Nghị trường không còn "đóng cửa bảo nhau"

Lê Nhung

clip_image001

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình và Bộ trưởng NN&PTNN Cao Đức Phát.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngoài hành lang, nhiều đại biểu phê phán gay gắt các vấn đề quốc kế dân sinh đang được người dân hy vọng họ thổi lửa vào nghị trường. Nhưng lửa hầu hết lại không bùng ở hội trường mà được om ở đâu đó với lời giải thích "chúng tôi còn nhiều dịp để nói". Thành ra, những cuộc chất vấn ở Quốc hội lâu nay được quan niệm hay mặc định là cuộc trình diễn, với sự có mặt cho đủ ban bệ theo cơ cấu: đại diện vùng miền, ngành nghề, giới v.v... Tuy nhiên, ở phiên chất vấn kỳ họp thứ 7 lần này có vị chức sắc trong Quốc hội đã vượt ra thông lệ cũ.

Đó là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh QH Lê Quang Bình.

Ông Bình sang sảng cất lời: "ngay khi có thông tin trên báo chí, chúng tôi đã đi khảo sát và thấy có tới 18 tỉnh đang cho thuê rừng chứ không phải 10 tỉnh như Chính phủ nói".

Con số khiến Hội trường xôn xao, và lại có thêm nhiều ĐB truy vấn về độ vênh. ĐB Nguyễn Đình Xuân còn đề cập đến việc xem lại "chỉ số tín nhiệm".

Từ tín hiệu đáng mừng đó, cử tri có quyền chờ đợi Ủy ban Quốc phòng An ninh của ông đã "xới xáo" vấn đề lên thì hãy làm việc đó cho đến tận cùng, sử dụng những công cụ mà luật pháp cho phép. Người dân đã ghi nhận ngọn lửa tâm huyết ông thổi lên ở hội trường nhưng mong rằng ngọn lửa sẽ được cháy tiếp chứ không phải lụi tàn âm ỉ ở đâu đó.

Lê Nhung

Chuyện bình thường thành hiện tượng lạ

Phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát về chuyện cho thuê đất rừng đang hồi "cao trào" khi cả hai ĐB Nguyễn Văn Tuyết và Lê Như Tiến đều bấm nút để hỏi tiếp nhưng nhận được câu trả lời chung chung. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng "giải vây" bằng cách xướng tên mời các Bộ trưởng KH&ĐT, TN&MT, Quốc phòng, Công an cùng lên chia lửa. Cuối hội trường, một cánh tay quả quyết giơ lên. Đó là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh QH Lê Quang Bình.

Ông Bình sang sảng cất lời: "ngay khi có thông tin trên báo chí, chúng tôi đã đi khảo sát và thấy có tới 18 tỉnh đang cho thuê rừng chứ không phải 10 tỉnh như Chính phủ nói".

Con số khiến Hội trường xôn xao, và lại có thêm nhiều ĐB truy vấn về độ vênh. ĐB Nguyễn Đình Xuân còn đề cập đến việc xem lại "chỉ số tín nhiệm".

Bộ trưởng NN&PTNT khi ký vào bản báo cáo đề ngày 7/6 gửi "hỏa tốc" cho Quốc hội ngay trước buổi chất vấn hẳn chưa từng biết đến con số vênh nhau này. Bởi vì trong ít phút giải lao, người ta đã thấy ông Phát chăm chú xem bản báo cáo từ tay ông Lê Quang Bình.

Chuyện con số của Chính phủ với Quốc hội vênh nhau là thường. Có vênh nhau thì mới cần Quốc hội đi giám sát.  Từ đó, đại biểu có thêm số liệu để so sánh, phản  biện. Nếu không, các cuộc giám sát của Quốc hội còn có nghĩa lý gì. Hành động của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nên được xem là chuyện bình thường mới phải.

Ấy thế mà chuyện này lại được xem như hiện tượng lạ. Có lẽ vì đã từ rất lâu lại mới có một  vị Chủ nhiệm Ủy ban dám đứng lên bác lại số liệu từ Chính phủ bằng một điều tra độc lập ngay trong phiên chất vấn truyền hình trực tiếp. Điều này đã phá vỡ cái thông lệ "đóng cửa bảo nhau" lâu nay.

Thông thường, các Ủy ban đi giám sát chuyên đề theo một kế hoạch đã định trước bao giờ cũng phải bàn lên luận xuống, hết hội thảo trong Nam lại ra hội thảo ngoài Bắc để so sánh đối chiếu và tạo cơ hội cho các Bộ đến giải trình. Trong nhiều tình huống, các bản báo cáo từ khi khởi thảo đến lúc đưa ra đọc và truyền hình trực tiếp ở Hội trường đã được loại bỏ nhiều số liệu.

Thậm chí, có vị trong Ủy ban Thường vụ QH khi nói ngoài hành lang thì chỉ rõ mười mươi thông tin này, con số kia của Chính phủ chưa chính xác, nhưng hỏi vì sao họ không chất vấn trực tiếp các Bộ trưởng, thì lý do đưa ra đều là "còn nhiều diễn đàn khác để nói", rằng vì làm việc ở Trung ương với nhau cả nên nếu có băn khoăn, thắc mắc gì họ sẽ gặp luôn các Bộ để cùng bàn thảo (hay thỏa hiệp?) chứ không "lôi nhau ra Quốc hội".

Thực tế, nhiều phiên họp Ủy ban Thường vụ diễn ra quyết liệt "như mổ bò", nhưng hễ cứ ra đến hội trường là các vị trong Ủy ban Thường vụ QH vốn thường ngày nói năng sắc sảo, ăm ắp thông tin đều nhường diễn đàn cho đại biểu địa phương.

Nhưng kỳ chất vấn này, chọn một cách ứng xử không theo kiểu "dĩ hòa vi quý" thường tình, ông Bình hẳn phải có lý do.

Cánh báo chí không ít người đã "săn" Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh ngay từ đầu kỳ họp vì biết Ủy ban của ông đã đi khảo sát việc cho thuê đất rừng và có được không ít thông tin đáng giá. Nhưng viện cớ cuộc khảo sát chưa xong, ông Bình luôn nhã nhặn từ chối. Ông muốn chọn thời điểm.

Và ông đã công bố kết quả điều tra vào đúng phiên chất vấn tại Hội trường, khi mà mỗi vị ĐB đang có trong tay bản báo cáo Chính phủ vừa gửi đến với con số hệt như báo cáo gửi lên Thủ tướng cuối năm ngoái. Đồng bào Lạng Sơn, Kon Tum... nếu sáng hôm đó may mắn có điện, hẳn phải hởi lòng hởi dạ bởi lời khẳng định như đinh đóng cột của ông Bình là hầu hết diện tích cho thuê đều ở địa bàn xung yếu quốc phòng an ninh (chứ không phải địa bàn kinh tế khó khăn như Chính phủ nói).

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, người hoạt động lâu năm ở Văn phòng Quốc hội, nói rằng cử tri đánh giá các đại biểu của mình chủ yếu thông qua việc nghe họ phát biểu ở nghị trường.

Một ĐB từng theo hai nhiệm kỳ QH là ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng không phải lúc nào cũng nhường người khác phát biểu.

Do đó, cử tri rất khó chấp nhận rằng đại biểu mà họ bầu ra, cho dù đang là lãnh đạo các Ủy ban Quốc hội và có rất nhiều thông tin mà các đại biểu khác và cử tri không biết, lại chỉ nói ở một diễn đàn khác. Truyền thông không theo dõi, dân không được giám sát. Họ quyết liệt và sắc sảo ở đâu đó không biết, nhưng đến các buổi chất vấn thì họ chỉ nhìn người khác nói.

Ông Lê Quang Bình không chỉ là một đại biểu của cử tri Thanh Hóa. Với cương vị Chủ nhiệm một Ủy ban, ông có trong tay công cụ để giám sát trên diện rộng những vấn đề lớn.

Tìm hiểu chuyện nước ngoài cho thuê đất rừng không phải là chuyên đề giám sát mà Thường vụ giao cho Ủy ban năm nay, nhưng trước vấn đề nóng được cả nước quan tâm (cứ xem số câu hỏi gửi cho Bộ trưởng NN và theo dõi các buổi tiếp xúc cử tri), trước kiến nghị các vị lão thành cách mạng, trước thông tin báo chí nêu, Ủy ban đã chủ động đi thu thập thông tin và chọn đúng diễn đàn để nói.

Chính ông Bình cũng dứt khoát: "Sau phiên chất vấn này, Chính phủ phải họp lại để bàn sâu, bàn dứt khoát về vấn đề này. Đồng thời phải công bố công khai rộng rãi để công luận, báo chí và nhân dân cùng biết để giám sát".

Xới vấn đề lên thì hãy đi đến tận cùng

Mấy năm nay, người ta vẫn ra Nghị quyết sau từng phiên chất vấn để ràng buộc lời hứa các Bộ trưởng. Nhưng rồi chuyện thất thoát lãng phí xây dựng vẫn cứ xảy ra, ngân sách vẫn bội chi liên tục... Và chính thái độ "dĩ hòa vi quý" giữa hai cơ quan hành pháp - lập pháp đã dẫn đến tình huống bất kể đại biểu đề xuất phải đưa nhiều vấn đề nóng vào chương trình họp chính thức nhưng đề xuất này vẫn thường bị bỏ qua. Người ta lấp chỗ trống bằng cách gửi báo cáo riêng cho đại biểu. Thành thử, ai muốn nói, muốn phản biện gì, đều phải đợi đến hôm chất vấn.

Chất vấn là một trong các cách để QH thực hiện quyền giám sát và phản biện của mình, buộc Chính phủ phải hoạt động hiệu quả hơn. Chất vấn trên Hội trường dù gay gắt, quyết liệt đến mấy nhưng theo thông lệ cứ xong thì thôi. Họa hoằn có một số đại biểu như ông Lê Văn Cuông, Danh Út, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Đình Xuân thường truy vấn và đeo bám một sự việc đến cùng qua nhiều kỳ họp. Như vậy, hiệu quả chất vấn đôi khi phụ thuộc vào sự tích cực, năng nổ và tâm huyết của một nhóm đại biểu. Mà các kỳ họp cách nhau cả nửa năm. Đôi khi chất vấn đi, chất vấn lại cũng khiến vấn đề trở nên nhàm chán.

Trước hội trường, ông Lê Quang Bình đã công bố thông tin mới, cung cấp thêm số liệu và đưa ra khuyến cáo. Từ tín hiệu đáng mừng đó, cử tri có quyền chờ đợi Ủy ban Quốc phòng An ninh của ông đã "xới xáo" vấn đề lên thì hãy làm việc đó cho đến tận cùng, sử dụng những công cụ mà luật pháp cho phép. Người dân đã ghi nhận ngọn lửa tâm huyết ông thổi lên ở hội trường nhưng mong rằng ngọn lửa sẽ được cháy tiếp chứ không phải lụi tàn âm ỉ ở đâu đó.

LN

Nguồn: Tuanvietnam

Phụ lục:

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội: Đã cho thuê bao nhiêu đất rừng?

Tô Hà

Suốt nhiều năm qua, tôi đã cố gắng dùng nhiều biện pháp từ gặp gỡ riêng, chất vấn tại QH, gửi chất vấn... về việc phá rừng nhưng đã không có sự thay đổi từ phía Bộ NN-PTNT mà lại còn xuất hiện xu hướng Bộ “mở” cho phá rừng ngày một dễ dàng hơn. Bộ đã áp dụng chiêu thức “lách” QH là chuyển rừng đặc dụng sang rừng kinh tế, về bản chất vẫn là “thay máu” rừng đặc dụng. Đáng nói, Bộ trưởng không nắm được diện tích rừng còn bao nhiêu, nhất là với diện tích lớn như vậy...

Đây không phải là sự việc xảy ra lần đầu, đơn lẻ mà đã trở thành sai phạm có hệ thống và trái với pháp luật. Tôi đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Đại biểu QH Nguyễn Đình Xuân

Trước những chất vấn “cho ra nhẽ” của các đại biểu Quốc hội về việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã không ít lần tỏ ra lúng túng

Trọn buổi sáng 11-6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nhận được 25 lượt chất vấn về nhiều vấn đề, song nóng nhất là trách nhiệm của Bộ trong việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, đe dọa đến an ninh quốc gia. Trước những chất vấn “cho ra nhẽ” của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Bộ trưởng Cao Đức Phát không ít lần tỏ ra lúng túng.

clip_image002

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Báo cáo của Chính phủ cho biết 10 tỉnh đã cấp hơn 305.000 ha đất rừng...

18 địa phương cho thuê đất chứ không phải 10

Mở đầu phiên chất vấn là ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) với câu hỏi thẳng: “Đã có bao nhiêu diện tích đất rừng cho nhà đầu tư nước ngoài thuê? Sắp tới, chủ trương có cho thuê đất nữa không?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đến cuối năm 2009, đã có 10 địa phương chấp thuận các dự án cho thuê đất với tổng diện tích 305.353 ha. “Thực tế mới giao đất để cho thuê 50 năm là 15.664 ha.

Thông tin đã cho thuê hơn 300.000 ha là thiếu chính xác”- ông Phát nói. Không đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ĐB Tuyết dẫn chứng báo cáo của Chính phủ cho biết nhiều tỉnh cấp phép đầu tư quy mô vượt quá khả năng thực tế, trong đó có cả đất có chủ, đất rừng tự nhiên.

Cùng mối quan tâm, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) hỏi: “Các địa phương khẳng định cho thuê đất đúng Luật Đầu tư. Vậy, việc cho thuê đất rừng có cần phù hợp với Luật Đất đai, vấn đề biên giới, an ninh quốc phòng không? Bộ trưởng có tham mưu giải pháp gì cho Chính phủ?” Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định qua kiểm tra ở hai tỉnh, Bộ NN-PTNT thấy các địa phương đã làm đúng luật. Theo ông Phát, đối với trường hợp đã cam kết cho thuê, cần thực hiện đúng quy định pháp luật. Có giấy chứng nhận (GCN) đầu tư cho hơn 300.000 ha không có nghĩa là sẽ giao hết đất. Nếu làm rõ điều kiện cụ thể, thấy vướng điều kiện như đất đã có chủ thì sẽ loại ra.

Chưa thỏa mãn, ĐB Tiến truy tiếp: “Báo cáo Chính phủ cho biết 10 tỉnh đã cấp hơn 305.000 ha là khác với việc chưa cấp. Riêng một công ty của Đài Loan đã được cấp GCN 264.000 ha chứ không phải mới xem xét”. Tiếp lời, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Lê Quang Bình chỉ ra cái sai trong số liệu báo cáo của Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Khảo sát của Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho thấy có 18 tỉnh cho thuê đất rừng với tổng diện tích 398.374 ha. Đáng lưu ý là đất cho thuê hầu hết nằm ở khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh, có khu vực là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn”.

Lúc này, Bộ trưởng Cao Đức Phát lúng túng: “Vấn đề cấp hay không cấp GCN đầu tư nữa thuộc thẩm quyền Chính phủ và QH. Cá nhân tôi trong thời gian này thực hiện nghiêm túc. Tôi nói hơn nữa sẽ vượt quá thẩm quyền”.

Thấy Bộ trưởng Cao Đức Phát nhiều lần trả lời chưa rõ ý, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị các bộ, ngành liên quan “chia lửa”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết sẽ cương quyết xử lý như đã xử lý sân golf. Trường hợp đã cấp GCN nhưng vi phạm Luật Đất đai, quốc phòng - an ninh và Nghị quyết 66 của QH đều bị rút giấy phép. “Xử lý như vậy không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư” - ông Phúc khẳng định.

clip_image003

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Thông tin đã cho thuê hơn 300.000 ha đất rừng là thiếu chính xác. Ảnh: Thế Dũng

Không thể nói nông dân có lãi

 

“Bộ trưởng Cao Đức Phát cầu thị nhưng trả lời chưa rõ ràng, chưa trúng vấn đề”.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng

 

Chất vấn sắc sảo nhất về nông nghiệp, nông dân vẫn là ĐB Danh Út (Kiên Giang). ĐB này khẳng định giá thu mua lúa hiện chưa tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất. “Nếu tính cả tiền thuê đất, mỗi hecta phải “đội” thêm 18 triệu đồng. Giá thu mua của doanh nghiệp là 4.000 đồng/kg nhưng nông dân bán cho thương lái chỉ được 3.600 đồng/kg. Cộng cả chi phí đất, nông dân lỗ 4 triệu đồng/ha”- ĐB Danh Út phân tích.

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình: “Bảo đảm lãi cho người trồng lúa 30% không có nghĩa là lấy giá thành x 30% để ra giá thu mua. Chi phí sản xuất nhiều mức khác nhau nhưng giá thị trường chỉ có một mức. Giá thu mua lúa của nông dân chỉ có thể tiệm cận giá thế giới nên ở mỗi địa phương, người dân có mức lãi khác nhau. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh chia sẻ thêm: “Giá thu mua lúa do các địa phương ban hành, Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn cách tính. Bộ Tài chính đang đề nghị thành lập quỹ bình ổn giá để bù đắp thu mua, bảo đảm nông dân có lãi”. ĐB Danh Út dứt khoát: “Ba kỳ họp liên tiếp, 3 bộ trưởng đều nói nghị định điều hành xuất khẩu gạo đang trình Chính phủ. Tôi muốn biết khi nào nghị định này được ban hành?”.

Nhận trách nhiệm về Bộ Công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân trần: “Thời gian soạn thảo nghị định phải kéo dài vì đây là vấn đề quan trọng, yêu cầu cao, qua 9 lần chỉnh sửa mới trình lên Chính phủ từ ngày 3-6, hy vọng được chấp thuận”. Theo ông Hoàng, nghị định này sẽ quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội Lương thực VN, tránh tình trạng hoạt động vượt thẩm quyền.

Băn khoăn về diện tích đất lúa đang bị thu hẹp, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) hỏi: “Bộ trưởng có suy nghĩ gì khi dự án xây dựng Thủ đô mới sẽ có 30.000 hecta đất nông nghiệp biến mất?”, Bộ trưởng Cao Đức Phát đáp: “Để có 1 cm đất canh tác, thiên nhiên phải mất 100 năm. Tôi rất tiếc nhưng đất nước chúng ta cần phải có một Thủ đô mới...”.

Kiến nghị rút dự án nhạy cảm

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Lê Quang Bình, Chính phủ sẽ họp để rà soát lại việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng. “Ủy ban sẽ chờ Chính phủ rà soát lại để xem những dự án nào tiếp tục, dự án nào rút giấy phép đầu tư. Nếu dự án tiếp tục được giao mà có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng - an ninh thì chúng tôi sẽ kiến nghị rút” - ông Bình khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết trồng rừng, đầu tư nông nghiệp chúng ta rất khuyến khích. Theo ông Phúc, khe hở của việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng là cho thuê ở những vùng nhạy cảm. “Có những vùng quan trọng về quốc phòng - an ninh mà vẫn cấp phép hay cấp cho một nhà đầu tư quá nhiều diện tích mà không xem xét đến khả năng thực hiện của nhà đầu tư đó” - ông Phúc nói.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, số diện tích đất rừng cho nước ngoài thuê như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Lê Quang Bình nêu là đúng.

P.Dương

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng  (Bình Dương):

Thiếu kiểm tra, nhiều sơ hở

clip_image004

Trả lời của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho thấy nắm được tình hình, thấy rõ những mặt chưa được, nguyên nhân và cũng đã bước đầu nghĩ ra biện pháp khắc phục tồn tại trong lĩnh vực biến tướng lễ hội hiện nay. Tuy nhiên, đi sâu hơn thì sẽ thấy trong phương thức quản lý lễ hội còn nhiều sơ hở. Bộ trưởng nói phân cấp trách nhiệm nhưng lại thiếu kiểm tra việc quản lý lễ hội của địa phương dẫn đến những biến tướng mà Bộ không nắm và không ngăn chặn được kịp thời.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh):

Không có thay đổi

clip_image005Suốt nhiều năm qua, tôi đã cố gắng dùng nhiều biện pháp từ gặp gỡ riêng, chất vấn tại QH, gửi chất vấn... về việc phá rừng nhưng đã không có sự thay đổi từ phía Bộ NN-PTNT mà lại còn xuất hiện xu hướng Bộ “mở” cho phá rừng ngày một dễ dàng hơn. Bộ đã áp dụng chiêu thức “lách” QH là chuyển rừng đặc dụng sang rừng kinh tế, về bản chất vẫn là “thay máu” rừng đặc dụng. Đáng nói, Bộ trưởng không nắm được diện tích rừng còn bao nhiêu, nhất là với diện tích lớn như vậy...

Đây không phải là sự việc xảy ra lần đầu, đơn lẻ mà đã trở thành sai phạm có hệ thống và trái với pháp luật. Tôi đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội):

Tôi thấy bất an

clip_image006

Tôi thấy bất an khi ở những khu vực nhạy cảm như vậy lại cho doanh nghiệp nước ngoài thuê tới 50 năm. Đến nay, Bộ NN-PTNT mới trong giai đoạn xây dựng quy hoạch phát triển ngành lâm sản. Như vậy là quá chậm, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng. 

Thế Dũng ghi

TH

Nguồn: Báo Người Lao Động

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn