Tăng lương cơ bản cho lao động phổ thông làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài – Điều cần phải thực hiện ngay

TriVu

imageThân tặng các anh chị đang đấu tranh cho quyền lợi người công nhân…

Bắt đầu từ tháng 01/01/2011, mức lương tối thiểu của lao động Việt Nam làm cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được tính theo như sau:

Mức lương tối thiểu được tính theo vùng:

-       Vùng 1 (gồm các quận của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh): 1.550.000 đồng/tháng. Mức lương năm 2010 của vùng 1 là 1.340.000 đồng. Như vậy được tăng khoảng 15%.

-       Vùng 2: 1.350.000 đồng/tháng.

-       Vùng 3: 1.170.000 đồng/tháng.

-       Vùng 4: 1.100.000 đồng/tháng.

Mức lương thấp nhất mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động đã qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu của vùng. Lấy vùng 1 làm ví dụ, một lao động phổ thông sau 2 tháng thử việc thì công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải trả mức lương khoảng 1.658.500 đồng/tháng cho mỗi công nhân.

Theo thông tin chính thống, năm 2010 lạm phát là 11.75%, cho nên mức tăng 15% lương cơ bản hầu như không có cải thiện đáng kể nào lên đời sống công nhân nếu không muốn nói là công nhân tiếp tục bị chủ doanh nghiệp lạm dụng và bóc lột. Trong khi đó, công nhân chính là đối tượng tự nguyện để bị bóc lột.

Lý do tại sao? Một doanh nghiệp khi thuê công nhân, họ luôn luôn dùng mức lương tối thiểu để trả cho công nhân. Sau 1 ca làm việc 8 tiếng, nếu công nhân muốn có thêm tiền để lo cho bản thân và gia đình, thì buộc phải làm tăng ca. Tùy theo nhu cầu doanh nghiệp, số giờ tăng ca trong 1 ngày có thể từ 2 đến 4 giờ. Như vậy thực tế 1 công nhân có hợp đồng (ở vùng 1) có thể lãnh khoảng 2,280,000 đồng đến 2,902,000 đồng một tháng nếu có thời gian tăng ca như trên.

Với số tiền này, nếu sống một mình tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội thì có thể đắp đổi qua ngày. Nếu ai đã lập gia đình rồi thì quả thực cuộc sống vô cùng vất vả. Tiền ăn sáng tạm được cũng phải 10 ngàn một ngày (1 ổ bánh mì), cơm trưa thường công ty cho, cơm tối ít cũng 20 ngàn một ngày. Như vậy tiền ăn đã mất 900 ngàn một tháng/một người. Tiền nhà trọ cũng mất 300 ngàn/tháng khi chia phòng với những người khác. Cộng với các chi phí như tiền xăng đi làm hằng ngày, quần áo, dày dép, tiền gởi về cho gia đình… như vậy hầu như cứ đến cuối tháng thì chẳng mấy ai còn tiền để mà chi tiêu.

Trong khu vực châu Á, công nhân Việt Nam thuộc diện được hưởng mức lương bèo bọt nhất. Nói chi đâu xa, tại Thái Lan, nước có giá cả thực phẩm, giá cả cho sinh hoạt hằng ngày rất gần với Việt Nam. Tuy nhiên, thu nhập tối thiểu của một lao động phổ thông tại Bangkok khoảng 206 baht một ngày hay khoảng 200 USD một tháng. Như vậy, so với Việt Nam, một lao động của họ có thể kiếm được mức lương gấp 2.5 lần một lao động tại Việt Nam.

Trở lại thực trạng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chỉ có những doanh nghiệp có kỹ thuật thấp (lắp ráp điện tử, giày dép, may mặc, tái chế, đồ gỗ, chế biến nông sản…), công việc nặng nhọc, độc hại… thì họ mới có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông. Ngược lại, các công ty lớn, có kỹ thuật cao thì nhu cầu sử dụng nguồn lao động chân tay là rất ít. Vì mức lương qui định theo pháp luật tại nước sở tại quá thấp, nên đây là miếng mồi ngon để cho các công việc tay chân phát triển, hoặc các công việc nếu ở nước họ thì không được phép làm hoặc không có lời gì nếu làm việc đó, nay thì họ mang sang Việt Nam. Tôi từng tham quan một số công ty nằm trong khu công nghiệp đàng hoàng, họ nhập rác điện tử đủ loại như phụ kiện máy tính, điện thoại cũ nát về tân trang sửa chữa, hoặc lau rửa rồi đóng gói xuất ngược lại sang các nước khác hoặc giữ lại Việt Nam tiêu thụ. Hầu hết các ông chủ “low tech” này đều dùng chiến thuật “biển người” khi điều hành công ty. Tại các công đoạn thay vì có thể sử dụng máy móc để giảm sức người, họ không đầu tư vào máy móc mà đưa trực tiếp rất nhiều người vô làm để giải quyết công việc. Lý do vì nhân công quá rẻ, dùng nhiều người để làm thì rẻ hơn đầu tư vào máy móc hiện đại thì không lý gì nhà tư bản họ lại chọn con đường tốn kém hơn để làm cả. Mặt khác, do nhân lực quá nhiều, nên việc quản lý nhân sự không quán xuyến hết, họ không tập trung vào việc nâng cao kỹ năng của mỗi cá nhân, mức độ hiệu quả trong công việc của mỗi công nhân. Trong trường hợp một việc 5 người giải quyết không xong thì họ sẽ đưa 7 người, 10 người vô làm… hoặc tăng ca, tăng giờ cho kịp tiến độ công việc.

Một số các công việc ở các nước tiên tiến được xem là đặc biệt độc hại, bị cấm làm hoặc phải đóng thuế môi trường rất cao, trả lương có phần phụ cấp lao động cao cho công nhân. Tại nước ta, do thiếu cơ sở pháp lý, các công ty này vẫn được mời gọi đầu tư và cấp phép hoạt động. Đã nói thì có dẫn chứng. Tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, hiện nay họ đã áp dụng tiêu chuẩn RoHS cho các sản phẩm điện tử. Nói nôm nay, các sản phẩm điện tử không được sử dụng chì để hàn và không chứa chì trong bất cứ linh kiện cũng như các phụ liệu khác. Tuy nhiên, các công nhân làm việc trong lĩnh vực lắp ráp (assembly) tại Việt Nam hằng ngày vẫn tiếp xúc với chì hàn mà không có phương tiện bảo vệ hữu hiệu. Hoặc ai đã đi xem các dây chuyền xi mạ trong các nhà máy chế tạo PCB, mùi acid, hóa chất nồng nặc bốc lên, cây cối xung quanh khô héo hết tuy nhiên những anh công nhân ốm o gầy mòn với khẩu trang mỏng manh vẫn miệt mài làm việc mà không biết nguy cơ bệnh tật sẽ đổ xuống đầu mình trong một ngày không xa.

Về phía những người công nhân bán sức lao động của mình, hầu hết học vấn thấp, từ thôn quê di chuyển ra thành thị nên suy nghĩ của họ cũng rất ngắn hạn. Do các công ty đều áp dụng mức lương thấp nhất do nhà nước qui định, nên người đi làm rất chú trọng đến việc có được tăng ca hay không. Nếu họ đang làm ở một công ty tốt về điều kiện làm việc nhưng ít về thời gian tăng ca, họ sẵn sàng bỏ việc để đi đến công ty khác có thời gian tăng ca nhiều hơn. Ở đó, họ có thể bán sức lao động nhiều hơn. Một anh công nhân tháng này có thể đang làm ở một khâu lắp ráp điện tử, tháng sau có thể trở thành một anh thợ đứng máy cắt đá, máy đánh bóng gỗ… là chuyện bình thường. Chính vì vậy họ không có tay nghề gì chuyên sâu và khả năng cải thiện thu nhập dựa trên kỹ năng tay nghề là rất thấp. Cũng do mức lương kém, dẫn đến tình trạng tinh thần làm việc không cao. Trong các nhà máy, tình trạng người công nhân mất tập trung trong khi làm việc rất nhiều. Khi không có người quản lý, họ hay tập trung nói chuyện, thái độ uể oải, làm cho qua lần, chất lượng trong công việc thấp, làm ra các sản phẩm có chất lượng không tốt… Điều này dẫn đến hiệu quả làm việc của công nhân Việt Nam không theo kịp các lao động khác trong khu vực. Trong thực tế cuộc sống chúng ta thấy cùng một nhà sản xuất, cùng một loại hàng hóa có cùng nhãn hiệu, tuy nhiên chất lượng của sản phẩm từ Việt Nam luôn kém hơn sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines… Cũng trong thời gian gần đây, chúng ta cũng hay nghe quản đốc Hàn Quốc, Đài Loan… đánh công nhân Việt Nam. Khi biết chuyện này thì mọi người cũng như bản thân tôi cũng thấy rất bất bình. Tuy nhiên khi nhìn kỹ lại vấn đề, bỏ qua các trường hợp có thái độ kỳ thị hay các trường hợp cá biệt khác, đa phần đều do lỗi của nạn nhân. Do họ không được đào tạo về cách làm việc bài bản, vẫn giữ nguyên các nguyên tắc làm việc trong nông nghiệp trong khi đang làm việc trong môi trường công nghiệp, không hiểu cách làm việc trong môi trường kỷ luật cao… cho nên dẫn đến các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Từ các vấn đề nêu trên, chúng ta có thể thấy được các mối liên hệ sau:

-       Do nhà nước thiết lập mức lương tối thiểu quá thấp, cho nên các doanh nghiệp dùng mức lương này trả cho lao động phổ thông.

-       Các doanh nghiệp thay vì tập trung vào việc đầu tư máy móc, công nghệ; họ lại dùng sức lao động con người là chính và ra sức khai thác nó. Họ cũng ít tập trung vào việc cải thiện tay nghề của công nhân dựa trên nền tảng máy móc hiện đại.

-       Người lao động phổ thông do lương thấp, không đủ nuôi sống bản thân và gia đình cho nên muốn có thêm thu nhập phải làm việc thên rất nhiều giờ. Sự bất mãn của họ là nguy cơ của bất ổn xã hội.

-       Sản phẩm tạo ra có chất lượng không cao so với khu vực và thế giới.

Do đó, việc nhà nước cần xem xét lại mức lương tối thiểu áp dụng cho lao động phổ thông tại các doanh nghiệp nước ngoài là điều hết sức cần thiết. Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu nhà nước tăng mức lương tối thiểu cho lao động phổ thông tại vùng một lên khoảng 3 triệu đến 3,5 triệu đồng một tháng thì Việt Nam vẫn giữ nguyên sự hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước cũng buộc phải tăng lương theo, đồng thời có những lợi ích như sau:

-       Người lao động được hưởng mức lương có thể sống được và hết mình với công việc.

-       Loại bỏ bớt các doanh nghiệp có kỹ thuật quá thấp, lạc hậu… trên lãnh thổ Việt Nam. Chính các doanh nghiệp này cũng là nguyên nhân gây tình trạng thiếu điện trầm trọng, ô nhiễm môi trường tệ hại như hiện nay.

-       Các doanh nghiệp nước ngoài phải lo tập trung vào việc hiện đại hóa, tối ưu hóa trong sản xuất và quản trị nhân viên. Không dám thuê người bừa bãi, sử dụng nguồn nhân lực thừa thãi nhu hiện nay.

-       Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Ngay cả nhà nước cũng phải xét tăng lương cho người làm việc cho nhà nước, tình trạng hống hánh cửa quyền sẽ giảm đi, tình trạng tham nhũng cũng sẽ giảm đi.

-       Một lượng lao dộng không tìm được việc làm phải có sự cố gắng nâng cấp bản thân để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Một lượng khác phải trở về nông thôn để làm nông nghiệp. Hiện nay tại khu vực nông thôn, thanh niên chỉ muốn về thành thị làm thuê. Ruộng vườn bỏ hoang, chỉ còn ông già bà lão, thôn quê không còn sức sống.

-       Giảm thiểu áp lực lên khu vực thành thị và nhất là hai trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nhân ngày đầu năm, lời chúc mọi người được “an khang thịnh vượng” chỉ trở thành hiện thực nếu các vị lãnh đạo thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động có vị trí thấp nhất trong xã hội và cũng là giai cấp làm nên cuộc cách mạng trong quá khứ. Đừng hy sinh lợi ích của họ để phục vụ cho lợi ích một số cá nhân có quyền, có tiền trong tay. Đừng để lời chúc trở thành lời đãi bôi.

Mong mỏi lắm thay!

T.V.

Tham khảo:

- Lương cơ bản năm 2011: Dantri.com.vn

- Lạm phát năm 2010: Vnexpress.net

Lương cơ bản năm 2010 tại Thái Lan: boi.go.th

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn