Xin có ý kiến cùng Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

image Năm nào cũng vậy, khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao, khi có nhiều khách hàng mua gạo giá cao, thì Chính phủ luôn ngừng xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực. Để rồi sau đó lúa ế ẩm không có ai mua, nông dân chúng tôi phải bán lúa với giá thấp hơn cả giá thành.

Tôi rất lấy làm khó hiểu, một quốc gia xuất khẩu mỗi năm đến 6 triệu tấn lúa, lúa gạo thừa mứa đến nỗi ế ẩm, thì tại sao các quan chức của Chính phủ luôn bị ám ảnh vì lo an ninh lương thực? Một nước xuất khẩu mỗi năm 6 triệu tấn gạo thì làm sao lại thiếu gạo ăn?

Và bây giờ tôi đã hiểu, an ninh lương thực chỉ là cái cớ để Chính phủ ngừng xuất khẩu gạo nhằm mục đích khống chế giá lúa gạo để kiềm chế lạm phát.

Phát biểu với báo Tuổi Trẻ Online Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Tổ trưởng Tổ Điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ Nguyễn Thành Biên cho rằng: “Trong những tháng cuối năm, mục tiêu kiềm chế lạm phát là quan trọng nên điều hành lúa gạo phải hướng tới mục tiêu này, không thể chạy theo mục tiêu đảm bảo có lãi cao cho nông dân”. (1)

Tổ trưởng tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ mà có quan điểm khống chế giá lúa gạo, không cho nông dân lãi cao để kiềm chế lạm phát!! Điều này giải thích tại sao Việt Nam luôn bán gạo với giá rẻ nhất thế giới, tại sao Tổ Điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ luôn quay lưng để VFA chèn ép giá mua lúa của nông dân, và tại sao nông dân năm nào cũng bán lúa với giá thấp tận đáy.

Hiểu đúng phát biểu của Thứ trưởng có nghĩa là: từ nay đến cuối năm, giả sử nếu giá gạo trên thị trường thế giới tăng lên 1.000 đô la Mỹ như năm 2008, thì để kiềm chế lạm phát, Thứ trưởng sẽ ngừng xuất khẩu gạo vì “lý do” an ninh lương thực. Để rồi sau đó lúa sẽ ế ẩm không có người mua, Thứ trưởng sẽ hào hiệp ra lệnh cho VFA mua lúa tạm trữ với giá khoảng 350 đô la Mỹ/ tấn để cứu giúp nông dân, như Chính phủ đã làm năm 2008.

Có nghĩa là Thứ trưởng sẽ khống chế giá lúa gạo ở mức thấp để chống lạm phát bất chấp giá thị trường gạo thế giới tăng cao.

Có nghĩa là Thứ trưởng lấy tiền lời còm cõi của nông dân chúng tôi để chống lạm phát. Tại sao nông dân chúng tôi phải nai lưng kiềm chế lạm phát cho Chính phủ?

Tại sao Thứ trưởng dùng thu nhập của những người nghèo nhất đất nước để đảm bảo giá gạo rẻ cho những người giàu có hơn họ?

Điều hành lúa gạo theo cách của Thứ trưởng nông dân chúng tôi không bao giờ bán được lúa giá cao theo thị trường gạo thế giới (hễ giá cao là Thứ trưởng cho ngừng xuất khẩu), nhưng khi giá lúa gạo trên thị trường thế giới xuống thấp thì nông dân phải gánh chịu lỗ lã.

Điều hành xuất khẩu gạo theo cách mà Thứ trưởng phát biểu, nông dân chúng tôi sẽ không bao giờ ngóc đầu lên nổi.

Trong bài viết “Nghị định xuất khẩu gạo: tưởng kín mà … hở” đăng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam Online tôi có nói về vấn đề này, xin được trích lại:

“Lúa gạo của nông dân chia làm hai phần: một phần tiêu thụ trong nước và một phần khoảng 5 – 6 triệu tấn gạo dùng để xuất khẩu. Lẽ ra phải có chính sách thích hợp tách bạch hai phần này ra, phần trong nước thì áp dụng chính sách trợ giá cho người ăn gạo, hoặc áp dụng các qui định bình ổn giá cho người ăn gạo, còn phần gạo dành cho xuất khẩu phải được bán theo giá thị trường thế giới, không bị ràng buộc bởi các qui định bình ổn giá lúa gạo trong nước.

Thế nhưng hiện nay, do không tách bạch hai phần lúa gạo này, nên khi giá gạo thế giới lên cao như năm 2008, để khống chế giá gạo trong nước không tăng theo giá gạo thế giới, Chính phủ phải ngừng xuất khẩu, ảnh hưởng đến nông dân. Việc xuất klhẩu gạo với giá bị khống chế thấp hơn giá thị trường thế giới không những bắt nông dân dùng thu nhập bình ổn giá gạo trong nước mà còn bình ổn cả giá gạo cho thế giới.”.

Để kiềm chế lạm phát, không cho giá lúa gạo trong nước tăng cao, Chính phủ phải dùng ngân sách trợ giá cho người ăn gạo, còn giá mua lúa của nông dân phải đúng với giá bán gạo trên thị trường gạo thế giới. Thị trường gạo thế giới phải qui chiếu về giá gạo của Thái Lan cùng loại.

Tôi nói thị trường thế giới phải qui chiếu về giá gạo Thái Lan cùng loại vì hiện nay có hai loại thị trường gạo thế giới: Thị trường gạo thế giới của Thái Lan và thị trường gạo thế giới của VFA. Trong đó thị trường gạo thế giới của Thái Lan luôn cao hơn thị trường gạo thế giới của VFA khoảng trên 100 đô la Mỹ mỗi tấn gạo.

Phát biểu với báo Người Lao Động Online Thứ trưởng cho rẳng “không thể đảm bảo lợi ích cho tất cả nông dân” và đặt câu hỏi: “Nếu bảo đảm cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long có lãi 30% thì nông dân trồng lúa ở miền Trung, miền Bắc giải quyết như thế nào? Chẳng lẽ, nông dân trồng trọt, chăn nuôi khác cũng phải hưởng lãi 30% hay sao?” (2)

Thứ trưởng nói đúng khi cho rằng không thể đảm bảo lợi ích cho tất cả nông dân. Cách điều hành xuất khẩu gạo hiện nay khi mà nông dân có lúa thì giá lúa rớt tận đáy, khi nông dân đã bán hết lúa thì giá lúa lại vọt lên cao, chỉ đảm bảo lợi ích cho nông dân giàu có, bởi người giàu mới có thể để lúa lại chờ giá, còn những nông dân nghèo khó như tôi, thu hoạch lúa xong phải bán để trả đủ thứ nợ thì luôn luôn bán lúa giá rẻ.

Về vấn đề đảm bảo cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long có lãi 30% sẽ gây bất bình đẳng giữa nông dân miền Trung và miền Bắc và nông dân không trồng lúa, tôi thấy Thứ trưởng phải là người trả lời chớ không phải là người đặt câu hỏi.Vì ngày 14/11/2009 tại buổi hội thảo góp ý dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, “Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên trình bày một số nội dung chính trong dự thảo (lần thứ 4)” (3). Trong dự thảo này, Điều 19 khoản 3 qui định: “Bộ, ngành liên quan định hướng các thương nhân thu mua lúa đảm bảo cao hơn tối thiểu là 30% so với giá thành bình quân chung”.

Như vậy chính Thứ trưởng là tác giả của qui định “mua lúa đảm bảo cao hơn tối thiểu là 30% so với giá thành bình quân chung”. Vậy mà bây giờ Thứ trưởng nêu ra câu hỏi như kẻ bàng quan không biết.

Trong bài viết tới, tôi sẽ chứng minh cho Thứ trưởng thấy việc ấn định mức lời tối thiểu 30% so với giá thành là một qui định sai cơ bản, không thể thực hiện được và nếu kiên cưỡng thực hiện sẽ gây hại hơn là có lợi cho nông dân.

Nhân đây, tôi xin được mạn phép hỏi Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên trong tư cách là Tổ trưởng Tổ Điều hành xuất khẩu gạo một vài câu hỏi: Trong tư cách là Tổ trưởng Tổ Điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, Thứ trưởng đã làm gì để nâng cao giá gạo xuất khẩu? Thứ trưởng đã làm gì để kéo giá gạo Việt Nam đến gần giá gạo Thái Lan cùng loại? Thứ trưởng đã làm gì để tăng giá thu mua lúa cho nông dân chúng tôi?

Bắt đầu năm xuất khẩu 2010, VFA đã ký bán gạo xuất khẩu 2,38 triệu tấn với giá từ 480 đến 664,9 đô la Mỹ/ tấn, trong khi đó gạo tồn kho của VFA năm 2009 khoảng 1,5 triệu tấn. Vậy tại sao khi nông dân chúng tôi bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân VFA nói không ký được hợp đồng xuất khẩu gạo để hạ giá mua lúa của nông dân chúng tôi?

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam: tháng 2 VFA bán gạo xuất khẩu giá bình quân 559 đô la Mỹ, tháng 3 VFA bán gạo xuất khẩu giá bình quân 559 đô la Mỹ/ tấn, tháng 4 VFA bán gạo xuất khẩu giá 497 đô la Mỹ/ tấn, tháng 5 VFA bán gạo xuất khẩu giá 453 đô la Mỹ/ tấn. Vậy tại sao khi chúng tôi thu hoạch lúa đông xuân vào đầu tháng 2, VFA nói bán gạo xuất khẩu giá thấp nên chỉ mua lúa của nông dân chúng tôi với giá 4.000 đồng/ kg? Giá 4.000 đồng/ kg lúa tương ứng với giá bán gạo xuất khẩu chỉ 350 đô la Mỹ/ tấn.

Thứ trưởng có thấy sự bất hợp lý vì năm nào doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng lời to, năm nào nông dân cũng thua lỗ không?

Tóm lại, khống chế giá lúa gạo trong nước, không cho giá lúa gạo trong nước liên thông với giá gạo trên thị trường gạo thế giới để kiềm chế lạm phát là một chủ trương sai lầm, sẽ làm bần cùng hóa nông dân.

Xin Thứ trưởng hãy một lần quá bộ qua phía quyền lợi của nông dân chúng tôi, nhìn cơ chế xuất khẩu gạo hiện nay bằng con mắt của nông dân. Thứ trưởng sẽ thấy đầy bất công và áp bức. Thứ trưởng sẽ thấy cần phải thay đổi cơ chế xuất khẩu gạo hiện nay.

H. K.

(1) Bài “Bức xúc với giá sàn xuất khẩu gạo” http://tuoitre.vn/kinh-te/400864/buc-xuc-voi-gia-san-xuat-khau-gao.html

(2) Bài “Dự báo xuất khẩu gạo sai” http://nld.com.vn/2010091611201890p0c1014/du-bao-xuat-khau-gao-sai.htm

(3) Theo Sài Gòn Giải Phóng Online, bài “Dự thảo nghị định xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp vừa và nhỏ hết cửa?” http://www.sggp.org.vn/kinhte/2009/11/208592/

Phát biểu của ông giải thích vì sao bao nhiêu năm nay, Chính phủ luôn lấy lý do an ninh lương thực để ngừng xuất khẩu gạo, mà thực chất là ngừng xuất khẩu gạo khống chế giá lúa gạo trong nước để kềm chế lạm phát.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn