Tan tành Đà Lạt: Xẻ núi, chặt thông làm biệt thự, sân gofl & Biệt thự bức tử rừng thông?

Thái Thiện – An Bang & Hà Phan

clip_image007

Căn biệt thự trị giá cả triệu USD đã được rao bán   

Có lẽ số phận hẩm hiu của một đất nước vốn có nhiều thắng cảnh như nước ta trong giai đoạn cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI này là bỗng chốc nó chuyển sang chặng đường tích lũy tư bản nguyên thủy một cách trắng trợn mà bề ngoài thì không ai chịu thừa nhận. Điều hành công cuộc tích lũy tư bản theo lối man rợ đó lại là những “chúa Chổm” mà họ hàng dây mơ rễ má bốn đời không ai có lấy một chữ trong đầu. Vì thế, đâu đâu cũng diễn ra theo cùng một cung cách: tàn phá đến sạch trơn, tận diệt những gì tận diệt được nhất là đất đai, núi rừng, bờ biển, ao hồ, vũng vịnh, đảo bán đảo... cốt hái ra tiền thì thôi. Bởi lẽ trong óc họ làm gì có ai để lại cho một chút gène di truyền về học vấn để có tầm nhìn đối với non sông đất nước (cho nên phải ồ ạt mua bằng giả bằng dỏm để làm sang và việc đó phải được hợp thức hóa), và làm thế nào đòi hỏi được họ có tư cách văn hóa trong việc gìn giữ văn hóa cho cộng đồng? Trong khi đó sờ vào lưng vốn thì lại là tay trắng, thế thì còn cách nào hơn là phá hết đi để làm giàu cho nhanh, rồi đây ra làm sao mặc chúng bay, tao đã ních được một túi đẫy tao cho con cháu tếch sang Âu sang Mỹ.

Đất nước đã bĩ nhưng chưa phải là bĩ cực nên xem ra còn lâu mới thái.

Bauxite Việt Nam

1. Tan tành Đà Lạt: Xẻ núi, chặt thông làm biệt thự, sân gofl

Khu di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt) đang bị bủa vây bởi hàng chục dự án du lịch. Những quả đồi thông xanh có tuổi đời hàng trăm năm, đang bị “xẻ thịt” không thương tiếc để nhường đất cho những căn biệt thự triệu đô mọc lên san sát…

Chặt hạ khắp nơi…

Khu di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh Hồ Tuyền Lâm có diện tích hơn 2.800 ha, được bao bọc bởi núi, rừng, hồ, suối, thác… tạo nên một cảnh quan độc đáo, thích hợp với nhiều loại hình du lịch: du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng.  

clip_image003

Một cây thông hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ ở khu vực hồ Tuyền Lâm. 

Tuy nhiên, khi trở lại khu di tích này, du khách không khỏi giật mình trước sự “bê tông hóa” đến chóng mặt tại khu vực hồ: hàng loạt dự án biệt thự, khách sạn, sân gofl đua nhau mọc lên.

Theo chân Cường, một người dân từng sống 20 năm tại khu lòng hồ, chúng tôi được đưa tới dự án “điểm” Nam Sơn Resort của Công ty TNHH Maico (chuyên kinh doanh XNK đồ gốm mỹ nghệ tại Bình Dương), nằm ôm cả một quả đồi và chạy dài xuống sát mặt nước hồ. Ước tính có trên 30 căn biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, mỗi căn rộng vài trăm mét vuông đang được hoàn thiện; các con đường chạy dọc khu Resort này cũng đang được đổ nhựa…

clip_image005

Xẻ núi, vạt thông để làm đường lên dự án. 

Cường cho biết: cuối năm 2007 dự án này được khởi công và tốc độ thi công cũng được chủ đầu tư đẩy nhanh. Việc này đồng nghĩa với hàng  nghìn cây thông có tuổi đời vài chục năm trên quả đồi rộng trên 10 ha này bị đốn hạ để phục vụ dự án.

Chúng tôi tiếp tục đi theo con đường lên đỉnh Pinhatt (cao trên 1.900 m). Thật khó tin, đỉnh núi cao, xung quanh bao bọc bởi rừng thông bạt ngàn này lại là “đất vàng” đặt tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao Hotel De Royale của công ty cổ phần đầu tư Gia Tuệ. Khởi công vào tháng 12/2009, đến nay, dấu ấn của dự án này là con đường đang mở vòng theo triền núi đỏ rực, nham nhở đất đá. Phía trên, hàng trăm gốc thông bị đốn hạ, bật gốc, ứa nhựa…

Đi tiếp xuống bìa rừng, chúng tôi tình cờ phát hiện một bãi tập kết gỗ thông của các dự án. Thật xót xa trước cảnh hàng trăm gốc thông, với đường kính nhỏ nhất là 20 cm, lớn hơn tới 80 cm, chiều dài hàng chục mét, nằm la liệt chờ “thanh lý”…

clip_image009

Điểm tập kết gỗ thông ở bìa rừng. Tại đây ghi nhận hàng trăm cây thông nhiều năm tuổi bị đốn hạ, phục vụ việc làm đường và xây biệt thự của chủ đầu tư

Càng đi sâu vào rừng, số lượng thông bị chặt hạ càng nhiều. Đi tiếp khoảng 3 km đường rừng, chúng tôi bất ngờ phát hiện ra một thung lũng rộng hàng chục ha, bao phủ một màu đỏ rực của đất, đá bazan. Phía trên đồi, dễ nhận thấy hàng trăm cây thông mới chặt nằm la liệt. Cường cho biết đây là dự án sân gofl của Công ty Sacom, được triển khai từ năm 2008. Ở vị trí này, trước đây là đồi thông bạt ngàn, phía lõm của thung lũng là một số đất nông nghiệp của dân, nhưng nay, tất cả đều đã biến mất, nhường đất cho sân gofl và 230 căn nhà biệt thự đang được chủ đầu tư triển khai xây dựng…

Bao nhiêu ha rừng thông nữa sẽ “biến mất” ?

Theo ban quản lý hồ Tuyền Lâm, trong các ngày từ 25 đến 30/6 Ban quản lý sẽ tổ chức khai thác tận thu, tận dụng lâm sản trên khu vực chuyển mục đích sử dụng để xây khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái của công ty Gia Tuệ, tại tiểu khu 162B. Theo đó, tổng diện tích tận dụng gỗ là 2,69 ha, trữ lượng gỗ tận dụng là 358,6 m3, tổng số cây là 629 cây (có 354 cây có đường kính trên 25 cm)

clip_image011

Sân gofl của công ty Sacom vạt hẳn một thung lũng. Rừng thông biến mất...  

Tương tự, tại dự án Làng văn hóa APU của công ty TNHH phát triển giáo dục APU, để làm đường giao thông lên dự án, số gỗ tận dụng cũng lên tới 387 m3 với 596 cây bị đốn hạ.

Một dự án khác là: Kỳ quan thế giới và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp do công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình Haco thực hiện trên diện tích 45 ha, chủ đầu tư “dự kiến” phải đốn hạ 4.568 cây thông.

clip_image013

Các dự án biệt thự đua nhau mọc lên tại Khu du lịch hồ Tuyền Lâm..

Đó là chưa kể một loạt dự án đã và đang “xin phép” chặt cây để làm đường và xây dựng công trình như: dự án Công ty Đào Nguyên xin phát quang làm đường giao thông nội bộ, xây dựng 10 căn biệt thự… Dự án của Công ty cổ phần Thiên Nhân, đang tiến hành thi công đường giao thông nội bộ; xin giấy phép chặt hạ cây và giấy phép xây dựng các căn biệt thự. Các dự án khác của công ty TNHH bệnh viện đa khoa Hồng Đức, công ty may thêu thương mại Lan Anh, công ty cổ phần du lịch sinh thái đất Phương Nam…cũng xin phép chặt thông với các lý do tương tự. (?)

TT – AB

Nguồn: Vietnamnet

2. Biệt thự bức tử rừng thông?

TP - Mặc cho hàng trăm dự án du lịch tại Đà Lạt đang triển khai ì ạch hoặc bất động, hàng ngàn cây thông- đặc trưng của Đà Lạt đã bị chặt hạ không thương tiếc!

clip_image014

Nhiều cây thông bị triệt hạ (ảnh nhỏ) để nhường đất cho biệt thự (ảnh lớn) trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm . Ảnh: H.P

Đâu cũng chặt cây, phá rừng

Chúng tôi có mặt tại các khu rừng thông nguyên sinh tại khu vực hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) mà mai đây sẽ là nơi hàng chục dự án mọc lên. Dọc hai bên đường đi và phía trong phần đất của dự án, thông bị đốn hạ nằm la liệt.

Những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2010, tại khu vực dự án Cty Gia Tuệ, thông đã được chặt xong trơ gốc nằm dài hai bên đường vào rừng. Không chỉ những cây lớn dài hàng chục mét, vòng tay ngưòi ôm không xuể mà cả những cây nhỏ cũng bị đốn gục.

Trớ trêu thay, phần lớn thông bị chặt đều có giấy phép. Tại trụ sở UBND phường 4, thông báo ghi rõ từ ngày 25-5 đến 30-6-2010, Ban quản lý khu du lịch (KDL) hồ Tuyền Lâm sẽ tổ chức khai thác tận thu, tận dụng lâm sản theo Giấy phép khai thác do Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cấp với tổng số 629 cây, gồm: 275 cây có đường kính trên 25cm và 354 cây có đường kính dưới 25cm…

Cùng thời gian này, cơ quan trên cũng được phép khai thác tổng diện tích tận dụng gỗ hơn 1ha, đa phần là rừng tự nhiên. Tổng trữ lượng gỗ tận dụng là 387,9m3, gồm: 455 cây có đường kính trên 25cm và 141 cây có đường kính dưới 25cm…

Được biết để thực hiện dự án Kỳ quan thế giới và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp do Cty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công trình Haco thực hiện tại KDL hồ Tuyền Lâm, chủ đầu tư đã lên phương án chặt hơn 4.500 cây thông!?

Ngoài ra, còn khá nhiều dự án đã và sắp chặt cây, trong đó chủ yếu là thông, để làm đường hoặc xây dựng công trình như: dự án Cty Cổ phần Thiên Nhân, dự án Cty TNHH may thêu thương mại Lan Anh, dự án Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức, dự án Cty Cổ phần Du lịch Sinh thái Lạc Nam, dự án Cty Cổ phần Du lịch Sinh thái Phương Nam, dự án Cty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Đào Nguyên…

Tuy cây rừng và thông bị chặt hạ nhiều như thế, nhưng Giám đốc Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm Nguyễn Xuân Thành, ước tính sơ bộ từ năm 2005 đến nay tổng số gỗ tận thu là hơn 2.666 m3 với số tiền thu được là trên 3,4 tỷ đồng, trong đó nộp cho ngân sách được hơn 1 tỉ đồng!?

Phía sau “du lịch” là… biệt thự

Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đồng Nguyễn Trọng Hoàng đã cảnh báo nguy cơ “bội thực” dự án đầu tư resort, biệt thự du lịch ở Đà Lạt, khi biết số lượng biệt thự du lịch xây cất tại thành phố thơ mộng này sẽ lên đến 45.000 căn!

Ông Hoàng cũng cho rằng số dự án du lịch - địa ốc - biệt thự đồ sộ đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, núi đồi, rừng thông... và băm nát cảnh quan tuyệt đẹp của Đà Lạt.

Ngay cả dự án sân golf khá hoành tráng với mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng của Sacom tại KDL Tuyền Lâm trước đây, nay cũng dành phần lớn để xây dựng 400 căn biệt thự cùng những bất động sản khác.

Qua tiếp xúc với các chủ đầu tư và những người đã từng làm dự án du lịch, địa ốc tại Đà Lạt, ai cũng khẳng định chỉ có xây biệt thự bán mới mau thu hồi vốn. Đây cũng là lý do chính để hàng chục ngàn biệt thự đang mọc lên khắp TP Đà Lạt dưới “bóng” của cái gọi là KDL.

Thử đi mua dự án

Sau gần một tháng tìm đầu mối và qua nhiều trung gian, giữa tháng 7-2010, PV Tiền phong trong vai đại diện cho nhóm nhà đầu tư từ CHLB Đức về được dẫn đến nhà riêng ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm.

Tại đây, sau một hồi thăm dò năng lực và quyết tâm đầu tư, ông Thành đã giới thiệu cho chúng tôi dự án của Cty TNHH D.N.A (đăng ký kinh doanh tại Bình Dương) có quy mô 26,6 ha, với tên gọi “Làng du lịch sinh thái rừng - phim trường ngoại cảnh D.N.A” nằm trong KDL hồ Tuyền Lâm đang có nhu cầu sang nhượng.

Dù biết rõ dự án bị cấm sang nhượng nhưng ông Thành và cấp dưới vẫn cho rằng có cách lách, và sẽ tạo điều kiện để chúng tôi mua lại được dự án này.

clip_image015

Sau 4 năm triển khai, dự án “Làng du lịch sinh thái rừng - phim trường ngoại cảnh D.N.A” vẫn chỉ là đất rừng (ảnh lớn); Dự án của D.N. A đòi sang nhượng với giá 15 tỷ (ảnh nhỏ) . Ảnh: P.V

Ngay tại buổi gặp, ông Thành còn chỉ đạo cho cấp dưới đề xuất với UBND tỉnh cho sang nhượng dự án. Tuy nhiên, ông Thành nói nếu chờ UBND tỉnh đồng ý chủ trương trên sẽ rất lâu, muốn nhanh phải tìm cách khác. Hai bên sẽ lách bằng cách mua hay góp vốn để nắm quyền chi phối trong Cty đang có dự án để trở thành chủ đầu tư mới của dự án mà không sai quy định!

Tại hội thảo “Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng” tháng 3-2010, nhiều đại biểu đề nghị, UBND tỉnh Lâm Đồng nên loại những dự án đầu tư nhỏ, nghèo nàn về sản phẩm, không tạo ra giá trị cho tương lai nền du lịch Đà Lạt mà chỉ góp phần băm nát cảnh quan cũng như môi trường du lịch. 

Theo ông Thành thì D. N. A sẽ bán lại dự án trên vì năng lực tài chính yếu, nhưng giá phải 14-15 tỷ đồng, cộng 10 tỷ đồng tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án nộp cho UBND tỉnh Lâm Đồng. Ông Thành còn khuyên chúng tôi ra thực địa xem lại dự án, nếu ưng ý báo lại ông sẽ nói chuyện với D.N.A để hai bên gặp nhau xúc tiến việc mua bán dự án trên.

Cụ thể hơn, ông Thành giao cho ông Trần Quang Thắng, chuyên viên của Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm giúp đỡ chúng tôi. Theo ông Thành, việc sang nhượng phải hết sức kín kẽ chứ không “mấy ông lại nói mình làm Giám đốc Ban quản lý mà môi giới sang nhượng”.

Theo chỉ dẫn của ông Thắng, chúng tôi đã đến tận nơi xem vị trí, tiến độ của dự án trên.

Lô đất để làm dự án khá đẹp với hơn 1km mặt tiền đường nhựa, ẩn mình trong rừng thông và nhìn thẳng xuống mặt nước trong xanh của hồ Tuyền Lâm. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy dự án này được triển khai, dù UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư từ năm 2006 và khởi công từ đầu 2008.

Chỉ vài ngày sau, qua sắp xếp của ông Thắng, chúng tôi đã gặp ông Đào Quang Nam, Giám đốc Cty D.N.A để thương lượng sang nhượng dự án trên. Từ đây, đã hé lộ ra nhiều chi tiết khá bất ngờ và câu trả lời vì sao Giám đốc Ban quản lý dự án KDL hồ Tuyền Lâm lại nhiệt tình môi giới đến vậy...

“Đắp chiếu” vẫn phải “bôi trơn”

Ông Nam cho biết không phải Cty ông thiếu vốn, nhưng muốn tập trung làm dự án khác, nên muốn bán “15 tỷ đồng, trong đó có 1 tỷ để đi ngoại giao, bôi trơn cho công việc chạy nhanh, suôn sẻ”.

Ông Nam khẳng định quan hệ của ông với “các anh tỉnh nhà” rất mật thiết nên chỉ trong vòng 3 tháng là việc mua bán sẽ xong xuôi. Thời gian đầu, để tiện trong các thủ tục giấy tờ, ông Nam đồng ý vẫn đứng tên Giám đốc Cty, giúp quan hệ với các sở, ban, ngành, vì “đã biết đường đi nước bước”.

Theo ông Nam, nếu đồng ý mua, nên ký hợp đồng dưới hình thức là hợp đồng liên doanh và chuyển trước cho ông 10 tỷ đồng để ký quỹ cho UBND tỉnh Lâm Đồng sớm vì nhiều đối tác khác cũng đang đánh tiếng mua lại. Ông Nam đã giao hẳn một bộ hồ sơ về dự án cho chúng tôi để xem xét nhằm có quyết định sớm.

Theo chúng tôi tìm hiểu, dự án của ông Nam đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi số 8603/UBND ngày 25-11-2008 và đến ngày 22-12-2008, UBND tỉnh này ra quyết định thu hồi đất số 3435/QĐ – UBND.

Thanh tra Chính phủ cũng đã từng lập biên bản và đánh giá D.N.A lập dự án đầu tư chậm 5 tháng nhưng không có tờ trình xin gia hạn; khởi công dự án khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa có quyết định phê duyệt thiết kế... Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì đến 15-6-2010, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có ý kiến bằng văn bản giao Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm làm việc lại với D.N.A rồi báo cáo với UBND tỉnh để xem xét cho tiếp tục đầu tư, sau khi D.N.A xin và cam kết ký quỹ 10 tỷ đồng!?

Và chỉ 5 ngày sau, 22-6-2010, D. N. A đã được Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm bàn bạc để cùng lập biên bản cam kết tiến độ thi công gửi UBND tỉnh Lâm Đồng xin chủ trương cho đầu tư tiếp. Đây là cơ sở để D.N. A khẳng định trước đối tác là dự án vẫn tiến hành sang nhượng được.

Gặp nhau lần thứ hai tại TPHCM, ông Nam trấn an chúng tôi việc dự án từng bị thu hồi rồi cho làm lại chỉ là tình cảnh chung. Khi chúng tôi hỏi, theo như hồ sơ ông Nam cung cấp thì chi phí cho dự án mà Cty D. N.A bỏ ra chỉ dưới 5 tỷ đồng nhưng tại sao giá sang nhượng lại lên đến 14 tỷ đồng? Ông Nam cho hay, để có được dự án này, số tiền thực mà doanh nghiệp của ông bỏ ra nhằm ngoại giao, bôi trơn cao hơn nhiều số tiền trên giấy tờ.

Khi chúng tôi xin giảm giá bán dự án, mượn cớ bên chúng tôi phải chi phí cho bên môi giới, ông Nam nói chỉ nên chi cho bên ông Thành, ông Thắng 100 triệu đồng, vì ông Nam cũng phải chi.

Còn theo ông Thắng, ngoài 1 tỷ đồng người mua đưa cho ông Nam làm chi phí để lo việc sang nhượng, thì ông Nam vẫn phải trích từ tiền bán dự án để đưa cho ông Thành lo liệu mọi chuyện. Theo ông Thành, sở dĩ ông Thành không ra mặt ngả giá vì tránh tiếng, chứ đều có chỉ đạo chủ trương hết. Ngày 24-7, ông Thắng cũng đã cho chúng tôi số tài khoản để có thể chuyển số tiền trên.

Sáu năm qua, Lâm Đồng có đến 240 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, chủ yếu trên địa bàn TP.Đà Lạt, trong đó, 33 dự án đang triển khai tại khu vực hồ Tuyền Lâm, với diện tích 1.652 ha chủ yếu là đất rừng. Người dân Đà Lạt không chỉ bức xúc Tuyền Lâm như “cô gái đẹp bị tạt a xít” do quá nhiều dự án đang phá nát bộ mặt của khu vực này, mà còn lo ngại hàng ngàn cây thông quý sẽ tiếp tục bị chặt hạ trong nay mai.

HP

Nguồn: Tienphong

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn