Lá thư gửi ông Trần Nghi Hoàng

Lê Thanh Dũng

Kính gửi ông Trần Nghi Hoàng,

Xung quanh chuyện bức thư ngỏ của hai ông Nguyễn Hữu Đính và Trần Huy Thuận đã đăng trên Bauxite Việt Nam và một số mạng khác, tôi nghĩ nếu ông Hoàng sớm trả lời thư riêng của ông Đính thì chắc là câu chuyện đã khép lại từ lâu rồi vì đó là chuyện của hai người. Nhưng bây giờ thì ông Hoàng nên trả lời chung vì là thư ngỏ. Thiết nghĩ ông cần điều đó hơn là độc giả cần, khi các trang mạng Nguyễn Trọng Tạo, Trần Nhương, BauxiteVN, Facebook, Đàn Chim Việt v.v. đã đưa lên cùng rất nhiều comment của độc giả xa gần.

                                                                 *

Câu chuyện trong “Một bức thư” đúng như ai đó nói, có thể là nội dung một cuốn phim hay. Cho dù là hư cấu vẫn đẹp, nhưng nó quá đẹp vì là chuyện thật: Hai người bạn thân từ thời niên thiếu, số phận đẩy họ sang hai phía đối lập, cả hai cận kề cái chết trong cuộc chiến tranh tàn khốc và dai dẳng, bặt tin nhau gần nửa thế kỷ rồi gặp lại nhau hàn huyên nơi xứ người… Một cái kết có hậu như tiểu thuyết làm ấm lòng những người lương thiện. Nếu ông Hoàng nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện thì tôi có thể hiểu được, nhưng quả thật tôi không hiểu nổi tại sao ông nói như đinh đóng cột rằng câu chuyện này là do ông Trần Văn Thủy bịa ra. Ông bỏ công sức viết cả cuốn sách để mạt sát ném đá vẩy bùn vào bức thư đầy tính nhân văn và cả cuốn sách đó. Chống cộng hay thân cộng là quyền tự do tư tưởng của mỗi người nhưng cái gì cũng thế, cực đoan thì mất khôn và nếu là một người viết lách thì mất độc giả. Ông thâm thù cộng sản (như những gì tôi được đọc) là việc của ông nhưng tại sao ông thâm thù đến mức như thế đối với câu chuyện cảm động như thế? Nó có ca ngợi cộng sản chửi bới quốc gia tý nào đâu, thưa ông? Hay là nó phải chửi cộng sản mới đúng ý ông và khi đó câu chuyện sẽ là…thật? Tôi nghĩ thế này, mức độ thân cộng hay chống cộng không liên quan gì đến nhân cách con người. Những người bình thường trong đó có tôi thường kết thân và quí trọng một con người theo nhân cách, theo sự tử tế của họ, nếu lại là người tài cao học rộng thì càng thấy may mắn vì được học hỏi nhiều, còn người đó theo chủ thuyết nào, quyền cao chức trọng hay giàu nghèo đến đâu … thì chẳng mấy bận tâm.

Ông Hoàng khẳng định bất kỳ văn nghệ sĩ nào ra nước ngoài cũng là nhận nhiệm vụ của “đảng và nhà nước Việt cộng”. Vậy chắc là nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo,  một tài năng một nhân cách được mọi người nể trọng cũng là một tay sai của nhà nước cộng sản ra nước ngoài để thực hiện một nhiệm vụ nào đó được cấp trên giao? Gần đây thôi, ông Tiêu Dao Bảo Cự, một trí thức tên tuổi, một người đối kháng công khai với chế độ đương thời cùng phu nhân qua Mỹ mấy tháng, đi nhiều nơi, gặp nhiều người ở bên đó thì sao? Cực đoan mất khôn là thế ông ạ.

Nói vui một chút, biết đâu trong những người hối thúc ông một cách hăng hái nhất để ông xông lên, có không ít người đã…bỏ cuộc chơi, nếu vậy trong luật đá banh ông là cầu thủ mắc lỗi “ooc-giơ” (hors-jeu, offside) đó.

Tôi nghĩ những ai sống xa nhà lâu năm đều muốn có dịp về thăm quê cha đất tổ, tìm bạn cũ, kết bạn mới, trở về với thiên nhiên, trở về với “nhân chi sơ tính bản thiện” của con người, rũ sạch bụi đời, rời xa tranh chấp thị phi. Gây thù chuốc oán bao giờ và ở đâu cũng đều là dại dột vô cùng. Người cầm bút viết ra điều gì thì nên nhằm mục đích hiểu nhau và xích lại gần nhau và sự tôn trọng nhau là cái nền cơ bản nhất để làm được điều đó. Ông cố gắng làm được điều đó trước hết với ông Đính và ông Thuận thì tốt quá, những người quen biết ông, bạn bè ông sẽ tôn trọng ông hơn.

Tôi không biết ông có định công bố và công bố sớm cuốn sách “Trần Văn Thủy: Chuyện không tử tế” của ông không. Nhưng nếu vì lý do nào đó hai ông Đính và Thuận công bố (tôi tin hai ông không chỉ có bìa cuốn sách của ông) thì cũng là điều thường tình, chẳng bị luật nào ràng buộc, miễn sao không làm méo mó tác phẩm hoặc vu khống xúc phạm tác giả. Vì vậy tôi khuyên ông nên công bố.

Cũng vậy, tôi nghĩ ông Đính và ông Thuận cũng có thể công bố tác phẩm “Nếu đi hết biển”, sau khi tham vấn ông Trần Văn Thủy. Nhưng thật là hay, nếu chính ông Thủy vui lòng công bố cuốn sách đó và có đôi lời chia sẻ với bạn đọc (1) (nhân đây tôi cũng thấy một điều lạ ở ông Trần Văn Thủy là ông im ắng quá lâu, 7, 8 năm rồi. Tôi nghĩ ông Thủy không nên đứng ngoài cuộc một cách khó hiểu như vậy). Có hai cuốn sách ấy của hai tác giả thì độc giả sẽ sáng tỏ vấn đề hơn. Tôi không nghĩ độc giả muốn thỏa mãn tính tò mò mà họ hy vọng sẽ thấy nhiều vấn đề sâu hơn, xa hơn đằng sau hai cuốn sách đó.

                                                               *

Tôi năm nay đã 75 tuổi rồi, làm việc nghiên cứu khoa học nhiều năm, bằng nhiều ngôn ngữ,  trải qua nhiều thăng trầm, cũng có chút ít kinh nghiệm sống để răn mình. Tôi cũng là người tâm đắc và đã dịch bài HIỂU ĐỜI (TÂM SỰ TUỔI GIÀ) may mắn được nhiều người Việt nam ta ở trong và ngoài nước đồng cảm và chuyền tay nhau đọc, cho nên tôi phần nào hiểu tâm trạng ông Hoàng lúc này. Ông đang ở vào một hoàn cảnh vướng mắc, nói cách khác là ở vào thế kẹt, ngày một ngày hai không dễ gỡ ra. Cuốn sách ông viết đã 7,8 năm rồi, thế sự đã đổi thay, con người cũng khác xưa. Ông Hoàng giao lưu nhiều hơn, ông về nước gặp gỡ nhiều bạn bè trong đó có cả những người cộng sản chính hiệu mà ông giao du hoặc thân thiết, ông đã ngộ ra vài điều, có thể bây giờ ông không còn nhiệt thành chống cộng như xưa…Nhưng nói sao đây; nếu ông bảo ông không chống cộng nữa thì ông về Mỹ sống thế nào? Nếu ông kiên trì chống cộng thì cho dù có nhập cảnh được vào Việt nam thì ông có gặp gỡ được bạn bè để la cà nơi quán xá mà hàn huyên không? Ông sẽ nói gì với người thân nơi quê hương bản quán trong các cuộc gặp gỡ họ mạc? Đấy là giả thiết nhà cầm quyền để yên cho ông hoàn toàn tự do. Nói cách giàu hình ảnh như phim cao bồi Texas, ông Hoàng đang ở giữa hai làn đạn. Ông có hai tay hai súng cũng phải ẩn thân chờ thời mà thôi. Nhưng ẩn thân cũng không xong: ông không thể im lặng, ông phải trả lời những người bị ông bôi nhọ và đông đảo độc giả, vì ông còn danh dự, còn nhân phẩm của một người cầm bút. Trả lời thì lại đụng vấn đề hắc búa do chính ông đặt ra như một tuyên ngôn: “Một con người. Một dân tộc đất nước muốn tiến bộ và hùng cường về mọi mặt, điều tất yếu là phải dám đối diện với tất cả những Sự Thật”“Do đó tôi sẵn sàng tranh luận hay đối thoại một cách công khai với bất kỳ ai, tất nhiên kể cả những tên tuổi trong loạt bài tôi đã viết về cuốn “Nếu Đi Hết Biển”; nhất là ông Trần văn Thủy”.

Chẳng trách ai được, con đường ấy là ông tự chọn. Tôi thực sự chia sẻ với ông nhưng cũng không biết nói sao đây. Tôi không dám võ đoán nhưng đồ chừng có thể có lúc ông đã chợt nhận ra rằng, giá mà đừng viết cuốn sách chết tiệt đó và những bài viết quá khích…Người xưa bảo: Lời nói ra bốn ngựa chẳng đuổi kịp, mũi tên bắn ra làm sao lấy lại?  

Tuy nhiều tuổi rồi, nhưng tôi chẳng dám tự coi mình hiểu biết hơn người để chỉ ra điều này điều nọ mà chỉ nói chân thành những điều mình nghĩ, nói với ông như nói với người bạn chưa quen biết, có gì nghịch nhĩ xin ông bỏ đi và lượng thứ cho.

Chúc ông năm mới Tân Mão mọi sự an lành.

LTD

Tel. 0913366018. e-mail: dzungel@gmail.com

(1) Chú thích của BVN: Cuốn Nếu đi hết biển đã được in và công bố hai lần ở Hoa Kỳ, đều do Thời văn xuất bản, lần thứ nhất 2003; lần thứ hai 2004. Vậy không hiểu tác giả bức thư nói việc cần công bố cuốn sách này có phải muốn nói công bố ở trong nước hay không.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn