Đại sứ Mỹ tại ASEAN: Đông Nam Á cần Mỹ giải quyết tranh chấp Biển Đông

Trọng Nghĩa

clip_image001  

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thăm vịnh Malina ngày 15/5/2011. Tàu chiến Mỹ vẫn thường xuyên ghé thăm các nước ASEAN. REUTERS/Romeo Ranoco

 

Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Đài Loan nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía Mỹ trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Trường Sa ngoài Biển Đông. Trên đây là nội dung tuyên bố hôm qua, 17/05/2011, của ông David Carden, Đại sứ Mỹ đầu tiên bên cạnh khối ASEAN nhân dịp ghé thăm Philippines.

Trả lời tờ Tribune, một nhật báo tại Philippines, Đại sứ Mỹ nhận định là tranh chấp Biển Đông không đơn thuần là một hồ sơ khu vực, mà liên can đến rất nhiều quốc gia ngoài vùng trong đó có Hoa Kỳ. Lý do là vì mọi nước đều muốn duy trì tình hình tự do thông thương tại Biển Đông.

Đối với ông Carden: “Trọng tâm của Mỹ hiện nay là làm sao giải quyết được các đòi hỏi chủ quyền của mọi nước, và Hoa Kỳ đang thúc đẩy bản Tuyên bố về cách ứng xử tại vùng Biển Đông của ASEAN”. Nhà ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng là các tiến triển tới đây sẽ tạo điều kiện để nói về các tranh chấp.

Theo hãng tin Mỹ AP, hôm 16/05 vừa qua, Đại sứ Mỹ bên cạnh ASEAN cũng đã cho rằng các nước đòi hỏi chủ quyền trên các hải đảo trong vùng Biển Đông cần phải thiết lập một cơ chế khu vực mạnh mẽ để giải quyết tranh chấp. Theo ông, cơ chế đó cần bao gồm các quốc gia khác ở bên ngoài nhưng có năng lực trợ giúp khu vực như Hoa Kỳ chẳng hạn.

Xin nhắc lại tại vùng Biển Đông, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong lúc Philippines, Malaysia và Brunei, thì chỉ đòi hỏi chủ quyền trên một đảo ở Trường Sa mà thôi.

Chính Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã xác định vào tháng 7 năm ngoái là tuy không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ là sự tự do thông thương trên biển, và Washington sẵn sàng đứng ra làm trung gian để giúp đỡ các nước trong vùng đàm phán để tìm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp.

Đề nghị của Mỹ đã bị Trung Quốc phản đối vì không muốn hồ sơ Biển Đông bị quốc tế hóa. Bắc Kinh chủ trương đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp, một chiến thuật bị giới phân tích cho là vừa nhằm mục tiêu “chia để trị”, vừa để dễ dàng dùng uy lực nước lớn gây sức ép trên các láng giềng yếu kém hơn.

Phải chăng chiến thuật của Bắc Kinh đang thành công đối với Manila? Câu hỏi này đang được gợi lên với phản ứng của Thứ trưởng Ngoại giao Philippines sau tuyên bố của Đại sứ Mỹ bên cạnh ASEAN.

Cũng trên báo Tribune, ông Erlinda Basilio cho biết là ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu thương thảo về một bản hướng dẫn thực hiện bản Tuyên bố vế các "Quy tắc ứng xử"  tại Biển Đông (DOC). Ông đồng thời tiết lộ rằng hai bên cũng đang phác thảo một bộ "Quy tắc ứng xử" mang tính chất ràng buộc nhiều hơn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines từ chối không cho biết thêm chi tiết.

T. N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Phụ lục:

Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc thăm Mỹ

Thanh Phương

clip_image002

Tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc ( Ảnh chụp năm 2008)

REUTERS/Andy Wong/Pool

Hôm qua (17/5), Hoa Kỳ đã trải thảm đỏ để đón tiếp tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân giải phóng Trung Quốc, đến viếng thăm chính thức nhằm phát triển quan hệ quân sự và tạo sự tin cậy giữa hai nước.

Tướng Trần Bỉnh Đức đã được Lầu Năm Góc đón tiếp rất long trọng với đầy đủ nghi thức quân sự, trong khi theo thông lệ, đối với một chuyến viếng thăm cấp này, chỉ cần một dàn chào danh dự. Dẫn đầu một phái đoàn gồm 24 sĩ quan cao cấp, tướng Trần Bỉnh Đức là lãnh đạo quân sự cao cấp nhất của Trung Quốc viếng thăm Hoa Kỳ từ 7 năm nay.

Trong chuyến viếng thăm này, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã gặp Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen hôm qua và hôm nay sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Obama, ông Tom Donilon, theo lịch trình do Lầu Năm Góc thông báo. Trong chuyến viếng thăm kéo dài đến Chủ nhật, tướng Trần Bỉnh Đức cũng sẽ tham quan bốn căn cứ quân sự Mỹ và sẽ đọc diễn văn hôm nay trước các học viên Đại học Quốc phòng (NDU) ở Washington.

Xin nhắc lại là Trung Quốc đã đình chỉ mọi quan hệ quân sự với Hoa Kỳ vào đầu năm ngoái để trả đũa việc Washington loan báo bán vũ khí trị giá tổng cộng 6 tỷ đôla cho Đài Loan. Các cuộc tiếp xúc chỉ được nối lại vào cuối năm ngoái. Đến tháng Giêng năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã viếng thăm Trung Quốc để bình thường hoá quan hệ song phương ngay trước chuyến viếng thăm cấp nhà nước của chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Hoa Kỳ.

Theo một quan chức Mỹ nói với AFP hôm qua, chuyến viếng thăm lần này của tướng Trần Bỉnh Đức sẽ cho phép tiếp tục cuộc đối thoại giữa hai nước, nhưng sẽ chưa thể giúp giải quyết những bất đồng giữa hai nước.

T. P.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn