Nơi ẩn náu cuối cùng

Mã Chiến (Ma Jian)

Phạm Anh Tuấn dịch

Nhà văn Mã Chiến (Ma Jian) sinh năm 1953 tại Thanh Đảo (Qingdao), Trung Quốc. Mã Chiến hiện đang sống tại nước Đức. Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của ông được xuất bản năm 2008 có tên Beijing Coma (Bắc Kinh hôn mê) kể một câu chuyện có liên quan đến cuộc thảm sát người biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Đới Vệ (Dai Wei) một sinh viên tham gia biểu tình, bị thương rồi hôn mê trong 10 năm. Khi tỉnh dậy anh ta thấy mọi người đều quên hết những gì đã xảy ra trong sự kiện bi thảm đó vì mải … làm giàu!

Lời giới thiệu ở bìa bản dịch tiếng Anh do Chatto & Windus xuất bản năm 2008: “Nếu như viết về sự thật thống khổ là tình yêu ở hình thức cao đẹp nhất, thì cuốn tiểu thuyết này là bài hát tình yêu dành cho một đất nước thường xuyên thích dùng sức mạnh để tiêu diệt cái quyền được xúc động của người dân của nó”. Bài viết dưới đây của Mã Chiến được đăng trên Tạp chí Time tuần 18-25 tháng 8 năm 2003.

P.A.T

Năm 1981 tôi được Tổng Công đoàn nơi tôi làm phóng viên ảnh phân cho một ngôi nhà tại con phố nhỏ Nanxiao nằm ở phía Đông Bắc Kinh. Cuối mỗi ngày làm việc, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, trút lại phía sau những dối trá, bịp bợm của công việc tuyên truyền và bắt đầu cuộc hành trình trở về nhà.

Tôi thường mệt mỏi chen lên chiếc xe buýt chật cứng người, nó chạy ngang qua quảng trường Thiên An Môn và tôi xuống xe ở cuối con đường của tôi – một con phố hẹp chạy giữa những ngôi nhà xám xịt cũ kỹ và những cây bồ kết gai đầy bụi. Tôi thường dẫm lên bụi bồ hóng bên ngoài nhà kho chứa than, đi qua Bệnh viện y học cổ truyền, những quầy bán hoa quả, những quầy bán thịt quay, cửa hàng bán quần áo khâm liệm và cuối cùng là ngôi nhà số 53. Sau đó tôi lấy chìa khóa trong túi, xoay cái then và cuối cùng sập cánh cửa lại trước thế giới bên ngoài.

Đó là một nơi ở xoàng xĩnh – một ngôi nhà tuềnh toàng chỉ có một phòng ngủ và một cái sân bé tí có tường gạch cao bao quanh. Nhưng đối với tôi đó là một thiên đàng, một nơi ẩn náu khỏi những cuộc họp chính trị và những chỉ thị điên rồ, một nơi trú ngụ để tôi có thể tận hưởng lần đầu tiên trong đời một chút giây phút cô độc ít ỏi. Trong căn phòng của mình, tôi thường vẽ những phong cảnh tưởng tượng và đọc những tạp chí in trộm bằng rô-nê-ô. Đêm đêm lũ bạn chống đối Chính phủ thường lui tới và chúng tôi mở bia và tranh luận về những hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Nhưng chẳng có nơi ẩn náu nào tại Trung Quốc thoát khỏi những móng vuốt sắc nhọn của Nhà nước. Chẳng bao lâu sau đó, hàng xóm đã bắt đầu báo cáo với công an về những hành động “tư sản” của tôi. Vào tháng 9 năm 1983, tôi bị đưa tới Phòng an ninh công cộng để thẩm tra và ba ngày sau đó khi tôi trở về nhà mình tôi phát hiện thấy công an đã lục soát căn phòng của tôi, lật các ngăn kéo và thậm chí đã xé rách cái trần nhà làm bằng giấy. Kể từ dạo đó, mỗi khi tôi từ nơi làm đi bộ về nhà, thành phố như thể được xây toàn bằng những bức tường và qua mỗi vết nứt dường như có một đôi mắt đang nhìn tôi chằm chằm. Ngôi nhà của tôi không còn là một nơi ẩn náu nữa, nó đã trở thành một nhà tù.

Vì thế, tôi đã đi khỏi Bắc Kinh và lang thang ở những vùng hoang vắng người, cố tìm một nơi khuất nẻo nào đó trên đất nước để có thể cảm thấy dễ chịu. Tôi đã đi từ những sa mạc ở miền Tây tới những rừng già ở miền Nam, sống trong những ngôi làng hẻo lánh của người dân tộc. Nhưng sau ba năm lang thang tôi chợt nhận ra rằng chẳng có nơi nào trên đất Trung Quốc thoát khỏi cái thòng lọng cộng sản. Tôi kiệt sức và chợt cảm thấy muốn được sống giữa những đồ vật thân quen và nằm xuống chiếc giường của mình. Tôi trở về Bắc Kinh trong tâm trạng phấn chấn, nhưng khi tới gần cổng nhà thì chợt thấy chẳng còn thiết gì nữa. Hàng xóm của tôi đã nhân lúc tôi đi vắng cơi nới căn bếp của họ dọc theo bức tường phía trước mặt ngôi nhà của tôi và thậm chí còn buộc dây của chiếc máy giặt vào cái cổng nhà tôi. Chỉ vài ngày sau khi tôi về nhà, công an đã thẩm vấn tôi về những bài diễn thuyết mang tính chính trị trong thời gian tôi lang thang, và các bà trong tổ dân phố thường gõ cửa quấy rầy tôi cốt để tôi đi khỏi nhà và kiếm việc làm mới.

Một lần nữa tôi lại cảm thấy những bức tường dần dần bao vây quanh tôi. Nhờ sự giúp đỡ của một vài người bạn, tôi kiếm được một cuốn hộ chiếu rồi trốn qua biên giới sang Hồng Kông. Tôi bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, kiếm sống qua ngày bằng công việc chạy bàn và liên tục thay đổi chỗ trọ. Đôi khi không có tiền tôi đã phải chôm chỉa những đồ cúng trên ban thờ trong các ngôi đền. Tự do và thịnh vượng của Hồng Kông chẳng có nghĩa gì với tôi cả. Khi đi bộ giữa đám đông các nhân viên văn phòng và thương gia ăn mặc sang trọng tôi không cảm thấy gắn bó với nơi ở mới của mình. Hồng Kông giống như một cầu tàu nổi để một ngày nào đó tôi nhảy lên bờ và bỏ nó lại đằng sau.

Mùa xuân năm 1989, báo chí và truyền hình đầy dẫy những cảnh người biểu tình bị kéo lê qua những đường phố đầy bụi ở Bắc Kinh. Một nỗi nhớ nhà mênh mang bỗng tràn ngập lòng tôi. Tôi hiểu rằng những con phố đó mới là nơi tôi thuộc về. Tôi nhảy lên một chiếc tàu tốc hành tới Bắc Kinh, hồi hộp hy vọng rằng cuối cùng đất nước tôi đang thay đổi và rằng rút cục tôi có thể coi Bắc Kinh là nhà của mình.

Khi đi dọc theo đường Nanxiao tôi vẫn nghe thấy tiếng những người bán hàng chửi nhau như mọi khi, và tôi mỉm cười. Mùi hôi thối từ nhà xí công cộng không còn làm tôi khó chịu nữa. Khi tôi bước qua cổng nhà mình tôi thản nhiên nhìn thấy vỏ trứng và lá cải bắp của hàng xóm vứt đầy sân. Tôi ném chiếc túi xuống đất, rửa mặt rồi đi thẳng ra quảng trường Thiên An Môn.

Trong những ngày đen tối sau cuộc thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn tôi đã lẻn về Hồng Kông và nằm im một thời gian. Nhưng sự chết chóc và tàn bạo mà tôi chứng kiến đã hành hạ tâm trí tôi. Tôi cần phải lý giải những gì mình đã chứng kiến, và vì thế tôi hiểu rằng mình phải quay về mảnh đất quê hương. Vài tháng sau đó, tôi đã quay về đường Nanxiao. Tôi sơn qua loa lại tường nhà và lắp đặt bếp ga. Khi tuyết rơi xuống sân nhà, tôi cầm bút và phác ra cuốn tiểu thuyết thứ ba của mình. Trong mấy tháng trời, tôi đã cảm thấy an toàn và yên bình, nhưng trong lúc tôi ẩn náu trong cái tổ của mình thì ngoài đường phố đang có sự thay đổi. Không ai còn nói tới chính trị nữa. Bạn bè ngày xưa của tôi giờ đây đang buôn bán đất đai và mở công ty. Những cửa hàng ngày xưa trên đường Nanxiao đã bị đóng cửa và thay vào đó là những hiệu làm đầu và nhà hàng. Không khí có mùi xà phòng, mùi tóc cháy sém và mùi cá rán, ban đêm tôi có thể nghe thấy tiếng huýt gió trong mưa của những ngọn đèn nê-ông mới được lắp. Những thay đổi này khiến tôi buồn bã và thất vọng. Ngay sau khi cuốn tiểu thuyết được hoàn thành tôi lại rút về Hồng Kông và thuê một ngôi nhà trên một hòn đảo hẻo lánh ở bên Cửu Long.

Khi quân giải phóng Trung Quốc tiến vào Hồng Kông năm 1997 tôi cảm thấy đất nước mà tôi đã cố chạy trốn giờ đây đang đuổi theo mình. Vì thế tôi đã đi càng xa càng tốt – đầu tiên tới Bochum, Đức, sau đó tới London. Tôi những tưởng mình đã từ bỏ được nỗi nhớ nhung ủy mị về Bắc Kinh. Nhưng sau 5 năm tự đày ải, tôi chợt thấy mình đêm đêm vẫn tỉnh giấc và nhớ lại những âm thanh và mùi vị của ngôi nhà. Năm ngoái, khi một người bạn gọi điện nói rằng chỉ vài tháng nữa chính quyền sẽ phá hủy đường Nanxiao thì tim tôi đã quặn lại. Tôi chợt hiểu rằng mình phải quay về.

Sống tại London giống như bị mắc kẹt trong khoang thang máy bay hạng nhất: dễ chịu và thức ăn ngon lành, nhưng tôi luôn có cảm giác bị treo lơ lửng giữa trời. Khi tôi về tới Bắc Kinh tôi cảm thấy đôi chân mình cuối cùng đã bám vào nền đất chắc chắn. Tôi gọi một chiếc taxi tới đường Nanxiao nhưng chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Công trường mới bắt đầu mà đường Nanxiao đã là một bãi tan hoang. Những ngôi nhà nằm về một bên phố đã bị san bằng, hàng cây bồ kết gai đã không còn nữa. Công nhân nói với tôi rằng họ sẽ phá nốt bên kia trong tháng sau để làm một con đường sáu làn xe.

Tôi bước sang bên kia đường và tìm đường về ngôi nhà số 53. Bức tường bên ngoài vẫn còn, nhưng vây quanh là gạch vỡ đổ nát. Tôi bàng hoàng đứng nhìn cái cổng. Tôi không đủ can đảm để mở nó. Phía sau nó là cái gì đó thiêng liêng. Suốt 25 năm qua cái nhà gạch bé nhỏ đó đã giam cầm tôi và cũng giải phóng cho tôi. Nó che chở tất cả những hy vọng và mơ ước của tôi. Tôi chợt nhận ra rằng, mặc dù tận đáy lòng tôi là một kẻ du mục, tôi không thể ở yên một chỗ, song những ý nghĩ luôn đưa tôi quay trở lại đường Nanxiao.

Rút cục, tôi hiểu rằng cần chi phải bước qua cánh cổng đó, bởi chưng bất kể tôi đi đâu trên thế giới này, ngôi nhà này sẽ còn mãi, tựa như chính đất nước Trung Quốc này vậy, nó in đậm trong tâm hồn tôi.

Tôi thả chìa khóa vào trong túi quần, gọi một taxi đi tới đầu bên kia thành phố rồi chui vào một khách sạn.

P.A.T.

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn