“Không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về Vinashin”

Hoàng Ly

image

 

hi một tập đoàn khổng lồ như Vinashin được Chính phủ bảo lãnh vay 750 triệu đô la trái phiếu, và khi người khổng lồ đó sụp đổ dưới gánh nặng 86.000 tỷ đồng nợ, mà lại “Không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về Vinashin”, như nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền, thì người dân biết chắc người chịu trách nhiệm đó phải là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vả chăng, đấy không chỉ là thuần suy luận: trước đó các tập đoàn, trong đó có Vinashin, vốn trực thuộc Bộ, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định đưa các tập đoàn trực thuộc sự quản lý của Chính phủ! Nhưng vấn đề không phải đơn giản là nhận trách nhiệm. Điều quan trọng, là làm sao phải giải quyết được hậu quả của vụ Vinashin. Việc thay đổi xoành xoạch người đứng đầu tập đoàn này – hơn 3 tháng, Vinashin 3 lần đổi tổng giám đốc – cho thấy Chính phủ rất lúng túng. Và hơn nữa, phải thay đổi cơ chế quản lý ra sao để không có những Vinashin khác, là vấn đề còn lớn hơn bản thân vụ Vinashin rất nhiều, cho đến nay vẫn chưa thấy Chính phủ có hành động gì tích cực.

Người ta bỗng nhớ đến tuyên bố nổi tiếng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cách đây gần một năm: “Hơn 3 năm nay, tôi chưa kỷ luật ai”; và cả tuyên bố nổi tiếng không kém của người phụ tá của ông, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, sau khi quả quyết: “Sai thì phải xử lý trách nhiệm”, lại nhấn mạnh: “Nghiêm ở đây không phải sai chặt chém ngay, thế thì lấy đâu ra người làm. Dẹp đi là bầu không kịp. Trong bối cảnh đắm tàu Vinashin, những phát biểu trên mang một ý nghĩa mới: đó như là cách của Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dọn đường che chắn cho chính mình, chống lại mọi ý định “kỷ luật”, “chặt chém” Chính phủ. Một khi Chính phủ tự mình riêng một cõi, ngoài mọi sự phê phán và ngoài sự trừng phạt, thì người đóng thuế nuôi Chính phủ chỉ có mỗi một cách: cầu Trời khấn Phật cho Thánh đế hồi tâm!

Và khi ấy cái khẩu hiệu “Chính phủ của Dân, do Dân”chỉ là câu chuyện mỉa mai!

Anh Hoàng

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới sự lỏng lẻo trong quản lý và giám sát Vinashin.

- Vấn đề của Vinashin được rất nhiều cử tri quan tâm và dự kiến sẽ được trình bày toàn diện trước Quốc hội. Nhưng đến khi thông qua chính thức chương trình kỳ họp thì chỉ được trình bày trong một phần của báo cáo tình hình kinh tế xã hội. Vì sao vậy?

- Trong chương trình của kỳ họp có việc Chính phủ báo cáo tình hình tại Vinashin. Quốc hội cũng sẽ thảo luận về vấn đề này. Vinashin chỉ là một doanh nghiệp nên phần thảo luận cũng chỉ nằm trong tình hình kinh tế xã hội chung của đất nước.

clip_image001

Không ai hạn chế đại biểu có ý kiến về vấn đề Vinashin. Ảnh: ST

- Nhưng Vinashin là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm, tại sao Quốc hội không dành riêng một buổi thảo luận?

- Quốc hội dành ra 2 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và các đại biểu Quốc hội có quyền phát biểu ý kiến trong thời gian đó về các vấn đề mà cử tri quan tâm. Không ai hạn chế đại biểu có ý kiến về vấn đề Vinashin trong 2 buổi thảo luận và chắc chắn sẽ có nhiều người đề cập đến chủ đề này.

- Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng có đề cập đến Vinashin nhưng rất sơ sài và không nói đến trách nhiệm của những tổ chức có liên quan. Vì sao vậy?

- Trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến đâu và như thế nào thì sẽ có các cơ quan chức năng làm rõ. Trong khuôn khổ báo cáo, Ủy ban Kinh tế chỉ có thể đề cập đến những vấn đề chung như vậy thôi.

Thực ra thì trong những đợt giám sát trước (từ năm 2008), Quốc hội đã cảnh báo rồi nhưng rồi kiểm tra, xử lý chưa tới nơi, tới chốn dẫn đến việc nợ nần chồng chất cao đến mức không có khả năng thanh toán và đứng trước khả năng phá sản.

- Sự việc ở Vinashin đã được cảnh báo nhưng vẫn để kéo dài mà đến khi xử lý thì hậu quả cũng khá nặng nề, theo ông liệu có sự bao che?

- Vấn đề ở đây là do quản lý chưa chặt chẽ và bản thân doanh nghiệp thì báo cáo sai sự thật, quản lý cũng chưa tốt dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, quy trình ra quyết định đầu tư không chuẩn… Rồi có cả vấn đề bố trí cán bộ trong doanh nghiệp đấy, dẫn đến khó khăn của Vinashin.

- Còn trách nhiệm của những cơ quan quản lý nhà nước đối với vấn đề Vinashin?

- Các cơ quan quản lý với chức năng là chủ sở hữu đã thực hiện chức năng của mình chưa rõ ràng, chưa đến nơi, đến chốn. Thế nhưng, ở đây có một lý do nữa là không có cơ quan nào làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính, mà bị phân khúc, chia cắt. Cũng vì thế, trong quá trình cải cách doanh nghiệp hiện nay, ngoài việc làm rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu ra, còn phải chỉ ra một cơ quan có chức năng chịu trách nhiệm chính. Chỉ có vậy, khi doanh nghiệp gặp vấn đề mới có chỗ để quy kết trách nhiệm.

H. L.

Nguồn: Vnexpress

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn