Cứu lấy sông Mekong bằng cách nào?

Ngọc Trân

Phần 1

imageSông Mekong đã và đang có những đóng góp quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội cho Việt Nam. Bên cạnh việc cung cấp nước cho vựa lúa lớn nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long, với khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu trên cả nước, sông Mekong còn cung cấp nước để khai thác và nuôi trồng thủy sản, đóng góp không nhỏ cho ngành xuất khẩu thủy sản trên cả nước.

Những đóng góp quan trọng của con sông Mekong cho sự phát triển ở Việt Nam nói riêng, và các nước trong khu vực nói chung, có lẽ sẽ không còn nữa nếu như chúng ta không có những hành động kịp thời để cứu lấy con sông, khi mà lượng nước đổ về hạ lưu Mekong đang ngày càng cạn kiệt. Thông tín viên Ngọc Trân phỏng vấn kỹ sư Phạm Phan Long, Chủ tịch Hội Sinh thái Việt, để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến con sông này. Mời quý vị cùng nghe.

Mekong cạn dòng

Ngọc Trân: Thưa ông Phạm Phan Long, theo thông tin từ Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission - MRC), một tổ chức gồm bốn nước: Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, hồi tháng 11 năm ngoái cho biết, mực nước tại trạm quan trắc Chiang Saen, nơi gần biên giới Trung Quốc, đang từ 4 mét, đã giảm xuống chỉ còn 2 mét, tức giảm khoảng 50%. Mực nước ở tất cả các trạm từ Chiang Saen đến Tân Châu hiện cũng đã giảm từ khoảng 50% đến 70%. Riêng mực nước tại các trạm Vientian, Savanakhet, Tân Châu đã giảm đáng kể, xuống chỉ còn dưới 1 mét.

Hiện mực nước ở các vùng hạ lưu đã giảm xuống bằng mực nước những năm hạn hán 1992-1993 và 2003-2004. Năm ngoái, hạn hán đã gây thiệt hại nặng cho các khu vực hạ lưu và điều này sắp tái diễn trong năm nay. Biển Hồ Tonle Sap và vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao trong tương lai, thưa ông?    

Ông Phạm Phan Long: Nếu lưu lượng nước tiếp tục giảm như thế, lưu vực sẽ đi đến chết khát. Nông nghiệp, chăn nuôi và ngư nghiệp, ba kế sinh nhai truyền thống ngàn đời của sáu mươi triệu dân cư lưu vực sẽ bị đe dọa.

Nạn nghèo, đói, thiếu nước và bệnh tật sẽ hoành hành cùng các hệ quả xã hội xấu đi kèm theo sau. An toàn thực phẩm và nguồn nước sẽ suy thoái đến độ dân cư không còn sinh sống được nữa. Ký giả, tác giả và đạo diễn TomFawthrop đã ghi nhận tình cảnh này trong phim tài liệu “Cá đã đi về đâu?” và BS Ngô Thế Vinh, tác giả “Dòng Sông Nghẽn Mạch”, cho rằng trái tim Biển Hồ sẽ dần dần ngừng đập.   

Đâu là nguyên nhân?

Ngọc Trân: Đâu là nguyên nhân gây ra nạn hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra và ngày càng khắc nghiệt trong những năm qua, thưa ông?

Ông Phạm Phan Long: Đã có rất nhiều tường trình khoa học nêu ra các nguyên nhân chính, cả thiên tai lẫn nhân tai. Thứ nhất, do biến đổi khí hậu bất thuờng, cho nên cả lưu vực có ít mưa hơn. Kế đến là nạn phá rừng đã làm biến mất thảm thực vật, vốn là kho trữ nước tự nhiên của lưu vực. Thứ ba là do các hồ chứa nước ở thượng nguồn, đã tích nước lại quá nhiều và quá nhanh. Và thêm một nguyên nhân nữa đó là, nước được chuyển ra khỏi dòng chính để canh tác. Tất cả đã góp phần gây hạn hán cho khu vực hạ nguồn sông Mekong.

Ngọc Trân: Ông vừa nhắc đến các tường trình khoa học về nguyên nhân gây ra hạn hán, lũ lụt ở hạ nguồn Mekong, theo các báo cáo của giới khoa học thì một trong những nguyên nhân chính gây nguy hại cho các nước hạ nguồn là việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn. Trên các con đập này, Trung Quốc đã cho xây trên dòng chính nhiều hồ lớn chứa nước rất lớn, vậy ông có biết Ủy hội sông Mekong đã đối phó với việc này ra sao?

Ông Phạm Phan Long: Suốt hai thập niên qua, trên thượng nguồn thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đã cho xây các đập Mãn Loan hồi năm 1993, đập Đại Chiếu Sơn năm 2001, đập Cảnh Hồng năm 2004, đập Tiểu Loan năm 2010 và đập Nọa Trác Độ sẽ hoàn tất trong năm 2014.

Mãi cho đến năm 2009, Ủy hội sông Mekong đã không làm nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường chiến lược (Strategic Environmental Assessment - SEA) cho các dự án xây đập thủy điện nào ở tỉnh Vân Nam. Ủy hội sông Mekong cũng không phê bình Trung Quốc về việc thiếu nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường đối với các nước hạ lưu. Tổ chức này cũng không hề chất vấn Trung Quốc về những hứa hẹn tốt đẹp của các đập ở tỉnh Vân Nam cho hạ lưu mà dân cư Mekong chưa bao giờ được thấy.

Các nước hạ lưu như Thái, Lào và Việt Nam đã xây nhiều đập trên các phụ lưu của từng nước, nhưng không có đánh giá tác động môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế và các nước này đang đưa ra một dự án, xây thêm mười một đập ngay trên dòng chính.

Mãi đến tháng 10 năm ngoái, Ủy hội sông Mekong mới đưa ra tường trình, thẩm định tác động môi trường 2010 của tám đập thượng nguồn ở tỉnh Vân Nam và mười một con đập ở hạ lưu sông Mekong. Trong bản đánh giá này, Ủy hội sông Mekong đã khuyến cáo bốn nước hạ lưu nên hoãn kế hoạch xây các đập trên sông Mekong trong mười năm, nhưng tiếc rằng họ đã không đề nghị Trung Quốc cùng ngưng xây đập hay cùng hợp tác với họ để bảo vệ hạ lưu sông Mekong.

Trung Quốc thiếu hợp tác với các nước hạ lưu

Ngọc Trân: Được biết, Trung Quốc vẫn cho rằng các hồ thủy điện trên phần đất Trung Quốc không gây tác động nào đối với các nước hạ nguồn mà còn giúp khu vực này có thêm 40% lưu lượng nước vào mùa khô và tránh lụt lội vào mùa mưa.

Một số tin tức cho biết, phía Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước hạ lưu qua việc cung cấp thông tin về các con đập thượng nguồn cho Ủy hội sông Mekong, cũng như hồi mùa Hè năm ngoái, Trung Quốc đã mời các chuyên gia Ủy hội sông Mekong đến thăm hai đập Cảnh Hồng và Tiểu Loan, nhằm chứng minh rằng họ không tích nước gây hạn hán cho hạ lưu. Vậy quan điểm của ông, cũng như quan điểm chung của giới khoa học về vấn đề này như thế nào?     

Ông Phạm Phan Long: Tường trình khoa học về đánh giá tác động môi trường 2010 của Ủy hội sông Mekong đã xác định, tám đập Vân Nam sẽ giữ lại 80% lượng phù sa, không chảy xuống hạ lưu, gây ra 50% thất thoát trong thu hoạch ngư nghiệp. Hệ quả còn nặng hơn nữa, là vì ngư sản là nguồn cung cấp chất đạm chính cho dân cư trong khu vực, khi tính đến gia tăng dân số, thu hoạch ngư nghiệp tính trên đầu người so với năm 2000, chỉ còn có khoảng 60% vào năm 2015, còn 40% vào năm 2030.   

Từ 1995 đến nay, Trung Quốc đã xây bốn hồ chứa, có tổng dung tích gần 18 tỉ mét khối, nhưng qua tám mùa hạn hán trong 15 năm qua, chưa năm nào thấy Trung Quốc xả nước từ các hồ chứa đó để giúp các nước hạ lưu, cũng chưa có năm nào Trung Quốc giúp khu vực hạ lưu tránh được lũ lụt. Thêm vào đó, mực nước lên xuống thất thường từ Trung Quốc đã gây khó khăn cho hai nước Thái Lan và Lào. 

Mặc dù Trung Quốc có mời Ủy hội sông Mekong đến thăm hai đập Cảnh Hồng và Tiểu Loan ở Trung Quốc hồi tháng 6 năm 2010, nhưng Trung Quốc đã không cho các chuyên gia của Ủy hội được tự do quan sát và nghiên cứu. Nếu Trung Quốc thực tâm muốn hợp tác, họ đã mời các chuyên gia đến quan sát tất các hồ chứa nước ở Vân Nam, gồm các đập Đại Chiếu Sơn, Mãn Loan và Nọa Trác Độ, để công khai với các nước rằng, Trung Quốc không có gì để che giấu.    

Về thông tin Ủy hội sông Mekong xin các dữ kiện thủy văn của Trung Quốc và năm ngoái Trung Quốc có hứa cho Ủy hội các dữ kiện này, nhưng phía Trung Quốc chỉ cung cấp các dữ kiện được vài tháng rồi thôi. Phía Trung Quốc đã ngừng cung cấp các dữ kiện nói trên kể từ tháng 10 năm 2010 mà không hề đưa ra một lời giải thích nào cho công chúng. Sự việc này cho thấy, Trung Quốc không những đã không còn hợp tác với Ủy hội như họ đã tuyên bố, mà còn tạo thêm mối nghi ngờ cho các nước ở hạ lưu ngày càng sâu hơn.     

Con sông đã và đang nuôi sống hàng chục triệu cư dân ở các nước hạ nguồn đang từ từ bị giết chết. Trách nhiệm này thuộc về ai? Chính phủ và người dân ở các nước trong khu vực cần làm gì để cứu lấy sông Mekong trước khi quá muộn? Đó sẽ là nội dung của bài kế tiếp.

Phần 2

Nguồn nước trên sông Mekong đã và đang nuôi sống hàng chục triệu cư dân ở các nước hạ nguồn, đang dần dần cạn kiệt. Ai sẽ chịu trách nhiệm về cái chết đã được báo trước của con sông này? Các nước hạ nguồn nên có những hành động gì trước khi quá muộn? Mời quý vị theo dõi tiếp cuộc trao đổi giữa Thông tín viên Ngọc Trân với kỹ sư Phạm Phan Long, Chủ tịch Hội Sinh thái Việt.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngọc Trân: Thưa ông, trước thảm trạng thiên tai lẫn nhân tai xảy ra trên sông Mekong, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Chính phủ ở các nước hạ nguồn và Ủy hội sông Mekong đã làm gì để đối phó với sự cạn kiệt nguồn nước, môi trường ô nhiễm, đe dọa hàng chục triệu cư dân trong khu vực?      

Ông Phạm Phan Long: Chính quyền các nước hạ nguồn sẽ phải nhận hoàn toàn trách nhiệm với dân cư lưu vực. Bốn nước hạ lưu như Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan đã ký Hiệp định sông Mekong từ năm 1995 và giao phó cho Ủy hội sông Mekong nhiệm vụ khuyến khích phát triển bền vững. Nhưng thực tế từ năm 1995 đến nay, Mekong đã phát triển không bền vững. Số lượng ngư sản đánh bắt đã giảm 50% và trọng tải phù sa cũng đã giảm 80%, trong khi nước mặn tiếp tục lấn sâu vào lục địa, phá hủy kinh tế nông nghiệp ở Đổng bằng Sông Cửu Long. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên ở vùng hạ lưu đã liên tục bị suy thoái trong suốt thời gian kể từ khi Ủy hội sông Mekong thành lập.

Ủy hội sông Mekong có chương trình quản trị hạn hán (Drought Management Plan - DMP) và lũ lụt (Flood Management Plan - FMP), thế nhưng các chương trình này chỉ là lý thuyết và hiện chỉ nằm ở các trang tài liệu, chứ chưa có hành động cụ thể nào có thể tin cậy được, nhằm giúp ngăn bớt hạn hán, chống bớt lụt lội khả dĩ bảo vệ được môi trường, kế sinh nhai, an toàn nguồn nước và thực phẩm của dân cư lưu vực.

Các tổ chức NGO quốc tế cũng như các chuyên gia khoa học đã cảnh báo về các tác động thiên tai lẫn nhân tai qua nhiều thập niên, nhưng chính quyền các nước hạ lưu sông Mekong đã không hành động, không nâng việc bảo vệ nguồn sống cho dân cư Mekong thành quốc sách với ưu tiên và hậu thuẫn chính trị tương xứng. Không những thế, tất cả các nước trong lưu vực đã và đang có hàng loạt dự án thủy điện và chuyển nước quy mô, điều này sẽ gây thêm nguy khốn cho dân cư lưu vực.   

Sáng kiến Langcang – Mekong

Ngọc Trân: Trước tình hình đó, chính phủ các nước hạ nguồn sông Mekong hiện cần phải làm gì để cứu vãn môi sinh và sinh kế cho toàn bộ dân cư trong khu vực hạ lưu?

Ông Phạm Phan Long: Chính quyền bốn nước và Ủy hội sông Mekong cần chấp thuận khuyến cáo đánh giá tác động môi trường của Ủy hội sông Mekong, quyết định ngưng xây đập Xayaburi ở Lào và 10 con đập còn lại trên sông Mekong. Ngoài ra, những biện pháp khác mà các nước hạ lưu có thể làm, bao gồm: lập quỹ bảo vệ môi trường và cứu trợ hạn hán, lũ lụt (Mekong Fund); phục hồi rừng và thảm thực vật; phát triển nông ngư nghiệp, sống với hạn hán và sống với mặn như đã sống với phèn và sống với lũ; phát triển hoạt động kinh tế huấn nghệ bớt dựa vào thiên nhiên sông hồ; trong 10 năm tới nghiên cứu thủy điện theo tiêu chuẩn quốc tế và cần có dung tích hồ chứa dành riêng cho ưu tiên chống lụt và giảm hạn.

Nguồn nước là tài nguyên thiên nhiên quý báu nhất mà các dân tộc chung một dòng sông đời đời cùng chia sẻ. Các dòng sông quốc tế chảy qua nhiều biên giới quốc gia thường trở thành nguồn gốc tranh chấp quyền lợi nước giữa các dân tộc. Trên thế giới có trên 300 dòng sông quốc tế và đã có trên 400 thỏa hiệp sông ngòi quốc tế. Âu châu đã có các thỏa hiệp quốc tế từ năm 1815, nhờ họ sớm nhận thức, tranh chấp không giải quyết sẽ là bức tường ngăn cản tất cả mọi cơ hội hợp tác kinh tế và chính trị khác, mà hậu quả là thiệt thòi nặng nề chung cho toàn lưu vực.

Trước sự suy thoái trên lưu vực Lancang – Mekong, sự vô hiệu của Ủy hội sông Mekong, sự vô cảm của Trung Quốc, cùng với sự bất lực của các nước hạ lưu và mối nghi ngờ Trung Quốc ở thượng lưu ngày càng sâu đậm, đã đến lúc phải tìm giải pháp toàn bộ cho lưu vực Lancang – Mekong.

Hội Sinh thái Việt trân trọng đề nghị lãnh đạo sáu nước Lancang – Mekong họp lại, cùng nhau tìm một đáp án quốc tế cho toàn khu vực bằng Sáng kiến Lancang – Mekong (Lancang Mekong Initiative - LMI). Chỉ khi nào cả 6 nước cùng nhau thương lượng ký kết một hiệp ước quốc tế Lancang – Mekong Treaty thì mới có thể mong cứu được Mekong.    

Dựa trên luật pháp quốc tế

Ngọc Trân: Theo ông thì có nên nâng cấp Ủy hội sông Mekong để cả 4 nước cùng Myanmar và Trung Quốc tham gia hiệp ước quốc tế này không?

Sáng kiến Lancang – Mekong (LMI) sẽ không thể thành công bằng cách làm theo Ủy hội sông Mekong, bởi vì Ủy hội đã đi vào bế tắc, mất sự tin cậy và không thể hiện được tư cách độc lập và khoa học trong sáng. Tuy nhiên Sáng kiến Langcang – Mekong không phải vì thế mà bắt đầu từ số không, bởi vì đã có sẵn những luật lệ sông ngòi quốc tế làm căn bản để thỏa hiệp.

Liên Hiệp Quốc đã thông qua bộ luật sử dụng nguồn nước quốc tế: “The United Nations Convention on the Law of the Non-Navigational Uses of International Water Courses” vào năm 1997. Các quy tắc mang tính quốc tế trong Helsinki Rules ra đời năm 1996 và Berlin Rules năm 2004 đều dựa trên nguyên tắc “không gây thiệt hại đáng kể cho các nước khác” và nguyên tắc “sử dụng hợp lý và công bình”, làm nền tảng thỏa hiệp giữa các dân tộc.

Từ nay đến năm 2014 là thời gian Trung Quốc hoàn tất đập Nọa Trác Độ và đây là thời gian ngắn ngủi còn lại cho các nước Lancang – Mekong kịp thời bảo vệ và vãn hồi môi sinh đang thoi thóp ở hạ lưu.

Sáng kiến Langcang – Mekong là cơ hội lớn để Trung Quốc cùng với các nước láng giềng chủ động thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi của các nước hạ lưu và uy tín của chính Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tham gia, tiềm năng thành công của Sáng kiến Langcang – Mekong sẽ rất cao, bởi vì Trung Quốc có khả năng, phương tiện và uy tín trong khi các nước Mekong có thiện chí và nhu cầu cấp bách để hợp tác với Trung Quốc hơn bất cứ cường quốc nào khác trên thế giới vào lúc này.     

Ngọc Trân: Trung Quốc là một nước lớn ở trên thượng nguồn và họ không có nhiều quyền lợi ở dưới hạ nguồn, vậy họ có cần giải quyết tranh chấp Mekong với các nước nhỏ ở hạ lưu trong bối cảnh lịch sử hiện nay hay không, thưa ông?

Trung Quốc có quyền lợi chiến lược với ASEAN mà Trung Quốc cần phát triển và bảo vệ cho các nước này như chính họ, bởi vì tổng số mậu dịch của Trung Quốc với ASEAN là 300 tỉ đô la, ngang hàng và sắp vượt qua với khối Liên minh châu Âu, chỉ sau Hoa Kỳ. Nhận thức này sẽ đưa Lancang – Mekong lên hàng đầu trong các vấn đề bang giao của Trung Quốc trong khu vực và nhất là khi Trung Quốc biết nhìn xa như Hoa Kỳ và Âu châu.    

Sáng kiến Langcang – Mekong là đề nghị của Hội Sinh Thái Việt, nên hội sẽ giúp vận động, yêu cầu các NGO quốc tế, các học giả quốc tế, cũng như trí thức Trung Quốc và các dân tộc sống ở lưu vực sông Mekong cùng nhau thúc đẩy các chính phủ trong khu vực tiến hành Sáng kiến Langcang – Mekong như lộ trình tốt nhất để cùng phát triển bền vững toàn lưu vực, để không ai còn bị nghi ngờ là ích kỷ, thủ lợi một mình hay gây thiệt hại nặng nề cho một dân tộc nào ở hạ lưu phải gánh chịu.

Lịch sử sẽ không khoan dung nếu Lancang – Mekong không có một hiệp ước quốc tế khi cơ hội hy vọng cuối cùng vẫn còn. Các dân tộc và chính phủ Lancang – Mekong hãy viết nên lịch sử dòng sông bằng Sáng kiến Langcang – Mekong và cùng ký kết Lancang – Mekong Treaty, không phải đợi sau năm 2014 mà ngay trong năm 2011 để cứu lấy con sông Mekong và hàng triệu cư dân đang sống nhờ vào nó.    

Ngọc Trân: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.

Nguồn: RFA
RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn