FDI từ Mỹ có thể gặp rắc rối vì 'phí bôi trơn'

Phạm Huyền (thực hiện)

imageThưa bà Virginia Foote, người Việt Nam chúng tôi chịu phí bôi trơn đã gần như là không biết có nó nữa, hoặc nói ngược lại, khi nhìn vào cánh cửa các cơ quan công quyền nào mà không thấy mùi vị của nó thì hết cả hồn, tưởng đây là cái bẫy để bước vào đó là... bị sập. Thế đấy bà ạ!

Bauxite Việt Nam

(VEF.VN) - Doanh nghiệp Mỹ ngại làm ăn kiểu quan hệ ở Việt Nam bởi nếu phải trả "phí bôi trơn", chính họ cũng sẽ gặp rắc rối khi gửi báo cáo kiểm toán về Mỹ - bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ, chia sẻ với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam xoay quanh câu chuyện này.

Phiền phức vì "phí bôi trơn"

- Thưa bà, bà nghĩ sao về câu chuyện tới 20-40% doanh nghiệp FDI được điều tra đã phải trả phí bôi trơn như nhóm nghiên cứu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa công bố, nhất là đối với Mỹ - đất nước dựa trên luật pháp nghiêm minh?

Bà Virginia Foote: Đây là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt, chứ không riêng gì ở Việt Nam. Nhiều nước cũng đã xây dựng một hệ thống để giảm đi cơ hội các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng phong bì phong bao, hối lộ trả phí cho hoạt động kinh doanh của mình.

Điều mà Việt Nam làm chưa tốt là thiếu những biện pháp cần thiết để giảm thiểu việc trả phí hoa hồng. Một trong những tồn tại khác là Việt Nam sử dụng quá nhiều tiền mặt trong thanh toán thay vì trả bằng séc hoặc thẻ tín dụng.

Chính vì vậy, việc này còn liên quan đến chuẩn mực hệ thống kế toán của Việt Nam thấp hơn, chưa đồng bộ hóa với chuẩn mực kế toán quốc tế. Hệ thống thu thuế, đăng ký thuế chưa đủ chặt chẽ để người ta trả tiền hoa hồng thay vì đi trả tiền thuế.

Trong khi đó, các công ty Mỹ dù hoạt động ở Việt Nam thì vẫn phải chịu hệ thống quản lý về pháp luật, điều hành doanh nghiệp theo luật của Mỹ. Do vậy, các doanh nghiệp Mỹ không được phép thực hiện giao dịch trả phí bất hợp pháp so với luật của Hoa Kỳ, vì họ sẽ gặp phiền phức khi về nước báo cáo kiểm toán hàng năm.

Thực tế của Việt Nam như vậy đã gây rắc rối cho nhiều người, đặc biệt là rất khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ làm việc ở đây.

- Thưa bà, bà nghĩ sao về sự khác nhau giữa lobby và phí hoa hồng trong hoạt động kinh doanh?

Có một khái niệm về phí theo chuẩn mực quốc tế khi đăng ký, thực hiện các thủ tục làm ăn nào đó, người ta phải trả gọi là "lệ phí", tiếng Anh gọi là "fee" đã quy định rõ ràng và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi.

Phí đó trên website, ở đâu cũng có được các Bộ cơ quan chủ quản, Chính phủ qui định rõ. Khi phí đó được trả, phải có chứng cứ thanh toán đàng hoàng với cơ quan quản lý công của một cơ quan quản lý Nhà nước như hóa đơn, giấy biên nhận chứ không phải là từ một cá nhân.

Như ở Mỹ, tất cả các khoản thanh toán trả cho một cá nhân, bằng tiền mặt, bí mật, không được công bố pubblic, hoặc không được ghi rõ ràng thì được coi là không hợp pháp.

- Vậy, khi kết quả điều tra công bố, phản hồi của các doanh nghiệp Mỹ đã và đang chuẩn bị đến làm ăn ở Việt Nam về tình trạng phí bôi trơn đó như thế nào, thưa bà?

clip_image001[4]

Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ. Ảnh: Phạm Huyền.

Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên, báo cáo PCI vừa qua bao gồm cả việc phỏng vấn các doanh nghiệp nước ngoài. Những năm sau, các doanh nghiệp FDI sẽ tham gia trả lời các điều tra này nhiều hơn. Vì các báo cáo như vậy là một công cụ rất cần thiết để nắm được vấn đề thực tế ở Việt Nam, có thể nhận ra được một số vấn đề khác nhau giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam nêu ra.

Các doanh nghiệp ở Việt Nam hoặc các doanh nghiệp sắp vào Việt Nam sẽ coi đây là một tài liệu tham khảo có ích.

Có một gợi ý thú vị mà tôi đã từng đề nghị trước khi nhóm nghiên cứu PCI làm bản điều tra này là nên phỏng vấn cả những doanh nghiệp đã làm ăn ở Việt Nam và những doanh nghiệp đang tìm cơ hội vào nước bạn nữa, để hiểu xem những công ty đã vào rồi thì tại sao họ lại vào Việt Nam, còn những doanh nghiệp sắp vào Việt Nam xem, tại sao họ chưa vào Việt Nam? Đôi khi, chúng ta học hỏi từ những thất bại hay hơn là học hỏi từ những thành công.

Sợ cảnh chạy đua thành tích FDI các tỉnh

- Quí I vừa qua, Mỹ vẫn là quốc gia đầu tư vốn FDI đứng thứ 6 vào Việt Nam với 129 triệu USD vốn đăng ký. Liên tục nhiều năm, Mỹ cũng đứng trong TOP 5 các nhà đầu tư FDI lớn vào Việt Nam. Vậy, theo bà, Việt Nam trong quá khứ và hiện nay đang hấp dẫn điểm gì đối với doanh nghiệp Mỹ?

Tôi nghĩ nhiều công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau đều có những thành công nhất định. Ví dụ ngành chế biến, dịch vụ cần cung ứng nguồn nhân lực, ngành dệt may da giày, xuất khẩu thủy hải sản đều đã thành công rất lớn ở Việt Nam, họ đã tìm được nguồn đầu tư trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài tương đối thành công.

Và với tất cả các ngành nghề khác nhau, mỗi công ty đã tìm được thành công nhất định và vẫn còn nhiều cơ hội hấp dẫn Mỹ khi tới Việt Nam.

- Mỹ là nước có công nghệ nguồn, đi đầu phát triển kinh tế sáng tạo. Điều mà Việt Nam trăn trở nhất là làm sao để mời gọi những nhà đầu tư Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao thay vì làm lắp ráp, gia công, chế biến thô?

Tôi nghĩ cũng sẽ mất thời gian để Việt Nam xây dựng, phát triển đến mức có một môi trường kinh doanh tốt cung cấp các ngành công nghệ cao. So đến thời điểm bây giờ, cũng đúng là Viêt Nam vẫn chỉ nhập khẩu nguyên vật liệu về rồi lắp ráp, xuất khẩu đi.

- Việt Nam mong muốn sẽ được chuyển giao công nghệ, học hỏi quản lý hiện đại từ FDI nhưng vừa qua, nhiều FDI vào Việt Nam chỉ làm gia công xuất khẩu, hoặc vào bất động sản, thép... Việt Nam cần làm gì để mời gọi những FDI có công nghệ cao?

Có một vài vấn đề cần phải chắp nối để xây dựng định hướng hấp dẫn hơn các nhà đầu tư FDI công nghệ cao. Trong đó, có những vấn đề là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo người lao động ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng của Việt Nam cần tiến bộ, nâng cấp hơn, thứ ba là xây dựng được môi trường kinh doanh tốt hơn, quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp trong điều hành công ty.

Các chuẩn mực quốc tế phải áp dụng như thế nào phù hợp với văn hóa làm việc ở Việt Nam, văn hóa điều hành doanh nghiệp. Đây là một việc chưa tốt lắm ở đây.

- Vừa qua, nhiều dự án bất động sản, thép cỡ 5-8 tỷ USD đã bị rút giấy phép, có thể có nguyên nhân từ hai phía. Câu chuyện này sẽ ảnh hưởng thế nào tới các quyết định đầu tư của FDI Mỹ, thưa bà?

Tôi nhìn thấy một thực tế nhiều công ty mà không phải là công ty Mỹ khi có giấy phép đầu tư rồi thì dự án kinh doanh của họ lại thay đổi rất nhiều so với kế hoạch ban đầu. Có thể họ đã từng nghĩ rằng họ xây dựng một tòa nhà vĩ đại nhưng sau một vài năm, họ bảo không có khả năng xây được. Đó là sự không cẩn trọng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam.

Một doanh nghiệp Mỹ nhìn việc các doanh nghiệp FDI khác thay đổi kế hoạch kinh doanh xoành xoạch như vậy sẽ không phải là một tấm gương tốt. Các dự án cần đất đai đều tự phải đàm phán với từng tỉnh như thực tế diễn ra rất phức tạp. Các tỉnh ở Việt Nam dường như muốn chạy đua danh sách FDI đăng ký đầu tư để có con số vốn FDI thật to, hấp dẫn, nhưng thực tế dự án thành công ít hơn nhiều so với dự án đăng ký.

Các doanh nghiệp Mỹ sẽ không muốn rơi vào một đất nước mà các tỉnh có cách làm như vậy.

P.H

Chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam của bà Virginia Foote là vào năm 1989. Bà đã làm việc liên tục ở Việt Nam trong 20 năm qua, có nhiều đóng góp thúc đẩy vào quá trình cải thiện mối quan hệ giữa 2 nước Việt - Mỹ, đặc biệt là đóng góp trong thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương 15 năm qua.

Nguồn: vef.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn