TRẦN THÁI TÔNG - ĐƯỜNG ĐỜI, NẺO ĐẠO (*)

Trần Thị Băng Thanh

Trần Thái Tông, vị vua mở đầu nhà Trần, tên húy là Cảnh, còn có tên là Bồ, theo Lê Trắc (Thực/Sực) trong An Nam chí lược, năm Mậu Ngọ (1258) ông đổi tên là Quang Bính, sau đó thường dùng tên này trong thư từ bang giao với nhà Nguyên(1). Ông sinh ngày 16 tháng Sáu năm Mậu Dần (10.VII.1218), là con thứ Trần Thừa, người hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định), vốn nhiều đời làm nghề đánh cá và thời ấy đã là một gia tộc có thế lực trong vùng. Họ Trần giàu có, nhiều gia nhân, trong khi cấp bách có thể tập hợp thành những đội quân thiện chiến. Ngày 12 tháng Chạp năm Ất Dậu (11.I.1226), Trần Cảnh nhận chiếu nhường ngôi của vợ là Lý Chiêu Hoàng lên làm vua, cũng là thay đổi cả một triều đại - từ nhà Lý chuyển sang nhà Trần. Thực ra lúc này nhà Lý đã suy yếu, xã hội đói kém loạn lạc. Sử chép vào cuối đời Lý Cao Tông, hai năm Đinh Mão, Mậu Thìn (1207, 1208) “giặc cướp nổi lên như ong"; "Đói to, người chết nằm gối lên nhau". Chẳng những dân cày, người Man nổi dậy mà cả quan tướng cũng “thu nạp những kẻ vong mạng làm phản”, ví như Phạm Du, Quách Bốc, Đoàn Thượng..., khiến cho ba cha con Cao Tông phải ly tán mỗi người một nơi. Thái tử Sảm lưu lạc đến Lưu Gia (nay thuộc tỉnh Thái Bình) lấy con gái họ Trần làm phi, lại cũng nhờ thế lực họ Trần mà khôi phục được ngôi vua.

Nhưng chỉ được chừng mười lăm năm "cơ đồ hai trăm năm nhà Lý" (Trần Quang Khải, Lưu Gia độ) đã hoàn toàn về tay họ Trần, một cuộc chuyển giao vương quyền êm thấm, mang màu sắc "trữ tình ngọt ngào!" Sử cũng chép rằng sau khi Chiêu Thánh nối ngôi, khi ấy Trần Thủ Độ (1194-1264) đã giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, coi mọi việc quân sự trong ngoài thành, ông đưa các cháu trai vào giữ nhiều chức trong nội cung. Trần Cảnh mới tám tuổi giữ chức Chi hậu chính chi ứng cục. Chiêu Hoàng thích viên quan hầu cận cùng tuổi trẻ thơ này, thường cho gọi vào cung cùng chơi đêm. Nàng thích "bắt nạt" người hầu cận mà với nàng có lẽ cũng chỉ là một bạn nhỏ dễ ưa, khi thì dẫm lên bóng, khi thì túm tóc kéo; Trần Cảnh bưng nước hầu rửa mặt thì vốc nước té vào mặt Cảnh rồi cười, Cảnh hầu khăn trầu thì cầm khăn ném cho... Những trò con trẻ đó, Trần Cảnh đều về mách chú. Với bản lĩnh chính trị già dặn, Thủ Độ biết rằng đây là một cơ hội vô cùng quan trọng, hoặc "họ ta thành hoàng tộc hay sẽ bị diệt tộc!". Và khi Chiêu Hoàng không những ném khăn trầu cho Cảnh mà còn tuyên bố "tha tội cho nhà ngươi" và khen "Nay ngươi đã biết nói khôn đó" để đáp câu hỏi của Cảnh "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh" thì Thủ Độ đã đem cả gia quyến vào trong cung cấm, sai người đóng hết các cửa thành cửa cung rồi tuyên bố "Bệ hạ đã có chồng"! Về sự kiện này Đại Việt sử lược chép khác, phần chủ động thuộc về nhà Lý. Lý Huệ Tông (1194-1224) đã nhường ngôi cho con gái song vẫn không yên lòng, mới bàn với Nội thị Phùng Tá Chu chọn Trần Cảnh, con thứ của Thái úy Trần Thừa “tuổi tuy thơ ấu, mà tướng mạo phi thường, tất có thể giúp đời yên dân” nhận làm con để nhường ngôi và gả con gái cho. Trần Thừa nghe truyền đạt nhưng không dám tin, trong triều có người bàn không nên nhận, nhưng Trần Thủ Độ không hề ngần ngại, ông bảo “đó là ý trời. Trời cho mà không nhận là có tội”. Và mùa đông năm Ất Dậu (1225) Nội thị phán thủ Phùng Tá Chu, Nội hành tả tư Lang trung Trần Trí Hoằng được “sai đem văn vũ thần liêu trong ngoài, đưa thuyền rồng đầy đủ pháp giá đến phủ Tĩnh Cương” đón Trần Cảnh, “lấy ngày 1 tháng Chạp năm đó nhận nhường ngôi, tức vị ở điện Thiên An, tôn Thuận Trinh vương hậu làm Thái hậu, giáng Chiêu vương làm Chiêu Thánh vương hậu”(2). Dù sao thì ngay trong đoạn ghi chép này ta cũng thấy vai trò quyết định của Trần Thủ Độ. Có thể nói Trần Thủ Độ, có sự đồng tình và sắp xếp của Nội thị Phùng Tá Chu, đã thực hiện thành công một mưu toan, nhưng dẫu sao thì Lý Huệ Tông hay chính Lý Chiêu Hoàng cũng đã

tự "chọn" Trần Cảnh mà Ngô Sĩ Liên thì bàn rằng "Nhà Lý được nước là tự trời mà mất nước cũng tự trời"(3).

Trần Cảnh lên ngôi vua mới tám tuổi, Thủ Độ lấy cớ không biết chữ nghĩa không chịu nhiếp chính, nhường quyền hành và vinh dự đó cho anh - Trần Thừa, người sinh ra Trần Cảnh. Từ đấy (1226) cho đến năm Trần Thừa mất (1234) nhà Trần đã chỉnh đốn triều chính, định luật lệ, thuế khóa, chế độ quan chức, lương bổng, thi lại viên, đã ban hành hai văn bản quan trọng Quốc triều thông chế, sửa đổi lễ nghi hình luật, gồm 20 quyển (năm 1230), Quốc triều thường lễ ghi công việc của triều đại mình (cùng năm) gồm 10 quyển, và tổ chức được một kỳ thi Tam giáo (năm 1227), một kỳ thi Thái học sinh, chia làm ba giáp (năm 1232).

Có thể nói từ khi lên ngôi cho đến tuổi 20, hết chế độ "phụ chính", Trần Cảnh điều hành đất nước dưới sự chỉ dẫn của cha và chú, có lẽ ông cũng chưa có chủ kiến gì. Nhưng từ năm 1237, khi quyền lực thực sự nằm trong tay ông, cũng là lúc ông phải tự gánh vác lấy việc lớn của xã tắc thì bi kịch gia đình xảy ra. Trong vòng vài năm Trần Cảnh phải chịu nhiều nỗi đau. Năm 1233 con trai đầu vừa sinh đã không nuôi được(4). Vài tháng sau, 1234, cha mất, Trần Liễu (1211-1251) phụ chính cho ông có lẽ chưa làm nên công tích gì đã gây ra vụ tai tiếng với cung nhân nhà Lý cũ khiến Trần Cảnh phải tìm cách che đỡ cho anh(5). Song cũng vì thế ông buộc phải giáng tước phong của anh, từ Hiển hoàng thành Hoài vương. Nhưng đỉnh cao của bi kịch gia đình là vụ Thủ Độ ép Trần Cảnh phế truất ngôi vị Hoàng hậu của Chiêu Thánh, giáng làm Công chúa để "cướp vợ" anh, Công chúa Thuận Thiên, cũng là chị ruột vợ mình, lúc đó đã có mang ba tháng "để nhận lấy chỗ dựa về sau". Trần Thủ Độ làm những việc "nhẫn tâm" như vậy chắc chắn đều vì họ Trần, vì sự yên ổn của xã tắc, nhưng cả hai anh em vị vua trẻ đa cảm đều không chịu nổi sự tổn thương tinh thần vì phải phá vỡ hai cuộc hôn nhân mà chắc chắn ít nhiều có phần tự nguyện của họ. Hai anh em họ, mỗi người đã tìm đến một giải pháp. Trần Liễu ra sông Cái họp quân làm loạn, Trần Cảnh vứt bỏ tất cả đi tìm giải thoát ngoài cõi tục. Sử chép "Vua trong lòng áy náy, ban đêm, ra khỏi Kinh thành đến chỗ Quốc sư Phù Vân (Quốc sư là bạn cũ của Thái Tông) trên núi Yên Tử rồi ở lại đó" (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, 1993, Sđd; tr.13)(6). Trần Cảnh đối với Lý Chiêu Hoàng còn có cả tình bạn thuở ấu thơ "thanh mai trúc mã". Phế bỏ nàng dù vì những lý do cao cả nào thì vẫn là bất cận nhân tình. Chiêu Hoàng đối với ông tình sâu nghĩa nặng. Chọn ông, Chiêu Hoàng đã mất cả giang sơn, họ tộc, thế mà giờ đây ông lại đẩy nàng vào cảnh trắng tay, chỉ còn một nước chưa phải vào lãnh cung mà thôi! Trần Cảnh bỏ chạy khỏi Kinh thành chính là "chạy trốn" chính bản thân mình, nhưng gánh nặng xã tắc đã không cho phép ông trốn chạy. Trần Cảnh lấy cớ "không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc" để trút bỏ ngai vàng, nhưng chính vì xã tắc ông buộc phải trở lại ngai vàng, bởi như Đại sư Trúc Lâm đã khuyên: "Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay muôn dân đã muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được" (Thiền tông chỉ nam tự)(7).

Nhưng sự trở về này là một bước ngoặt trong tư tưởng và trong cuộc đời Trần Cảnh. Sẽ không còn một Trần Cảnh mềm yếu, thụ động, nhất nhất đều nghe theo sự sắp đặt của chú. Trần Cảnh đã thực sự trưởng thành, ông tự có chủ kiến của mình. Điều đầu tiên chứng tỏ bản lĩnh của Trần Cảnh khi trở về là việc hòa giải với anh. Trần Liễu làm loạn được hai tuần (hai chục ngày), biết mình thế cô, hoặc cũng đã nguôi ngoai phần nào nỗi hận uất, đi thuyền độc mộc đến tìm em. Hai anh em chỉ nhìn nhau khóc. Có biết bao nỗi niềm trong những giọt nước mắt của hai chàng trai ấy mà thế nhân không dễ gì thấu hiểu. Họ, hai anh em ruột thịt nhưng vì vương triều, luật lệ, vì những vấn đề chung của thiên hạ mà đã trở thành đối nghịch, một là Hoàng đế ở ngôi tối thượng có mọi lẽ phải trong tay, một thành bề tôi bất trung phạm tội đại nghịch! Chỉ biết rằng đã có một kết cục không đến nỗi quá đau lòng, Trần Cảnh lấy thân mình che cho anh trong khi ông chú Trần Thủ Độ giận dữ rút gươm thét lớn "giết thằng giặc Liễu". Và rất có thể nhờ vậy đã tránh cho Đại Việt khỏi rơi vào một cuộc "nồi da nấu thịt", hơn thế còn để lại cho đất nước một vị tướng tài tầm cỡ quốc tế, một lòng một dạ đặt non sông xã tắc trên hết mọi hiềm khích, thiệt thòi cá nhân (Trần Quốc Tuấn, con trai Trần Liễu), đã ba lần đánh thắng giặc dữ Nguyên Mông.

Sau đó Thái Tông ban nhiều đất thang mộc ở vùng Yên Quảng cho Trần Liễu, ông quyết định điều anh đi xa! Trước thái độ đó của Trần Cảnh, Thủ Độ "tức lắm", ném gươm xuống sông "Ta chỉ là con chó săn mà thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào!" Đó là một câu nói dỗi nhưng dường như Trần Thủ Độ cũng nhận ra người cháu mà ông cầm tay dắt từng bước đến ngai vàng đã lớn, có nhiều quan niệm khác ông, đã có đủ năng lực để giải quyết những việc quốc gia trọng đại theo chủ kiến riêng mình mà cơ chừng không thể nói là kém hiệu quả. Chính vì thế mà sau này khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên gặp khó khăn, Thái Tông hỏi ý kiến thì câu trả lời của ông tuy rất kiên quyết nhưng đã không còn kiểu giọng điệu bề trên như khi ông ép Trần Cảnh rời Yên Tử trở về: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác" (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, 1993, Sđd; tr. 28).

Hiềm khích trong gia đình đã tạm lắng, đối với Thái Tông có thể xem là "Việc nhà đã tạm thong dong", ông tập trung trí lự cho việc xã tắc. Ông tiếp tục củng cố quân đội, đặt các luật lệ, nghi thức y phục, phương tiện đi lại cho các quan, các quy chế về kinh tế, văn hóa. Trần Thái Tông là người đặt ra lệ cứ bảy năm một lần tổ chức kỳ thi Tiến sĩ (Thái học sinh), và một trong các khoa thi đó ông đã chọn được một Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam Nguyễn Hiền và một Bảng nhãn sau là nhà sử học đầu tiên của nền sử học nước nhà Lê Văn Hưu (1230-1322). Ông cũng có chính sách khuyến khích việc học trong cả nước, sai các văn thần chia nhau đi trị nhậm các phủ, lộ trong nước; năm Nguyên Phong thứ 6 (1256), chia Thanh Hóa, Nghệ An làm trại, khoa thi năm ấy đã cho lấy thêm một “trại Trạng nguyên” và một “trại Thái học sinh”.

Trần Cảnh có lẽ cũng là vị vua đầu tiên quan tâm đến quyền tư hữu của người nông dân. Năm Mậu Thân (1248), có lệnh đắp đê quai vạc để chống lụt, đã ra lệnh cho các quan Chánh, Phó sứ hà đê phải đo số ruộng đất của dân đã sử dụng cho việc công để bồi hoàn đầy đủ; năm 1254 lại ra lệnh bán ruộng "quan điền" cho dân làm ruộng tư... Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng việc “Đắp đê Đỉnh Nhĩ bắt đầu từ đó”. Từ những năm này ông đã có kế hoạch giữ nước rất chu đáo. Biên giới luôn luôn được phòng thủ nghiêm mật. Và Trần Cảnh cũng là vị vua nhà Trần xông pha tên đạn nhiều nhất. Ông từng thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình, đi thuyền nhỏ vào sâu đến các vùng Châu Khâm, Châu Liêm. Người châu ấy mang dây thép chăng ngang sông để chặn đường thủy nhưng nhà vua đã trở về an toàn, còn sai người nhổ vài chục cái neo sắt mang về, coi như một chứng tích, tỏ rõ sự hiểu biết của ta về đối phương. Có thể lần đó chỉ là cuộc hành quân thăm dò, để chỉ mấy tháng sau vì cớ "cửa ải không thông", các vật tiến cống không đến nơi, tướng giữ biên giới là Trần Khuê Kình đã được lệnh sang đánh lấy các đất thuộc Bằng Tường, giành lại đường thông hiếu với nước Tống. Dẫu sao thì lúc này nhà Tống đã suy yếu nhưng nhà Nguyên chưa thực hiện xong mộng xâm lược phương Nam, Thái Tông còn được một khoảng thời gian đến hàng chục năm để củng cố vương triều, xây dựng đất nước trở thành quốc gia Đại Việt hùng mạnh, văn minh. Ông cũng còn nghe lời Thủ Độ sai các nhà phong thủy đi khắp đất nước yểm các nơi có vượng khí đế vương, do đó mà có việc đào kênh, đục núi nhưng cũng nhân sự kiện này mà "lấp khe kênh, mở đường nhiều không kể xiết". Có thể hình dung rằng những cuộc san lấp, mở mang ấy cũng mang lại rất nhiều thuận tiện cho việc giao thông trong cả nước. Ông cũng tự tay viết bài minh ban cho các Hoàng tử, dạy về trung, hiếu, hòa, tốn, ôn, lương, cung, kiệm. Điều ấy cho thấy trong việc dạy con, dù ngày sau trong số đó sẽ có người ở ngôi Hoàng đế, Thái Tông vẫn chú ý rèn giũa các con tấm lòng hòa ái. Hẳn đó cũng là nguyên cớ khiến hoàng tộc nhà Trần giữ được tình thân tộc họ, lưu lại trong sử sách những câu chuyện cảm động về sự hòa thuận vui vẻ giữa cha con anh em mà thông thường trong các hoàng tộc khó đạt đến được. Ví như Trần Nhật Duật (1255-1331) ốm nặng hơn một tháng, các con làm sớ cầu xin giảm tuổi thọ của mình để kéo dài tuổi thọ cho cha; Trần Thánh Tông (1240-1278) đặt thành lệ mỗi khi tan chầu thì các vương hầu, tôn thất được vào trong điện và lan đình, vua cùng ăn uống với họ; nếu trời tối không về được thì "xếp gối dài chăn rộng, kê liền giường cùng ngủ với nhau", chỉ trong các lễ lớn, tiếp khách, yến tiệc mới có sự phân biệt cấp bậc cao thấp. Trần Thánh Tông làm vua đã mười một năm, đã gần ba mươi tuổi còn cùng với anh là Tĩnh Quốc Đại vương Quốc Khang chơi đùa trước mặt Thượng hoàng (Trần Thái Tông). Quốc Khang múa điệu múa người Hồ, được Thượng hoàng cởi chiếc áo vải bông trắng đang mặc trên người thưởng cho. Trong một lúc cạn nghĩ, Thánh Tông cũng múa điệu múa người Hồ để tranh giành với anh đòi xin chiếc áo ấy. Quốc Khang, vốn được sử coi là người kém tài, nhưng đã xử sự rất "đàn anh", chỉ nhắc: "Cái quý nhất là ngôi Hoàng đế, hạ thần còn không tranh với chú hai. Nay đức chí tôn ban cho thần một vật nhỏ mọn này mà chú hai cũng định cướp lấy chăng?" Câu nói ấy làm vui lòng người cha, "Thượng hoàng cả cười: “Thế ra mày coi ngôi vua với chiếc áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau ư? Khen ngợi hồi lâu rồi cho Tĩnh Quốc chiếc áo ấy" (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, 1993, Sđd, tr. 37)...

Nhưng rồi năm 1257 sứ nhà Nguyên đã sang, Trần Thái Tông buộc phải có kế sách phòng thủ tích cực, ông ra lệnh đem quân thủy bộ ra chặn giữ biên giới. Bỏ qua mọi hiềm nghi, ông trao toàn quyền điều hành quân đội cho Trần Quốc Tuấn, con trai người anh đã bị mình "cướp" mất vợ. Trần Thái Tông lại tiếp tục xông pha trận mạc "thân hành đốc chiến" chặn giặc ngay khi chúng vừa xâm phạm cao nguyên Bình Lệ. Sử chép rằng lúc này nhà Nguyên mới lấy được Vân Nam, chỉ cho "du binh" đi đánh thăm dò, chưa có ý chiếm đất, nhưng "giặc Phật" thế lực cũng rất mạnh. Vì thế Thái Tông không thể chặn được địch mà chỉ "đánh một trận dốc túi" rồi lui dần về giữ Thăng Long. Thái Tông thoát chết nhờ một mình Lê Tần (sau được ban tên là Phụ Trần với ý có công phù tá nhà Trần) gan dạ "ra vào trận giặc mà sắc mặt vẫn bình thản như không" lấy ván thuyền che đỡ cho vua trong lúc cung tên giặc bắn đuổi rất rát sau lưng. Lúc này Thái Tông chưa có được cái thế như của Trần Thánh Tông và Nhân Tông (1258-1293) để hỏi ý kiến các bô lão ở thềm điện Diên Hồng và triệu tập Hội nghị các tướng lĩnh Bình Than vào trước cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285). Nhiều người trong hoàng tộc, trong Triều đình nhà Trần đã hoang mang. Thiếu úy Nhật Hiệu, em trai Thái Tông khuyên ông bỏ nước chạy vào đất Tống, Tiểu hiệu Hoàng Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn(8)... Lui quân về đến Đông Bộ Đầu, ông phải đi thuyền nhẹ đến hỏi kế sách từng người. Nhờ tài biết dùng người và biết tin người, Trần Thái Tông đã đưa dân tộc vượt qua hiểm họa mất nước, vương triều thoát khỏi nạn diệt vong. Giặc Nguyên đã bị đánh tan ở bến Đông Bộ Đầu, tàn quân rút chạy về đến Quy Hóa lại bị Hà Bổng tự động chiêu tập người Man tập kích, đánh cho một trận tơi tả.

"Giặc Phật" đã bị thua, Triều đình trở về Thăng Long, "Trăm họ yên nghiệp như cũ". Thái Tông xét công ban thưởng, sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống, sai Lê Phụ Trần đi sứ bắt đầu đặt quan hệ bang giao với nhà Nguyên, đặc biệt là đã dẹp được sự sách nhiễu của Nhà Nguyên đòi hàng năm phải cống tiến, hơn thế mỗi năm lại đòi lễ vật tăng thêm, để có được một quy ước thành lệ cứ ba năm cống tiến một lần. Trần Thái Tông đã làm xong nhiệm vụ bậc "nhân chủ", với riêng mình ông cũng đã "thu xếp" được cho Lý Chiêu Hoàng quãng đời còn lại. Năm Nguyên phong thứ 8 (1258), trong ngày đầu năm họp mặt các quan "định công ban tước", Thái Tông nói với Lê Phụ Trần: "Trẫm không có khanh, thì đâu lại có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau" (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, 1993, Sđd; tr. 29), vua phong cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu, lại gả Công chúa Chiêu Thánh cho. Câu nói của Trần Thái Tông với Phụ Trần không chỉ là lời vua khen bề tôi có công mà còn là lời cảm kích thật lòng giữa những người tri âm tri kỷ. Có nhà nghiên cứu cho rằng thực ra Lê Phụ Trần còn là ân nhân của Trần Cảnh, ban thưởng Chiêu Thánh cho Phụ Trần chính là Thái Tông đã gửi gắm được “cố nhân” vào một nơi tin cậy. Phụ Trần là người giàu bản lĩnh, từng trải việc đời, dày dạn gió sương, ông có thể thay nhà vua bảo đảm hạnh phúc cho Công chúa cả quãng đời còn lại. Và có lẽ Trần Cảnh không nhầm, Chiêu Thánh có với Phụ Trần hai con, nàng có cuộc sống yên bình cho đến hết tuổi già và mất năm 61 tuổi.

Trần Cảnh đã đạt đến đỉnh cao của những thành công trong ngôi nhân chủ, nhưng chính lúc ấy ông lại dứt khoát từ bỏ ngai vàng, truyền ngôi cho Thái tử, mở đầu lệ làm vua "bán thế" của Nhà Trần. Đó là một kế sách hay, có lợi cho việc dìu dắt các vua nối nghiệp còn trẻ tuổi, cũng là không cố kéo dài những năm tháng già nua của một vị Hoàng đế mà thực chất không còn sức làm việc nữa. Tuy nhiên, với riêng mình Trần Cảnh cũng thỏa mãn được một ước vọng từ thời trẻ, đó là dành tâm sức cho việc tìm hiểu đạo Thiền, "làm sáng tỏ lẽ tử sinh", giúp người đời tìm được "bản lai diện mục" của chính mình... Đối với xã tắc, Trần Cảnh có nhiều đóng góp khiến sử sách phải ghi nhận là một vị "Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ dựng cương, chế độ nhà Trần thực là to lớn vậy " (Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II, 1993, Sđd; tr. 7); khi nhường ngôi được Triều đình dâng tôn hiệu "Hiến thiên thể đạo đại minh quang hiếu hoàng đế" (Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II, 1993, Sđd; tr. 30).

Trần Thái Tông là Hoàng đế, lại cũng là một nhà văn hóa. Tác phẩm của ông, theo các sách cổ như thiên “Nghệ văn chí” trong Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, thiên “Văn tịch chí” trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Thánh đăng ngữ lục (chưa rõ tác giả) gồm có: một thi tập, một văn tập và Khóa hư lục. Nhưng văn tập và thi tập đều đã thất lạc, hiện chỉ còn vài lá thư bang giao dưới dạng biểu tấu với nhà Tống, nhà Nguyên và hai bài thơ. Một bài gửi nhà sư Đức Sơn ở Am Thanh Phong - Ký Thanh Phong am tăng Đức Sơn:

Phong đả tùng quan nguyệt chiếu đình,

Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh.

Cá trung tư vị vô nhân thức,

Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh.

(Ký Thanh Phong am tăng Đức Sơn)

(Gió đập cửa thông, trăng lấp loáng,

Lòng đây, cảnh đấy cùng thanh sảng.

Bao nhiêu thú vị chẳng ai hay,

Mặc kệ cho sư vui đến sáng) (9)

 

Và một bài tiễn sứ nhà Nguyên Trương Hiển Khanh - Tống Bắc sứ Trương Hiển Khanh:

Cố vô quỳnh báo tự hoài tàm,

Cực mục giang cao ý bất kham.

Mã thủ thu phong xuy kiếm giáp,

Ốc lương lạc nguyệt chiếu thư am.

Mạc không nan trụ yến quy Bắc,

Địa noãn sầu văn nhạn biệt Nam.

Thử khứ vị tri khuynh cái nhật,

Thi thiên liêu vị đáng thanh đàm.

(Thẹn không ngọc báu tạ ơn lòng,

Bát ngát nhìn sông dạ rối bong.

Đầu ngựa gió thu khua bảo kiếm,

Nóc nhà trăng dọi sáng thư phòng.

Én về đất Bắc màn trơ trọi,

Nhạn biệt trời Nam tiếng não nùng.

Nghiêng lọng ngày nào chưa dễ biết,

Thơ này xin thế chuyện riêng chung) (10)

 

Bài thơ gửi Tăng Đức Sơn lời thơ trong sáng, trữ tình pha giọng đùa vui, thân mật, có phần chắc Đức Sơn là bạn thân thiết của Trần Thái Tông. Bài tiễn Trương Hiển Khanh giọng điệu vẫn ôn hòa, ngôn từ vừa trịnh trọng vừa trang nhã, mặc dù vị sứ giả Thiên triều đến Đại Việt lần này nhằm mục đích “tuyên dụ” tờ chiếu mà nội dung không còn ôn hòa thân thiện như đạo chiếu năm Trung Thống (1260) nữa. Nhà Nguyên bắt đầu tăng sức ép, bắt nhà Trần phải thực hiện sáu điều khoản quy định cho các nước “chư hầu”, trong đó có việc quốc vương phải thân sang chầu, phải nộp sổ hộ khẩu. Nhà Nguyên cũng đặt chức Đạt lỗ hoa xích tại Kinh đô nước ta để giám sát... Trần Thái Tông lúc này đã nhường ngôi cho Trần Hoảng (tức Thánh Tông), nhưng ông vẫn đại diện cho con đảm đương những công việc ngoại giao đầy khó khăn với nhà Nguyên.

Khác với tình trạng thi tập và văn tập, Khóa hư lục còn lại khá dầy dặn. Bộ sách tập hợp tất cả các tác phẩm viết về triết thuyết và hướng dẫn cách tu tập đạo Thiền. Trần Thái Tông không giữ vai trò lãnh tụ Phật giáo, cũng không có những hoạt động mang tính chất “hoằng dương Phật pháp”, sự nghiệp của ông về Thiền đạo nhìn bề ngoài có vẻ như khiêm nhường, chỉ cho xây dựng một vài ngôi chùa mà có lẽ mục đích chính là để làm nơi sinh hoạt, giảng tập, đàm đạo giáo lý Thiền cho chính ông và những người thân cận, như chùa Tư Phúc bên cạnh cung vua tại Kinh thành Thăng Long và chùa Phổ Minh xây dựng bên cạnh cung Trùng Quang mà các vua Trần sau khi truyền ngôi thường về nghỉ. Thế nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính Trần Thái Tông đã đề xướng ra những ý tưởng, triết thuyết mới về Thiền học làm cơ sở và có ý nghĩa gợi mở để Trần Nhân Tông sau này thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một Thiền phái riêng của Việt Nam. Phải nói đây là bộ sách duy nhất mang tính hệ thống về cả lý thuyết và thực hành Thiền học, của đời Trần còn giữ lại được đến nay. Nó đặt một nền tảng rất cơ bản để xây dựng lại các thiết chế tinh thần Phật giáo trong đó có Thiền Tông, vốn đã bị buông lỏng và tha hóa khá nhiều vào cuối đời Lý, đưa nó trở lại quy củ, vững mạnh trong sinh hoạt tinh thần và tâm linh của cả nước, tạo đà cho việc hợp nhất cả ba dòng Thiền của ông vua cháu - Trần Nhân Tông - thành một “quốc giáo”.

Khảo sát kỹ bộ sách Khóa hư lục còn lại có thể thấy Trần Thái Tông đã giải quyết hai vấn đề lớn. Trước hết đó là giải đáp nhu cầu về sự thức tỉnh, thứ hai là hướng dẫn cách thức tu tập để đạt được sự thức tỉnh. Con người ta, kể cả Trần Thái Tông, đối với cõi đời thường khó tránh khỏi hai trạng thái, hoặc là ham luyến, không thể dứt bỏ, gia đình, quê hương, và sự giàu sang phú quý; hoặc là thái quá, chỉ muốn tìm sự giác ngộ, sự yên tĩnh cho riêng mình nên vứt bỏ tất cả, xa lánh cõi tục mong cầu thành Phật. Thái Tông từng đã chọn giải pháp thứ hai, nhưng Quốc sư Trúc Lâm đã thức tỉnh ông và sau nhiều năm nghiền ngẫm, ông đã tìm được lời giải đáp. Trong bài Thiền tông chỉ nam tự ông đã chỉ ra những điều quan thiết, những tư tưởng cốt lõi của đạo Thiền. Có thể tóm tắt thành mấy ý: Phật không chia xứ sở, tôn giáo, không phân biệt trí ngu, không ở bên ngoài mà ở chính trong lòng mình. Người học đạo không cần những hình thức ồn ào, phải "lặng lẽ mà hiểu". Người tu Thiền cốt yếu phải có "vầng sáng trí tuệ" để "kiến tính" và tổng quát hơn hết là phải "hư tâm", như một câu trong Kinh Kim cương "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm", nghĩa là không nên để lòng bám víu vào bất cứ điều gì. Tuy nhiên để đạt được sự hư tâm đó, về mặt ý thức, con người cần phân biệt được lẽ sắc không. Có điều khác nhiều Thiền gia đời Lý, ngoài những lời giải đáp về Phật, tổ, đạo, pháp, về phương pháp truyền thụ vô ngôn..., Trần Thái Tông tập trung lý giải về sắc thân con người, về lẽ sinh tử. Tấm thân mà mỗi người đều tự yêu quý trọng vọng đó chẳng qua chỉ là "giả tướng", là "con rối", khi giật dây thì đi lại múa may cười nói sinh động tươi tắn nhưng khi buông ra thì rã rời chỉ còn là "một bọc máu mủ tanh hôi". Và trong cả hành trình cuộc đời, con người bất kể ai, đều trải qua một thực tế phũ phàng, như một lữ hành phải trèo hết bốn quả núi "sinh, lão, bệnh, tử". Bốn quả núi, bốn “tướng” của cuộc đời được hình dung bằng bốn mùa trong năm. Con người sinh ra rất bình đẳng, hết thảy đều nhận được tinh anh của mẹ cha, “nhờ thai nghén nuôi dưỡng ở khí âm dương. Hơn hết tam tài mà đứng giữa, là loài khôn nhất trong muôn loài”. Cho nên tướng sinh, giai đoạn bắt đầu của cuộc đời, là niềm vui, hạnh phúc, được coi là mùa xuân: “Khỏe khoắn thay sự thịnh vượng của dương xuân; mới mẻ thay vẻ tốt tươi của muôn vật. Một trời sáng đẹp, xóm thôn liễu biếc đào hồng; muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh ca bướm múa”. Nhưng ông cũng “cảnh cáo” ngay: dù vua sáng tôi hiền, dù văn hay võ giỏi, trai đẹp gái xinh, rút cuộc “Xem ra không lọt lưới luân hồi, rút lại khó tránh vòng sinh hóa”. Và rất “hiện sinh”, ông chỉ ra rằng con người sống trên trần thế chỉ là một cuộc lưu đầy, mãi mãi là một lữ khách:

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,

Nhật viễn gia hương vạn lý trình

(Phong trần thất thểu làm thân khách,

Ngày một xa quê vạn dặm đường)

 

Nhưng cũng "may", sau khi cất tiếng khóc chào đời con người chỉ còn phải vượt qua “ba núi” nữa mà thôi, giống như con lừa đã cất được một chân, chỉ còn ba chân:

Tứ sơn tiếu bích vạn thanh tùng,

Ngộ liễu đô vô vạn vật không.

Hỷ đắc lư nhi tam cước tại,

Mịch kỳ (kỵ) đả sấn thướng cao phong.

(Cheo leo bốn núi vạn chòm xanh,

Muôn vật đều không, hiểu rõ rành.

Mừng chú lừa còn ba cẳng đó,

Đỉnh cao, roi vút vó tung nhanh)

 

Thế nhưng đạt đến sự giác ngộ (tuệ) đó, thoát khỏi sự vô minh, hoàn toàn không dễ. Vì vậy người tu hành cần đến những biện pháp hỗ trợ, tu tập, đó là thụ giới, thiền định, niệm Phật. Nhưng để có thể niệm Phật và thiền định một cách có kết quả, người tu hành còn cần đến những biện pháp tỉ mỉ và một tinh thần siêng năng, cần mẫn. Thái Tông yêu cầu người tu hành phải thực hiện sáu khóa lễ trong một ngày đêm, gọi là Lục thì sám hối khoa nghi. Các “thì” ứng với các khoảng thời gian cố định trong một ngày đêm: sáng sớm, giữa trưa, lúc mặt trời lặn, chập tối, nửa đêm, lúc tang tảng sáng. Mỗi khóa lễ đều có các bài: kệ thức tỉnh, khấn dâng hương, kệ dâng hoa, kệ dâng hương, lời tâu bày, lời sám hối, (mỗi thì sám hối một tội, lần lượt từ mắt đến mũi, tai, lưỡi, thân, ý), kệ khuyên mời, kệ tùy hỷ, kệ phát nguyện và kệ vô thường. Đọc năm điều răn và sáu điều sám hối, ngoài tinh thần về Phật giáo còn thấy rõ sự am hiểu về tâm lý con người và ý thức trách nhiệm của Thái Tông trên cương vị một người lãnh đạo đất nước.

Viết lời sám hối các tội lỗi do lục căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý), thực chất Trần Thái Tông đã chỉ ra những thói xấu của con người và tác hại của chúng. Chẳng hạn viết lời sám hối về tội do lưỡi, ông đã chỉ rõ con người vì ham ăn miếng ngon, vì muốn thết đãi bạn bè, bày tiệc cưới xin cho con... mà tàn hại sinh linh; không những thế ba tấc lưỡi còn độc ác không kém gì thuốc độc khi điêu toa gièm pha người khác, lăng nhục kẻ nghèo, chửi mắng tôi tớ... Viết lời sám hối về tội do ý, ông nêu tác hại của ba tật xấu: tham lam, giận dữ và ngu ngốc (tham sân si). Ba tật xấu đó bám víu “quẫy nhiễu” làm người ta điên đảo, mình tự hại mình mà không thể nào gỡ ra được: “Như tằm cuộn kén, càng buộc càng giăng; như bướm lao đèn tự thiêu tự đốt”... Những tội đó là “vô lượng vô biên”, nhưng nếu biết sám hối tất được tiêu trừ. Đó là những lời phân tích thấu đáo, phê phán nghiêm khắc nhưng giàu tính nhân văn bởi sự khích lệ tinh thần hướng thiện ở con người. Và muốn phòng ngừa những tội lỗi đó thì mỗi người đều phải “trì giới”. Ở mức độ thông thường nhất, Trần Thái Tông yêu cầu mọi người phải giữ gìn “ngũ giới” - năm điều răn. Bởi vì sắc đẹp làm người ta mê đắm:

"Tóc mượt lưng ong dễ khiến mịt mờ tâm tính; mặt hoa da phấn dễ xui rời rã tinh thần. Mắt đưa lấp lánh như dao, ai không đứt ruột; lưỡi uốn ngọt ngào tựa sáo, hết thảy nghiêng tai. Người đắm đuối nghĩa tình xa bỏ; kẻ ham mê đạo đức tiêu tan. Trên thì phong giáo đắm chìm; dưới thì cửa nhà táng loạn" (Giới sắc văn).

Còn tác hại của rượu thì khôn lường:

"Hoặc điếm chợ huyên thiên; hoặc ngõ đường lảo đảo. Chửi trời mắng đất; chê Phật gièm tăng. Miệng lảm nhảm mà hát ca; thân lõa lồ mà nhảy múa. Chẳng riêng tiếp Phật cúng dàng những để khăn thâm lệch lạc. Hại thân mệnh cũng từ đấy mà ra; mất nước nhà cũng từ đây mà đến" (Giới tửu văn).

Dù ở cương vị tăng hay tục thì những lời răn bảo của Trần Thái Tông trong những bài văn này cũng mang tính cảnh báo cao và rất thiết thực.

Trần Thái Tông quan niệm Phật và Thánh đều cùng một đường, chỉ khác nhau ở trách nhiệm cụ thể. Trong Thiền Tông chỉ nam tự ông viết :

"Trẫm thầm nhủ: Phật không chia Nam Bắc, đều có thể tu mà tìm; tính người có trí ngu, cùng nhờ giác ngộ mà thành đạt. Vì vậy phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường làm sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên Thánh. Cho nên Lục Tổ có nói: “Bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau”. Như thế đủ biết đại giáo của đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời. Thế thì lẽ nào ngày nay trẫm không coi trách nhiệm của tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của đức Phật là giáo lý của mình ư?"

Trong các lãnh tụ Thiền học đời Trần, chỉ có Thái Tông là người chú ý truyền dạy cách tu tập. Không phải ông không hiểu Thiền tông vốn chủ trương vô ngôn, lấy tâm truyền tâm nhưng ông lại hiểu rằng đối với chúng nhân, trên con đường giải thoát rất cần có "thang bậc nâng đỡ" (Niệm Phật luận). Do vậy, niệm Phật, tụng kinh, trì giới, lễ Phật, dâng hương..., chính là những bậc thang, con thuyền, chiếc bè đưa chúng sinh đến bờ giác. Còn đến khi đã hiểu được "Phật là không mà Tổ cũng là không thì giới chẳng cần trì, kinh chẳng cần tụng" (Phổ thuyết sắc thân). Đây cũng chính là điều mà thiền sư Viên Chiếu đời Lý đã từng nói:

Qua sông phải dùng bè,,

Đến bến bỏ thuyền ghe".

(Tham đồ hiển quyết)(11)

 

Rõ ràng trần Thái Tông là một nhà Thiền học không kiến tạo lý thuyết của mình một cách viển vông mà luôn biết gắn với lợi ích thực tiễn, lấy trải nghiệm thực tiễn cá nhân làm chỗ tựa cho những đúc kết về công phu tu tập Thiền học. Sức thuyểt phục của tấc phẩm đối với đương thời vì thế rất lớn.

Khóa hư lục là một tác phẩm bàn về triết học, giảng về tôn giáo nhưng không hề khô khan thuần lý mà lại rất đậm chất thơ, chất trữ tình. Có thể nói, qua những bài giảng của ông, người đọc hình dung rất rõ tâm hồn nhạy cảm, đầy nhân ái và những đặc điểm riêng của văn phong ông. Ngòi bút của Trần Thái Tông rất đa dạng. Trước hết phải nói đó là ngòi bút thi gia giàu tính tượng trưng. Trong 43 bài Niêm tụng kệ ông đã viết hoàn toàn bằng thơ để diễn giải các công án, các quan niệm của Thiền gia. Những vần thơ ấy đã vượt lên chất tự sự, nghị luận để gửi vào đó những hình ảnh mang nhiều sức gợi tả, ẩn ý. Ví như khi, giảng về Phật tính, ông dẫn công án về Triệu Châu. Có đệ tử hỏi Triệu Châu “Con chó có Phật tính không?”, sư đáp “Có”. Lại hỏi nữa, sư đáp “Không”. Lại hỏi nữa, sư lại đáp “Có!”..., rồi Thái Tông kết luận:

Võng Sơn đồ thượng liệt thành hình,

Tích nhật Vương Duy lãng đắc danh.

Uổng phí đan thanh nan họa xứ,

Không trung nguyệt hạo dữ phong thanh.

(Phong cảnh Võng Xuyên đã vẽ vào tranh,

Ngày ấy Vương Duy được nổi danh.

­­­­­Còn uổng phí biết bao mực son đối với những nơi khó vẽ,

Trên trời cao trăng sáng và gió mát).

 

Nói về điển "niêm hoa vi tiếu", giữa Phật Thích Ca và Ca Diếp, ông luận bàn:

Thế Tôn niêm khởi nhất chi hoa,

Ca Diếp kim triêu đắc đáo gia.

Nhược vị thử vi truyền pháp yếu,

Bắc viên thích Việt lộ ưng xa.

(Thế Tôn tay nhón một nhành hoa,

Ca Diếp mừng nay thấy lại nhà.

Ví bảo phép truyền là có vậy,

Đường Nam xe Bắc dặm còn xa)

 

Lời thơ phải chăng như muốn nhắc nhủ rằng không phải bất cứ ai cũng có thể giác ngộ chỉ bằng con đường "dĩ tâm truyền tâm"? Có người vốn có sẵn Phật tính thì cách “truyền tâm” với họ có thể có hiệu quả ngay tức khắc, nhưng có người không được trời phú bẩm cho căn cốt ấy thì lại phải kiên trì tu tập cuối cùng mới đi tới đích được. Trong khi trả lời các câu hỏi của học trò ông càng chú ý đến quan điểm thực tiễn “thực chứng” này. Không phải chỉ một mình Thế Tôn đắc đạo mà mọi chúng sinh tùy theo tư chất của mình đều có thể tìm lấy một cách đi riêng, tuy nhiên ai cũng bình đẳng trên con đường kiếm tìm sự giác ngộ, cũng như mưa xuân tưới đều vạn vật, nhưng hoa xuân dài ngắn khác nhau:

Xuân vũ vô cao hạ,

Hoa chi tự đoản trường

(Vấn đáp môn hạ)

(Mưa xuân không cao thấp,

Nhành hoa tự ngắn dài)

 
  

Cũng vậy, kẻ học đạo đều phải gắng đạt đến độ hư tâm;

Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý,

Bạch vân xuất tụ bản vô tâm

(Nước chảy xuống đồi không cố ý,

Mây bay khỏi động vốn vô tâm)

 

Đặc biệt, các bài kệ ở cuối mỗi thiên luận thuyết thì đúng là những bài thơ được viết bằng xúc cảm nghệ thuật. Ví như khi kết thúc lời bàn về "tướng già", núi thứ hai, ông viết:

Nhân sinh tại thế nhược phù âu,

Thọ yểu nhân thiên mạc vọng cầu.

Cảnh bức tang du tương hướng vãn,

Thân như bồ liễu tạm kinh thu.

Thanh điêu tích nhật Phan Lang mấn,

Bạch biến đương niên Lã Vọng đầu.

Thế sự thao thao hồn bất cố,

Tịch dương tây khứ thủy đông lưu.

(Lênh đênh bọt bể kiếp người đời,

Thọ yểu chớ cầu, mặc ý trời.

Bóng ngả nương dâu, chiều sắp muộn,

Thân như bồ liễu, thu đang trôi.

Phan Lang thuở nọ đầu xanh mướt,

Lã Vọng ngày nay tóc bạc phơi.

Cuồn cuộn sự đời đâu sá kể,

Non đoài ác lặn, nước trôi xuôi)

Kết thúc lời bàn về "tướng chết", núi thứ tư, ông viết :

Bãi đãng cuồng phong quát địa sinh,

Ngư ông túy lý điếu chu hoành.

Tứ thời vân hợp âm mai sắc,

Nhất phái ba phiên cổ động thanh.

Vũ cước trận thôi phiêu lịch lịch,

Lôi xa luân chuyển nộ oanh oanh.

Tạm thời trần liễm thiên biên tĩnh,

Nguyệt lạc trường giang dạ kỷ canh?

(Đất nổi cuồng phong cát bụi bay,

Ông chài say tít mặc thuyền quay.

Bốn phương mây tụ màu u ám,

Một ngọn trào dâng tiếng chuyển lay.

Sầm sập trận mưa dồn dập đổ,

Ầm ầm xe sấm tít mù xoay.

Bụi trần tạm lắng bên trời tạnh,

Trăng lặn, sông dài, canh mấy đây?)

 

Ngay cả trong những bài văn khấn, tâu bày, tưởng như rất công thức khô khan, vậy mà mỗi khi nói đến gió sớm trăng khuya, nắng trưa chiều muộn, Trần Thái Tông vẫn viết với những lời văn giàu hình ảnh, mượt mà, trong sáng, tràn đầy những rung cảm nghệ thuật. Lời tâu bày trước Phật đài buổi sáng dưới đây chính là một đoạn văn miêu tả quang cảnh buổi sớm mai rộn ràng, tươi tắn:

“Trộm nghe: canh gà vừa dứt; bóng thỏ mới tàn. Mây khói non sông phảng phất; ngựa xe đây đó rộn ràng. Chén Trúc diệp trước song hồ tỉnh; Khúc Hoa mai trên gác vừa tan. Mày liễu thập thò bừng nắng sớm; mặt hoa e lệ đọng sương mai...” (Tâu bạch).

Lời tâu bày trước Phật đài lúc chập tối dưới đây cũng lại là một đoạn miêu tả quang cảnh vội vàng hối hả lúc mặt trời sắp lặn:

Trộm nghe: ráng đỏ phủ đầu non; mặt trời vừa gác núi. Giọng ốc đầu thành buồn bã; tiếng chày ngoài cửa thiết tha. Vào bến, thuyền chài hát muộn; nhẹ bay, chim lại rừng xa. Bến cát phẳng mênh mang cò hạ cánh; rặng dương xanh ran rỉ ve kêu sầu. Nội rộng lập lòe lửa đóm; trời cao chênh chếch bóng câu. Cửa phên nửa khép gà lên chuồng; đèn đuốc chưa châm trâu lại ngõ. Lữ khách vung roi vun vút; thuyền về chèo gấp băng băng” (Tâu bạch)

Đặc biệt khi giảng về "sắc thân", ngòi bút trữ tình của Trần Thái Tông còn thấm đẫm tình thương đối với con người trước mọi bất hạnh của cuộc đời và nhất là sự bất lực của họ trước bàn tay vô tình của tạo hóa. Chúng sinh đã bình đẳng trên con đường giác ngộ, trước đức Phật thì họ cũng bình đẳng trước cái chết:

"Quan quách mặc đốm lửa ma trơi giữa nội hoang; nấm mồ bỏ muôn dặm mịt mùng nơi non quạnh. Xưa kia tóc xanh môi thắm; ngày nay xương trắng tro tàn. Mây mịt mùng khi mưa lệ chứa chan; trăng hiu hắt chốn gió sầu lay động. Canh khuya vẳng thần sầu quỷ khóc; tháng năm chầy ngựa xéo trâu quần. Lửa đóm lập lòe dưới đám cỏ xanh; tiếng trùng nỉ non trên hàng dương trắng. Bia mộ nửa chìm rêu phủ biếc, chăn trâu hái củi xéo thành đường. Dẫu có văn chương nức tiếng, dù cho tài sắc nghiêng thành, nào ai có khác chi ai, rốt cuộc đều về một mối" (Phổ thuyết sắc thân).

Nhiều ý trong bài văn này ngày sau còn thấy được Lê Thánh Tông (1442-1497), Nguyễn Du (1765-1820) sử dụng trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Văn tế thập loại chúng sinh, cũng rất thâm trầm tha thiết. Bên cạnh đó, cũng không thể quên bài Tựa Thiền Tông chỉ nam ca ngoài giá trị lập thuyết - là người đầu tiên xác nhận bằng văn bản lý luận đa nguyên văn hóa “Tam giáo đồng nguyên” của thời đại - còn là một thiên hồi ký sinh động; cách ghi chép sự việc và cách biểu đạt cảm xúc của chủ thể trữ tình lồng vào nhau rất khéo, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc, không có gì cách biệt lắm với những áng văn hồi ký hiện đại, chứng tỏ người viết là một cây bút văn xuôi tự sự có biệt tài.

Văn chương Khóa hư lục giọng điệu rất thống nhất. Bộ sách cũng là một tác phẩm giàu tinh thần nhân văn, có một tiếng nói, một giọng điệu riêng. Có thể nói Khóa hư lục là tác phẩm văn xuôi chữ Hán có quy mô sớm nhất và đã đạt đến độ nghệ thuật mỹ lệ nhất thời Lý - Trần, cũng như dòng văn học Phật giáo và cả lịch sử văn học nước nhà.

Như vậy Trần Thái Tông là một vị vua khai cơ tài đức, một vị anh hùng dân tộc, một nguyên thủ nhân ái, có tài trị nước, một nhà Thiền học Việt Nam đầu tiên đề ra thuyết Phật Thánh đồng nguyên, là người duy nhất của Thiền học đời Trần, theo như tài liệu ngày nay được biết, viết sách giảng về đạo Thiền trên cả hai phương diện lý thuyết và thực hành. Trần Thái Tông cũng là một tác gia lớn mở đầu văn học đời Trần, là một nhà văn hóa lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trần Thái Tông xứng đáng được coi là một vị vua có tầm vóc vượt ra ngoài quốc gia Đại Việt. Điều ấy đã được Trần Dụ Tông (1336-1369) nhận xét cách đây gần bảy trăm năm:

Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông,

Bỉ xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong.

Kiến Thành tru tử, An Sinh tại,

Miếu hiệu tuy đồng đức bất đồng.

(Đường, Việt xây nền, hai Thái Tông,

Đường xưng Trinh Quán, Việt Nguyên Phong.

Kiến Thành bị giết, An Sinh sống,

Miếu hiệu tuy đồng, đức chẳng đồng)(12).

 

Chú thích:

(*) Trích Mục 4, Chương I “Những gương mặt qua các thời kỳ dựng nước đuổi giặc”, sách Gương mặt văn học Thăng Long. Xem trên BVN từ Chủ nhật 20/3/2011.

(1) Trong Trần Thái Tông toàn tập, Nxb. Tổng hợp TP HCM, 2004, Lê Mạnh Thát căn cứ vào Nguyên sử cho rằng Quang Bính là tên Trần Thánh Tông và ngờ An Nam chí lược của Lê Thực (nhiều tài liệu đọc là Tắc, Trắc, nhưng Đại việt sử ký toàn thư có ghi chú phiên âm: thổ lực thiết = thực) nhầm lẫn, nhưng chúng tôi cho rằng trong thư từ bang giao với nhà Nguyên, nhà Trần thường không dùng tên thật, mà Nguyên sử đối với các sự kiện của nước ta phần nhiều chỉ căn cứ vào biểu tấu, hơn nữa việc chép sử không hẳn là được viết ngay khi sự kiện xảy ra, muốn kê cứu những sự việc về An Nam không dễ dàng, còn Lê Trắc (Thực) là người đồng thời, một nhân chứng, lại là gia thần của tôn thất nhà Trần, Trắc viết “Qua năm Mậu Ngọ (1258) đổi tên là Quang Bính, khiến bồi thần nộp khoản, xin giữ chức phận phụng cống. Năm ấy vương nhường ngôi cho con”, sau đó năm 1262 nhà Nguyên mới xuống chiếu phong vương, như vậy chiếu phong vương lần này là cho Quang Bính (tức Trần Cảnh mới đúng), ghi chép của Lê Trắc có phần đáng tin cậy hơn.

(2) Đại Việt sử lược. Nguyễn Gia Tưởng dịch, Nguyễn Hữu Thuần hiệu đính. Nxb. TP HCM - Bộ môn Châu Á học Đại học TP HCM, 1993; tr. 293-294.

(3) Những dẫn liệu lịch sử dẫn ở đây, chúng tôi theo Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II. Hoàng Văn Lâu dịch. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

(4) Về sự kiện này sử chép: "Hoàng thái tử Trịnh mất" và đoán: “Theo phép chép sử thì Hoàng thái tử sinh và mất đều phải ghi rõ ngày tháng, ở đây chỉ chép khi mất nên đoán là sinh ra mất ngay”.

(5) Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, 1993, Sđd; tr.15 thì tháng Sáu năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 5 (1236), nước to, vỡ tràn vào cung Lệ Thiên. Trần Liễu làm Tri Thánh Từ cung, đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý liền cưỡng dâm ở cung Lệ Thiên. Đình thần hặc tâu, vì thế cho đổi tên cung thành cung Thưởng Xuân, giáng Liễu, lúc đó được phong Hiển hoàng làm Hoài vương.

(6) Đại việt sử ký toàn thư chép gộp các sự kiện vào năm 1237 (Đinh Dậu), nhưng Thiền tông chỉ nam tự Thánh đăng ngữ lục đều chép vua Trần Thái Tông bỏ ngôi vị trốn đi vào tháng Tư năm Bính Thân (1236), tức là trước khi việc phế truất Chiêu Hoàng để lập Thuận Thiên xảy ra. Có thể Trần Thái Tông được bàn trước về việc này, ông bức xúc bỏ ngôi đi tu, nhưng lại bị buộc trở về, do vậy mùa xuân năm 1237 mới lập Thuận Thiên.

(7) Thơ văn của Trần Thái Tông trong Mục này, dẫn theo Thơ văn Lý-Trần. Tập II, Q. thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989, Sđd. Nguyễn Đức Vân, Đỗ Văn Hỷ, Băng Thanh dịch, đôi chỗ có hiệu chỉnh lời dịch.

(8) Về sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, 1993, Sđd ghi: “Tha tội cho tiểu hiệu Hoàng Cự Đà. Trước kia có lần vua ban xoài cho các người hầu cận. Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. Đến Hoàng Giang gặp Hoàng thái tử đi thuyền ngược lên, Đà lánh sang bờ sông bên kia, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn: “Quân Nguyên ở đâu?”. Cự Đà trả lời: “Không biết, các người đi mà hỏi những ai ăn xoài ấy”. Đến đây Thái tử xin khép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: “Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc Cự Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội”” (tr. 28-29). Nước Trịnh đúng ra phải sửa là nước Tống. Theo Tả truyện, Dương Châm là người đánh xe cho Hoa Nguyên nước Tống. Tống và Trịnh đánh nhau, Hoa Nguyên sai làm thịt dê cho binh sĩ ăn, nhưng không cho Dương Châm dự. Khi đánh nhau, Dương Châm nói: "Thịt dê hôm trước là quyền ở ngài, đánh nhau hôm nay là việc của tôi, rồi đánh xe chạy theo quân Trịnh, nước Tống do vậy bị thua. (Chú thích của Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd).

(9) Nguyễn Đổng Chi dịch. Thơ văn Lý-Trần. Tập II, Q. thượng, 1989, Sđd

(10) Đào Phương Bình dịch. Thơ văn Lý-Trần. Tập II, Q. thượng, 1989, Sđd.

(11) Huệ Chi và Băng Thanh dịch. Thơ văn Lý-Trần. Tập I, 1977, Sđd.

(12) Đào Phương Bình dịch. Thơ văn Lý-Trần. Tập II, Q. thượng, 1989, Sđd. Đường Thái Tông tên là Lý Thế Dân, con thứ của Lý Uyên (Đường Thái Tổ). Thế Dân có công đánh dẹp lớn, nhưng Thế Uyên lại muốn truyền ngôi cho con trưởng là Kiến Thành. Thế Dân không chịu; Kiến Thành và Nguyên Cát (em Thế Dân) mưu giết Thế Dân, nhưng lại bị Thế Dân giết cả hai. Trinh Quán là niên hiệu của Đường Thái Tông.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn