Mềm nắn, rắn buông

Ngô Dũng Nhân

SGTT.VN – Tờ Outlook Weekly (Tuần báo Liễu vọng) vừa trích dẫn ý kiến một nhà nghiên cứu quân sự, nhắc nhở Trung Quốc không nên lạm dụng từ “hạch tâm quyền lợi” vì nếu dùng chữ đó quá nhiều có thể làm cho những tuyên bố của Chính phủ Bắc Kinh mất dần ảnh hưởng răn đe đối với các nước khác.
Vừa qua, hàng không mẫu hạm USS George Washington dẫn đầu một cuộc tập trận của hải quân Mỹ và Hàn Quốc trên biển Nhật Bản. CHDCND Triều Tiên làm ồn ào với lời đe dọa chiến tranh, thậm chí còn giơ cả nắm đấm hạt nhân. Chính phủ Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối lấy lệ, nhưng rồi cuộc thao dượt vẫn cứ diễn ra.
Mỹ và Hàn Quốc đều không coi những lời dọa nạt của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là quan trọng, mặc dù trước đó Mỹ cũng nhượng bộ một bước. Mới đầu, Chính phủ Hàn Quốc muốn thao diễn hải quân trong vùng biển Hoàng Hải, nơi Bắc Triều Tiên đã đánh đắm chiến hạm Cheonan hồi tháng Ba. Coi đây như là một động thái trả đũa về ngoại giao.

Nhưng biển Hoàng Hải gần quá, ngay sát nách Trung Quốc. Vì vậy hai nước quyết định diễn tập ở phía biển bên kia, giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc đổi chỗ này còn mang một hàm ý khác: Nhật Bản cũng nằm trong liên minh quân sự với Mỹ. Hải quân Nhật đã gửi quan sát viên đến dự cuộc tập trận này.
Tờ Outlook Weekly (Tuần báo Liễu vọng) của Tân Hoa xã vừa trích dẫn ý kiến của một nhà nghiên cứu quân sự, nhắc nhở rằng Trung Quốc không nên lạm dụng từ “hạch tâm quyền lợi” vì nếu dùng chữ đó nhiều quá có thể làm cho những lời tuyên bố của Chính phủ Bắc Kinh dần dần mất ảnh hưởng răn đe đối với các nước khác.
Ý kiến trên đây có lẽ nhằm nhắc nhở Bắc Kinh không nên đem Hoàng Hải vào vùng các “quyền lợi hạch tâm” của Trung Quốc! Vì Trung Quốc chưa đủ sức thi thố quyền bá chủ trong vùng đó!
Nhưng đối với vùng Ðông Nam Á thì Trung Quốc tự tin hơn. Tháng Ba năm nay, Bắc Kinh đã thông báo cho Washington rằng họ coi vùng Biển Ðông thuộc loại quyền lợi thiết yếu của họ. Các nước Ðông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã mở một chiến dịch vận động quốc tế quan tâm đến vấn đề này.
Thực ra thì Chính phủ Obama cũng đã bắn tín hiệu từ từ để thăm dò thái độ của Bắc Kinh. Ông Robert Sher, phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đã nói nội dung giống hệt như bà Clinton phát biểu tại ARF-17 khi ông ra điều trần trước một Ủy ban thẩm định các liên lạc kinh tế và an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tiếp theo đó, đầu tháng Sáu vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates lại nói ở Singapore rằng nước Mỹ phản đối tất cả các vụ dùng vũ lực xâm phạm đến quyền tự do đi lại trong vùng Biển Ðông. Sau đó, phụ tá của ông Gates đến Hà Nội nhắc lại nguyên văn các ý kiến đó. Những tuyên bố này không hề được chính quyền Bắc Kinh nhắc đến dù chỉ để phản đối! Tại sao họ lại làm ồn lên về bà Clinton?
Có thể vì họ không nghĩ bà Clinton sẽ đề cập vấn đề Biển Ðông ở ngay Thủ đô Việt Nam. Giới quốc phòng nói thì hiểu được, nhưng bà Ngoại trưởng lên tiếng thì lạ, vì Hội nghị này xưa giờ vẫn chỉ là nơi giao tế ăn nhẹ nói khẽ mà thôi. Hóa ra việc bà Clinton nói tại Hội nghị lại có ý nghĩa quan trọng hơn ý kiến bà ấy nói ra, vốn là một chính sách của Chính phủ Mỹ đã được truyền đi trước đó.
Có thể đây là giọt nước làm tràn ly, kể từ sự khởi đầu của ông Gates. Chiến thuật tiến từng bước của Chính phủ Mỹ làm TQ lo ngại, thấy phải chặn lại. Ngoại trưởng Dương Thiết Trì đã phản đối chính phủ Mỹ là cố ý “quốc tế hóa” các tranh chấp trong vùng biển thuộc loại “ao nhà” của họ, TQ muốn để họ giải quyết với từng nước một.
Nhưng rõ ràng Chính phủ Obama không công nhận quyền bá chủ của Bắc Kinh trong vùng này! Và đây là một cơ hội cho Việt Nam và các nước Ðông Nam Á khác. Phải thẳng thắn bày tỏ quan điểm chính thống của Nhà nước và phải để cho người dân lên tiếng khi tàu thuyền của họ bị cướp bóc, buộc nạp tiền chuộc ngay trên lãnh hải của Tổ quốc!
Trong giao thiệp với Trung Quốc, có lúc phải biết xử sự cứng chứ không thể mềm mãi được. Bởi vì mềm nắn, rắn buông!
NDN
Nguồn: http://sgtt.vn/Goc-nhin/127299/Mem-nan-ran-buong.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn