Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 23

Ngọc Thu dịch

CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)

Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Hùng

19-06-1968

Mô tả: Chu Ân Lai bàn về vai trò của Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc cách mạng Campuchia.

Chu Ân Lai: Tôi muốn nói rằng, tôi không biết làm thế nào những người Cộng sản Khmer giải quyết mâu thuẫn giai cấp giữa họ và các lực lượng phản động tại Campuchia. Đảng Cộng sản Khmer tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang tại khu vực giáp biên giới với Việt Nam. Chính quyền Khmer đàn áp họ và cũng không muốn cung cấp gạo cho các lực lượng cách mạng Việt Nam đi qua ngả Campuchia. Vì vậy, các đồng chí Việt Nam phải đối mặt với khó khăn.

Người ta nói rằng vũ khí mà Trung Quốc gửi cho các đồng chí Việt Nam đã có lần rơi vào tay Cộng sản Khmer và Sihanouk không hài lòng về điều này. Chuyện đó có thực sự xảy ra, hay những người cộng sản Khmer đã tịch thu vũ khí của Trung Quốc mà lực lượng vũ trang của chính phủ Khmer đã sở hữu?

Các ông có gặp những người cộng sản Khmer khi các ông đi ngang qua Campuchia? Đồng chí Sơn Ngọc Minh (2) không có bất kỳ mối liên lạc nào với các đồng chí của ông ấy ở trong nước Campuchia phải không? Chúng tôi không muốn Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia có bất kỳ mối quan hệ nào với Đảng Cộng sản Khmer vì vấn đề này quá phức tạp.

Gần đây, đại sứ quán của chúng tôi ở Campuchia báo cáo, Đảng Cộng sản Khmer phàn nàn rằng các đồng chí Việt Nam không cung cấp vũ khí cho họ khi cơ hội đấu tranh vũ trang chín muồi. Sẽ tốt nếu thời cơ đến. Nhưng nếu thời cơ chưa tới và một cuộc đấu tranh vũ trang bắt đầu bằng cách nào đó, thì sẽ không tốt.

Chúng tôi đã nói với đồng chí Phạm Văn Đồng và sau đó với Hồ Chủ tịch rằng, chúng tôi không có các mối quan hệ trực tiếp với các đồng chí Khmer. Sẽ dễ dàng hơn nếu các đồng chí Việt Nam có thể trực tiếp trao đổi ý kiến ​​với họ. Đồng chí Phạm Văn Đồng nói rằng, chúng ta không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Đảng Cộng sản Khmer. Tuy nhiên, tôi nghe họ phàn nàn rằng các đồng chí Việt Nam có thái độ Sô-vanh, không muốn giúp đỡ, thảo luận với họ, hoặc cung cấp vũ khí cho họ. Vấn đề này rất phức tạp. Ngay cả khi các ông có vũ khí, vẫn khó để cung cấp cho họ. Có phải là do các cán bộ Việt Nam ở cấp thấp hơn? Họ có thái độ không thích hợp trong việc đối phó với các đồng chí Khmer, nên gây hiểu lầm? Có lẽ các ông nên dạy cho quân lính Việt Nam đi ngang qua Campuchia cần chú ý nhiều hơn về vấn đề quan hệ với Đảng Cộng sản Khmer.

Dĩ nhiên không phải tất cả các quân lính liên quan đến các mối liên hệ này. Nhưng các ông nên để cho các viên chức phụ trách các vấn đề chính trị ở vài cấp biết về vấn đề này và yêu cầu họ thể hiện thái độ bình đẳng, và giải thích rõ chính sách của Đảng [CS] Việt Nam. Các ông nên làm cho họ hiểu được toàn bộ bối cảnh, nhận thức được nhiệm vụ lớn hơn là đánh bại Mỹ. Đánh bại Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng Campuchia. Tóm lại, các ông nên làm cho họ hiểu được cách tiếp cận quốc tế và hiểu rằng một nước không thể chống lại nhiều kẻ thù cùng một lúc.

Tôi đề nghị các ông báo cho Hồ Chủ tịch và BCH Trung ương, và xin phép [họ] thông báo cho một số cán bộ phụ trách chính trị của vấn đề này để tránh gặp rắc rối. Chúng tôi phải đối mặt với một tình huống mà người dân Campuchia có thể xin vũ khí khi quân Việt Nam hành quân qua Campuchia. Các ông sẽ cung cấp vũ khí cho họ? Nếu các ông cung cấp, Sihanouk sẽ không hài lòng. Nếu các ông không cung cấp, những người làm cách mạng ở Campuchia sẽ nghĩ gì?

Vấn đề thật là phức tạp. Các đồng chí Campuchia muốn phát triển đấu tranh vũ trang. Sihanouk sẽ đàn áp họ, và các ông không thể đi qua Campuchia. Và nếu Sihanouk đàn áp những người Cộng sản Campuchia, Trung Quốc không thể cung cấp vũ khí cho Campuchia.

Nếu toàn bộ Đông Dương tham gia các nỗ lực để đẩy Mỹ ra khỏi Việt Nam, lúc đó cách mạng Lào và Campuchia sẽ thành công, mặc dù không nhanh như mong đợi. Cán bộ của chúng tôi tại Đại sứ quán [Trung Quốc] ở Campuchia không có chức vụ cao, chúng tôi không muốn họ liên lạc với những người Cộng sản Campuchia. Vì vậy, tôi đề nghị các ông nên xem xét tình hình và nếu phù hợp, các ông nên mời các đồng chí Campuchia đến Tây Ninh hoặc Tây Nguyên [cao nguyên trung phần] để thảo luận cách tham gia chống lại người Mỹ trước, và sau đó chống lại các lực lượng phản động ở Campuchia. Các ông cũng nên xem, liệu điều này có lợi hơn hoặc sẽ tốt hơn nếu mỗi bên tiến hành cuộc đấu tranh theo cách riêng của mình.

Tôi nghe từ đồng chí Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Khmer hiện tại tốt nghiệp tại Pháp và và thường đến Hà Nội.

Ghi chú:

1. Phái đoàn Việt Nam gồm có Phạm Hùng, Ba Long, Ngô Minh Loan, và Trần Văn Quang.

Phạm Hùng (1912-1988), ủy viên bộ chính trị Đảng Lao Động Việt Nam từ năm 1957, từ năm 1967 chỉ huy cuộc chiến ở miền Nam, là Bí thư Trung ương Cục miền Nam (COSVN) và là Chính ủy Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (PLAF). Phó Thủ tướng từ năm 1976 và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam từ tháng 6 năm 1987 cho đến khi chết vào năm 1988.

Ba Long: bí danh Lê Trọng Tấn, Lê Trọng Đê (Để, Đề?) được huấn luyện quân sự ở Trung Quốc và Liên Xô, và là chỉ huy sư đoàn QĐND Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương. Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân năm 1954-1960, Phó Tham mưu trưởng 1961-62. Vào miền Nam phục vụ với chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam 1964-1969 và đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong các chiến dịch miền Trung, miền Nam Việt Nam và Lào 1970-1975, đáng chú ý nhất là chức Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh hồi tháng 4 năm 1975. Ba Long kế nhiệm Văn Tiến Dũng làm Tham mưu trưởng QĐND VN, sau này trở thành Bộ trưởng 1978-1980.

Trần Văn Quang: bí danh Trần Thúc Kinh (1917-), cựu chiến binh cuộc cách mạng năm 1945 ở phía Bắc Trung phần Việt Nam, ủy viên BCH TW Đảng Lao Động VN 1960-1976. Phó Tổng Tham mưu QĐND VN năm 1959-1961, đóng một vai trò quan trọng ở Trung ương Cục miền Nam trong nửa đầu thập niên 1960. Sau giữ các chức vụ quan trọng ở miền Trung Việt Nam trong khi là ủy viên Quân ủy Trung ương ở Hà Nội. Trở lại làm Phó Tổng tham mưu trưởng năm 1974-1977, và chỉ huy các lực lượng Việt Nam ở Lào năm 1978-1981. Năm 1992 được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

2. Sơn Ngọc Minh: lãnh đạo Cộng sản Campuchia, nhiều năm sống lưu vong ở Hà Nội. Ông đã mất liên lạc với đảng ở Campuchia khi Pol Pot lên cầm quyền Đảng Cộng sản Campuchia thời gian từ năm 1960-1963.

Nguồn: Wilsoncenter.org

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn