Hai bài báo nói về việc tăng tỷ giá đô la

1. Ngân hàng NN lý giải việc tăng tỷ giá USD

Chung Linh (tổng hợp)

clip_image001

(VEF.VN) - Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố tăng tỷ giá USD/VND lên 9,3%, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ Trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối vừa chính thức lên tiếng về cơ chế điều hành tỷ giá mới.

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên website của Ngân hàng Nhà nước, ông Huy cho biết động thái này của NHNN là để điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá chủ động, linh hoạt với tình hình cung - cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và góp phần tăng dự trữ ngoại hối theo đúng nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho trong Nghị quyết hồi đầu năm 2011.

Trao đổi về vấn đề thu hẹp biên độ tỷ giá từ +/- 3% xuống +/- 1%, ông Nguyễn Quang Huy khẳng định đây là việc làm cần thiết nhằm hạn chế những biến động quá lớn của tỷ giá giao dịch trong ngày, góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng mà vẫn đảm bảo mục tiêu điều hành chủ động, linh hoạt.

Ông Huy cũng cho biết sắp tới NHNN sẽ điều hành tỷ giá tương đối linh hoạt theo cả hai chiều. Đồng thời, sẽ triển khai các biện pháp cần thiết để phát triển thị trường ngoại hối trong đó có việc cho phép áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro theo thông lệ quốc tế để các doanh nghiệp và ngân hàng có thể tăng tính chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và thực hiện phòng ngừa rủi ro hiệu quả hơn.

Cũng trong ngày hôm qua, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo ngân hàng thương mại đã lên tiếng về chủ trương này của NHNN và kỳ vọng lần tăng tỷ giá lớn nhất trong lịch sử này sẽ đẩy giá USD về sát với giá thị trường tự do, tạo sự bình ổn trong dài hạn.

Tờ Saigon Time dẫn lời ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết việc điều chỉnh nâng tỷ giá liên ngân hàng một lần lên 9,3%  là hợp lý và cũng phản ánh đúng cung cầu USD trên thị trường, không làm méo mó tỷ giá nữa.

Trên báo Thanh niên, ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Ban kinh doanh nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) cho hay, việc nâng tỷ giá cùng với thu hẹp biên độ sẽ giúp cho các ngân hàng dễ thở hơn khi tỷ giá sát với tỷ giá giao dịch thực trong suốt mấy tháng qua. Ngân hàng có thể hạch toán vào sổ sách, hợp thức hóa các khoản giao dịch với khách hàng...

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng quan ngại về nguy cơ lạm phát trong thời gian tới.

Nguồn: Vef.vn 

2. Tăng tỷ giá: Bình ổn hay thách thức lạm phát?

Minh Sơn

Ngân hàng Nhà nước vừa đột ngột tăng mạnh tỷ giá USD với tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. Với nhiều chuyên gia việc này sẽ đưa tỷ giá sát với thực tế và xóa bỏ bất cập trên thị trường ngoại hối. Nhưng nó cũng kéo theo thách thức lạm phát và khó khăn cho thị trường tiền tệ.

Xóa bỏ "chợ đen"?

Trong những năm qua, tỷ giá luôn là một bài toán khiến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phải đau đầu. Trong mỗi lần biến động như thế, người đứng đầu cơ quan này rất tỏ ra rất băn khoăn trước sự náo loạn trên thị trường "chợ đen" cũng như những bất cập tỷ giá ngay trong hệ thống ngân hàng. Vì thế, bên cạnh chính sách điều hành tỷ giá luôn đi kèm những chính sách quản lý để chấn chỉnh thị trường này và đã có những thời điểm thành công.

Đầu năm 2010, ngay trước Tết Nguyên đán, tỷ giá cũng được điều chỉnh với mức khá mạnh. Quyết định bất ngờ trong ngày sát Tết Canh Dần trong lúc thị trường đang khá bình ổn được đánh giá cao khi đây là một bước đi chủ động nhằm bình ổn thị trường cho tương lai.

Thực tế, trong hơn nửa đầu năm tiếp theo của 2010, thị trường ngoại hối đã rất bình ổn. Tỷ giá trong hệ thống ngân hàng ổn định và đặc biệt giá USD trên thị trường tự do giảm liên tục. Khoảng cách giữa USD trên thị trường "chợ đen" về ngang bằng và thậm chí thấp hơn giá ngân hàng. Điều này khiến cho thị trường có niềm tin ổn định, thị trường "chợ đen" gần như bị xóa nhòa.

clip_image002

Nhớ lại thời điểm trước để thấy quyết định của Ngân hàng Nhà nước ngày 11/2 vừa qua, tuy điều kiện thị trường "căng" hơn những với mức điều chỉnh mạnh tay, song dường như đã phát đi thông điệp về sự chủ động và can thiệp mạnh để tạo sự ổn định dài hạn trên thị trường. Mà một trong những biểu hiện của nó là sự ổn định tỷ giá trong ngân hàng và xóa bỏ khoảng cách của USD "chợ đen".

Chính vì thế, quyết định điều chỉnh với mức tăng kỷ lục đến 9,3% dù gây sốc cho nhiều DN sản xuất và xuất nhập khẩu nhưng lại được giới chuyên gia tài chính và các ngân hàng cho là một tác động tích cực cho mục tiêu xóa bỏ khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tự do trên thị trường nhằm ổn định thị trường và tạo điều kiện gia tăng dữ trữ ngoại hối.

Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc Eximbank, người từng làm Vụ trưởng Vụ Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, cho rằng, sự điều chỉnh này đã đưa tỷ giá chính thức sát với thị trường. Khi tỷ giá được công khai, ngân hàng thương mại với doanh nghiệp hội tụ thì sẽ tạo ra niềm tin cho những thành viên thị trường. Doanh nghiệp, cá nhân sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng nhiều hơn và thị trường chắc chắn có những chuyển biến tích cực.

Trao đổi về động thái điều chỉnh mạnh tay này, một chuyên gia cho rằng, tỷ giá thực được tính toán hiện nay khoảng trên 21.000 đồng/USD, con số này có thể tham khảo thêm giá USD so với đồng VND được giao dịch ở Singapore hiện cũng đang ở mức này. Như vậy, với khả năng điều chỉnh cao nhất lên đến 20.900 thì đã rất sát với với giá thực. Điều này sẽ có tác động làm giảm, thậm chí triệt tiêu găm giữ USD. Khoảng cách với giá "chợ đen" sẽ thu hẹp. Điều này sẽ giảm được những rủi ro bất ổn trên thị trường ngoại hối có nguy cơ xuất hiện trong thời gian tới.

Kỳ vọng là thế và kinh nghiệm thực tế cũng cho phép hy vọng như thế. Tuy nhiên, liệu điều này có thể là một thực tế dài hạn hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và củng cố giá trị đồng tiền Việt Nam... Nếu không, điều này chỉ có giá trị ngắn hạn và sau đó chúng ta lại tiếp tục đối mặt với những câu chuyện cũ của tỷ giá.

Chính vì thế, điều chỉnh tỷ giá là một yếu tố cần thiết nhưng hơn lúc nào hết mục tiêu ổn định vĩ mô lại được nhắc nhở là điều kiện tiên quyết cho mọi sự bình ổn dài hạn.

Sức ép lạm phát

Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ mang lại những hy vọng về ổn định cho ngoại hối và lợi thế cho xuất khẩu. Tuy nhiên, đi kèm đó là những lo ngại về nhập siêu, nợ quốc gia... và nhất là nỗi lo lạm phát. Đây là mặt trái của quyết định không thể không tính đến.

Trước hết, Việt Nam là một nước nhập khẩu. Doanh số nhập khẩu của Việt Nam hiện chiếm đến gần 70% GDP. Hàng hóa nhập khẩu bao gồm nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phục vụ cho chế biến xuất khẩu vào tiêu dùng trong nước. Thâm hụt thương mại hàng hóa Việt Nam 2010 lên tới 12.4 tỷ USD, bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu. Vì thế, khi tăng tỷ giá sẽ có tác động tăng xuất khẩu nhưng trái lại nó cũng tác động khiến nhập khẩu tăng lên mạnh mẽ hơn.

Điều đáng lưu ý, nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là máy móc, nguyên nhiên liệu sản xuất và cả hàng tiêu dùng... Tỷ giá tăng sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên, giá cả hàng hóa cũng tăng theo, đẩy lạm phát đi lên.

clip_image003

Thực tế của nhiều lần tăng tỷ giá trước đây, dù mức tăng thấp hơn nhiều và tỷ giá chính thức thấp hơn tỷ giá "chợ đen" thì tăng tỷ giá luôn là lý do tăng giá của các DN và góp phần làm tăng lạm phát. Dù muốn hay không, mỗi lần tăng tỷ giá thì các chuyên gia kinh tế luôn tính đến tác động nhập tăng lạm phát. Nhất là trong điều kiện giá thế giới lại đang có xu hướng nhích lên.

Điều này là một thực tế khó tránh. Ngay sau khi có điều chỉnh tỷ giá, các DN kinh doanh xăng dầu đã có phản ứng khá bi quan khi cho biết, giá nhập khẩu xăng dầu sẽ tăng lên rất manh. Với điều chỉnh này thì quyết định giữ giá mới đấy của Bộ Tài chính cũng khó mà tồn tại lâu vì không có một nguồn quỹ nào đủ bù đắp thua lỗ của xăng dầu. Giá gas mới được điều chỉnh giảm nhẹ trong tuần qua cũng được các DN tuyên bố sẽ tăng lên khi tỷ giá điều chỉnh.

Trong khi đó, sau khi điều chỉnh tỷ giá, giá vàng và hàng loạt hàng hóa nhập khẩu khác đã tăng giá... điều này không thể nói là không tác động đến lạm phát khi tỷ lệ rất lớn sản xuất và tiêu dùng trong nước phụ thuộc vào thế giới.

Trong một tính toán trước đây, các chuyên gia Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, qua nhiều năm theo dõi và tính toán, nếu tăng tỷ giá hối đoái 10%, thì làm cho lạm phát trong ngắn hạn tăng 1,35%. Như vậy, những lần trước đây, việc tăng tỷ giá chỉ 1-2% thì có thể nói tác động lạm phát không lớn nhưng khi tỷ lệ này là hơn 9% thì khó có thể khẳng định.

Chính vì thế, các chuyên gia từ Ngân hàng Standard Chartered nhận định, trước những áp lực từ cán cân thanh toán, lạm phát, Việt Nam đồng vẫn sẽ chịu sức ép trong suốt năm 2011 dù NHNN vừa quyết định điều chỉnh tỷ giá lên 20.693 VND/USD. Quyết định của NHNN Việt Nam trong thời điểm hiện tại được đánh giá sẽ giúp xoa dịu áp lực lên cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Tuy nhiên, nó cũng có thể kéo theo lạm phát nhập khẩu cao hơn trong tháng tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản trên thế giới đang leo thang. Không chỉ có vậy, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải xem xét nâng lãi suất cũng trở nên cần thiết với mục tiêu ngăn chặn những rủi ro quá nóng của nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa để neo giữ kỳ vọng lạm phát và bảo vệ Việt Nam đồng.

Lạm phát Việt Nam tháng 1/2011 tăng 1,74%, tháng 2 chưa công bố những đã được dự đoán khoảng 1,8% đến 2%. Điều này đã khiến cho kỳ vọng giảm lãi suất sớm trong quý I trở nên xa vời. Với việc tăng tỷ giá, lãi suất VND chưa có điều kiện giảm... hoạt động kinh doanh của DN và nền kinh tế sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn. Điều đó đặt mục tiêu ổn định vĩ mô trước những thách thức mới và đòi hỏi sự điều hành thông minh hơn mới hy vọng giữ được mục tiêu lạm phát 7% như đề ra.

Nguồn: Vef.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn