Vàng: cẩn trọng với “nguy cơ kép” từ… láng giềng

Sơn Hà - Mai Huy

clip_image001(Tamnhin.net) - Vàng nguyên liệu chất lượng kém được phát hiện gần đây tại TP.HCM và một số tỉnh có thể được nhập từ nước láng giềng Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM đã nhận định như vậy khi trao đổi về nguy cơ “vàng thau lẫn lộn” đang  đe dọa các nhà đầu tư trên thị trường vàng hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, gần đây nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng tại miền Tây Nam Bộ và một vài điểm kinh doanh vàng tại TP.HCM phát hiện nguồn nguyên liệu dưới dạng cục, thỏi dùng để sản xuất vàng nữ trang có chất lượng kém. Sau khi đem nguyên liệu đi sản xuất vàng nữ trang thì sản phẩm bị hư toàn bộ.

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM cho biết số vàng nguyên liệu này được Công ty công nghệ thiết bị D.C kiểm tra thì phát hiện có pha thêm hợp kim khác thuộc nhóm Platin. Sự gian lận này khá tinh vi nên khó phát hiện bằng các phương pháp phổ biến hiện nay.

Khi cho hợp kim này vào vàng thì không làm vàng đổi màu vì hợp kim không tan trong vàng, hợp kim này bị phân tán trong vàng dưới dạng các hạt nhỏ không tan. Do tỷ trọng của các hợp kim tương đương hoặc lớn hơn vàng nên không thể đo bằng phương pháp đo tuổi tỷ trọng. Các máy phổ quang cũng không thể tách được phổ của kim loại trên. Số vàng này có thể từ Trung Quốc sang.

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM cảnh báo đơn vị mua phải vàng kém chất lượng này đã chịu thiệt hại từ 10% - 20% giá trị, do đó các doanh nghiệp kinh doanh vàng cần cẩn thận lưu ý khi mua vàng nguyên liệu để sản xuất trên thị trường.

Theo Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, vì sản phẩm nữ trang làm từ loại vàng nguyên liệu kém chất lượng này không đạt nên các doanh nghiệp chưa đưa ra thị trường,. Do đó chưa có thiệt hại nào đối với người tiêu dùng.

Số vàng giả này đã có mặt tại Việt Nam chỉ vài tháng sau khi tại Hồng Kông xuất hiện loại vàng giả tương tự như thế này.

Ông Lê Văn Hinh, nguyên Trưởng phòng Phân tích kinh tế vĩ mô (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) phân tích, vàng giả theo thời hiện đại bây giờ là độn lõi, làm thấp tuổi hơn so với chỉ số ghi trên sản phẩm. Ví dụ vàng 99.9 thực tế là 99.6 chẳng hạn. Thực tế thị trường vàng ở Việt Nam chưa được Nhà nước kiểm chứng, kiểm soát và kiểm tra nhiều và chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra, thanh tra định kỳ. Nếu có kiểm tra, thanh tra một hãng nào đó thì sau đó cũng không thấy công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì thế không biết là vàng Việt Nam có tuổi đến đâu mà người mua chỉ biết tin vào chữ tín.

Tuy nhiên, trên thực tế khi mua vàng ở cửa hàng này, hãng này sau đó đem bán ở hãng khác thì hãng khác đều không công nhận tuổi vàng của hãng kia. Họ chỉ chấp nhận khi cho thử lại và nếu thử lại thì tuổi vàng thường thấp hơn so với chỉ số mà hãng đã bán công bố. Người ta không nói là vàng giả mà nói là mỗi nơi một máy đo tuổi khác nhau.

Về phía các hãng kim hoàn, ông Nguyễn Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) khuyên rằng, để quẳng gánh lo trong thời điểm nhạy cảm, tốt nhất người dân nên mua vàng ở các thương hiệu có uy tín đảm bảo chất lượng. Thậm chí, những người có vàng cất trữ nếu cảm thấy lo lắng có thể mang vàng đến các doanh nghiệp có thiết bị hiện đại để kiểm tra.

Ngoài mối lo vàng giả từ nước láng giềng đổ sang, người ta còn lo rằng kho vàng 1000 tấn trong dân của Việt Nam có nguy cơ bị hút sang bên kia biên giới…

Theo bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Giám đốc điều hành của Công ty trang sức Sacombank, việc bán vàng cho nước ngoài đã tăng mạnh trong dịp giá vàng trong nước thấp hơn giá quốc tế.

Số liệu chính thức của Việt Nam cho thấy, khoảng 2-3 tỷ USD vàng/năm đã rời khỏi Việt Nam trong 2 năm qua.

Trong khi tình trạng lạm phát có chiều hướng gia tăng, nhiều quốc gia lựa chọn giải pháp tăng cường mua vàng dự trữ.

Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 của thế giới (chỉ đứng sau Mỹ) là thế lực đang thực hiện chủ trương tăng cường mua vàng dự trữ với khối lượng lớn.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quan niệm mua vàng là một biện pháp chống lại lạm phát và đảm bảo an toàn tài chính trong bối cảnh các loại tiền tệ có xu hướng giảm giá.

Trung Quốc cũng mạnh mẽ khuyến khích người dân tích trữ vàng thông qua việc tăng  nhập khẩu từ nước ngoài để đẩy mạnh bán vàng miếng cho dân.

Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, Ngân hàng Công thương Trung Quốc vừa qua đã tăng cường bán vàng miếng cho người dân, trung bình mỗi tuần 5 tấn, thậm chí có tuần cao nhất tới 15 tấn. Chỉ riêng trong tháng một, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã bán được 7 tấn vàng – gần một nửa so với tổng 15 tấn được bán ra trong năm 2010.

Tại các trung tâm bán vàng nguyên liệu lớn nhất ở Thâm Quyến, nhiều nhà bán lẻ và nhà sản xuất đang đổ xô mua vàng thô. Doanh số của các cửa hàng tăng tới 20% một tháng.

Tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải, kể từ khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang, giao dịch vàng thô cũng tăng đến 30%.

Theo thống kê của Ngân hàng Thụy Sĩ (USS), trong 2 tháng đầu năm 2011, người Trung Quốc mua gần 50% sản lượng vàng của thế giới (bao gồm cả Việt Nam) trong thời gian này.

Các chuyên gia cho rằng do tình trạng chảy máu vàng với sức hút của “nước láng giềng khổng lồ”, kho vàng 1000 tấn trong dân của Việt Nam sẽ có nguy cơ bị suy giảm đáng kể…

Lời cảnh tỉnh cho giới kinh doanh vàng và toàn dân ta cần biết về  mưu chiến của các thế lực cạnh tranh không lành mạnh trên thương trường kinh tế quốc tế. Các cụ chúng ta  đã dặn "Giang sơn dễ cải bản tính nan di" điều này chúng ta cần phải thấm và  cảnh giác nhất là trên mặt trận kinh tế. Dân có giàu thì nước mới mạnh hãy giữ tài sản thực chất cho minh và quốc gia đừng vì món lợi nhỏ nhoi trước mắt mà đánh mất sự bình ổn lâu dài của chính chúng ta. 

S. H. – M. H.

Nguồn: Tamnhin.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn