Ba nhà văn: ba cái nhìn về hiện tình văn chương hải ngoại

Nguyễn Khoa Thái Anh

clip_image002Thứ Bảy tuần rồi, 8 tháng Năm, 2011, từ 3 đến 5 giờ chiều, nhóm American Leadership Forum cùng với sự hỗ trợ của một số tổ chức cộng đồng trình làng một buổi hội thảo và ra mắt sách ở thư viện Martin Luther King Jr. thuộc thành phố San José (và Đại học San José State), quy tụ trên 60 khán thính giả yêu văn chương nghệ thuật đến nghe 3 tác giả Việt gốc Mỹ: Andrew Lâm, Isabelle Thúy Pelaud, và Angie Châu nói chuyện về tác phẩm của họ.

 

Tuy cả ba (3) cùng học và tốt nghiệp tại University of California at Berkeley (trường đại học đầu tiên trong hệ thống U.C. của bang California, sáng lập năm 1868) và đều là những nhà văn, nhà báo (Andrew Lâm), viết tiếng Anh, tác phẩm của họ thuộc các thể loại khác nhau. Andrew Lâm chuyên về những bài tham luận và tùy bút, Angie Châu là một văn sĩ mà tác phẩm đầu tay là một tuyển tập truyện ngắn; Isabelle Thúy Pelaud, giáo sư dạy Ethnic và Vietnamese American Studies tại Đại học San Francisco State, tác phẩm đầu tay là một sách nghiên cứu về quá trình và lưỡng tính Việt-Mỹ trong văn chương Anh do các tác giả Việt gốc Mỹ sáng tác.

Isabelle Thúy Pelaud, một nhà văn giáo sư, một con người kết tinh của một nền tảng đa văn hóa, bố Pháp mẹ Việt, thấm nhuần tinh hoa của văn hóa Pháp và ý tưởng dân chủ phóng khoáng của Mỹ nhưng lại mang một đức tính dịu hiền của phụ nữ Việt Nam. Tuy vậy cô có những chí hướng trung trinh, kiên trì với lý tưởng tranh đấu cho tiếng nói thấp cổ bé miệng của những người di dân như nguồn gốc Việt Nam của cô, và đấy chính là ý nguyện và mục tiêu của cô trong phân khoa Ethnic Studies, nơi cô đã chủ xướng chương trình học người Việt gốc Mỹ/Vietnamese American Studies ở Đại học San Francisco State. Qua Mỹ năm 19 tuổi sau khi đã học hết chương trình trung học ở Pháp, cô và mẹ qua Mỹ đoàn tụ với các bà dì và phải phải chật vật tìm kế sinh nhai, nên một thời gian cô đã là thợ móng tay trong khi theo học ở Los Angeles. Sau đó chuyển lên đại học U.C. Berkekey, nơi tôi được cơ may gặp cô khi dạy Việt ngữ ở đây.

Quyển This is All I Choose to Tell: History and Hybridity in Vietnamese American Literature (“Tôi chỉ muốn nói bấy nhiêu thôi: Quá trình và Lưỡng tính trong văn chương Việt Mỹ”) là thành quả nghiên cứu 10 năm của cô, trong lúc vừa học chương trình Tiến sĩ vừa nuôi con trai, vừa tham gia các sinh hoạt của Hội Mực và Máu/Ink and Blood, quy tụ những cây bút trẻ như Nguyễn Thanh Việt (hiện là giáo sư Anh văn và Ethnic Studies ở University of Southern California/USC), Nguyễn Quí Đức, Andrew Lâm, Trần Đệ, Isabelle Pelaud, tôi, Thùy Linh Nguyễn, v.v.. Từ những lý tưởng và hoài bão của nhóm Mực và Máu/Ink and Blood mong đem lại tiếng nói và tạo một nhịp cầu giữa những văn nghệ sĩ Việt trong và ngoài nước đã được cô Isabelle Thúy Pelaud tiếp tục duy trì, tuy mục tiêu có phần khác hơn, DVAN (Diasporic Vietnamese Artists Network) ra đời do cô chủ xướng với sự hợp tác của giáo sư Nguyễn Thanh Việt và Julie Thy Underhill. DVAN là kết cấu của các thành viên thuộc thế hệ trẻ 1.5,  giỏi tiếng Anh, xa rời với cuộc chiến Quốc-Cộng, ít quan tâm đến chuyện thực tại Việt Nam. DVAN cũng thành lập một blog lấy tên là Diacritics.org

Trong nỗ lực dày công nghiên cứu những tư tưởng và truyền thống chống đối Hoa Kỳ của các di dân da màu trong Asian American Studies – mà khoa Việt-Mỹ học là một bộ phận mới, Isabelle Thúy Pelaud đã rập khuôn nền tảng phản động đó với chủ đề tang thương, lạc lõng, bị đồng minh Mỹ bỏ rơi, không hội nhập được với cuộc sống mới của người Việt hải ngoại. Do cách lập luận như trên đã khiến cho giáo sư Đỗ Hiền thuộc Đại học San José State đặt câu hỏi: Thế nào là những va chạm đau thương (trauma/chấn thương tâm lý) trong môn Asian American Studies? Vì khi ông theo học đại học thì môn Asian-American Studies này chưa ra đời và còn nằm trong khoa Xã hội học/Sociology.

Trong Quá trình và Lưỡng tính trong văn chương Việt Mỹ, giáo sư Pelaud so sánh và phân tích sâu đậm một số những tác phẩm Anh ngữ như Catfish and Mandala của Andrew Phạm, Monkey Bridge của Lan Cao (con gái của tướng Cao văn Viên, VNCH) Fake House của Đinh Linh và cả những bài thơ không giai điệu, không giai cú, không chấm phẩy trong Dust and Conscience của nhà thơ Tân-hình-thức Trần Trường. Những tác giả Việt gốc Mỹ, tâm tư và suy tư của họ, kể cả những nhận định sắc bén của Isabelle Pelaud về họ, chưa hẳn đã là những biểu tượng, đại diện trung thực cho lớp trẻ Việt-Mỹ, chưa nói đến cộng đồng Việt hải ngoại. Trái lại, tuy tiên đoán được sự giới hạn này trong lời mở đầu, cách áp dụng khoa lưỡng tính (hybridity) qua trải nghiệm văn chương di tản tang thương, cái khó của tác giả cũng như của các cây bút Việt Mỹ trẻ viết bằng Anh ngữ vẫn là chuyện không nắm bắt, không đại diện được cho nhịp sống của Việt Nam hay cộng đồng hải ngoại. Trong ý tưởng này anh Andrew Lâm đã đề nghi thành lập một quỹ tài trợ/foundation cho những cây viết tiếng Việt để họ góp phần xây dựng tiếng nói trong khoa học Việt-Mỹ.

Giáo sư Pelaud mượn định nghĩa của Lisa Lowe trong quyển sách khai phá về sự di dân của Á châu ở Mỹ: Immigrant Acts “Sắc luật về Di Dân" có thể hiểu qua nghĩa bóng: "Hành xử với Di Dân" để đi đến kết luận của mình, cô viết: những kinh nghiệm và căn cước được hun đúc bởi sự đô hộ của thực dân, chiến tranh, di cư, và kỳ thị chủng tộc đã giúp cho tôi phác họa được trải nghiệm của người Mỹ gốc Việt, những người đã sống qua sự tàn bạo của Hoa Kỳ và Việt Nam bằng cách tìm cho chính họ những phương thức sống: (a) vừa chống trả, (b) vừa chấp nhận thực tại mà không bị những phê phán sẵn có của tôi (tác giả), buộc phải loại bỏ một trong hai điều kiện đó (trang 49). Theo thiển ý, sách của giáo sư Thúy Pelaud là một nghiên cứu nghiêm túc đầu tiên, một sự khởi thủy cho những hội luận và khảo cứu sâu rộng hơn không bị giới hạn trong một cuộc hội thảo ngắn gọn như vậy.

Andrew Lâm (tên Việt là Lâm Quang Dũng, con trai của trung tướng Lâm Quang Thi, bác ruột của anh là nhạc sĩ Tô Hải, người viết Nhật ký Tôi là Một Thằng Hèn) là một nhà báo kỳ cựu của cộng đồng dòng chính Hoa kỳ, đồng sáng lập viên và tổng biên tập của New America Media (NAM), một hiệp hội thông tin văn nghệ báo chí toàn quốc đầu tiên, quy tụ trên 3.000 cơ sở báo chí của dân Mỹ da màu/thiểu số, liên kết với các quốc gia gốc của họ cũng như các phân khoa báo chí ở các đại học Mỹ. Mục tiêu của NAM là đưa tiếng nói của những thành phần thấp cổ bé miệng lên tâm thức của dòng chính qua các phương tiện truyền thông đa phần, giúp họ tự tạo cho mình một chỗ đứng trong ngành thông tin.

Nhân ngày Mother's Day anh đọc cho thính giả nghe một bài hồi ký nói về bà ngoại của anh. Một kỷ niệm của thân thương và khó quên về một người quá vãng, một nhân vật điển hình của xã hội Việt xưa cũ nay không còn nữa mà anh hằng yêu mến.

Khi có câu hỏi trong khán giả rằng các nhà văn có được sự hậu thuẫn và ủng hộ của cha mẹ họ không, thì khác với cô Angie Châu và cả cô Isablle Thúy Pelaud, Andrew Lâm cho biết sau khi tốt nghiệp 4 năm  đại học trong ngành Bio-Chem, một bước dự bị để vào trường y-khoa nhưng trái với ý muốn của cha mẹ, anh lại chuyển qua ngành văn chương mang lại cho họ những thất vọng ê chề. Nhưng vì yêu nghề và kiên trì với lý tưởng nên anh đã thành công ngoài sức tưởng tượng, làm ba mẹ cũng ngạc nhiên và thán phục “tuy không nói ra”. Anh đã đạt được nhiều giải văn chương và báo chí. Năm 2004 được cử về Việt Nam cùng với một tốp phóng viên tùy tùng của truyền hình Mỹ làm phóng sự My Journey Home. Anh đã viết hai tác phẩm: Perfume Dreams, một tuyển tập truyện ngắn và nhiều bài tham luận (cũng đã được anh phát biểu trên NPR/National Public Radio/Đài Phát thanh Toàn quốc Hoa Kỳ) và East Eats West, cũng là tuyển tập gồm những bài tùy bút của anh nói lên sự lớn mạnh của văn hóa Á châu, sự hoán chuyển trong tiến trình toàn cầu hóa thay vì từ Mỹ sang các nước châu Á thì ngược lại Á châu bắt đầu xâm nhập Hoa kỳ từ phim ảnh cho đến ẩm thực.

Quyển East Eats West cũng là những suy tư và tâm tình của nhà văn Andrew Lâm gởi gấm đến cho độc giả những cái nhìn rất gần gũi với anh và gia đình xuyên qua những thăng trầm của một cuộc đổi đời, không hẳn chỉ là những chuyện buồn bã, cay đắng hay mất mát, nhưng là những sự giao tiếp, hội nhập giữa Đông và Tây, Mỹ và Việt. Trong đó, Andrew Lâm, một người đã chọn một hướng đi khác biệt, bất chấp những quan điểm áp đặt của xã hội (thí dụ như, người Việt giỏi toán, theo học kỹ sư, nhu nhược) đã thành công nhiều trên sự nghiệp văn chương, cũng không quên kể lại cho ta những thoáng giao hưởng  của những bạn bè ở Việt Nam, của kinh tế thị trường trong thời tư bản qua định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo tôi lời tâm tình của anh với một bạn trẻ Iraq qua hình thức một lá thư Letter to a Young Iraqi Refugee to America, (East Eats West pp. 129-133) mà anh gặp trên mạng internet (xin tạm dịch một đoạn ngắn):

“Xin đừng nhượng bước cho nỗi thất vọng tràn trề. Đừng để cho cay đắng và tủi nhục làm chủ lấy mình, cũng chẳng nên để cho oán hận hay đau thương tràn ngập tâm hồn. Sự tuyệt vọng sản sinh ra hận thù, và lòng hận thù làm méo mó nhân dạng của bạn, biến nó thành chính những hình ảnh mà những người căm ghét bạn đang có, những ý nghĩ nghĩ xấu xa tồi tệ nhất về bạn mà họ giữ trong lòng. Hãy giữ cho con tim của bạn được thanh thản, xa lánh những hận thù và tuyệt vọng.” (East Eats West, trang 130).

Có phải là một lời tâm niệm cho chính một số người trong chúng ta?

Angie Châu là một nhà văn trẻ chưa đầy 40, tinh anh và thâm thúy, nhất là độc giả có thể phát hiện được nét tinh túy và tinh nghịch qua quyển Quiet As They Come (không thể dịch là “Họ đến trong im lặng” hay bất cứ một hình thức nào giống như vậy vì as they come là một thành ngữ, một cách diễn đạt trong Anh văn muốn nói "không thể nào hơn được trong số những người như thế", như trong câu: He's as crazy as they come “Trong số những người điên nhộn, không ai có thể điên hơn hắn”; còn trong trường hợp này, phải hiểu là “Trong số những người yên lặng/trầm tĩnh, không ai có thể yên lặng/trầm tĩnh hơn”). Đây là tựa đề của một truyện ngắn nói về cha của nhân vật chính, ông cũng là một giáo sư triết học ở Việt Nam, làm việc trong Bưu điện Mỹ như một nhân viên quèn, được đồng nghiệp phê cho một câu: He is as quiet as they come chính là một lời khen, nhưng cũng hàm ý sự chịu đựng những nỗi đau cho thân phận (lên voi) xuống chó của mình.

Hôm thứ Bảy, với một giọng đọc vui vẻ và trẻ trung, cô Angie Châu đọc cho thính giả nghe truyện ngắn Silver Girl (không hiểu có phải lấy trong bài Bridge Over Troubled Water của Paul Simon trong ban Simon Garfunkel  không: Sail on Siver Girl sail on by, your time has come to shine, all your dreams are in your way…) nhưng trong truyện này nữ nhân vật chính Elle, có lẽ là hiện thân của chính tác giả, nhân ngày Lễ Quốc Khánh ngày 4 tháng 7, đi chơi đêm trên đồi với gia đình bạn Mỹ trong một buổi tối mùa Hè trời đầy trăng sao, ngồi trên đồi cao Twin Towers của San Francisco nhìn xuống thành phố xem pháo bông, như có cảm tưởng mình có thể bay vào khoảng không gian trong đen đó, trong khi nhạc trong xe lại trỗi lên giọng hát của Aretha Franklin. Qua truyện này cũng như 11 truyện ngắn khác trong tác phẩm của cô, độc giả có thể cảm nhận được cái khôn ngoan biết suy tư của một cô bé lớn-trước-tuổi (precocious) sống trong một xã hội Mỹ thích hợp với sự trưởng thành đến tuổi và thành nhân (the coming of age) của các cô gái Việt. Nhân đã gặp nói chuyện, phỏng vấn và viết về tác giả tôi xin ghi lại đây một phần bài điểm sách của mình:

clip_image004

Nghĩ cũng lạ, một số các anh chị nhà văn trẻ Mỹ gốc Việt – cho rằng mình đã hội đủ kinh nghiệm sống chung và cọ xát với cuộc sống Mỹ, vượt qua được những kinh nghiệm và hội chứng Việt Nam – cùng với ngòi bút trưởng thành – vội đeo đuổi những đề tài không dính dáng đến Việt Nam. Trong khi đó nhiều độc giả trong dòng chính ở Hoa kỳ vẫn tìm đọc sách với chủ đề Việt Nam, bằng chứng là gần đây một tác giả nữ viết về chuyện di cư của một gia đình thuyền nhân Việt Nam, đã làm xôn xao văn đàn Mỹ với cuốn sách đầu tay của cô, xuất bản và xuất hiện trong các tiệm sách vào tháng Tám, 2010.

Phải thú thật, tuyển tập truyện ngắn của Angie Châu Quiet As They Come “Lặng Lẽ Đến Thế Thôi”, xin tạm dịch là “Một Cuộc Đổi Đời” đã không có trong danh sách những quyển cần đọc của tôi trong tháng Chín, nhưng vì cốt truyện quá hấp dẫn và thôi thúc nên một khi tình cờ tìm đến nó, tôi đã đọc một hơi, chấm dứt nó trước những cuốn khác mà mình đang đọc dở.

Đây là một cuốn sách dài 195 trang, không ngán ngẩm như các tác phẩm có chiều dày của các trường thiên tiểu thuyết, nhưng nó được sắp xếp – theo lời tác giả – như “những truyện ngắn có liên hệ với nhau” đọc gần giống như một tiểu thuyết. Mười một truyện ngắn cấu kết thành một cốt truyện lớn về 13 diễn viên, được diễn đạt qua quan điểm của 4 nhân vật chính, ở ngôi thứ nhất hoặc thứ ba. Cốt chuyện nói về một cuộc đổi đời của một đại gia đình tị nạn người Việt nhập cư ở San Francisco trong những năm đầu của thập niên 80. Sự triển khai về cá tính và vai trò của các nhân vật chính tiếp tục phác họa thêm về chủ đề của cốt chuyện: thảm họa, mất mát, hy sinh và sự hội nhập.

Xuyên qua một bố cục chặt chẽ cùng cách dàn dựng tuyệt vời và tinh xảo, cô Angie Châu với cách tả chân tài tình và sâu sắc, đôi khi nói lên những thảm trạng trong những mảnh đời lên voi xuống chó, đôi khi đối diện với thực tại một cách phũ phàng không nhân nhượng – đây là những câu chuyện thương tâm và kỳ thú về cuộc sống di dân ở Mỹ. Tác giả mượn cái nhìn bén nhạy của cô bé Elle (tên Việt là Trần Thảo), một nhân vật chính trong gia đình, lấy giọng nói trung thực và chân thành của cô làm điểm tựa cho quan điểm của mình.

Diễn biến của cốt truyện được củng cố bởi sự cảm nhận riêng tư và cái nhìn sỏi đời của Elle, đưa đẩy cô (em và em họ mình) vào cuộc sống mới, từ một đứa bé gái ấu thơ cho đến một thiếu nữ dậy thì, giúp độc giả bước sang một ngã rẽ rộn rã, tươi mát hơn so với những cuộc đổi đời buồn thảm, những mảnh đời trầm kha của người lớn. Bệnh tính tâm lý lệch lạc hoặc những cố gắng khắc phục nghịch cảnh của cha mẹ, dì dượng so với cuộc sống thiếu niên với nhứng khám phá về bản sắc và tình cảm Mỹ mới hẳn đã giúp độc giả tìm lại cân bằng. Sợ rằng người đọc nghĩ rằng Quiet As They Come chỉ là một tập truyện thích ứng với các nghiên cứu về dân tộc tính hay văn học Á châu xuyên-quốc-gia, tôi xin khẳng định tập sách còn phong phú hơn thế nữa: cái nhìn rất tinh tường cũng như sự mô tả của tác giả về thành phố, cuộc sống của cư dân San Francisco có thể được coi như những ghi nhận trung thực về sử quan trong một xã hội, tỉ dụ như một nếp sống Mỹ trong Silver Girl, và đời học sinh trong They Were Dangerous.

N. K. T. A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn