Tam nông trong công nghiệp hóa: Khi Miếng da lừa ngày càng co lại

Lê Phú Khải

image Quan sát cảnh đồng ruộng Việt Nam ngày càng teo tóp lại để nhường chỗ cho những Khu công nghiệp, những sân golf, những khu du lịch sinh thái... người ta không thể không liên tưởng câu chuyện Miếng da lừa (La peau de chagrin) của văn hào Pháp Honoré de Balzac. Trong Miếng da lừa, anh chàng Raphael có một miếng da lừa có phép lạ. Mỗi lần anh ta ham muốn một điều gì, muốn tận hưởng một lạc thú gì, chỉ cần nói lên điều ước đó, miếng da lừa đều đáp ứng. Nhưng trên miếng da lừa ghi rõ: Mi có ta, mi sẽ có hết thảy. Nhưng đời mi sẽ thuộc về ta. Mỗi lần ước, ta sẽ co lại như đời mi! Raphael cứ ước và miếng da lừa cứ teo lại. Đến một ngày kia, miếng da lừa đã teo tóp nhỏ xíu thì y lâm bệnh nặng. Ước khỏi bệnh nhưng càng ước, bệnh càng tăng và Raphael đã chết bên cô người tình xinh đẹp!

Bốn ngàn năm khai phá giang sơn bằng cả máu, mồ hôi và nước mắt, ông cha ta để lại cho cháu con hôm nay 5 triệu hecta đồng lúa, nuôi sống cả giống nòi và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo vào hàng đầu thế giới. Một vinh hạnh cho dân tộc Việt. Vậy mà những bờ xôi ruộng mật ấy đang ngày càng teo tóp lại như miềng da lừa của Raphael. Người ta lấy cớ là “chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp” để “ước” ra những khu công nghiệp!

Công nghiệp ư? Công nghiệp là gì cơ chứ nếu không phải là những dây chuyền sản xuất điện khí, cơ khí. Còn hậu công nhiệp phải là tự động hóa, rôbốt hóa, công nhệ cao, nano chứ quyết không phải là mấy xưởng may gia công quần áo, mấy xí nghiệp đóng giày dép cho chủ tư bản nước ngoài đến Việt Nam bóc lột sức lao động rẻ mạt của những người nông dân mất ruộng! Để rồi hàng ngày những “khu công nghiệp” này thải ra biết bao rác rưởi làm bẩn môi trường sống!

Hãy lấy nước Pháp, một nước công nghiệp hàng đầu thế giới mà suy xét. Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 2,7% trong GDP (Công nghiệp 24%, Dịch vụ 73,3%. Số liệu năm 2006) nhưng từ hàng trăm năm nay diện tích đất nông nghiệp của Pháp vẫn là 30,139 triệu hecta và không hề thay đổi. Trong hơn 30 triệu hecta đất nông nghiệp đó, một nửa dành cho chăn nuôi, nửa còn lại là trồng trọt. Trong phần trồng trọt thì non nửa diện tích để trồng nho làm rượu vang. Vì thế Pháp là nước sản xuất nông sản đứng hàng đầu châu Âu, trên Ý, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Nông sản của Pháp cực kỳ phong phú. Có lần Tổng thống Pháp De Gaulle đã phải thốt lên: Làm sao tôi có thể cai trị một nước có đến 400 loại phoma! Chính vì có một nền ẩm thực phong phú và một thiên nhiên không trống trải như cách nói của dân Pháp mà nước Pháp là quốc gia đứng đầu thế giới về du lịch, tức là nền công nghiệp không khói, với 75 triệu lượt khách quốc tế đến viếng thăm mỗi năm, trên Tây Ban Nha 50 triệu khách, Mỹ 45 triệu khách.

Vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, thanh niên ở nông thôn Pháp thường than: Làm sao lấy được vợ khi các cô gái hàng xóm bỏ ra thành thị hết! Nhưng từ những năm 70 mọi việc đã thay đổi, người nông dân sống ở thôn xóm có thiên nhiên không trống trải, có tiện nghi hiện đại lại là hình mẫu cho lớp thanh niên ở thành thị. Người Pháp hiệu nay nêu khẩu hiệu Vui sống (joie de vivre), cứ thứ bảy, chủ nhật và nhất là vào tháng nghỉ hè, tháng 7, thì hầu như Paris và các thành phố khác ở Pháp bỏ trống cho khách du lịch. Còn người thành thị đua nhau về nông thôn Vui sống! Vì ở đó thiên nhiên không trống trải, ở đó chất lượng sống (qualité de vie) tốt hơn.

Nước Việt Nam chúng ta với tiềm lực văn hóa, lịch sử lâu đời, với thiên nhiên vô cùng phong phú, tươi đẹp, nếu được giữ gìn, tu tạo và phát triển thì trong tương lai hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia có công nghiệp không khói chiếm tỷ trọng cao trong GDP, đồng thời còn là một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến và một nền công nghiệp kỹ thuật cao. Không nhất thiết phải lao vào cắt đất bờ xôi ruộng mật để mau chóng có một nền công nghiệp... may và khâu giầy dép như người ta đang đua nhau làm từ Bắc đến Nam mà thực chất là một cuộc cướp đất của nông dân dựa vào luật đất đai hiện hành!

Vì thế Nhà nước trung ương nhất thiết phải có một quy họach tổng thể trên quy mô toàn quốc cho phép cụ thể từng địa phương chỉ được cắt bao nhiêu diện tích đất xấu để làm khu công nghiệp “may vá và khâu giày” như hiện nay!

Nhà báo Pháp Olivier khi đến quan sát Việt Nam đã phải thốt lên: Có còn là Việt Nam nữa không nếu mất đi dòng sông in bóng những cánh đồng? Dòng sông trong lành, ngọt ngào và những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay chẳng những đã từng nuôi sống dân tộc ta qua bao chặng đường lịch sử gian nan mà còn là đời sống tâm linh, chiều sâu văn hóa của dân tộc Việt. Triết học, văn học, thiên văn học của những luồng khí quyển lưu hành trong xã hội Việt Nam xưa nay đều nảy sinh trên cánh đồng lúa nước đó!

Có thực mới vực được đạo! Triết lý của ông bà ta là thế! Chính vì thế nước Nhật công nghiệp hóa đến tận chân răng, Chính phủ vẫn phải trợ giá cho nông dân để bằng bất cứ giá nào, mỗi năm cũng phải làm ra 30 triệu tấn gạo lức cho an ninh lương thực của nước Nhật! Vì người Nhật không thể nhai, dù là công nghệ nanô để sống!

Bình sinh, có lần cố vấn Võ Văn Kiệt đã tâm sự với người viết bài này: Trong cuộc cách mạng trước đây, chính sách ruộng đất là cái bùa hộ mệnh của cách mạng với nông dân. Vậy trong bối cảnh mới, khi Việt Nam đi vào công cuộc canh tân đất nước, thì cái bùa hộ mệnh của Đảng là ở đâu? Chắc chắn nó vẫn phải là lợi ích của số đông, tức nông dân. Vì lẽ đó, chính ông Võ Văn Kiệt đã viết bài báo thu hút đông đảo dư luận cả nước một thời. Đó là bài báo Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề, đăng cùng ngày 12.4.2008 trên ba tờ báo có đông người đọc Tuổi trẻ, Thanh niên, Người lao động. Đọc bài viết đó, tôi lại liên tưởng đến Miếng da lừa của văn hào Balzac. Kiệt tác này ra đời năm 1831, vào thời đại giai cấp tư sản sau Đại cách mạng Pháp 1789 đang vươn lên, đang tích lũy tư bản kiểu hoang dã (sauvage), thời kỳ giai cấp tư sản hiện ra dưới con mắt của Marx: mỗi lỗ chân lông của nó đã thấm đẫm máu và nước mắt! Thời kỳ người ta hò hét làm giàu bằng mọi giá! Để cảnh báo sự bóc lột hoang dã này và để tránh sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền, Balzac đã dùng hình tượng hư cấu Miếng da lừa để lên án sự tham lam vô độ của những kẻ đang được ước và lên án xã hội đương thời!

Tác giả Võ Văn Kiệt đã chỉ rõ trong bài báo nói trên: Người nông dân chịu thiệt thòi một cách trực tiếp trong quá trình công nghiệp hóa. Mỗi khi có những nhà máy, những khu công nghiệp, những đô thị mọc lên, những phúc lợi xã hội mà sự phát triển mang lại cho nông dân chỉ chiếm một giá trị rất nhỏ so với lợi nhuận mà đất đai của nông dân đem lại cho những tầng lớp khác! Công nghiệp hóa theo kiểu tiếp nhận những đầu tư, chủ yếu khai thác lao động rẻ, tuy có giải quyết được công ăn việc làm có tính nhất thời cho một số lao động thiếu việc làm, về lâu dài không thể nào thay đổi cuộc sống nghèo khó của nông dân. Trong khi đó, việc trả giá về mặt tinh thần là rất lớn vì đa số những nông dân này đang phải ly hương, ly gia để có việc làm. Công nghiệp hóa, đô thị hóa của chế độ ta mà không nhất quán quan điểm, không xuất phát từ người nghèo (số đông) thì chúng ta không tránh khỏi làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa hai tầng lớp giàu nghèo.

Việt Nam hiện nay vẫn thuộc diện những nước nghèo nhất trên thế giới. Vậy mà khoảng cách giữa giàu nghèo lại vào loại lớn nhất thế giới! Thời bao cấp, tất cả đều nghèo, từ quan đến dân! Vậy mà chỉ sau hơn hai thập kỷ cải cách mở cửa, số người giàu bạo phát khiến thế giới phải kinh ngạc! Năm 2001, tôi đang ở Paris, một Việt kiều nói với tôi về con một ông lớn ở Việt Nam sang Pháp tiêu tiền đến nhà giàu ở Paris cũng phải chóng mặt!

Năm 1986, đại hội Đảng lần thứ VI đã mở ra cải cách kinh tế cho đất nước. Nhờ đó kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc. Nhưng sau hơn 20 năm cải cách kinh tế, những mâu thuẫn xã hội đã lộ rõ, khoảng cách giàu nghèo đã quá xa. Nguyên nhân sâu xa của nó là nạn hối mại quyền lựcđặc quyền khai thác tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai (chữ dùng của Võ Văn Kiệt). Đã đến lúc phải cải cách hệ thống quyền lực hay đúng hơn là cải cách chính trị tiếp sau cải cách kinh tế. Đây chính là bản lĩnh cũng đồng thời là một thách thức to lớn với đảng cầm quyền trong đại hội XI sắp tới. Nếu không Việt Nam sẽ là một trong những xứ xở bất công kỳ quái nhất trên hành tinh này!

Vấn đề của cách mạng Việt Nam đến nay chủ yếu vẫn là vấn đề nông dân, là những cam kết lịch sử (chữ của Võ Văn Kiệt) của người Cộng sản với nông dân. Khi Miếng da lừa ruộng đất cứ teo tóp lại là cam kết ấy đang ngày càng bị lãng quên!

LPK

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn