Kỳ vọng gì ở Thượng đỉnh ASEAN 18?

Việt Hà

ASEAN-INDONESIAN-SUMMIT  

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 18 khai diễn tại Jakarta hôm 7-5-2011. AFP PHOTO/Sonny Tumbelaka

 

Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 18 khai mạc tại Jarkata, Indonesia vào thứ 7 tuần này và sẽ kết thúc vào chủ nhật.

Hội nghị lần này diễn ra giữa lúc đang có những tranh chấp và bàn cãi giữa các nước thành viên liên quan đến lãnh thổ và nguồn lợi chung.

Việt Hà phỏng vấn ông Earnest Bower, Cố vấn cao cấp đồng thời là Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Washington DC.

Từ Jarkata, ông Bower nói về những chủ đề chính được bàn thảo trong thượng đỉnh lần này như sau:

“Sẽ có một số các vấn đề nóng hổi được bàn thảo trong thượng đỉnh lần này, đó là tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, liệu ASEAN có thể mang lại ngưng bắn, hòa bình.

Ngoài ra ASEAN cũng phải bàn thảo vấn đề về lãnh đạo khối, cụ thể là việc Miến Điện có thể sẽ nắm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN.

ASEAN sẽ phải tính đến việc đưa ra những điều kiện xác định liệu một nước có thể làm Chủ tịch khối được không.

Các lãnh đạo ASEAN cũng phải cập nhật về việc hội nhập khối trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, và xã hội”.

Xung đột Thái Lan - Campuchia

Việt Hà: Theo ông, liệu thượng đỉnh ASEAN lần này có thể mang lại một giải pháp nào hữu hiệu cho tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia hay không? Liệu ASEAN có thể gây sức ép lên hai nước trong vấn đề này?

Earnest Bower:  Tôi nghĩ là thượng đỉnh có ý nghĩa trong việc giải quyết tranh chấp này vì họ đề cập vấn đề này với các nước có liên quan.

clip_image002

Ông Earnest Bower. File photo

Tuy nhiên theo tôi thì điều quan trọng là các nước Thái Lan và Campuchia phải giải quyết vấn đề chính trị nội bộ trước, bởi vì một mình ASEAN [khó] có thể giải quyết được vấn đề.

Tranh chấp này là có từ lâu và tôi không nghĩ là ASEAN có thể giải quyết được, nhưng việc Thái Lan và Campuchia để ASEAN bàn thảo vấn đề này thì cũng có ích.

Các nước đã đạt được một bước tiến quan trọng trong việc đưa vấn đề ra bàn thảo ở mức thượng đỉnh ASEAN. Hai nước có thể đưa ra quan điểm và lợi ích của mình, còn Indonesia thì là một Chủ tịch mạnh và luôn sẵn sàng giúp hòa giải qua việc gửi người quan sát đến biên giới hai nước.

Cho nên chúng ta nhìn thấy một ASEAN mới trong việc tăng thêm giá trị vào việc tham gia giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên.

Tôi nghĩ sẽ chủ yếu chỉ là vấn đề ngoại giao. Tôi không nghĩ là ASEAN sẽ dùng biện pháp chế tài nào đối với các nước thành viên.

Miến Điện làm Chủ tịch ASEAN?

Việt Hà: Ông có nghĩ là thượng đỉnh ASEAN lần này sẽ quyết định trao quyền Chủ tịch cho Miến Điện vào năm 2014 không và nếu có thì liệu điều này có ảnh hưởng thế nào đến ASEAN?

Earnest Bower:  Tôi nghĩ rất có thể vì ASEAN muốn đi theo công thức chung từ trước tới nay của mình dù họ có nhận thấy đây là một thách thức lớn.

Sau Indonesia, các nước tiếp theo làm Chủ tịch là các nước nhỏ và không có nhiều nguồn lực như Lào, Campuchia, Brunei hay Miến Điện.

Và người ta đang lo ngại không hiểu liệu các nước này có khả năng duy trì được momentum cho ASEAN và ngoài ra ASEAN cũng đóng vai trò kiến trúc quan trọng trong thượng đỉnh Đông Á (EAS).

Thực tế mà nói Miến Điện là Chủ tịch thì sẽ là một thách thức rất lớn cho ASEAN, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến ASEAN liên quan đến việc hội nhập về chính trị, xã hội, vấn đề điều hành và nhân quyền.

Tôi nghĩ là các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ phải đối mặt với khó khăn trong cuối tuần này để quyết định việc có đưa ghế Chủ tịch cho Miến Điện vào năm 2014 hay không.

Điều mà họ có thể làm là lập ra các điều kiện mà các nước cần đáp ứng để có thể thành Chủ tịch, và có thể bao gồm khả năng làm Chủ tịch và đưa ra các điều kiện yêu cầu Miến Điện thay đổi trước thời hạn 2014.

Việt Hà: Liệu thượng đỉnh lần này có bàn thảo vấn đề đập Xayaburi trên dòng sông Mekong không thưa ông?

Earnest Bower: Tôi không biết là liệu vấn đề này có được bàn thảo hay không, nhưng rõ ràng đây là vấn đề nóng giữa một số nước thành viên ASEAN, có thể vấn đề này sẽ được đưa ra nhưng tôi không chắc nó nằm trong chương trình nghị sự.

Đây là vấn đề quan trọng của diễn đàn Mekong, và là vấn đề mà không sớm thì muộn ASEAN phải giải quyết khi khối trưởng thành hơn về mặt chính trị,

Hồ sơ Biển Đông

Việt Hà: Còn vấn đề về biển Đông thì sao? Mới đây Philippine đã gửi thư lên Liên Hiệp Quốc phản đối Trung quốc đòi chủ quyền trên một số đảo mà Philippine cho rằng thuộc chủ quyền của mình?

Earnest Bower: Tôi nghĩ vấn đề này có thể sẽ được bàn thảo, nó đã được đưa ra trong cuộc họp chuẩn bị của các quan chức. Như chúng ta biết là Trung Quốc đang gây sức ép để đưa vấn đề này ra ngoài vòng nghị sự không chỉ ở thượng đỉnh ASEAN mà cả thượng đỉnh Đông Á.

Tôi nghĩ các lãnh đạo ASEAN rất quan ngại về vấn đề này và thái độ của Trung Quốc đối với chủ quyền trên Biển Đông.

Theo tôi vẫn đề này sẽ được bàn thảo trong các cuộc gặp không chính thức giữa các nhà lãnh đạo các nước.

Indonesia và các nước đang tìm cách để đề cập đến vấn đề an ninh trên biển mà không đề cập trực tiếp đến vấn đề Biển Đông khi họ gặp lại nhau vào hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào cuối năm nay.

Việt Hà: Vậy theo ông bản tuyên bố chung cuối thượng đỉnh sẽ nói đến những vấn đề gì?

Earnest Bower: Trong tuyên bố chung theo tôi họ sẽ cập nhật về việc hội nhập khối về mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Tuyên bố cũng sẽ nói đến sự chuẩn bị cho thượng đỉnh Đông Á và trọng tâm của ASEAN là thương mại và kiến thiết an ninh.

Tôi nghĩ tuyên bố cũng sẽ nói đến vấn đề tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, và quyền Chủ tịch của Miến Điện vào năm 2014.

Việt Hà: Thành công của thượng đỉnh lần này có ý nghĩa thế nào đối với Indonesia?

Earnest Bower: Sự thành công của hội nghị trong việc đề cập và giải quyết vấn đề là rất quan trọng đối với Indonesia vì họ là nước Chủ tịch ASEAN. Tôi nghĩ nhiều nước ASEAN coi Indonesia là một nước trung lập, là một nền kinh tế lớn nhất khối.

Theo tôi, Indonesia đang cố gắng bước lên về mặt ngoại giao và trong việc tổ chức thượng đỉnh lần này. Họ có thể sẽ tuyên bố hội nghị thành công.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này!

V. H.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn