đâu?

Trường Phong Phạm thị
Một quả ấn dỏm từ “nước lạ” được đưa vào đền Trần để đầu năm mở hội “khai ấn” đóng cho hàng vạn người đến lễ kiếm tiền. Một quả ấn nội dung chẳng liên quan gì đến sự tích hay công nghiệp của các vua Trần. Ấy thế mà nhân dân cũng nườm nượp chen chúc giành cho được một bản lấy may, lạ hơn nữa lại có các vị chức sắc tối cao về tận nơi chứng giám.

Thực là một thời đại bát nháo, bao nhiêu di tích đập phá xây lại để có cớ tiêu tiền, câu đối hoành phi bị khắc xấu khắc sai trông hết sức thảm hại mà nào có ai chỉ bảo cho, đỡ phải ngượng mặt với du khách (nhất là du khách quốc tế), đến nỗi nhiều người sau khi đi thăm một vài nơi danh lam thắng cảnh về hỏi chúng tôi: “Nghe bảo ở Việt Nam xưa vốn có truyền thống khoa cử, lấy đỗ đến hàng nghìn Tiến sĩ, thế mà chữ Hán ở các đình chùa ngay tại Thủ đô Hà Nội sao lại đều do hạng bình dân thất học viết thế nhỉ?” Rồi bây giờ thì đến chuyện “quả ấn đền Trần” là việc thuộc phạm vi chuyên môn sâu cũng chẳng cần sự kiểm định của một Hội đồng có hiểu biết đàng hoàng, cứ mấy ông chức sắc gật đầu là đủ. Đền chùa ấy là đền chùa đã xếp hạng, tức là “quốc từ” “quốc tự”, là danh dự của cả nước đấy chứ đâu phải chuyện chơi.

Trí thức bị coi rẻ đến thế là cùng.

Bauxite Việt Nam

Gần đây, việc khai ấn đầu năm ở các miếu đền có xu hướng xuất hiện ngày một nhiều, đi kèm với hiện tượng đó có không ít chuyện bất cập. Trong không khí đầu xuân năm nay, ngoài đền Trần ở Nam Định, tại đền Trần ở Hưng Hà tỉnh Thái Bình cũng có lễ khai ấn. Lễ khai ấn tại đền Trần Hưng Hà bắt đầu vào ngày 13 tháng Giêng, được tổ chức khá quy mô, với sự tham dự của nhiều chức sắc từ trung ương đến địa phương và hàng vạn người dân(1). Đồng thời trong dịp khai ấn này đã có hàng vạn bản ấn được đóng, phát / bán cho nhân dân. Đối với lễ khai ấn ở ngôi đền này, sự bất cập thể hiện ngay ra ở chính quả ấn được đóng.

Về nguồn gốc quả ấn

Ấn đền Trần Hưng Hà vốn là ấn do tư nhân cung tiến. Theo thông tin từ các báo chí, quả ấn trên có nguồn gốc từ ông Trần Độ - một nghệ nhân gốm ở Bát Tràng. Ông Phạm Minh Trọng - Phó chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho phóng viên tờ Văn hóa biết “chính ông là người đã tiếp xúc với ông Trần Độ… để vận động ông này cung tiến chiếc ấn cho khu di tích đền Trần”. Khi được phóng viên hỏi về gốc gác quả ấn, ông Độ cho biết ông được nhượng lại từ ông Nguyễn Văn Thái - một nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật ở Hà Nội. Ông Độ thuật: nhân khi ông đến nhà ông Thái “thấy một món đồ được ông Thái để dưới gầm tủ. Hỏi cái gì, ông Thái trả lời rằng đó là chiếc ấn của vua Trần. Cả bà vợ ông Thái cũng nói như chồng”. “Ấn của vua Trần” mà ông Thái lại để ở “gầm tủ”, xem ra gia cư của ông Thái có vẻ hơi chật chội, hoặc giả ông cũng vốn không cho quả ấn kia là quý như ông nói. Về lai lịch quả ấn, ông Thái cho biết: “Tôi có nó đã hơn chục năm rồi. Lúc ấy nghe tin ở Hòa Bình đào được một cái chum cổ, tôi lên ngay, mua cả chum mang về. Đập chum ra, thấy bên trong có đất, một ít tiền cổ và chiếc ấn này”. Theo lời của ông Thái thì ta có thể suy ra, cái “chum cổ” này phần miệng có vẻ nhỏ hơn các chum mà ta vẫn thường thấy, cho nên cả người bán chum và ông Thái đều không biết trong chum có vật gì. Không biết trong chum có vật gì nhưng ông Thái vẫn mua, ông mua chum cổ về để đập, sau khi đập chum ra, ông có được “ấn của vua Trần”. Nếu đúng thế thì quả nhiên ông Thái có cái nhạy cảm của người sành đồ cổ!

Khi phóng viên đặt câu hỏi: “… Ông có thể cho biết ông đã mua được chiếc chum đó ở địa phương nào ở Hòa Bình, và người bán cho ông tên gì không?”. Ông Thái đáp rằng: “Thú thật là tôi không nhớ nữa. Tôi chỉ biết ở Hòa Bình, gốm Lý, gốm Trần rất nhiều…”.
(Ấn đền Trần ở Hưng Hà, trông có vẻ cổ, rồng mang phong cách thời Hán. Ảnh: Thiên Hỏa).
Như vậy, có thể thấy, nguồn gốc quả ấn đền Trần tại Hưng Hà – Thái Bình hiện vẫn còn nhiều điểm bất minh. Điều có thể coi là rất lạ là dù chưa qua giám định của chuyên gia về ấn chương, lễ khai ấn vẫn được tiến hành, quả ấn đã được đem in và phát tán rộng rãi cho nhân dân.

Về nội dung quả ấn

Trên mặt ấn đền Trần tại Hưng Hà khắc bốn chữ. Theo thông tin trên báo chí, trong buổi làm việc tại Sở Văn hóa thể thao du lịch và Bảo tàng tỉnh Thái Bình ngày mồng 7 tháng 4, phóng viên “có hỏi nhiều cán bộ có trách nhiệm về nghĩa của những chữ này thì ai cũng lắc đầu không dám khẳng định bất cứ nội dung nào được nêu ra”(?!).

Ông Vũ Đức Thơm - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình - cho rằng đó là bốn chữ “Thiên nhân hộ quốc”. Ông cho “Hai chữ ‘thiên nhân’ dễ nhận ra”, còn hai chữ “hộ quốc” là do ông “đoán vậy”.

Ông Thơm cũng đã thông qua một cán bộ ở Bộ Công an, “nhờ GS Vũ Khiêu đọc giúp, và GS trả lời rằng đó là bốn chữ ‘Quốc vương thiên nhân’.

Ông Phạm Minh Trọng – người vận động ông Trần Độ cung tiến quả ấn - thì thừa nhận rằng ông “không biết chính xác nội dung bốn chữ đó”, ông chỉ được nghe người ta nói lại nội dung bốn chữ đó nhưng ông cũng không dám chắc nó có nghĩa gì!.

Phóng viên đã nhờ cụ Nguyễn Tiến Đoàn, nhà nghiên cứu văn hóa, người rất giỏi chữ Hán xem giúp, cụ phủ nhận cả hai cách đọc “Thiên nhân hộ quốc” và “Quốc vương thiên nhân”, khẳng định đó là “kiểu chữ triện”, “chữ trong lòng ấn lại khắc ngược, muốn đọc nó, phải nhìn chiều trái phía sau tấm lụa đóng ấn”. Theo cụ: “Nhìn chiều trái đằng sau, thì bốn chữ ấy là ‘Chu thị Thượng nguyên’, còn nhìn chiều phải, nó là ‘Thượng nguyên Chu thị’, có nghĩa là ‘Tiết Thượng nguyên nhà họ Chu’, vậy thôi”. Khi được hỏi “Phải chăng đây là ấn riêng của nhà họ Chu nào đó?”, cụ cho rằng “Điều này còn phải nghiên cứu thêm”, nhưng theo cụ, đây “khó có thể là ấn của vua được”.
Bốn chữ Hán trên ấn đền Trần ở Hưng Hà. Ảnh: Thiên Hỏa
Như vậy, chỉ với bốn chữ trên quả ấn đền Trần tại Hưng Hà, hiện ít nhất đã có 03 cách đọc khác nhau (cụ Nguyễn Tiến Đoàn đọc theo hai cách song thực ra vẫn là một cách vì chỉ khác nhau ở chỗ đọc phải hay đọc trái mà thôi). Vấn đề được mọi người quan tâm là rốt cục bốn chữ khắc trên ấn đền Trần Hưng Hà là những chữ gì? tại sao lại khắc những chữ đó? Nội dung của nó có phù hợp với đền Trần không? Những câu hỏi ấy đến nay chưa được làm sáng tỏ.

Chữ trên ấn đền Trần Hưng Hà – Nội dung và xuất xứ

Xem kỹ chữ viết trên quả ấn đền Trần tại Hưng Hà – Thái Bình, có thể dễ dàng khẳng định quả ấn được khắc bốn chữ, đó là thể chữ triện, vốn thông dụng từ thời Chiến quốc cho đến thời Tần, về sau thường xuất hiện trên trán bia (triện ngạch), hoặc khắc trên ấn chương.

Bốn chữ này khắc nổi (dương văn), và đúng như cụ Nguyễn Tiến Đoàn đã khẳng định, chúng đã bị “khắc ngược” (vì bốn chữ này được khắc xuôi trên ấn, nhưng khi đóng ấn, chúng sẽ thành ngược. Trong khi khắc ấn, người ta phải khắc ngược chữ, khi đóng ấn chữ mới thành xuôi. Cho nên khắc xuôi chữ trên ấn, khi đóng, sẽ thành ra “khắc ngược”).

Trong ba cách đọc:

1. “Thiên nhân hộ quốc” (của ông Vũ Đức Thơm - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình)

2. “Quốc vương thiên nhân” (được nghe là của GS Vũ Khiêu)

3. “Thượng nguyên Chu thị” (của cụ Nguyễn Tiến Đoàn - đọc theo chiều phải)

không quá khó để khẳng định cách đọc của ông Vũ Đức Thơm và của GS Vũ Khiêu đều hoàn toàn sai. Cách đọc của cụ Nguyễn Tiến Đoàn là chuẩn xác.

Đây là bốn chữ “Thượng nguyên Chu thị” theo lối chữ tiểu triện (tiêu chuẩn), và bốn chữ với nội dung tương tự trên ấn đền Trần ở Hưng Hà:
Bốn chữ “Thượng nguyên Chu thị” theo lối tiểu triện. Bốn chữ “Thượng nguyên Chu thị” trên ấn đền Trần ở Hưng Hà. Ảnh: mạng internet.
Tuy đọc đúng bốn chữ khắc trên quả ấn, song cách cụ Nguyễn Tiến Đoàn dịch “Thượng nguyên Chu thị” là “Tiết Thượng nguyên nhà họ Chu” tuy đã khá dễ hiểu song thực ra cũng chưa hoàn toàn thuyết phục. Cứ coi các chữ ở đây dùng với nghĩa thông dụng nhất (“Chu thị” là “Họ Chu”, “Thượng nguyên” là “tiết Thượng nguyên”), thì theo cú pháp Hán văn, cần dịch là “Họ Chu [của] tiết Thượng nguyên”. Tuy nhiên, dẫu dịch như vậy thì bốn chữ này vẫn tối nghĩa và trái với logic thông thường. Bỏ qua nhiều yếu tố bất cập khác của quả ấn, riêng xét nội dung bốn chữ được khắc trên ấn, dẫu hiểu cách gì đi chăng nữa thì chúng cũng không có nghĩa nào phù hợp với di tích thờ các vị vua sáng tôi hiền thời nhà Trần cả.

Tối nghĩa như vậy sao mấy chữ này lại được khắc vào ấn? Mục đích của việc khắc ấn trong trường hợp này là như thế nào? Gốc gác bốn chữ kia từ đâu mà ra? Rốt cục ý nghĩa đích thực của nó là gì?

So với việc đọc, dịch nội dung quả ấn dựa vào chữ nghĩa, thì việc đi tìm lời đáp cho mấy câu hỏi này mới thực sự phức tạp; và khi đã làm sáng tỏ, thì sẽ có khả năng hiểu ra chính xác nội dung bốn chữ khắc trên ấn.

Trong nghề làm con dấu (ấn chương), thợ khắc thường lấy mẫu chữ trên ấn chương của các danh gia thời trước (hoặc các chữ mẫu nói chung), khắc xuôi chiều lên con dấu. Với cách khắc như vậy, thay vì để biết nội dung con dấu, người đọc/xem cần phải nhìn bản đã đóng ra giấy, trong trường hợp này, người đọc/xem có thể coi trực tiếp trên quả ấn. Kiểu khắc này chủ yếu để trang trí, trưng bày, vì nếu đem đóng thì chữ sẽ bị ngược. Ấn “Thượng nguyên Chu thị” của đền Trần Hưng Hà có thể là một ấn mẫu kiểu đó. Điều này là đúng nếu ta “khám” ra bốn chữ trên ấn đền Trần Hưng Hà lấy mẫu từ đâu, của ai, thời nào?

Xem tác phẩm ấn chương của danh gia triện khắc các đời để lại, kết quả cho thấy quả ấn đền Trần ở Hưng Hà lấy mẫu từ chiếc ấn khắc bốn chữ tương tự do Từ Tam Canh, một nghệ thuật gia nổi tiếng về thư pháp và triện khắc cuối thời nhà Thanh ở Trung Quốc sáng tác. Muốn kiểm chứng, ta có thể xem các sách tập hợp tác phẩm của Từ Tam Canh, chẳng hạn sách Từ Tam Canh ấn phổ, do Thượng Hải thư tịch xuất bản năm 1993. Trong sách này, ấn “Thượng nguyên Chu thị” ở trang 99. Hoặc xem Tăng bổ Từ Tam Canh ấn phổ, bản in ảnh ấn của Vũ Hán cổ tịch thư điếm năm 1990. Trong sách này, ấn “Thượng nguyên Chu thị” ở trang 20.
Bìa sách Từ Tam Canh ấn phổ Ấn “Thượng nguyên Chu thị”, tr. 99 trong sách Từ Tam Canh ấn phổ - Ấn thứ 3 từ trên xuống, phía tay trái bạn đọc.
Ấn “Thượng nguyên Chu thị”, tr. 20, trong sách Tăng bổ Từ Tam Canh ấn phổ - Ấn phía bên trái bạn đọc.
Từ Tam Canh (1826-1890), tên tự là Tân Cốc và Sân Quách, hiệu là Toàn Lôi, Tỉnh Lôi, Kim Lôi đạo nhân, v.v. người ở Đại Cần, Chương Trấn, Thượng Ngu (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). “Thượng nguyên Chu thị” là ấn chương do Từ Tam Canh khắc theo yêu cầu của một người họ Chu tại huyện Thượng Nguyên đương thời (huyện Thượng Nguyên có từ thời Đường, sau nhiều lần thay đổi, đến năm 1912 sáp nhập vào huyện Giang Ninh, nay thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Do vậy, bốn chữ “Thượng nguyên Chu thị” (viết đúng chính tả là “Thượng Nguyên Chu thị”), có nghĩa là: “[Ấn chương] của [người] họ Chu ở huyện Thượng Nguyên”.
Bản in ấn “Thượng Nguyên Chu thị” do Từ Tam Canh cuối thời Thanh khắc cho vị họ Chu ở huyện Thượng Nguyên – Trung Quốc. Ảnh bốn chữ “Thượng Nguyên Chu thị” trên ấn đền Trần ở Hưng Hà.
Từ Tam Canh sinh năm 1826, mất năm 1890, như vậy thì quả ấn đó đến nay mới chỉ có niên đại chưa đến hai trăm năm. Ấn do Từ Tam Canh khắc cho người cùng tỉnh, theo bản in, vốn là ấn tên riêng (danh chương), chữ khắc chìm (âm văn), khi in thì đường nét chữ hiện màu trắng (cho nên còn gọi là “bạch văn ấn”). Ấn đền Trần ở Hưng Hà khắc nổi (dương văn), khắc bị ngược. Còn con rồng trang trí trên ấn mang phong cách thời Hán, là vì Từ Tam Canh khi làm ấn thường phỏng theo phong cách ấn chương thời Tần - Hán, nên hậu nhân khi mô phỏng ấn chương của ông cũng cố gắng học theo. Từ đó mà suy, ấn đền Trần ở Hưng Hà chỉ là một phiên bản "ông chằng bà chuộc" phỏng theo một cái danh chương cá nhân của một người họ Chu ở huyện Thượng Nguyên, Trung Quốc không hơn không kém, hoặc may hơn một chút, có thể là sản phẩm mỹ nghệ, ấn trưng bày, ấn mẫu của một cửa hàng khắc ấn nào đó ở Trung Quốc. Ấy vậy mà nó có thể chạy sang Việt Nam, chui vào một chiếc chum chôn dưới lòng đất của tỉnh Hòa Bình, rồi lại nghiễm nhiên bước vào đền thiêng thờ các vị vua sáng tôi hiền thời nhà Trần. Liệu còn có việc gì lạ kỳ hơn thế hay không?

Họ Chu trên ấn đền Trần tại Hưng Hà, ông là ai?

Như đã trình bày ở trên, “Thượng Nguyên Chu thị” tại đền Trần ở Hưng Hà, tỉnh Thái Bình chỉ là “ấn nhái”, một thứ hàng mỹ nghệ làm phỏng theo bản ấn “Thượng Nguyên Chu thị” của Từ Tam Canh người cuối thời Thanh ở Trung Quốc.
Bản in từ ấn “Thượng Nguyên Chu thị” của Từ Tam Canh. Bốn chữ “Thượng Nguyên Chu thị” trên ấn đền Trần ở Hưng Hà.
Ấn “Thượng Nguyên Chu thị” là danh chương cá nhân của một người họ Chu ở huyện Thượng Nguyên. Vậy người họ Chu này là ai?

Xem xét các mẫu ấn chương mà Từ Tam Canh để lại, kết quả cho thấy ngoài ấn “Thượng Nguyên Chu thị”, Từ Tam Canh còn khắc một số ấn khác liên quan đến huyện Thượng Nguyên, như ấn “Thượng Nguyên Chu Tại Văn Nhật Lợi”.
Bản in ấn “Thượng Nguyên Chu Tại Văn Nhật Lợi” do Từ Tam Canh khắc.
Theo lôgic thông thường trong cách khắc chữ trên ấn chương, bảy chữ: “Thượng Nguyên Chu Tại Văn Nhật Lợi” có nghĩa là: quả ấn của Chu Tại Văn Nhật Lợi ở huyện Thượng Nguyên. Trong đó, Nhật Lợi có thể là tên tự hoặc tên hiệu của Chu Tại Văn.

Ngoài ra, Từ Tam Canh còn khắc một quả ấn với ba chữ “Chu Tại Văn”.
Bản in ấn “Chu Tại Văn” do Từ Tam Canh khắc.
Chu Tại Văn trên ấn này hiển nhiên là Chu Tại Văn người ở huyện Thượng Nguyên được khắc tên trong ấn “Thượng Nguyên Chu Tại Văn Nhật Lợi”. Theo đó mà suy thì “Họ Chu ở huyện Thượng Nguyên” trên ấn “Thượng Nguyên Chu thị” do Từ Tam Canh khắc và trên bản “ấn nhái” khắc ngược tại đền Trần ở Hưng Hà tỉnh Thái Bình, có thể chính là Chu Tại Văn. Chính vì vậy, trong các sách Từ Tam Canh ấn phổ và Tăng bổ Từ Tam Canh ấn phổ, ba bản ấn: “Thượng Nguyên Chu thị”, “Thượng Nguyên Chu Tại Văn Nhật Lợi” và “Chu Tại Văn” được xếp kế tiếp nhau. Về Chu Tại Văn, hiện ta chỉ biết ông ta người huyện Thượng Nguyên, tên tự, hoặc hiệu là Nhật Lợi.

Đem ấn chương “nhái”, mô phỏng theo bản ấn do Từ Tam Canh người cuối thời Thanh khắc cho Chu Tại Văn ở huyện Thượng Nguyên, Trung Quốc (bị khắc ngược) về đóng ở đền thờ các bậc vua sáng tôi hiền nhà Trần, phát tán cho hàng vạn dân, tự “nhận vơ” là ấn cổ, ấn quý, “ấn vua Trần”,… việc làm u tối, hồ đồ và tắc trách như vậy phải chăng không chỉ là sự hạn chế về nhận thức mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác nữa? Thử hỏi những người dân đã đến đền Trần ở Hưng Hà tỉnh Thái Bình xin ấn với biết bao ước muốn giờ đây sẽ nghĩ gì, cảm thấy thế nào khi biết rằng bản ấn mà họ đã xin, mua được thực chất chỉ là bản ấn được in ra từ một quả ấn rởm, khắc ngược... chứ hoàn toàn không phải là “ấn vua Trần”?

Chú thích:



(1) Xem thêm hình ảnh về buổi lễ này tại: http://www.baomoi.com/Info/Khai-an-den-Tran-Hung-Ha/137/3912195.epihttp://thaibinhtv.vn/ (trang mạng của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Thái Bình).

HT-ĐTH Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn