Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 24

CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)

Ngọc Thu dịch

Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Trần Nghị và Xuân Thủy

07-05-1968 (*)

Mô tả: Chu Ân Lai dựa vào sự khác biệt giữa chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, là cách cho thấy tầm quan trọng của chiến thuật đàm phán mạnh mẽ ở Việt Nam. Ông ta cũng yêu cầu Xuân Thủy giữ các cuộc đàm phán bí mật với Liên Xô.

Chu Ân Lai: Tình hình đàm phán về vấn đề Triều Tiên khác với tình hình của các ông. Lúc đó, [vấn đề Triều Tiên] liên quan đến một nửa Triều Tiên, nhưng tình hình mà các ông đang phải đối mặt hiện nay liên quan đến sự thống nhất Việt Nam. Phân nửa Việt Nam là vấn đề [chúng ta đã đối mặt] mười bốn năm trước đây. Khi đồng chí Mao Trạch Đông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần cuối (2) ông ấy nói rằng có thể việc ký Hiệp định Geneva [1954] của chúng tôi là một sai lầm.

Sau khi chúng tôi ký hiệp định, nhiều người lính miền Nam Việt Nam rút về miền Bắc. Hoa Kỳ từ chối ký vào hiệp định. Nếu chúng tôi cũng từ chối ký hiệp định, chúng tôi có lý do để làm như vậy. Nhưng Hồ Chủ tịch nói rằng có quyền lợi liên quan đến việc [ký hiệp định]. Làm như thế, sau thời kỳ khó khăn, thời kỳ Ngô Đình Diệm bắt bớ, giam giữ, và đàn áp, gây ra cái chết của hơn 200.000 người dân miền Nam Việt Nam, với kinh nghiệm đau thương này, đã đánh thức để làm cuộc cách mạng, dẫn với tình hình hiện nay. Do đó, tình hình các cuộc đàm phán Triều Tiên khá giống với tình hình quanh Hội nghị Geneva năm 1954. Các cuộc đàm phán Triều Tiên được tiến hành trên chiến trường.

Cuộc chiến kéo dài gần ba năm và các cuộc đàm phán kéo dài hai năm. Nhưng khi vấn đề Triều Tiên đã được thảo luận tại Hội nghị Geneva năm 1954, chiến tranh đã chấm dứt, và lúc đó rất khó để giải quyết vấn đề thông qua đàm phán. Bất cứ điều gì chúng tôi nói, họ sẽ không đồng ý. Do đó, các cuộc đàm phán Triều Tiên chỉ dẫn đến đình chiến, và không có thoả thuận chính trị nào khác đạt được. Về vấn đề rút quân [nước ngoài] khỏi Triều Tiên, họ đã từ chối thảo luận. Chúng tôi đã rút quân [khỏi Triều Tiên] năm 1958, nhưng họ không chịu rút quân của họ. Tình huống mà các ông đang đối mặt lần này thì khác.

Các ông đang đàm phán với Mỹ từng bước một. Điều này có thể tốt. Bước một bước và các ông có thể quan sát bước kế tiếp. Nhưng vấn đề cơ bản là, điều mà các ông không thể có được trên chiến trường, cho dù các ông có cố gắng thế nào đi nữa, các ông sẽ không nhận được tại bàn đàm phán. Điện Biên Phủ dựng lên vĩ tuyến 17, do đó Hội nghị Geneva có thể đạt được thỏa thuận.

Có lẽ đồng chí Phạm Văn Đồng đã truyền đạt thái độ của chúng tôi sau khi trở về Việt Nam. Ý kiến ​​của chúng tôi là, các ông đồng ý [thương lượng] quá nhanh và quá vội vàng, có thể gây cho người Mỹ một ấn tượng rằng các ông sẵn sàng thương lượng. Đồng chí Mao Trạch Đông đã nói với đồng chí Phạm Văn Đồng rằng, có thể chấp nhận đàm phán, nhưng [trước tiên] các ông phải duy trì một lập trường trên cao. Thứ hai, những người Mỹ, những nước lệ thuộc, và những tên bù nhìn có một lực lượng quân sự hơn 1.000.000, và trước khi họ bị gãy xương sống, hoặc trước khi năm, sáu ngón tay của họ bị gãy, họ sẽ không chấp nhận thất bại, và họ sẽ không rời bỏ.

...

Trần Nghị: Các ông không cần phải thông báo cho Liên Xô về tiến triển trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ bởi vì họ có thể thông báo cho Hoa Kỳ.

Chu Ân Lai: Các ông không cần phải thông báo cho họ điều mà các ông dự định làm vì có những trường hợp những người xét lại công bố bí mật quân sự và ngoại giao. Các ông nên thật thận trọng.

Ghi chú:

1. Xuân Thủy (1912-1985), lúc đầu là một nhà báo và là quan chức cấp cao cửa các tổ chức mặt trận cộng sản trong chiến tranh Đông Dương. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao năm 1962-1965, bộ trưởng nội các và là người đứng đầu phái đoàn Bắc Việt trong các cuộc đàm phán bốn bên tại Paris 1968-1973.

2. Không rõ lúc nào, nhưng có thể vào mùa Đông - Xuân năm 1968, khi ông Hồ được báo cáo đã ở Bắc Kinh để chữa bệnh. Chúng tôi cám ơn ông William Duiker giúp làm rõ điểm này.

(*) Một tài liệu khác ghi cuộc thảo luận này bắt đầu lúc 9:45 tối ngày 7 tháng 5 năm 1968, tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh.

Nguồn: Wilsoncenter.org

------

Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh

07-02-1968

Mô tả: Chu Ân Lai đề nghị Việt Nam tổ chức các quân đoàn bổ sung để thực hiện các công tác hoạt động ở các căn cứ xa nhà.

Chu Ân Lai: Từ khi chiến tranh Việt Nam đã đạt đến giai đoạn hiện tại (1), [các đồng chí Việt Nam] có thể xem xét việc tổ chức một, hai, hoặc ba quân đoàn được hay không? Mỗi quân đoàn gồm 30.000-40.000 binh sĩ, và mỗi hoạt động chiến đấu phải nhằm mục đích loại bỏ 4,000-5,000 quân địch trong toàn đơn vị. Các quân đoàn này có thể thực hiện các nhiệm vụ hoạt động ở xa căn cứ của họ, và có thể tham gia vào các hoạt động trong khu vực chiến tranh này, hoặc khu vực khác.

Khi họ tấn công các lực lượng đối phương riêng lẽ, họ có thể làm theo chiến lược tiếp cận kẻ thù bằng các đường hầm dưới lòng đất. Họ cũng có thể theo chiến lược chiến đấu ban đêm và chiến đấu tầm ngắn, để máy bay ném bom của địch và pháo binh sẽ không được ở vị trí quan trọng. Trong khi đó, các ông có thể xây dựng các đường hầm ở dưới lòng đất, khác với các đường hầm đơn giản dưới lòng đất, ba hoặc bốn hướng [xung quanh kẻ thù], và sử dụng chúng để chuyển quân và vận chuyển đạn dược. Các ông cũng cần để dành một số đơn vị để đối phó với quân tiếp viện của địch.

Ghi chú

1. Cuộc đàm thoại này được tổ chức trong bối cảnh trận chiến Khe Sanh, bắt đầu ngày 21 tháng 1, và cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, bắt đầu vào ngày 31 tháng 1.

Nguồn: Wilsoncenter.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn