Khai thác bôxít ở Tây Nguyên: Giải pháp môi trường mới là dự kiến

clip_image002

Lắp đường ống thi công xây hồ bùn đỏ tại Tân Rai.

Ảnh: H. Thiên Nga

 

SGTT.VN - Thực tế trên hai công trường xây dựng nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ cùng thông tin từ các bên liên quan cho thấy còn nhiều tồn tại, vướng mắc, khiến hai dự án thí điểm này, đặc biệt là dự án Tân Rai khó đạt yêu cầu đề ra theo kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo kế hoạch khi ký kết các hợp đồng, nhà máy alumin Tân Rai sẽ đi vào hoạt động chạy thử vào tháng 10 – 11.2010. Tuy nhiên, do chậm trễ tiến độ và thiếu đồng bộ ở nhiều hạng mục nên thời gian chạy thử đã được lùi lại đến tháng 3.2011.

Chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân

Gói thầu chính EPC nhà máy sản xuất alumin với các hạng mục trong và ngoài nhà máy do nhà thầu Trung Quốc Chalieco thực hiện có khả năng đảm bảo tiến độ đề ra. Tuy nhiên, các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng khác thì kéo dài hơn cam kết tới vài tháng, như công trình cấp nước hồ Cai Bảng, hệ thống điện cao thế 110kV cấp điện cho nhà máy, cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, việc xây dựng hồ bùn đỏ, nhà máy tuyển quặng, băng tải chuyển quặng, trạm quan trắc hồ bùn đỏ, thảm xanh khu vực nhà máy… Lý do chậm trễ, theo giải thích của chủ đầu tư – tập đoàn TKV, là do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, do mưa nhiều, do nhà thầu liên danh chưa huy động đủ nhân lực và thiết bị, do trở ngại về giao thông…

Xây dựng cảng biển Kê Gà và đường vận tải chuyên biệt cho sản xuất alumin là công việc hết sức khó khăn cả về mặt hiệu quả kinh tế lẫn về tiến độ thời gian. Để giải quyết vấn đề vận tải khi bắt đầu có alumin xuất cảng trong năm 2011, phương án vận chuyển hàng được tạm tính là từ Tân Rai theo quốc lộ 20 xuống Đồng Nai đến cảng Gò Dầu (Đồng Nai) hoặc chuyển về cảng Cam Ranh (Khánh Hoà). Còn alumin của dự án Nhân Cơ sẽ chở bằng đường bộ từ Dăk Nông theo quốc lộ 14 sang Bình Phước, xuôi quốc lộ 51 qua Đồng Nai xuống cảng. Sang giai đoạn 2, alumin sẽ theo quốc lộ 28 sang Lâm Đồng và xuôi quốc lộ 55 xuống cảng Kê Gà – Bình Thuận, rút ngắn 1/3 tuyến đường so với giai đoạn đầu. Các phương án vận chuyển tạm thời này tất yếu gây áp lực rất lớn đến hệ thống giao thông hiện vốn đã xuống cấp mà chưa có nguồn kinh phí tôn tạo.

Về lâu dài, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo bộ Giao thông vận tải và TKV nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Gia Nghĩa – Bảo Lộc – cảng Kê Gà theo hướng đường sắt đa dụng với tổng đầu tư trên 55.000 tỉ đồng. Nếu quyết tâm xây dựng, tuyến đường sắt này chỉ có thể đưa vào vận hành sau năm 2020. Cho dù có vượt qua được mọi thử thách về công nghệ, thì bài toán về khả năng thu hồi vốn vẫn vô cùng nan giải. Hội đồng thẩm định hiệu quả kinh tế dự án alumin Nhân Cơ với sự trợ giúp của viện Kinh tế xây dựng đã gửi ba công văn báo cáo Chính phủ trong tháng 1.2010, đánh giá giá thành sản xuất alumin khoảng 287,55 USD/tấn (chưa tính thuế VAT, tính bình quân cho thời gian của dự án là 30 năm), giá bán sản phẩm bình quân 335 USD/tấn alumin. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, giá bán alumin trên thị trường quốc tế chỉ vào khoảng 300 USD/tấn (do giá nhôm trên thị trường London là 2.200 USD / tấn – giá alumin thường dao động bằng 11 – 14% giá nhôm). Giá thành này chưa được tính kèm những khoản ngân sách khổng lồ buộc phải có để nâng cấp đường bộ hoặc xây dựng đường sắt.

Bảo vệ môi trường còn trong dự kiến

Đến nay đề tài nghiên cứu xử lý bùn đỏ vẫn chỉ dừng lại ở mức thí nghiệm trong phòng về biện pháp trung hoà axit và lựa chọn cây trồng phù hợp. Còn đề tài hoàn nguyên môi trường cũng chỉ dừng lại ở mức độ đề xuất nghiên cứu.

Chiều ngày 12.10.2010, ông Lương Văn Ngự, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án xây dựng trạm quan trắc Tân Rai với kinh phí 20 tỉ đồng thực hiện các thủ tục hành chính từ tháng 4 đến nay vẫn chưa xong, ít nhất qua năm 2011 mới được cấp vốn. Trả lời thắc mắc của phóng viên về sự chậm trễ này, ông Dương Văn Hoà, phó tổng giám đốc TKV giải thích: Vấn đề không phải là nguồn tiền mà là dự án. Tới nay dự án vẫn chưa được bộ Tài nguyên và môi trường và UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, làm sao chúng tôi cấp vốn được?

Trong bối cảnh thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo thảm hoạ môi trường, nhiều nhà khoa học cho rằng trước mắt TKV nên tập trung tối đa lực lượng của mình để xây dựng nhà máy Tân Rai, tạm hoãn việc xây dựng nhà máy alumin Nhân Cơ tại Dăk Nông cho đến khi nhà máy Tân Rai đi vào hoạt động ổn định. Cần thận trọng chờ xem dự án khai thác bôxít ở Tân Rai hoạt động xem các yếu tố về an toàn môi trường, hiệu quả kinh tế, hoàn thổ và trồng rừng có đáp ứng được các yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Chính trị hay không.

BÀI VÀ ẢNH H. THIÊN NGA

Bộ Công thương chỉ đạo

Đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục hồ chứa bùn đỏ

Thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang, trưởng ban chỉ đạo thực hiện các dự án bôxít Tây Nguyên vừa chỉ đạo: đối với công trình nhà máy tuyển Tân Rai (Lâm Đồng) cần tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục hồ chứa bùn đỏ và nhà ở công nhân, chuẩn bị đủ nguyên liệu, vật tư cung cấp cho việc chạy thử nhà máy alumin Tân Rai (than, tinh quặng…); xây dựng tiến độ thi công cụ thể các công trình ngoài hàng rào để đôn đốc chỉ đạo hoàn thành đồng bộ các dự án. Được biết, đến nay dự án Tân Rai đã hoàn thành khoảng 66% tổng mức đầu tư dự án, riêng nhà máy tuyển quặng bôxít Tân Rai đạt 20% giá trị hợp đồng.

Dự án khai thác bôxít Tân Rai rộng hơn 50ha và khai trường trên 9.000ha. Hiện hồ chứa bùn đỏ mới bắt đầu khởi công đào đắp. Chuỗi bốn hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai được xây bốn phía bờ bao nhưng chìm dưới mặt đất chứ không nổi lên. Mỗi hồ rộng 20ha, trong năm năm sẽ nhận lượng phế thải sản sinh từ nhà máy alumin khoảng 15 triệu tấn bùn đỏ. Khi hồ đầy, sẽ đổ đất hoàn nguyên, trồng cây xanh lên trên rồi lại đào hồ nơi khác theo kiểu cuốn chiếu...

L. HÀ – H.T.N

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn