Thư giãn Chủ Nhật : Tết mèo, kể chuyện chú mèo nhà!

Trần Huy Thuận

imageNhà lắm chuột quá! Trước kia chúng còn tránh ban ngày, chỉ hoành hành về đêm. Nay thì “moa-phú”, đêm ngày như nhau, cứ hở ra cái gì là lũ chuột chết tiệt lại ngoáy cái đuôi tởm lợm của nó vào ngay! Người ta bảo: Chó treo, mèo đậy, chứ với giống chuột, các cách ấy chả nghĩa lý gì. Thùng gạo đậy kín hẳn hoi, mà còn bị chúng khoét cả nắp để chui vào ăn thoải mái; nồi thịt treo vào quang sắt, vẫn bị chúng leo lên, nạy vung, khoắng gần hết! Thế thì thử hỏi ai mà chả điên chứ? Không chỉ ăn, lũ khốn kiếp này còn bậy ra khắp nơi; vo gạo thổi cơm mà không chú ý nhặt đãi, có ngày lẫn cả phân chuột là chuyện thường!

Như vậy là đã dùng đủ cách phòng ngừa rồi, nhưng chuột vẫn ngang nhiên hoành hành. Buộc chủ nhà phải tỏ thái độ dứt khoát, nghĩa là quyết định phải chuyển sang lấy "chống làm chính". Chống tích cực chính là phòng hiệu quả! Nhưng chống bằng cách nào? Bàn luận mãi, cuối cùng gia đình mới đi đến thống nhất: nuôi mèo. Bởi vì các cách khác, đều đã dùng qua, đầu tiên là thuốc diệt chuột của ta, rồi thuốc diệt chuột của Tàu, thuốc nào cũng diệt được vài con là sau đó không lừa được con nào nữa. "Keo dính" mới đầu tưởng hiệu quả lắm, ai dè mấy hôm sau mất mồi toi. "Lồng bẫy chuột" cũng vô tác dụng. Lần nọ, một con đã bị sập bẫy, chủ nhà thức dậy, nhìn rõ chú chuột kễnh đang lồng lộn ở trong lồng, thế là yên trí trở vào giường ngủ tiếp. Sáng ra, chỉ thấy lồng trống không!

Thì ra, nó đã phá lồng sắt, chạy biến mất từ lúc nào rồi (hay là có con chuột khác mò đến phá lồng, cứu đồng đội?). Người ta nói: “Mèo già hóa cáo”, chứ tôi đồ rằng, chuột sổ lồng mới dễ thành cáo, bởi vì từ ngày đó, cái bẫy lồng, chả bắt được con chuột nào nữa! Thế là hết sách! Có cảm giác lũ chuột ngày càng rút được nhiều kinh nghiệm để phòng chống lại các biện pháp phòng chống chuột của con người! Hay cũng có thể nói, càng ngày, chuột ở cái nhà này, càng nhờn với mọi cạm bẫy mà người ta dành cho chúng! Thế mới tức chứ!

Chú mèo được bắt về nuôi từ hai tháng tuổi. Đó là giống mèo tam thể, xinh đáo để! Ngày đầu, chú xa mẹ, lạ nhà nên cứ meo, meo suốt. Chú bé, làm gì đã bắt được chuột, nhưng từ ngày có chú, có tiếng kêu meo, meo, nhà bặt hẳn giống chuột. Chắc nó sợ bóng sợ vía nhà mèo! Mọi người mừng lắm. Ít ngày sau, chú mèo con quen dần môi trường sống mới, bắt đầu tập trèo, tập nhảy, tập vờn chuột, trông hay đáo để! Ai cũng bảo: Chú mèo này lớn lên là hay chuột lắm đấy! Cả nhà kỳ vọng vào chú trong công việc trừ khử lũ chuột hôi thối. Mọi thành viên trong gia đình đều chăm chút cho chú mèo con. Luôn luôn cho chú ăn khi con cá, con tôm, khi miếng thịt, miếng mỡ. Có hôm người này cho ăn, người kia lại cho ăn. Bởi vì trông chú ăn, thích lắm mà cũng còn bởi trong lòng, ai cũng muốn chú mau lớn, khỏe mạnh để đủ sức vồ chuột. Chú mèo lớn trông thấy. Bây giờ đã ra dáng một tiểu hổ rồi! Niềm hy vọng bấy lâu mọi người trông chờ, nay hẳn là sắp thành hiện thực!

Nhưng quái lạ! Sau một số ngày yên ổn không còn nạn chuột gặm nhấm, đục khoét, lục lọi thức ăn, bỗng mấy hôm nay lũ chuột lại quay trở lại. Dấu hiệu là phân chuột có ở khắp nơi, rồi nải chuối trên bàn thờ cũng bị khoét một hai quả, xoong nồi bị lục tung cả vung! Thôi chết, đúng là chuột đã trở lại nhà! Thế con mèo đâu? Niềm hy vọng tràn trề bấy nay chả đi đâu cả, chú vẫn nằm đấy, béo tròn, vểnh bộ ria mép vừa dài vừa cong một cách rất khuê các nhìn mọi người, trong lúc ai cũng đang như muốn điên lên vì tức! Thôi đúng rồi, đây chính cống là một chú mèo lười! Có ai đó từng nói: mèo trắng, mèo đen, thế nào cũng được, miễn là bắt được chuột. Đây lại là mèo tam thể, chỉ có mẽ đẹp thôi, còn lười biếng quá! Nó chỉ thích biểu diễn trò vờn chuột – "trò mèo" cho các cô cậu con chủ nhà xem, chứ không biết rình bắt chuột thật. Mà các cô cậu chủ thích cái trò ấy của mèo lắm, mèo rất biết thế mà!

Mèo lười, tội trước tiên là tại chủ chứ không phải tại mèo! Mèo trắng, mèo đen hay mèo tam thể cũng thế thôi. Chăm sóc nó quá, lúc nào cũng cho ăn, nó không kịp đói bữa này, đã được ăn bữa khác, thức ăn tự đến với nó, nên nó không có khái niệm phải kiếm tìm. Thức ăn của chủ thừa thãi, mèo nghĩ vậy, vì có bao giờ mèo bị bỏ đói đâu? Thế thì việc gì phải gây sự với lũ chuột hôi hám ấy cơ chứ? Mi không động đến ta, thì ta cũng không động đến mi! Mèo lý luận thế. Người có lý luận của người, thì mèo cũng có lý luận của mèo chứ? Ấy là chưa kể, có lần tức quá, chủ nhà quyết định bỏ đói mấy ngày liền không cho mèo ăn. Tưởng phen này bị "xóa bỏ bao cấp" thế, chắc mèo sẽ phải lo bắt chuột kiếm sống. Ai dè, chuột vẫn hoành hành khắp mọi nơi trong nhà, còn mèo thì vẫn thường xuyên... ngủ! Một sáng thức dậy, bà chủ bỗng dưng phát hiện có khúc cá kho nằm ngay cạnh cái bát ăn lâu nay vẫn dành cho mèo. Bà chủ kêu với ông chủ: Mấy hôm nay nhà mình làm gì có cá, sao mèo lại có cá? Chả nhẽ lũ chuột ở cái nhà này lại học được cách "hối lộ mèo" trong tranh dân gian "đám cưới chuột" hay sao? Ôi! Nhận định này mà đúng, thì đến bó tay quy hàng lũ chuột mất thôi!

Và thế là, dần dần, chú mèo lười đã trở thành chú mèo cảnh lúc nào không hay! Vâng, một chú mèo tam thể, xinh đáo để, hàng ngày thường hay theo chủ ra nằm ở phòng khách, ve vẩy đuôi làm cảnh!

clip_image002

 

T. H. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn