Hiệu trưởng xuất ngoại... "lợi hay hại, lợi hay hại"?

http://www.chumpysclipart.com/images/illustrations/thumbnail/2039_picture_of_a_smiling_man_grocery_shopping_and_throwing_canned_items_into_a_cart.jpgHiệu Trưởng

Nếu cứ phải tiêu cho hết tiền dự án thì đành phải... tiêu. Còn việc có đạt được mục tiêu hay không thì ai muốn hiểu như thế nào mà chả được. Nếu sang năm tỉ số đậu tốt nghiệp bỗng nhiên tăng thêm lên 10% thì đó là kết quả "tất yếu" của đợt học tập này chứ sao? Còn nếu có giảm đi 10% thì đấy là do các ông Hiệu trưởng đã thấm nhuần việc chống bệnh thành tích, một kết quả "tất yếu" của việc học tập nước bạn(!)


Phải tiêu tiền chứ... không thì giải ngân thế nào (!)

Để thực hiện đề án "Xây dựng và phát triển chương trình bồi dưỡng Hiệu trưởng trường phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam - Singapore 2008-2010",  Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch triển khai chương trình bồi dưỡng năm 2010 cho 17.000 Hiệu trưởng trường PT và cán bộ quản lý GD.

Mục tiêu của đợt học này, nghe cũng thấy hay hay: "Phát triển năng lực của Hiệu trưởng trường PT Việt Nam và CBQL giáo dục về lãnh đạo và quản lý nhà trường trong môi trường có nhiều thay đổi. Đổi mới cách suy nghĩ và hành động để trở thành người Hiệu trưởng biết gắn tầm nhìn với hành động, phát huy những giá trị nhà trường và bản thân cho sự phát triển nhà trường, đào tạo học sinh trở thành những công dân có phẩm chất và năng lực thực hiện đổi mới, phát triển đất nước trong thế kỉ XXI".
Ảnh VNN

Sau khóa học 10 ngày các vị Hiệu trưởng sẽ được tổ chức đi khảo sát thực tế một nước trong khu vực như Singapore, Thailand, Malaysia, Trung Quốc... hoặc trong nước (khuyến khích đi xa ra khỏi vùng miền để Hiệu trưởng có thể học hỏi, chia sẻ  nhiều kinh nghiệm khác biệt).

Tháng 4 năm nay, các vị Hiệu trưởng cũng đã được dự một đợt tập huấn "Bồi dưỡng năng lực quản lý điều hành cho Hiệu trưởng trường THPT", nhưng thuộc một dự án khác có tên là "Dự án Phát triển giáo dục THPT” (kinh phí của dự án này là 80 triệu USD).

Tất cả các Hiệu trưởng của một cụm gồm 17 tỉnh phía Bắc được về Cửa Lò (Nghệ An) để học trong 2 ngày. Các ông Hiệu trưởng ở Hà Nội,  Sơn La  và Bắc Giang được mời về ăn ở tại một khách sạn và ngồi chung một hội trường lớn để nghe các bài giảng sau đây:

1) Công tác chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá; 2) Hiệu trưởng với việc thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo"; 3) Hiệu trưởng với việc thực hiện tự chủ tài chính và ba công khai; 4) Hiệu trưởng với vấn đề lãnh đạo và quản lý xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực; 5) Hiệu trưởng với công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông; 6) Ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường với những xu hướng mới.

Chúng tôi được phát các bài giảng in thành một tập. Người thuyết giảng chủ yếu "đọc"  bài viết của mình, được thể hiện tóm tắt trên màn hình, và chúng tôi không cần "chép" mà chỉ cần "nghe" và "nhìn". Và thế là chống được bệnh "đọc chép" bằng "đọc nghe".

Kể cũng lạ và khó hiểu... Bộ luôn luôn hô hào các thầy, cô giáo đổi mới phương pháp giảng dạy, phải lấy học trò làm trung tâm, đừng áp đặt, phải đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều tình huống rồi lắng nghe ý kiến của học trò.

Ôi, giá như có một quan chức cấp cao của Bộ đến ngồi nghe một tiết học của Hiệu trưởng chúng tôi thì tốt biết mấy.

Khi đó chắc ông ta không thể nghe lọt tai khi cấp dưới báo cáo là "đợt tập huấn cho các Hiệu trưởng đã thành công tốt đẹp"... Các ông Hiệu trưởng sẽ được khen nếu hay đi dự giờ của thầy, cô giáo trường mình, nhưng chưa bao giờ thấy Bộ dự giờ xem các ông Hiệu trưởng trong toàn quốc được nghe nhũng bài giảng có chất lượng như thế nào... Thường chỉ có ông Trưởng ban dự án đến nói về mục đích cuộc tập huấn, và nói xong là đi về, chờ đến cuối đợt lại đến nói vài câu tổng kết... (!)

Bộ vẫn khuyên mỗi nhà giáo chúng tôi phải là một "tấm gương tự học và sáng tạo". Thế thì tại sao mấy cái tài liệu ấy không phát về cho chúng tôi tự đọc, tự nghiên cứu, lại cứ nhất thiết buộc chúng tôi mỗi ngày 8 tiếng ngồi nghe...?

Tôi có ý phàn nàn với các ông Hiệu trưởng khác, thì họ cười và bảo: "Phải tiêu tiền của dự án chứ, không thì giải ngân như thế nào được (!)"

À ra thế! Cho nên ông Hiệu trưởng nào cũng phải đi, không được để Hiệu phó đi thay. Ngay cả các ông Hiệu trưởng còn một tháng nữa sẽ về hưu cũng phải đi. Sắp về hưu vẫn đi học là "học suốt đời" đó, và rất có thể khi về hưu ông lại được mời ra làm Hiệu trưởng một trường tư thục. Như thế thì càng phải đi học!

"Hiệu quả" của xuất ngoại: Ai muốn hiểu thế nào chả được

Đợt tập huấn sắp tới cho 17.000 Hiệu trưởng và CBQL giáo dục, tôi tạm tính mỗi ông Hiệu trưởng học 10 ngày trong nước và tham quan nước ngoài 1 tuần, chắc cũng phải tốn đến 1.000 USD. Và thế là chúng ta phải tiêu hết 17 triệu USD.

Số tiền đó sẽ là nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nếu như mục tiêu đề ra được hoàn thành tốt đẹp, thậm chí chỉ một phần của mục tiêu mà thôi. Nhưng số tiền ấy, cùng với thời gian bỏ ra (17 ngày 17.000 người = 289.000 ngày) sẽ là một lãng phí hết sức to lớn nếu Ban Điều hành dự án vẫn làm theo kiểu cũ, không có gì đổi mới.

Tôi chỉ lấy một trong 8 chuyên đề sẽ được học, đó là chuyên đề số 7 "Phát triển giáo dục toàn diện học sinh phổ thông". Thử hình dung bài giảng này sẽ gồm có các ý sau đây:

- Quan niệm về giáo dục toàn diện. - Triết lý của giáo dục toàn diện. - Các nghị quyết, chỉ thị, các điều luật, các lời nói của lãnh tụ về giáo dục toàn diện. - Dạy chữ và dạy người. - Khó khăn và thuận lợi của việc giáo dục toàn diện. - Những yếu kém của giáo dục Việt Nam trong việc giáo dục toàn diện. - Kinh nghiệm của nước ngoài. - Kinh nghiệm tốt của một trường điển hình về giáo dục toàn diện. - Vai trò của Hiệu trưởng trong việc giáo dục toàn diện. - Hướng dẫn Hiệu trưởng vạch kế hoạch phát triển giáo dục toàn diện... Sau khi nghe báo cáo sẽ chia nhóm tổ thảo luận, phát biểu tranh luận ở lớp, học viên viết thu hoạch....

Đó là những việc có thể làm, nhưng nếu so với một phần của mục tiêu đề ra là "đào tạo học sinh trở thành những công dân có phẩm chất và năng lực thực hiện đổi mới, phát triển đất nước trong thế kỉ XXI" thì chắc chắn chưa có thể kết luận là đạt hay không đạt.

Việc tham quan và học tập các nước bạn trong một tuần thì chỉ có thể rơi vào trạng thái "cưỡi ngựa xem hoa" mà thôi.

Trước hết sẽ phải nghe phía bạn nói về những việc họ làm, cố nhiên phải có phiên dịch ra tiếng Việt. Bạn nói xong đến ta hỏi, ai thích hỏi gì cứ hỏi: Chằng hạn :- Giáo viên các ông có được đánh học trò không? - Học trò các ông có đánh nhau không? - Nữ sinh có được mặc váy ngắn không? - Một tuần học lịch sử bao nhiêu tiết? - Có học môn quân sự không? - Ông Hiệu trưởng có dự giờ giáo viên bộ môn không? - Học trò các ông về nhà làm hết bài tập thì đi ngủ lúc mấy giờ? - Khi nào thì nhà trường đuổi học sinh?...

Sau công việc hỏi đáp, các "học trò" Hiệu trưởng có thể chia nhau đi xem: nhóm thì xem thư viện, nhóm xem phòng thí nghiệm, nhóm xem các phòng bộ môn, nhóm đi dự giờ cho vui (vì mình có biết tiếng của họ đâu!). Cũng nên đi xem phòng vệ sinh vì đây đang là vấn đề lớn của ta...

Ngày hôm sau "học trò" có thể nghỉ một buổi để đi tham quan danh lam thắng cảnh của bạn, hoặc đi siêu thị để mua sắm... Tiếp tục đi thăm một số cơ sở giáo dục, có thể là mẫu giáo, có thể là cấp 1, hoặc dạy nghề... để có một hình dung tổng quát.

Tóm lại, nếu cứ phải tiêu cho hết tiền dự án thì đành phải... tiêu. Còn việc có đạt được mục tiêu hay không thì ai muốn hiểu như thế nào mà chả được. Nếu sang năm tỷ số đậu tốt nghiệp bỗng nhiên tăng thêm lên 10% thì đó là kết quả "tất yếu" của đợt học tập này chứ sao? Còn nếu có giảm đi 10% thì đấy là do các ông Hiệu trưởng đã thấm nhuần việc chống bệnh thành tích, một kết quả "tất yếu" của việc học tập nước bạn(!)

HT



Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-10-hieu-truong-xuat-ngoai-loi-hay-hai-loi-hay-hai-

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn