VÕ CÔNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ THIÊN TÀI QUÂN SỰ VÕ NGUYÊN GIÁP

Lê Phú Khải

clip_image002

Đại tướng và nhà báo Lê Phú Khải tại nhà riêng ĐT, tháng 2-2004. Ảnh: Lê Phú Khải.

Sau nhiều ngày sĩ quan quân báo của ta hỏi cung, Tướng Đờ Cát tỏ ra không ngoan cố, ương ngạnh như Lăng-Le, phó chỉ huy của ông ta ở Điện Biên Phủ, cuối cùng, Đờ Cát có nguyện vọng được hỏi “ông sĩ quan quân báo” vài điều về Tướng Giáp.

Đờ Cát nói: “Tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy du kích mà còn giỏi cả chỉ huy trận địa chiến, về chỉ huy hợp đồng binh chủng, về nghi binh và đánh lừa tình báo đối phương. Điều tôi ngạc nhiên là không biết Tướng Giáp đã tốt nghiệp từ trường võ bị cao cấp nào? Ông ta đã bí mật đi nghiên cứu ở Nga chăng?... Đôi khi tôi nghĩ hay Tướng Giáp là một trong số ít những người Việt Nam trước đây đã được đào tạo ở trường võ bị Xanh-Xia (Saint Cyr) của chúng tôi và nay đi làm Việt minh (!)? Hay Tướng Giáp đã tốt nghiệp ở một học viện quân sự ở Mỹ? Tôi nghe nói có nhiều sĩ quan cao cấp được cụ Hồ Chí Minh đưa về nước năm 1945 bằng máy bay của Mỹ?!”.

Ông ta còn nói thêm: “Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một quân đội nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Việc Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông ta?” (Hỏi chuyện tướng Đờ Cát – NXB Thanh Niên, 2000; trang 178-179 của Lê Mạnh Thái ).

Một tướng thực dân như Đờ Cát làm sao có thể hiểu nổi tài năng của một người chỉ huy như Tướng Giáp bắt nguồn từ đâu, kết tụ từ những ngọn nguồn nào?

Công bằng mà nói, Tướng Giáp được hạnh phúc chỉ huy một đội quân cách mạng sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sức mạnh vô địch của đội quân đó là lòng yêu nước nồng nàn và rực lửa căm thù. Căm thù bọn người đã đốt nhà, giết vợ con cha mẹ họ, đã đày đọa cả dân tộc họ, trong gần một thế kỷ ôm mối hận làm nô lệ, làm kẻ mất nước… Vì thế, khi có thời cơ họ đã chiến đấu không tiếc xương máu để rửa mối hận mất nước đó. Và, người chỉ huy đội quân không tiếc xương máu đó lại là người biết tiết kiệm từng giọt máu của đồng đội, biết nuôi dưỡng sức mạnh từ việc chăm sóc bát cơm nóng cho quân lính dưới chiến hào… Những giọt máu hào hùng và những giọt máu được tiết kiệm… đã làm nên màu đỏ rực ánh mặt trời chiến thắng chiều 7-5-1954 tại Điện Biên Phủ.

Điều hạnh phúc thứ hai của Tướng Giáp là được thừa hưởng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh từ lúc mới gặp Người tại Trung Quốc. Đó là đường lối từ giác ngộ chính trị đến vũ trang toàn dân để “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”; là cách đánh du kích Việt Nam “ai có gươm dùng gươm ,ai có súng dùng súng, không có súng thì dùng gậy gộc cuốc thuổng…”. Trước lúc Đại tướng lên đường xuất trận, Bác nói với ông: “Tướng quân tại ngoại” và “phép dùng binh là thiên biến vạn hóa”. Chính nhờ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh và câu “thần chú” của Bác mang theo “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” mà Tướng Giáp đã thuyết phục được các đồng chí của mình… để chuyển từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”sang “đánh chắc tiến chắc”… Một quyết định mà ông tự nhận là… “khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi”!

Cả ba lần người viết bài này được gặp trực tiếp Đại tướng, khi hỏi về những quyết sách ở Điện Biên Phủ, Đại tướng đều nói về những đêm không ngủ của ông để suy tư về lời căn dặn của Bác trước lúc chia tay lên đường ra trận…

Vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Tướng Giáp đã thành công ở Điện Biên Phủ. Đó là những Sư đoàn “chân đất”, như cách nói của người Pháp, biết giấu mình trong chiến hào đánh lấn, nương mình vào lòng đất mẹ quê hương để đương đầu với bom đạn sắt thép bạo tàn của kẻ thù mà đánh “trận địa chiến hào tấn công” chưa hề có trong lịch sử quân sự. Đó là sáng tạo của những người du kích Đồng bằng Bắc Bộ có kinh nghiệm đào hầm bí mật chống càn giữ làng, là cách đánh du kích chỉ Việt Nam mới có; người chỉ huy đề ra phương châm chiến lược, người lính đề xuất cách đánh đào xuyên hàng rào kẽm gai. Đó là dân chủ Điện Biên Phủ! “Trận địa chiến hào xiết vòng vây lửa” ở Điện Biên Phủ là võ công hiển hách của quân dân ta ở thế kỷ XX, là một cống hiến cho khoa học lịch sử quân sự thế giới, là thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp, là “thiên biến vạn hóa” của tư tưởng quân sự cha ông ta được vận dụng ở thời đại Hồ Chí Minh.

Thông thường trong chiến tranh ,phía tấn công phải có lực lượng gấp 5 lần trở lên so với phía phòng ngự. Nhưng so sánh lực lượng hai bên ở Điện Biên Phủ thì thấy, ban đầu địch có 12 Tiểu đoàn và 7 Đại đội bộ binh, gồm phần lớn những đơn vị tinh nhuệ nhất. Địch còn có hai Tiểu đoàn pháo 105 ly 24 khẩu, 2 Tiểu đoàn súng cối 120 ly 20 khẩu,1 Đại đội pháo 155 ly 4 khẩu, 1 Đại đội xe tăng 18 tấn 10 chiếc. Không quân thường trực tại sân bay có 7 khu trục, 5 trinh sát, 4 vận tải và 1 trực thăng. Ngoài ra 2/3 lực lượng máy bay ném bom tiêm kích và 100% máy bay vận tải toàn Đông Dương yểm trợ cho Điện Biên Phủ. Tổng quân địch ở Điện Biên Phủ là 12.000 người. Lực lượng ta có 9 Trung đoàn bộ binh (27 Tiểu đoàn), 1 Trung đoàn sơn pháo 24 khẩu, 2 Tiểu đoàn lựu pháo 105 ly 24 khẩu, 4 Đại đội súng cối 120 ly 16 khẩu,1 Trung đoàn cao xạ pháo 37 ly 24 khẩu, 2 Tiểu hoàn công binh. Ta hơn địch về số Tiểu đoàn (27/12) nhưng quân số mỗi Tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 mỗi Tiểu đoàn địch. Ta cũng hơn địch về số lượng pháo (64/48) nhưng đạn pháo dự bị của ta lại rất hạn chế. Ta không có xe tăng và chỉ có một Trung đoàn pháo cao xạ 37 ly để đối phó với toàn bộ không quân địch ở Đông Dương. Xét toàn cảnh,ta vẫn ở vào thế yếu đánh mạnh.

Nhưng ta chủ động tấn công, tự quyết định đánh hay không đánh, chủ động lựa chọn điểm đánh và thời gian đánh. Đánh hay không đánh đều có lợi cho ta vì đương nhiên, ta đã kìm chân được một lực lượng lớn địch ở đây để giành được thắng lợi trên nhiều chiến trường Đông Xuân 53-54. Địch ở Điện Biên Phủ tuy mạnh nhưng bị nhốt trong các cũi thép gai và hầm hố một cách thụ động, không thể đem toàn bộ sức mạnh để đánh trả, cứu nguy cho một cứ điểm bị tấn công. Ta đem toàn bộ sức mạnh để đánh một điểm, ta bao vây chia cắt địch ra mà đánh dần, linh hoạt và cơ động hoàn toàn. Như vậy nếu xét trong một trận đánh vào một vị trí nhất định, trong một thời điểm quyết định, thì ta vẫn mạnh hơn địch. Mạnh sẽ thắng yếu. Tài thao lược của Tướng Giáp là ở chỗ phân tích sắc bén thế và lực trong những tình huống cụ thể ở Điện Biên Phủ để tìm ra cách đánh thích hợp, “đánh chắc tiến chắc” để đi đến đại thắng! Đó là gì nếu không phải là biện chứng trong khoa học quân sự.

Một Việt Kiều ở Pháp có tâm sự với người viết bài này… Ông ta được một sử gia Mỹ cho hay: Ngay cả Napôlêông khi bước vào đường binh nghiệp thì đã có sẵn một đội quân để chỉ huy.Tướng Giáp phải xây dựng quân đội từ mấy chục người thành những binh đoàn để lần lượt đánh thắng nhiều danh tướng của cường quốc Pháp như Đờ Lát, Xa Lăng cho đến Na Va ở Điện Biên Phủ… Điều đó chưa thấy trong lịch sử quân sự thế giới… Và đây cũng là lần đầu tiên một nước nhỏ đánh thắng một đế quốc hùng mạnh, mở đường vùng lên cho các dân tộc đang bị nô lệ.

Cả ba lần gặp gỡ, Đại tướng đều căn dặn các nhà báo chúng tôi: Điện Biên Phủ là chiến thắng của cả nước. Cả nước chia lửa với Điện Biên Phủ để con nhím khổng lồ này phải tắt thở ở đây mà không được các nơi khác hà hơi tiếp sức…

Trong thời gian quân ta hoãn trận đánh, bỏ cách đánh nhanh thắng nhanh để chuẩn bị theo phương án mới (từ 26-1-1954 đến 13-3-1954), Đại tướng đã chỉ đạo các chiến trường trên toàn quốc nổ súng. Ở Bắc Tây Nguyên, những cứ điểm mạnh nhất của địch đã bị bộ đội Liên khu V san phẳng, chiến dịch Tây Nguyên đã nổ ra cực kỳ đúng lúc. Tiếng súng phối hợp trên chiến trường Hạ Lào cũng đã nổ. Ở Thượng Lào, trên chặng đường 200 km, bộ đội ta đánh nhiều trận, tiêu diệt và làm tan rã 17 Đại đội địch, trong đó có một Tiểu đoàn Lê Dương bị tiêu diệt gọn. Ta giải phóng một vùng ước tính 10.000 km, cô lập hoàn toàn Điện Biên Phủ. Ở Đồng bằng Bắc Bộ trên đường số 5 nối Hà Nội với Hải Phòng cũng như nhiều tuyến khác, quân ta triệt để đánh phá giao thông vận tải, uy hiếp hậu phương, ngăn chặn địch tiếp viện cho Điện Biên Phủ. Đêm 4 tháng 3 năm 1954 quân ta đột nhập sân bay Gia Lâm đốt cháy 12 máy bay địch. Hai ngày sau bộ đội địa phương Kiến An lại đột nhập sân bay Cát Bi, phá hủy 4 máy bay B26 và 6 máy bay Moran. Ở Bình Trị Thiên, cực Nam Trung Bộ quân ta lật đổ nhiều đoàn tàu địch. Tại Lăng Cô (Thừa Thiên), quân ta lật đổ 2 đầu máy, 19 toa xe, diệt 400 địch. Trận Phố Trạch (Quảng Trị), ta tập kích diệt 200 địch thu 2 đại bác. Tại Nha Trang ta đốt cháy hàng triệu lít xăng. Tại Nam Bộ, phân Liên khu miền Tây, lực lượng vũ trang giữ vững và phát triển vùng giải phóng, tiêu diệt và bức rút trên 1.000 đồn trại, tháp canh. Ngày 24-2-1954 tại Tầm Vu tiêu diệt và bắt sống toàn bộ Tiểu đoàn ngụy và Đại đội Pháp số 14. Bộ đội Vĩnh Long còn bắn chìm và hỏng 7 tàu chiến. Tại Sài Gòn, đột nhập kho bom Tân Sơn Nhất, một trong những kho bom lớn nhất của địch tại Đông Dương, phá hủy 300 tấn bom, tiêu diệt cả Đại đội lính Âu Phi bảo vệ kho. Tại Bà Rịa – Chợ Lớn quân ta đột nhập khách sạn Ô Cấp, diệt hơn 100 sĩ quan Pháp và Mỹ…

Có thể nói, ta đã ghìm chân địch trên khắp các chiến trường, không cho Na Va còn gì để cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Ban đầu, ném 6 Tiểu đoàn xuống Điện Biên Phủ Na Va chỉ mới có ý định ngăn chặn một Đại đoàn chủ lực ta tiến vào Tây Bắc và làm một cái “nhọt tụ độc” mà thôi! Nhưng chỉ 3 tháng sau, từ những cuộc điều binh của ta trên bàn cờ Đông Xuân 53-54, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi quyết định vận mệnh của chiến tranh Đông Dương. Đài TNVN đưa tin chiến thắng rầm rộ trên các triến trường, duy Điện Biên Phủ chỉ thỉnh thoảng mới nhắc tới !!!

Ngày 4-3-1954 Na Va lên thăm Điện Biên Phủ một lần cuối. Cả Cô Nhi, Đờ Cát và nhiều sĩ quan Pháp lúc này chỉ mong một cuộc tấn công của ta vào Điện Biên Phủ để trông chờ một chiến thắng lớn về quân sự nhằm cứu vãn quân Pháp trên khắp các chiến trường. Quân Pháp cho rằng, Điện Biên Phủ là một “cơ hội bằng vàng” để đánh qụy quân Việt Minh (!). Riêng Na Va, linh cảm thấy một điều gì không lành nên yêu cầu có thêm một trung tâm đề kháng nữa để đối phương phải điều chỉnh kế hoạch. Chỉ qua vài lần như vậy là mùa mưa sẽ tới, trận đánh sẽ không xảy ra… nhưng Đờ Cát đã phản đối. “Chỉ sợ chúng không tới. Cần phải đẩy chúng tiến công để kết thúc sớm”. Cô Nhi cũng phản đối: “Không nên làm Việt minh thay đổi quyết định. Cả tập đoàn cứ điểm đều trông đợi một chiến thắng lớn bằng phòng ngự… Sẽ là một thảm họa về tinh thần nếu Việt minh không đánh !!!”(Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử – Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà văn Hữu Mai thể hiện. NXB Quân đội nhân dân, 2001; trang 198).

Tổng chỉ huy Na Va đã không dám quyết đoán như Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã quyết đoán khi hoãn trận đánh, thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ .

Trong lần gặp gỡ các nhà báo trong nước và quốc tế hồi tháng 4-1994 tại Điện Biên, nhân chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng còn căn dặn: Các tượng đài ở Điện Biên Phủ sau này phải làm thế nào để nhìn vào đó, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào từ miền Nam xa xôi ra viếng thăm Điện Biên Phủ đều thấy có hình bóng của mình trong đó…

Những tướng đánh thuê chuyên nghiệp, lấy chiến tranh làm nghề nghiệp như Đờ Cát không thể nào hiểu nổi sức mạnh và trí tuệ của một cuộc chiến tranh nhân dân. Nhất là, khi cuộc chiến tranh đó có được những người chỉ huy có văn hóa và nhân cách lớn như Võ Đại tướng thì sức mạnh của nó nhân lên ngàn lần.

LPK

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

* Chú thích: Các số liệu, dẫn liệu trong bài này chủ yếu dựa vào cuốn Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử - hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà văn Hữu Mai thể hiện. NXB QĐND, 2001.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn