Tài nguyên nước, giàu hay nghèo? & Phải nhập khẩu nước ngọt

http://media.lookatvietnam.com/2009/12/drought-336-09.jpgQuốc Dũng

Tài nguyên nước, giàu hay nghèo?

TP - TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cho rằng, một trong những tai họa tiềm tàng chính là nước sẽ làm kiệt quệ các nguồn tài chính với tốc độ chóng mặt.



Nhiều tháng nay, người dân xã Thạch Cẩm (Thạch Thành - Thanh Hóa) phải đi bộ 1 – 2 km ra sông Bưởi lấy nước sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Lan.

Ngốn tiền như nước


Theo Bộ NN&PTNT, các địa phương vừa đề nghị trung ương hỗ trợ 350 tỷ đồng (trong đó vùng duyên hải Nam Trung Bộ xin 120 tỷ đồng, vùng Bắc Trung Bộ 230 tỷ đồng) để nạo vét kênh mương, bơm tát nước và mua giống cây trồng ứng phó với tình trạng khô hạn.

TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tính toán: Nếu tính các chi phí tức thời khác như xử lý nước bẩn thành nước sạch, cung cấp đủ nước sạch cho các vùng thiếu nước, chi phí cho phòng chống bệnh tật mà cụ thể là bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát tại miền Trung do thiếu nước, thiệt hại do các nhà máy thủy điện hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, kinh phí phải là hàng chục ngàn tỷ đồng.

Nếu tính các chi phí lâu dài khác để giúp điều tiết nước thừa rất nhiều vào mùa mưa cho mùa khô ngày càng khan hiếm, như trồng và bảo vệ rừng, tái quy hoạch hồ chứa, tái quy hoạch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khu dân cư, vẫn theo TS Sinh, phải mất hàng trăm ngàn tỷ đồng nữa.

Chỉ riêng Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và sử dụng tổng hợp tài nguyên nước, bảo đảm phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, kinh phí đã hơn 3.000 tỷ đồng dự kiến từ nay đến năm 2020.

Không còn là quốc gia giàu có về nước

Không cần nghĩ lâu, hầu như ai cũng bảo Việt Nam phải dồi dào về nước. Lượng nước bình quân đầu người cả nước khoảng 10.000m3/năm (lấy tròn số), hơn gấp đôi so với mức bình quân thế giới (trên 4.000m3/năm). Nếu chấp nhận ước tính tổng lượng nước các sông Việt Nam lên đến 843 tỷ m3/năm, lượng nước bình quân đầu người ở nước ta còn cao hơn.

Tại một hội nghị đầu năm 2010, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai lạc quan đưa ra con số mức bình quân đầu người 11.000 m3 nước/năm. Còn tại Hội nghị lần thứ 78 của Hội Đập lớn thế giới tổ chức ở Hà Nội cuối tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, tiềm năng thủy điện nước ta không dưới 85.000 GW/năm, một tiềm năng khổng lồ.

Nếu chấp nhận một ước tính lạc quan hơn, tiềm năng dòng chảy nước ta lên đến 880 tỷ m3/năm, thay vì chỉ 843 tỷ m3/năm như nêu trên. Tuy nhiên, dù lạc quan đến thế, khi so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam hóa ra cũng chỉ được xếp vào nhóm quốc gia “tương đối dồi dào”.

Dù chỉ có tiềm năng dòng chảy trung bình, Việt Nam lâu nay vẫn được xếp vào nhóm quốc gia giàu có về tài nguyên nước. Nhưng thật bất ngờ, nhân Ngày Nước thế giới, 22-3-2007, Việt Nam chính thức bị loại khỏi danh sách này, trở thành quốc gia có nguy cơ khan hiếm nước trầm trọng. Ba năm qua - thiếu hụt nguồn nước ngày càng trầm trọng xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực – là ba năm kiểm chứng xếp hạng của quốc tế đối với Việt Nam là phù hợp thực tế.
Chỉ riêng lĩnh vực nước sinh hoạt, theo báo cáo của Dự án quốc gia “Đánh giá ngành nước Việt Nam”, hiện có tới 8,5 triệu dân đô thị chưa có cơ hội dùng nước sạch, 21 triệu dân nông thôn còn xa lạ với khái niệm “nước hợp vệ sinh” và 41 triệu người khác được cấp nước nhưng chất lượng nguồn nước chưa đáp ứng tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế.


Q. D.

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/506535/Tai-nguyen-nuoc-giau-hay-ngheo.htmls



Phải nhập khẩu nước ngọt

Quốc Dũng

TP - Việt Nam chính thức tụt xuống danh sách quốc gia nghèo tài nguyên nước. Điều nguy hiểm là phần lớn nguồn tài nguyên này phụ thuộc vào các con sông quốc tế.
Nhiều dòng sông cạn trơ đáy khiến cuộc sống của người dân khốn đốn. Ảnh: Hoàng Lam
Phụ thuộc

Theo ông Des Cleary, Cố vấn trưởng Dự án Đánh giá Ngành nước Việt Nam, "Việt Nam là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn nước của các sông quốc tế". Chỉ 40% lượng nước mặt ở nước ta là phát sinh trong nước.

Ngoài ra, cả sáu lưu vực sông lớn của Việt Nam đều phụ thuộc vào dòng chảy từ các nước khác. Lưu vực sông Đồng Nai (chiếm 14% tổng lượng nước của Việt Nam), lưu vực sông Hồng - Thái Bình (chiếm 16%), và hệ thống sông Tiền - sông Hậu (hạ lưu sông Mekong mà ta quen gọi là sông Cửu Long) đều bắt nguồn từ các sông quốc tế.

Lấy trường hợp sông Mekong làm ví dụ. Lưu vực sông Tiền - sông Hậu chiếm 57% (có ý kiến đưa ra tỷ lệ trên 60%) tổng lượng nước của Việt Nam, lớn nhất trong số các lưu vực sông ở Việt Nam. Thế nhưng, lưu lượng này lại chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ nếu so với tổng lưu lượng của con sông Mekong đa quốc gia dài 4.800 km.

Việt Nam – quốc gia có mật độ dân cư cao nhất vùng (236 người/km²) – lại được hưởng lưu lượng nước thấp nhất trong số 6 nước sông Mekong chảy qua, khoảng 8%.

Đối với con sông đa quốc gia, chỉ cần một thay đổi nhỏ trên dòng Mekong sẽ tác động lớn đến Việt Nam. Việc thành lập Ủy ban Sông Mekong (MRC) gồm bốn quốc gia thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, chỉ giải quyết được phần nào căng thẳng nhưng không đáng kể.

Chúng ta gặp khó khăn gấp bội khi cả hai quốc gia Trung Quốc, Myanmar (không thuộc MRC) ở thượng nguồn sông và đều có tham vọng xây dựng các đập lớn.

Theo TS Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, tình trạng cạn kiệt nước sông Hồng mấy năm qua có nguyên nhân không nhỏ từ việc quốc gia láng giềng xây dựng gần nửa tá hồ đập thủy điện ở thượng lưu.

Trước thách thức ấy, các chuyên gia phải tính riêng lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ nước ta. Kết quả giật mình, lượng nước mặt bình quân đầu người ở nước ta hiện chỉ khoảng 3.840 m3/người/năm, chứ không phải 10.000-11.000m3/người/năm như tính toán trước đó.

Theo tiêu chí của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), nước ta thuộc các quốc gia thiếu nước (dưới 4.000m3/người/năm).

Bất tiện

Một thách thức khác là phân phối nước không đồng đều trên toàn lãnh thổ, gây ra bất lợi không nhỏ trong quá trình sử dụng nước. Trong khi 60% nguồn nước sông tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (lưu vực sông Mekong), toàn bộ lãnh thổ còn lại chỉ chiếm 40% lượng nước nhưng lại là nơi sinh sống của gần 80% dân số cả nước và trên 90% khối lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Đặc biệt ở các địa phương vùng miền Đông Nam Bộ và lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn, lượng nước bình quân đầu người chỉ đạt 2.900 m3/người/năm (con số này bao gồm cả lượng tài nguyên nước từ bên ngoài chảy vào Việt Nam).

Tài nguyên nước cũng phân bố không đều theo thời gian trong năm và giữa các năm. Lượng nước trung bình trong 4 - 5 tháng mùa mưa chiếm 75 - 85% lượng nước của cả năm, trong khi những tháng mùa khô (kéo dài đến 7- 8 tháng) chỉ có 15 - 25 %. Đấy là chưa kể lượng nước ở các lưu vực sông rất khác nhau, mùa khô nhiều nơi kéo dài tới 9 tháng.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, trong mùa khô, nước ta hiện có 4/16 lưu vực sông thuộc nhóm căng thẳng cao với tỷ lệ khai thác nước bình quân trên 40%/năm.
Sông Nhuệ, sông Cầu ở miền Bắc; sông Thị Vải, Đồng Nai ở miền Nam đang dần trở thành những con sông chết; sông Hồng cạn kiệt, đe dọa nghiêm trọng chất lượng sống của cư dân ven sông; nhiều sông ở miền Trung - Nam Bộ có hiện tượng cạn kiệt gây sa mạc hóa.

Điều tra của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật đánh giá ngành nước Việt Nam


Q. D.

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/506651/Phai-nhap-khau-nuoc-ngot.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn